Trúng tuyển tiếp viên hàng không khó hơn đậu Harvard

MỸ – 5,2% số sinh viên nộp đơn vào Havard được chấp nhận, con số đó ở Delta Air Lines là 1%.

Trên Glassdoor, trang web tìm việc có trụ sở tại bang California, Mỹ, hãng hàng không Delta Air Lines được đánh giá 4,3/5 sao nhờ những đặc quyền và lợi ích dành cho nhân viên, cũng như môi trường chuyên nghiệp, thân thiện.

Tuy nhiên, để được trở thành tiếp viên Delta lại không hề đơn giản, theo Danny Elkins, một tiếp viên làm việc ở hãng từ năm 1991. Anh bắt đầu công việc năm 22 tuổi, rời nhà ở North Carolina để đến New York sinh sống và bay vòng quanh thế giới. “Tôi cho rằng việc bạn được gọi đến trung tâm đào tạo tiếp viên hàng không của Delta (chỉ những người trúng tuyển mới được gọi) còn khó hơn vào Đại học Harvard”.

Một trong các yêu cầu của tiếp viên hãng là phải đeo đồng hồ. Việc có ngoại hình chỉn chu khi phục vụ khách hàng luôn được coi trọng. Ảnh: Delta News Hub

Ngoại hình chỉn chu là điều quan trọng khi phục vụ khách hàng. Ảnh: Delta News Hub

Theo Business Insider, Elkins không nói sai. Theo dữ liệu mà hãng bay công bố năm 2016, có khoảng 150.000 người nộp đơn thi tiếp viên, nhưng chỉ 1% trong số đó đỗ. Trong khi đó, số người trúng tuyển Harvard khoá 2021 là 5,2% trong tổng số hơn 39.500 thí sinh.

Trở thành tiếp viên của hãng khó đến mức nhiều ứng viên phải mất nhiều năm và làm đủ các công việc khác trước khi trúng tuyển. Một tân binh cho biết anh từng là kỹ sư tin học trước khi gia nhập hãng bay. Người khác cho biết bố mẹ cô đều là nhân viên của hãng, vì vậy ngay từ bé cô luôn mang trong mình mơ ước nối tiếp sự nghiệp của cha mẹ. Nhưng khi nộp đơn dự thi lần đầu năm 2012, cô đã trượt. Cô không nản chí, và tiếp tục chờ đợi cho đến 6 năm sau, khi biết tin hãng tuyển dụng lần nữa, cô lại nộp hồ sơ. May mắn thay, lần này, cô nằm trong danh sách được gọi đến trường huấn luyện.

Để trở thành một tiếp viên của hãng, ứng cử viên phải trải qua các cuộc phỏng vấn qua video, các bài hỏi đáp và gặp gỡ trực tiếp để đánh giá xem có phù hợp hay không. Elkins mô tả đây là một quá trình nghiêm ngặt, nhưng vô cùng thú vị. Nhờ đó, hãng chọn được những tiếp viên hàng không tuyệt vời. Khi vượt qua vòng phỏng vấn, tân binh tham gia khóa huấn luyện trong 8 tuần.

An toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu của phi hành đoàn. Do vậy trong 8 tuần đào tạo, học viên phải ghi nhớ mọi hướng dẫn an toàn bay do Cục Hàng không Liên bang đề ra. Mỗi loại máy bay có cấu hình cửa riêng, và tiếp viên phải nhớ hết mọi quy trình vận hành của chúng. Điều này đòi hỏi họ phải thực sự chăm chỉ học tập mới có thể nhớ hết. Các học viên có rất ít thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.

Trúng tuyển tiếp viên hàng không khó hơn đậu Harvard

Mọi người phải học bơi và trèo lên phao thoát hiểm. “Tôi không nghĩ việc trèo lên phao cứu sinh lại khó đến thế”, một học viên nói. Ảnh: Brian Cohen

“Học viên của chúng tôi ghi nhớ mọi thứ bằng cách lặp đi lặp lại. Trong trường hợp khẩn cấp, bạn không có thời gian để suy nghĩ – bạn phải phản ứng. Những tiếp viên từng trong tình huống đó nói với tôi rằng đó là sự thật. Khi gặp trường hợp khẩn cấp, họ chưa bao giờ nghĩ ngợi gì, mà chỉ phản ứng ngay”, Kaki, một giảng viên của hãng chia sẻ.

Các tiếp viên cũng được khuyến khích tiêm phòng các bệnh nhiệt đới trong quá trình đào tạo vì hãng bay đến khắp nơi trên thế giới, và cả những vùng có dịch. Họ cũng phải học các kỹ năng sơ cứu trong y tế như sử dụng máy sốc tim ngoài tự động, hô hấp nhân tạo cho người lớn, trẻ em, trẻ sơ sinh.

Các tiếp viên còn có thể sơ tán khách trong vòng 90 giây, khi 50% cửa thoát hiểm bị chặn. “Nếu có điều gì đó xảy ra trên trời, bạn là bác sĩ, là lính cứu hỏa, là cảnh sát… Chúng tôi phải chuẩn bị cho bất kỳ điều gì”, Cesar, một tiếp viên, cho hay.

Để tốt nghiệp và đi bay, các tiếp viên phải trải qua qua trình đào tạo phức tạp. Ảnh: Delta News Hub

Để tốt nghiệp và đi bay, các tiếp viên phải trải qua qua trình đào tạo phức tạp. Ảnh: Delta News Hub

Các tiếp viên được dạy rằng họ luôn có thể gọi cho người quản lý chuyến bay tại phòng điều hành để được giúp đỡ trên bất kỳ chuyến bay nào. Ban quản lý cũng có quy định nghiêm ngặt về trang phục, bởi tiếp viên chính là đại sứ hình ảnh của hãng. Tóc, giày dép, tất, móng tay… được kiểm tra tỉ mỉ, và tiếp viên phải chú trọng điều này trong suốt sự nghiệp của mình.

Vượt qua vòng phỏng vấn đã khó, tốt nghiệp khóa huấn luyện còn khó hơn. Để vượt qua kỳ thi, thí sinh phải đạt điểm trên 90% và mỗi người chỉ được phép thi lại một lần. Nếu không hoàn thành chính xác 90% bài thi, bạn bị mời về nhà. Sharyl, một tiếp viên của hãng, nói: “Biết là kỳ lạ khi nói như vậy, nhưng quá trình huẩn luyện khó hơn bất kỳ chương trình đại học hay điều gì khác tôi từng làm”.

Theo Skyteam, Delta Air Lines là hãng hàng không số một thế giới về sản phẩm, dịch vụ… với hơn 300 điểm đến tại 52 quốc gia. Trước Covid-19, hãng cất cánh trung bình 5.000 chuyến mỗi ngày. Giống như các hãng bay khác trên toàn thế giới, đơn vị này cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Trong quý hai, số lượng các chuyến bay của hãng bị cắt giảm 85%.

Nguồn: vnexpress.net