Vật dụng tiếp viên giấu sau lưng mà chỉ người trong ngành mới biết

Vật dụng tiếp viên giấu sau lưng mà chỉ người trong ngành mới biết

Tiếp viên hàng không thường khoanh tay sau lưng khi chào khách ở cửa lên, thực tế, họ đang cầm một thiết bị đếm số người.

Vì sao tiếp viên hàng không thường khoanh tay sau lưng khi chào khách?

Tiếp viên hàng không là một công việc nặng nhọc với nhiều nhiệm vụ phải đảm nhận cùng một lúc. Họ phải luôn tỏ ra chuyên nghiệp và thân thiện với tất cả các hành khách. Sẽ hiếm khi bạn nhìn thấy họ cười đùa hay có những động tác thừa khi đang đứng trước mặt khách. Tất cả đều rất chỉn chu và đúng mực.

Vào đầu chuyến bay, họ luôn là người được lên tàu bay trước tiên, sắp xếp hành lý của mình, kiểm tra lại các thông số, các thiết bị thoát hiểm tại mỗi ghế ngồi, chuẩn bị đồ ăn… Trong khi một số người được bố trí đứng dọc theo lối đi để hướng dẫn khách tìm chỗ ngồi hoặc xếp vali lên khoang phía trên thì luôn có ít nhất một tiếp viên đứng ở cửa máy bay để cúi chào hành khách. Đặc biệt, họ thường khoanh tay sau lưng. Động tác này thể hiện sự tôn trọng, lịch sự đối với người đối diện. Nhưng ngoài ra, nó còn ẩn chứa một bí mật mà chỉ người trong ngành mới biết.

Vật dụng bí ẩn tiếp viên hàng không giấu sau lưng khi chào khách

Thực tế, họ cầm theo một thiết bị đặc biệt, chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay. Mỗi khi hành khách đi ngang qua, tiếp viên nhấp một lần, thiết bị sẽ nhảy số, từ đó thống kế được chính xác số người lên máy bay. Nhiều người cho rằng, việc đếm số lượng khách là không cần thiết bởi trước khi lên máy bay, đã có nhiều công đoạn kiểm tra bằng máy tính từ lúc check in tới lúc boarding rất chính xác. Tuy nhiên, việc kiểm tra số lượng một lần nữa phòng trừ trường hợp có hành khách vào phút cuối gặp sự cố, không lên máy bay.

Thay vì đếm bằng mắt thường rất dễ sai sót, khi sử dụng thiết bị này, tiếp viên có thể kiểm tra số lượng đầu vào một cách nhanh chóng. Thiết bị này rất nhỏ gọn, tiện dụng, cho ra số liệu chính xác. Hiện nay, không phải hãng hàng không nào cũng sử dụng thiết bị đếm này nhưng nó vẫn rất phổ biến trong ngành hàng không thế giới.

Vật dụng bí ẩn tiếp viên hàng không giấu sau lưng khi chào khách - 1

Theo Lifebuzz
Video: Brightside

Hành khách kể cách xử trí khi bị trẻ con đá ghế trên máy bay

Hành khách kể cách xử trí khi bị trẻ con đá ghế trên máy bay

Bị trẻ con ngồi sau đá vào lưng ghế là một trong những điều khiến hành khách đi máy bay khó chịu nhất và không bao giờ muốn gặp phải.

Trang Quora đã trở nên sôi động sau khi một người dùng vào đặt câu hỏi: “Bạn đã bao giờ phải chịu cảnh bị trẻ con ngồi phía sau đạp liên tục vào lưng ghế khi ngồi máy bay?”.

Hành khách kể cách xử trí khi bị trẻ con đá ghế trên máy bay

Trẻ con thường hay đá chân lên ghế ngồi của người ngồi trước, điều này khiến không ít hành khách cảm thấy khó chịu và không thoải mái trong suốt chuyến bay. Ảnh: TravnikovStudio.

Câu hỏi nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi từ những người bức xúc về vấn đề này. Một người dùng có tên là Kev Partridge cho biết trong một chuyến bay, anh được xếp ngồi trước một đứa trẻ hiếu động. Cậu nhóc đã liên tục đấm vào màn hình tivi được gắn phía sau lưng ghế của Kev. Điều đó khiến nam hành khách cảm thấy khó chịu, nhất là trong suốt một chuyến bay dài từ châu Á đến châu Âu.

Do vậy, anh đã nghĩ ra một mẹo nhỏ. Anh giơ cao cốc nước (nhưng không có quá nhiều nước) lên phía trên đầu mình. Khi cậu nhóc tiếp tục đập vào ghế phía trước, Kev giả vờ giật mình và hất cốc nước về phía sau rồi quay xuống nói: “Xin lỗi nhé, chú hay bị giật mình khi đang bay lắm”. Cậu nhóc bị ướt một chút do cốc nước đổ vào, nhưng ngồi im suốt chặng bay sau đó.

Trẻ con thường hiếu động và tỏ ra buồn chán khi phải ngồi quá lâu trên máy bay. Ảnh: Romrodphoto.

Trẻ con thường hiếu động và tỏ ra buồn chán khi phải ngồi quá lâu trên máy bay. Ảnh: Romrodphoto.

Carmen Blakestad cũng kể lại câu chuyện mà vợ chồng mình từng trải qua. “Một cậu nhóc ngồi sau lưng chồng tôi và đá vào ghế liên tục. Chồng tôi cao hơn 1m9, nên anh ấy đã rất không thoải mái khi ngồi trên ghế máy bay rồi. Khi bị người ngồi sau liên tục đá vào ghế, chồng tôi rất bực. Điều khiến anh ấy khó chịu nữa là mẹ đứa trẻ ngồi đó, biết hành động của con mình nhưng không ngăn cản”.

Chồng Carmen đợi đến khi người mẹ đi vệ sinh, liền quay ngay xuống nói với đứa trẻ bằng giọng nhẹ nhàng, nhưng gương mặt rất nghiêm túc: “Nếu còn đá vào ghế chú một lần nữa, chú sẽ xử lý cháu đấy”. Câu nói đùa dọa trẻ con của chồng Carmen có tác dụng ngay lập tức. Khách nhí tỏ ra sợ hãi và ngồi im suốt chặng đường.

Với Dariuz Scharsig, sau khi chờ đợi nhưng vẫn không thấy cha mẹ đứa trẻ ngồi sau ngăn con không đá vào ghế trước mình, anh đã quay xuống nói: “Này, đây là chuyến bay đầu tiên của cháu phải không? Chú cũng rất lo lắng vì vậy, chú sẽ nhắm mắt và cố thư giãn. Nhưng nếu cháu cứ đá vào ghế của chú thì chú sẽ rất khó để thư giãn đấy”.

Dariuz cho biết biện pháp này của anh chủ yếu tập trung vào nhắc nhở cha mẹ đứa trẻ. Chắc chắn họ sẽ xấu hổ và không để con mình tiếp tục đá ghế nữa.

Brad Chisholm thì giải quyết vấn đề theo phong cách “đại gia” hơn: “Tôi đưa thêm cho anh chàng ngồi trước mình 50 USD để anh ta đổi chỗ cho tôi”.

Elizabeth O’Shea, admin trang web Parent 4 Success, cho biết bạn nên đối phó với tình huống này bằng cách lại gần đứa trẻ và nói nhẹ nhàng với chúng, hơn là dọa nạt.

Theo Anh Minh, vnexpress.net

Lý do đồ ăn ở sân bay luôn đắt gấp 4-5 lần

Lý do đồ ăn ở sân bay luôn đắt gấp 4-5 lần

Một chai nước ở bên ngoài có giá 4.000 đồng, nhưng tại sân bay bạn phải mua với giá 20.000 đồng.

Trang Quora, một trong những trang hỏi đáp đông độc giả nhất thế giới, đã đưa ra câu hỏi: “Vì sao mọi thứ ở sân bay đều rất đắt”. Câu hỏi nhận được nhiều người tham gia trả lời. Một số trang tin và doanh nhân uy tín cũng đưa ra lý giải cho chuyện này.

Hành khách không có cơ hội được mặc cả giá tại sân bay, và họ hoặc chấp nhận mua đồ ăn giá cao, hoặc nhịn đói. Ảnh: Flytalker.

Hành khách không có cơ hội được mặc cả giá tại sân bay và họ phải chấp nhận mua đồ ăn giá cao hoặc nhịn đói. Ảnh: Flyertalk.

Tờ Wall Street Journal chỉ ra rằng, số lượng sản phẩm vận chuyển đến sân bay phải trải qua nhiều lần kiểm tra khắt khe. Chi phí thuê quầy hàng ở đây tốn kém hơn nhiều lần so với ngoài thị trường. Ngoài thuê mặt bằng, các nhà kinh doanh phải trả thêm tiền cho bãi đậu xe và kiểm tra an ninh. Mọi thứ sẽ bị tính vào sản phẩm và khách hàng sẽ phải mua với giá đắt là điều đương nhiên.

Bên cạnh đó, các cửa hàng ở đây không có nhiều, đồng nghĩa là những hộ kinh doanh ít đối thủ cạnh tranh. Do đó, họ có thể bán với giá cao vì hành khách cũng không có nhiều lựa chọn, và việc ra một khu vực khác để mua đồ giá rẻ hơn cũng là bất khả thi, vì sân bay thường đặt ở những vùng ngoại ô vắng vẻ.

Một số món đồ như nước đóng chai thường không được phép đưa qua cửa kiểm soát an ninh. Bởi vậy, khi vào trong khu vực xuất – nhập cảnh hay chuẩn bị lên máy bay, bạn phải chịu khát hoặc chấp nhận mua nước với giá đắt gấp 4-5 lần.

Trong khi đó, Chintan Jain, cựu CEO của Tata group (một trong những tập đoàn lớn nhất Ấn Độ), cho rằng hai lý do chính khiến đồ ăn ở sân bay cao hơn thông thường. Thứ nhất, nhu cầu của hành khách lớn vì mỗi ngày các sân bay đều đón rất đông người đến và đi. Trong khi đó, nguồn cung lại ít, do không có nhiều nhà hàng ở sân bay.

Thứ hai là tâm lý muốn được ngang bằng với người khác của hành khách. Ngày nay, tài chính của nhiều người đã cao hơn trước. Do vậy, họ sẽ nảy sinh cảm giác: tại sao người ta có thể mua đồ ăn ở sân bay mà mình phải mang đồ ở nhà theo để tiết kiệm? Điều đó khiến hành khách cảm thấy mình thua kém người khác. Bởi vậy, họ sẽ tới ăn tại các quầy hàng ở sân bay để thể hiện mình không thua kém người khác.

Theo nhiều hành khách có kinh nghiệm, cách tốt nhất để không bị tốn quá nhiều tại sân bay là bạn nên… ăn no trước ở nhà.

Theo Anh Minh, vnexpress.net

Các mức phạt dành cho hành khách đánh tiếp viên trên thế giới

Các mức phạt dành cho hành khách đánh tiếp viên trên thế giới

Tại Mỹ, tội gây rối và đánh tiếp viên hàng không hoặc các hành khách trên chuyến bay có thể ngồi tù đến 20 năm và phạt 250.000 USD.

Dưới đây là một số trường hợp hành khách bị phạt nặng khi gây náo loạn, đánh tiếp viên hàng không.

Đánh vào vai tiếp viên

Đầu tháng 9/2017, James August bay từ New Jersey tới Hawaii (Mỹ) để du lịch cùng gia đình và sử dụng dịch vụ của hãng Hawaiian Airlines. Do say rượu, người này đã gây rối trên máy bay. Khi bị tiếp viên hàng không nhắc nhở, anh ta đã đánh vào vai một tiếp viên, theo báo cáo từ FBI.

Việc hành khách say xỉn, gây gổ với tiếp viên hàng không trên các chuyến bay không còn là chuyện hiếm trên thế giới. Ảnh: Globalnews.

Việc hành khách say xỉn, gây gổ với tiếp viên hàng không trên các chuyến bay không còn là chuyện hiếm trên thế giới. Ảnh: Globalnews.

Tháng 2/2018, tòa án buộc James phải nộp phạt gần 100.000 USD vì hành vi của mình. Anh ta cũng phải đối mặt với mức án 3 tháng quản chế, theo Honolulu Star-Advertiser.

Tát tiếp viên

Sự việc xảy ra trên chuyến bay của hãng Cebu Pacific từ Manila tới Davao (Philippines) vào năm 2016. Phi hành đoàn đã yêu cầu một nữ hành khách cất hành lý lên khoang để đồ phía trên chỗ ngồi. Khi máy bay hạ cánh, nữ hành khách đã gọi một tiếp viên lại và tát cô vì lý do: không giúp khách lấy đồ từ trên cao xuống. Nữ tiếp viên sau đó đã đăng hình ảnh bị tát lên mạng, với một vết đỏ đậm trên vùng mặt và cổ, theo CNN.

Theo luật pháp Philippines, hành khách này phải đối mặt với mức án cao nhất vì hành hung tiếp viên là 3 năm tù, nộp phạt 10.000 USD.

Hình ảnh tiếp viên bị tát sau khi đăng lên mạng đã nhận được nhiều sự cảm thông của dư luận. Nhiều người chỉ trích nữ hành khách vì hành vi thô lỗ trên. Ảnh: Stuff.

Hình ảnh tiếp viên bị tát sau khi đăng lên mạng đã nhận được nhiều sự cảm thông của dư luận. Nhiều người chỉ trích nữ hành khách vì hành vi thô lỗ trên. Ảnh: Stuff.

Chửi mắng tiếp viên

Sự việc xảy ra vào năm 2015 trong chuyến bay từ Ai Cập tới Anh. Ibrar Zade, 25 tuổi đến từ Birmingham bị tòa án kết tội sỉ nhục hai tiếp viên hàng không và phạt 1.400 bảng (gần 42 triệu đồng).

Theo Mirror, Zade đã yêu cầu thực đơn theo đạo Hồi. Tuy nhiên, phần thức ăn này hết nên tiếp viên đã lên xin lỗi nam du khách và yêu cầu phục vụ một bữa ăn khác. Zade không chấp nhận và lên tiếng chửi bới, đe dọa tiếp viên.

Trên chuyến bay, Zade liên tục đòi hỏi bữa ăn có chế độ dành cho người theo đạo Hồi và dù tiếp viên đã xin lỗi vì không có đồ ăn, người này vẫn tiếp tục mắng chửi họ. Ảnh: Mirror.

Trên chuyến bay, Zade liên tục đòi hỏi bữa ăn có chế độ dành cho người theo đạo Hồi và dù tiếp viên đã xin lỗi, người này vẫn tiếp tục mắng chửi họ. Ảnh: Mirror.

Công tố viên Liz Rider ở Birmingham cho biết hành động của Zade là vô trách nhiệm, gây khó khăn cho các tiếp viên và khiến những hành khách ngồi cạnh khó chịu.

Tạt nước sôi vào tiếp viên

Tháng 12/2014, nhóm 4 du khách Trung Quốc tạt mì, nước sôi vào một tiếp viên hàng không Thái Lan và đe dọa đánh bom máy bay. Lý do là họ muốn ngồi cạnh nhau nhưng không được đổi chỗ. Sự việc xảy ra khi máy bay chuẩn bị cất cánh từ Bangkok (Thái Lan) tới Nam Kinh (Trung Quốc). Cơ trưởng buộc phải cho máy bay quay đầu để đưa 4 khách du lịch Trung Quốc xuống.

Những hành khách này đã phải bồi thường 50.000 baht (hơn 35 triệu đồng) cho nữ tiếp viên. Riêng người phụ nữ hắt nước nóng và mì vào tiếp viên phải nộp phạt thêm 200 baht (gần 150.000 đồng).

Giới chức Trung Quốc cho biết những hành khách này bị đưa vào danh sách đen – nơi ghi lại tên tuổi của công dân có hành vi xấu khi đi du lịch. Những người này còn phải đối mặt với các hình phạt như phạt tiền, hạn chế cho xuất cảnh đi du lịch…

Theo Anh Minh, vnexpress.net

Hãng bay của Mỹ thu hẹp toilet nhỏ như khoang chứa đồ

Hãng bay của Mỹ thu hẹp toilet nhỏ như khoang chứa đồ

Khu vệ sinh trên máy bay của Mỹ nhỏ lại khiến hành khách rửa tay khó khăn và không thể đứng thẳng người.

Hãng hàng không American Airlines ước tính việc tăng chỗ ngồi trên các máy bay sẽ giúp họ kiếm thêm 684 triệu USD mỗi năm. Để có thể xếp thêm nhiều ghế, họ bắt đầu thu nhỏ diện tích phòng vệ sinh trên những chiếc Boeing 737 mới của mình, News đưa tin ngày 19/11.

Một hành khách đăng ảnh bị kẹt cứng trong toilet máy bay. Ảnh: News.

Một hành khách đăng ảnh bị kẹt cứng trong toilet máy bay. Ảnh: News.

Các nhà vệ sinh mới sẽ có chiều rộng là 62 cm, thay vì 87 cm như trước đây. Nhờ thế, hãng bay có thể xếp chỗ thêm cho 12 hành khách.

Tuy nhiên, các hành khách và tiếp viên không hề vui chút nào trước tình huống trên. Vì diện tích toilet bị thu hẹp nên không ít hành khách rất vất vả khi sử dụng. Nhiều người bắt đầu gửi các khiếu nại, phàn nàn về điều này.

Do diện tích nhỏ nên bồn rửa tay cũng nhỏ hơn, khiến mọi người vất vả trong việc rửa tay để tránh cho nước không bị văng tung tóe xuống nền. Nhiều hành khách mỉa mai rằng, bồn rửa tay nhỏ đến mức họ khó có thể rửa cùng lúc hai bàn tay.

Nhà vệ sinh càng nhỏ, các hãng hàng không càng có thêm diện tích để đặt ghế máy bay. Ảnh: News.

Nhà vệ sinh càng nhỏ, các hãng hàng không càng có thêm diện tích để đặt ghế máy bay. Ảnh: News.

Barry Brandes là một ca sĩ đã giải nghệ sống ở New York, Mỹ và từng sử dụng dịch vụ của hãng này vài lần. Anh cho biết, với chiều cao 1,93 m của mình, nếu không để ý chắc chắn anh sẽ húc đầu vào cửa nhà vệ sinh. “Tôi không thể chịu nổi. Tôi thậm chí không thể đứng thẳng người khi vào đó, vì vậy tôi phải nghiêng người mới có thể bước vừa qua cửa”, Barry nói trên New York Times.

Không chỉ những người cao như Barry, các hành khách có chiều cao bình thường cũng gặp khó khăn. Eddie Santos, cao 1,73 m, từng bay từ Los Angeles tới Washington D.C. Anh cho biết phải xoay vai, vặn người mới có thể vào được bên trong nhà vệ sinh. Điều đó khiến anh không hề thoải mái.

Zach Honig, biên tập viên cho trang web du lịch ThePointsGuy, đăng hình ảnh của mình đứng bên trong nhà vệ sinh kiểu mới và để lại bình luận: “Vui ghê, thứ nhỏ bé này là cái gì đây? Khoang đựng hành lý xách tay thiết kế theo chiều dọc sao?”. Trong chuyến bay từ Houston tới Orlando (Mỹ), Honig cho biết không chỉ anh mà rất nhiều khách khác cũng ngạc nhiên khi dùng nhà vệ sinh.

Zach Honig so sánh nhà vệ sinh nhỏ và hẹp như khoang chứa hành lý. Ảnh: News.

Zach Honig so sánh nhà vệ sinh nhỏ và hẹp như khoang chứa hành lý. Ảnh: News.

Shane Staples, phát ngôn viên của Hiệp hội Tiếp viên Hàng không tại American Airlines, nói: “Chúng tôi tin rằng phòng vệ sinh quá nhỏ là một trong những nguyên nhân khiến hành khách dễ tức giận hơn”.

Các tiếp viên hàng không cũng không hài lòng với thay đổi này. Không gian chung của máy bay chật chội đến mức nếu hai nhà vệ sinh cùng mở cửa, họ sẽ bị mắc kẹt ở giữa vì không có đủ khoảng trống để bước đi. Cơ trưởng Jimmy Walton cho biết dùng phòng vệ sinh mới trên máy bay thực sự là một “trải nghiệm khốn khổ nhất”.

Tuy vậy, đại diện hãng bay khẳng định, trên thế giới không chỉ riêng họ thiết kế nhà vệ sinh nhỏ. Nhiều hãng hàng không khác cũng đang đi theo con đường này và khẳng định kích thước nhà vệ sinh hoàn toàn đúng “tiêu chuẩn công nghiệp”.

Theo Anh Minh, vnexpress.net

Hành khách phàn nàn bị tiếp viên ngó lơ do nói xấu hãng bay

Nam du khách Đức cho biết đã trải qua chuyến bay tồi tệ kéo dài 13 tiếng, anh không được phục vụ nước, đồ ăn không ngon và tivi hỏng.

Josh Cahill, bloger du lịch người Đức, sử dụng dịch vụ của hãng Malaysia Airlines để bay từ Kuala Lumpur đến London. Trên Instagram, nam du khách gọi đó là “chuyến bay đáng thất vọng nhất trong năm”, News đưa tin ngày 21/11.
Josh đăng hình ảnh suất ăn trên máy bay của mình lên mạng. Ngoài ra, anh cũng đăng một video dài 20 phút để đưa ra các nhận xét về hãng hàng không mình vừa đi. Ảnh: News.

Josh đăng hình ảnh suất ăn trên máy bay của mình lên mạng. Ngoài ra, anh cũng đăng một video dài 20 phút để đưa ra các nhận xét về hãng hàng không mình vừa đi. Ảnh: News.

Anh kể đồ ăn được bày trên một cái khay dính và bẩn thỉu, còn màn hình tivi gắn ở chỗ ngồi để hành khách xem phim, nghe nhạc giải trí bị hỏng. Khi Josh thông báo với tiếp viên về việc thiết bị hỏng, họ chỉ tiếp nhận ý kiến chứ không có động thái khắc phục. “Tôi phải ngồi trên một chuyến bay kéo dài 13 tiếng, không có trò giải trí. Chỗ ngồi của tôi có lẽ là chỗ tệ nhất trên cái máy bay đó”.

Khi anh đăng những lời phàn nàn đó lên mạng giữa chuyến bay, người của hãng đã đọc được và liên lạc với cơ trưởng. Phi hành đoàn đã hỏi Josh về lý do đăng những lời bình luận. Theo Josh, từ đó, họ hoàn toàn phớt lờ anh: Không phục vụ nước và yêu cầu anh ngừng quay phim mọi hoạt động trên máy bay.

Trả lời phỏng vấn trên News, Josh cho biết một phần công việc của anh là review dịch vụ của các hãng hàng không. Ngoài ra, trước đó anh cũng được hãng Malaysia Airlines cho phép quay video trên chuyến bay, do vậy hành động của anh không hề sai.

Josh cũng liên lạc ngay với trung tâm dịch vụ khách hàng của hãng hàng không. Họ gửi lời hồi đáp và nói rằng, việc thông báo với cơ trưởng và phi hành đoàn về những phàn nàn của Josh là để họ phục vụ anh tốt hơn. Tuy nhiên, theo nam du khách, mọi chuyện vẫn tệ.

Sau khi xuống sân bay Heathrow (Anh), quản lý hãng hàng không đã gặp anh và gửi lời xin lỗi. Josh cũng nhận được một số mail xin lỗi nhưng anh cho biết, đó chỉ là những bức thư mẫu, và người viết không hề thành tâm. “Lần trước, tôi đã có một chuyến bay tuyệt vời với hãng này, nhưng lần này thì không. Và tôi sẽ không bao giờ sử dụng dịch vụ của hãng nữa”.

Nhiều người đã bày tỏ sự cảm thông với nam du khách vì trải qua một chuyến bay tồi tệ. Bên cạnh đó, số khác cho rằng trường hợp mà anh gặp phải chỉ là cá biệt vì họ từng có những kỷ niệm rất tốt với hãng bay của Malaysia này.

Josh là một trong những blogger du lịch nổi tiếng trên mạng. Anh có hơn 20.000 người theo dõi trên Instagram và 55.000 người trên kênh Youtube. Ngoài ra, anh cũng là người điều hành blog du lịch Go Travel Your Way. Mỗi năm, Josh có khoảng 150 chuyến bay.

Nguồn: vnexpress.net

Ông Trịnh Văn Quyết: ‘Bamboo Airways sẽ cất cánh vào 29/12’

Hãng bay của Tập đoàn FLC có thể bắt đầu bán vé từ cuối tháng này.

Tại một sự kiện chiều 15/11, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, Bamboo Airways sẽ giữ đúng kế hoạch cất cánh trong quý IV năm nay, dự kiến thực hiện chuyến bay đầu tiên vào 29/12.

Theo ông Quyết, các chặng bay đầu tiên của Bamboo Airways có thể là Hà Nội – Quy Nhơn, TP HCM  – Quy Nhơn, Hà Nội – TP HCM… Bên cạnh việc đưa khách tới các khu nghỉ dưỡng, tập đoàn cũng mong muốn góp phần giảm tải áp lực tắc nghẽn hàng không trong dịp Tết Dương lịch và Âm lịch.

Mẫu vé dự kiến của Bamboo Airways.

Mẫu vé dự kiến của Bamboo Airways.

Trong khi đó, ông Đặng Tất Thắng – Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, hãng cơ bản đã hoàn tất các công đoạn chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên. Những máy bay được Bamboo Airways thuê, trong đó có chiếc chưa qua sử dụng dự kiến về Việt Nam vào 15/12. “Bamboo Airways có thể mở bán vé trước khi cất cánh một tháng”, ông Thắng cho hay.

Đầu tuần này, hãng bay của FLC vừa được Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không. Theo đó, đối tượng vận chuyển của Bamboo Airways bao gồm hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu gửi; loại hình vận chuyển là thường lệ và không thường lệ.

Vốn điều lệ trên giấy phép bay là 700 tỷ đồng. Bamboo Airways hiện là hãng bay thứ 5 tại Việt Nam có giấy phép bay vận chuyển hành khách, bên cạnh Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO.

Tuy nhiên, sau khi nhận được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Bamboo Aiways vẫn cần có chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC – Aircraft Operator Certificate) và các thủ tục liên quan đến cấp phép bến bãi, bán vé… Hãng bay này có thể mất 30 – 45 ngày để hoàn thiện các thủ tục cuối cùng trước khi cất cánh.

Bamboo Airways được Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thành lập giữa năm ngoái, với vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Tháng 7/2018, FLC tuyên bố bỏ thêm 600 tỷ để tăng vốn điều lệ của hãng bay này lên 1.300 tỷ đồng. Với dự án này, FLC đặt mục tiêu đưa Bamboo Airways trở thành một trong những hãng bay hàng đầu Việt Nam.

Theo Anh Tú, vnexpress.net

Đồng phục tiếp viên hàng không Vietjet được vinh danh đẹp nhất châu Á

Đồng phục tiếp viên hàng không Vietjet được vinh danh đẹp nhất châu Á

Đồng phục tiếp viên Vietjet được vinh danh đẹp nhất châu Á. (Ảnh: Vietjet cung cấp)

Đồng phục tiếp viên của hãng hàng không Vietjet được vinh danh đẹp nhất châu Á tại lễ trao giải thường niên NOW Travel Asia Awards của tạp chí NOW Travel Asia tổ chức tại Thành phố Thành Đô (Trung Quốc). Kết quả được công bố dựa vào lượt bình chọn của độc giả và Ban giám khảo.

Đồng phục tiếp viên Vietjet được nhà thiết kế châu Âu thực hiện dựa trên ý tưởng đồng phục của thiếu sinh quân trong đội vệ quốc quân. Đối với tiếp viên nữ, áo thun đỏ cách điệu, thắt nơ trên cổ, quần soóc kèm theo mũ ca-lô kẻ sọc và các phụ kiện như cánh bay, huy hiệu, thắt lưng nâu và đôi giày búp bê đỏ xinh xắn tạo điểm nhấn cho trang phục.

Vào mùa đông, trang phục áo vest kết hợp quần soóc tạo nên sự trẻ trung, tươi mới. Đồng phục tiếp viên nam nhã nhặn, lịch sự nhưng không kém phần năng động với quần tây đen, giày tây và áo đỏ cách điệu.

Đồng phục tiếp viên Vietjet là sự kết hợp phá cách, dung hòa nét đẹp truyền thống pha lẫn hiện đại, thoát ra khỏi khuôn khổ, giới hạn về mặt trang phục; đồng thời toát lên được sự độc đáo, mới lạ và đặc biệt luôn thể hiện tinh thần trẻ trung, sáng tạo, tràn đầy cảm hứng của Vietjet, chinh phục và kết nối bầu trời.

Năm ngoái, Vietjet cũng được vinh danh trong top 5 hãng hàng không có tiếp viên quyến rũ nhất bên cạnh Singapore Airlines, Air France và Emirates. Kết quả do trang web về phong cách sống và du lịch vivalifestyleandtravel.com của Canada bình chọn.

Kể từ năm 2012, giải thưởng thường niên NOW Travel Asia Awards đã vinh danh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch xuất sắc khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Năm nay, giải thưởng NOW Travel Asia Awards tiếp tục trao giải cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cao cấp như các khách sạn, khu nghỉ dưỡng… Không chỉ có số lượng người tham gia bầu chọn vượt xa kỳ vọng, tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của các đề cử, giải thưởng còn góp phần hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ trong ngành.

Hướng tới mô hình “Consumer Airline”, Vietjet không ngừng mở thêm các đường bay mới, bổ sung nhiều tàu bay, đầu tư công nghệ hiện đại, mang tới thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ gia tăng, hướng tới phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng.

Vietjet luôn tiên phong và được yêu mến bởi nhiều chương trình khuyến mại, giải trí thú vị, đặc biệt là mùa lễ hội. Với dịch vụ vượt trội, hạng vé đa dạng, giá vé hấp dẫn, Vietjet mang đến cho hành khách trải nghiệm bay trên tàu bay mới, ghế da êm ái, thức ăn nóng, tươi ngon, tiếp viên xinh đẹp, thân thiện và các dịch vụ tiện ích cộng thêm thú vị.

Hiện tại, Vietjet đang khai thác 60 tàu bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển hơn 65 triệu lượt hành khách, với 103 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Hongkong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia…

Nguồn: vietnamplus.vn

Hãng hàng không phải vay tạm tiền của hành khách để sửa máy bay

Sự việc hi hữu này xảy ra trên một chuyến bay của hãng hàng không Ba Lan. Khi đó, tiếp viên hàng không đã vay tạm tiền của hành khách trên chuyến để trả tiền sửa chữa, và trả lại họ khi máy bay hạ cánh.

Sự việc hi hữu xảy ra trên chiếc Boeing 787 Dreamliner của hãng hàng không Ba Lan Polish Airlines. Chuyến bay mang số hiệu LO92 chuẩn bị cất cánh từ sân bay quốc tế ở thủ đô Bắc Kinh, tới sân bay Warsaw Chopin hôm 12/11. Tuy nhiên, trước khi máy bay cất cánh, nhân viên kỹ thuật phát hiện thấy bơm thủy lực của máy bay bị hỏng.

Tiếp viên hàng không của hãng đã gọi thợ của hãng Boeing tới sửa. Người này yêu cầu cần trả tiền mặt. Do không mang theo tiền mặt cũng như thẻ tín dụng, tiếp viên của hãng đã “vay tạm” một khoản tiền từ 4 hành khách có mặt trên máy bay thời điểm đó.

Một chuyến bay của hãng hàng không Ba Lan Polish Airlines

Một chuyến bay của hãng hàng không Ba Lan Polish Airlines

“Họ vay tiền của 4 vị khách trên máy bay để trả tiền sửa chữa bơm thủy lực. Tổng số tiền là 360 USD. Sau đó, khoản tiền được trả lại cho khách ngay khi máy bay hạ cánh xuống Warsaw”, một hành khách cho biết.

Sự cố trên khiến chuyến bay hạ cánh chậm 9 tiếng so với dự kiến. Ngoài việc hoàn trả tiền, 4 vị khách hào phóng còn được hãng hàng không tặng vé bay miễn phí như một lời cảm ơn.

Nói về sự cố hi hữu này, phát ngôn viên của hãng hàng không đã đổ lỗi cho công ty đại diện đặt tại Bắc Kinh và nói rằng, lẽ ra “ông ta luôn phải mang theo tiền mặt và thẻ tín dụng, phòng trường hợp bất ngờ xảy ra”.

Trong lịch sử hàng không thế giới, một sự cố tương tự từng xảy ra vào tháng 8/2012. Khi đó, chuyến bay của hãng hàng không Pháp Air France đi từ sân bay quốc tế Paris Charles de Gaulle (CDG), Pháp, đến Sân bay Quốc tế Beirut-Rafic Hariri (BEY), Libăng, buộc phải chuyển hướng tới Cyprus, sau khi nhận được thông tin có cuộc biểu tình bạo lực nổ ra tại sân bay Beirut. Tuy nhiên, để tiếp nhiên liệu, phi công đã cho máy bay hạ cánh tại Damas, Syria. Do giao dịch bằng thẻ tín dụng không đảm bảo, đội ngũ phi hành đoàn đã kêu gọi hành khách lấy tiền mặt của mình để trả trước tiền nhiên liệu.

Theo Quốc Việt, dantri.com.vn

Hành khách bị chỉ trích vì tập yoga như diễn xiếc trên máy bay

Một số người ấn tượng với màn trình diễn, không ít ý kiến cho rằng hai hành khách này đang chiếm dụng không gian chung và muốn gây chú ý.

Nicholas Coolridge, đến từ Mỹ, gây “bão” trên mạng xã hội với video tập yoga cùng bạn gái trên máy bay, theo Express ngày 13/11. Nicholas từng tham gia chương trình truyền hình Chiến binh Ninja Mỹ 4 lần và tự gọi mình là “Tarzan thời hiện đại”. Anh và bạn gái Dana Arnold đều yêu vận động, thường xuyên luyện tập cùng nhau.

Video được chia sẻ lại trên Passenger Shaming, trang tổng hợp những hành động xấu xí của hành khách đi máy bay và thu hút gần 350.000 lượt xem. Tuy nhiên, hiện chưa xác định được hành trình của chuyến bay trong video.

Tuy nhiên bài tập yoga đôi của họ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi một số người ấn tượng với màn trình diễn, không ít ý kiến cho rằng hai hành khách này đang chiếm dụng không gian chung và muốn gây chú ý.

“Đây là máy bay hay rạp xiếc đấy? Làm ơn hãy ngồi yên tại chỗ”, một tài khoản bình luận. “Phi hành đoàn đâu? Sao họ không ngăn lại?”, người dùng @katlern chia sẻ.

“Lẽ ra họ chỉ nên duỗi chân tay tại chỗ. Nếu máy bay vào vùng nhiễu động, không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, tài khoản @cg9901 viết.

“Thật nực cười, tại sao các bạn phải tập yoga trên máy bay? Để thể hiện hay sao? Hãy làm thế khi máy bay hạ cánh tại nơi bạn cần tới”, theo một người khác.

Nguồn: vnexpress.net

Hành khách bị đuổi khỏi chuyến bay sắp cất cánh vì cảnh sát tịch thu phi cơ

Bão tố, đình công, lỗi hệ thống máy tính, và giờ đây đã có thêm một lý do khiến máy bay bị hoãn chuyến: phi cơ bị chính phủ tịch thu vì hãng hàng không nợ tiền.

Hành khách đi bộ ra máy bay của Ryanair /// Thụy Miên

 

Hành khách đi bộ ra máy bay của Ryanair

Tại Pháp, một máy bay Boeing 737 của Hãng hàng không giá rẻ Ryanair (Ireland) chuẩn bị cất cánh từ đường băng sân bay Bordeaux-Merignac đến thủ đô London của Anh hồi giữa tuần đã đột ngột bị chặn lại trước khi cảnh sát xuất hiện và ra lệnh cho toàn bộ 149 hành khách đang đi bộ đến máy bay quay lại cổng làm thủ tục.

“Nhân viên phi trường cho hay máy bay có vấn đề”, AP ngày 10.11 dẫn lời một hành khách tên Boris Hejblum cho hay.

Không có nhân viên nào của Ryanair có mặt vào thời điểm đó, và thông tin duy nhất mà hành khách nhận được là tin nhắn qua điện thoại thông báo chuyến bay bị hoãn và mỗi người nhận được phiếu ăn 5 euro (hơn 130.000 đồng). Sau 5 giờ chờ đợi, họ được sắp xếp lên chuyến bay khác.

Trên thực tế, máy bay của Ryanair bị chính phủ Pháp cầm cố vì hãng hàng không thiếu nợ một khoản tiền phạt đáng kể từ năm 2014.

Khi đó, EU yêu cầu hãng này đóng phạt khoản tiền bị cho là do chính phủ Ireland trợ giá sai quy định của khối.

Lần cuối cùng tòa gửi trát đòi tiền là từ tháng 5, nhưng sau 6 tháng Ryanair im hơi lặng tiếng, giới hữu trách cho rằng đã đến lúc phải thực hiện biện pháp mạnh.
Máy bay đã được trả lại vào hôm 9.11 sau khi Ryanair đóng khoản tiền 525.000 euro.

Nguồn: thanhnien.vn

Hành khách suýt đánh nhau với tiếp viên Indonesia vì mùi sầu riêng

Một chuyến bay khởi hành từ Jakarta (Indonesia) bị hoãn một tiếng để dỡ bỏ toàn bộ sầu riêng trong khoang hành lý, do khách phản đối dữ dội.

Sự việc xảy ra trên một chuyến bay nội địa của hãng hàng không Sriwijaya, hành trình từ Jakarta đến Benkulu thuộc đảo Sumatra (Indonesia). Máy bay mang theo khoảng 2 tấn sầu riêng, SCMP đưa tin ngày 6/11.

Mùi sầu riêng tỏa ra từ khoang hành lý khiến hàng trăm hành khách không thể chịu nổi. Amir Zidane, một nhân chứng có mặt trên máy bay, cho hay thứ mùi đó được miêu tả giống như mùi tất bẩn, hành tây thối hoặc nhựa thông.

Nhiều hành khách yêu cầu tiếp viên dời toàn bộ số sầu riêng cất ở khoang đựng hành lý xuống đất. Nhà báo Boyke Ledy Watra cho hay, có lúc hành khách và tiếp viên tranh cãi gay gắt, gần như lao vào đánh nhau.

Nhân viên sân bay đưa các bao sầu riêng xuống mặt đất, hành khách đi quanh đường băng để xem. Nhiều người đồng tình và ca ngợi sự quyết liệt của hành khách trên máy bay. Video: The Star TV.

Cuối cùng, trước sự quyết liệt của hành khách, phi hành đoàn buộc phải dỡ hàng chục bao sầu riêng từ khoang chứa đồ. Điều này khiến giờ khởi hành chậm hơn dự kiến một tiếng.

Trong video quay lại cảnh tháo dỡ sầu riêng, các nhân chứng cho rằng hãng này đã chở theo 3 tấn sầu riêng. Tuy nhiên Retri Maya, giám đốc truyền thông cấp cao của hãng, khẳng định chỉ có 2 tấn trái cây, một tấn là hành lý của khách.

Trên thực tế, nếu khoang hành lý chứa 3 tấn sầu riêng, khối lượng này vẫn không vượt quá sức chở của máy bay. Hãng bay Indonesia khẳng định việc mang theo sầu riêng lên máy bay là hoàn toàn bình thường, miễn chúng được đóng gói cẩn thận để không tỏa mùi.

Theo Anh Minh, vnexpress.net