Bằng công nghệ sinh trắc học, sân bay này cho phép hành khách tự đăng nhập thông tin, gửi đồ và qua cửa lên máy bay hoàn toàn tự động.
Video: Atlanta Journal-Constitution
Du lịch cùng atadi.vn
Bằng công nghệ sinh trắc học, sân bay này cho phép hành khách tự đăng nhập thông tin, gửi đồ và qua cửa lên máy bay hoàn toàn tự động.
Video: Atlanta Journal-Constitution
Việt Nam là thị trường buộc phải có của Tony Fernandes. Người đàn ông đậm dáng, có vẻ ngoài dễ trộn lẫn với bất cứ một doanh nhân Ấn Độ nào nhấn mạnh: “Để trở thành hãng hàng không Đông Nam Á đích thực, nhất định phải có mặt tại Việt Nam”.
“Đây có lẽ là lần thứ 25 tôi đến Việt Nam”, Tony thoải mái thả mình vào ghế, sau lễ ký kết vừa xong dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ông cho biết mình không quen xuất hiện với bộ comple nhưng hôm nay là ngày trang trọng. Người đàn ông được phong tước Dato (phẩm hàm do hoàng gia cấp bang ở Malaysia trao tặng những người có đóng góp lớn cho xã hội) thích mọi thứ giản đơn.
Lần đầu tiên Tony đến Việt Nam là khoảng 24 năm trước, khi ông dự một nhạc hội.
“Mọi người làm việc thật nghiêm túc từ 8h sáng đến 8h tối và sau đó họ trở nên điên cuồng, cứ như thể hôm nay là ngày cuối cùng, nên phải tận dụng để uống sạch bia vậy”, Tony sảng khoái kể lại ấn tượng lúc ban đầu.
Mảnh đất hình chữ S tỏ ra có duyên nợ với Tony. Người vợ Hàn Quốc của ông là fan của Việt Nam vì thắng cảnh và những món ăn ngon. Còn ông, Việt Nam là một phần công việc. Đất nước có dân số gần 100 triệu người là thị trường mà AirAsia thèm muốn.
Lý do AirAsia “trồng cây si” Việt Nam
Từng ba lần thất bại khi xâm nhập vào thị trường Việt Nam nhưng AirAsia không từ bỏ mà vẫn đeo đuổi lần thứ tư, tại sao vậy?
Tôi đã từng bỏ ra 7 năm để thiết lập đường bay giữa Kuala Lumpur và Singapore. Thứ nhất, tôi là người không bao giờ bỏ cuộc. Thứ hai, tôi không điên để bỏ qua Việt Nam, là một thị trường lớn với gần 100 triệu dân, trong khi Đông Nam Á tổng số là 700 triệu dân.
Vì vậy, nếu AirAsia muốn trở thành một hãng hàng không đích thực của Đông Nam Á, chúng tôi phải có mặt ở Việt Nam. Chúng tôi không thể không có thị trường Việt Nam. Đó là lý do chúng tôi có mặt ở đây và không ngừng nỗ lực.
Nếu như nhớ không nhầm thì năm 2010, ông đã từng ký thỏa thuận chiến lược với Vietjet Air?
Trước đó, đúng vậy, chúng tôi đã thử với Vietjet nhưng nó không hiệu quả lắm. Họ về sau đã xây dựng được một hãng hàng không thành công. Còn chúng tôi, hi vọng tháng 7, tháng 8, AirAsia Việt Nam có thể khởi sự được.
Tại sao ông lại chọn ông Trần Trọng Kiên là đối tác?
Cậu ta ấy hả? Kiên là người chân thành, nhiệt huyết và có hiểu biết về đặc trưng ngành công nghiệp du lịch. Kiên cực kỳ khao khát giới thiệu Việt Nam. Anh ấy rất tự hào về đất nước mình.
Tối qua, khi tôi tới nơi, Kiên gửi tặng tôi một cuốn sách về Hà Nội. Tôi đã đi ngủ muộn hơn vì mải đọc sách.
Đầu tư hàng không: Cánh cửa hẹp cho tư nhân
Ông có được hưởng ưu đãi gì từ phía Chính phủ Việt Nam?
Tôi không biết. Nhưng Phó Thủ tướng đang ủng hộ chúng tôi, đó là một tín hiệu tốt. Sau sáng nay tôi cũng sẽ gặp ngài Thủ tướng Việt Nam. Tôi thì nghĩ rằng không có lý do gì Chính phủ các bạn không ủng hộ chúng tôi. Bởi mọi nơi AirAsia đến, chúng tôi đều mang đến công ăn việc làm, khách du lịch… giúp phát triển kinh tế.
Chúng tôi ở đây không để chiếm thị phần của ai, ngược lại, chúng tôi phát triển thị trường. Các hãng hàng không Malaysia vẫn tiếp tục hoạt động, vận chuyển hành khách như khi chúng tôi xuất hiện, nhưng đã mở rộng hơn.
Việt Nam có nên phát triển nhiều hãng hàng không giá rẻ để thu hút du lịch?
Đất nước các bạn có rất nhiều sân bay, đó là lợi thế. Tôi có hỏi Thủ tướng Việt Nam tại sao không mở rộng cho tư nhân đầu tư sân bay mà chỉ có Chính phủ. Tại sao chúng ta có bệnh viện, trường học tư nhân mà không có sân bay tư nhân. Việt Nam có Vingroup, có FPT… tại sao không cho họ làm?
Singapore, như ông đã nhắc đến ban nãy, AirAsia đã mất 7 năm và có thể xem là trải nghiệm không mấy vui với ông. Nếu so sánh với việc thâm nhập vào Việt Nam, ông cảm thấy như thế nào?
Ồ, Việt Nam tốt hơn nhiều! Singapore thì… xin lỗi, ý tôi là …
Tôi nghĩ Việt Nam nên mời gọi đầu tư nhiều hơn. Các bạn thấy đấy, trong sáng nay có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Và, nói một cách công bằng, Singapore là một đất nước rất bé. Đó là một thành phố chứ không thật sự là một quốc gia. Còn Việt Nam thì có gần 100 triệu dân, Singapore khoảng 6 triệu nhỉ? (Cười). Hai thị trường rất khác nhau nên rất khó so sánh.
Chiến lược tại Việt Nam
Ông dự định đầu tư như thế nào ở Việt Nam?
Chúng tôi sẽ rót vào rất nhiều tiền. Chúng tôi cũng không biết là bao nhiêu nữa. Điều đó phụ thuộc vào các đối tác.
Ông có thể cho biết kế hoạch cụ thể?
Không! Vì đây là chuyện chiến lược. Nhưng đùa thôi, chúng tôi sẽ phải cắm một “cái rễ” mới.
Bản thân AirAsia đã có một nền tảng vững chắc rồi, ví như cơ sở dữ liệu dồi dào, kênh truyền thông, bán hàng tốt. Chúng tôi sẽ tập trung vào mảng digital. AirAsia là hãng hàng không đầu tiên có cách bán hàng số, đó là lợi thế lớn so với các đơn vị bay khác.
Chiến lược là AirAsia sẽ truyền thông ở thị trường Việt Nam dựa trên cơ sở dữ liệu. Khi tôi đi loanh quanh trong khách sạn, có người đến nói với tôi là có lắm khách từ Malaysia quá, nhờ vào AirAsia. Hiện khách Malaysia đến đây đứng thứ 5 sau Hàn Quốc và một số nước khác. Đó là điều hết sức ngạc nhiên.
Trên chuyến bay đến Việt Nam tôi cũng bị ấn tượng vì nhiều người Malaysia trong khoang hơn là người Việt.
Chúng tôi đã làm marketing rất tốt vì trước đó rất ít người Malaysia nghĩ đến chuyện đến Việt Nam để du lịch. Tôi tin rằng chúng tôi có lợi thế lớn.
Nhưng Việt Nam cũng đang có nhiều hãng hàng không địa phương. AirAsia sẽ cạnh tranh như thế nào?
Thứ nhất, chúng tôi không muốn cạnh tranh với các hãng địa phương mà muốn xây dựng một thị trường mới. Ví dụ những tuyến bay kiểu Bangkok – Đà Nẵng hay Chiangmai – Đà Nẵng chưa được khai thác nhiều.
Một phần sự cạnh tranh đến từ việc tạo ra thị trường mới thay vì thứ mà ai cũng đã làm rồi.
Thứ hai, AirAsia có lượng hành khách lớn trên toàn thế giới, vậy nên giá sẽ rẻ hơn.
Thứ ba, thương hiệu của AirAsia lớn hơn rất nhiều, độ phủ, sự phân phối cũng rộng hơn, nên sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng mới.
Thực tế thì chúng tôi không nghĩ về sự cạnh tranh nhiều lắm. Lúc AirAsia mới bắt đầu chỉ có 2 máy bay, trong khi Malaysia Airlines có 250 chiếc, nên luôn luôn có thị phần. 700 triệu người ở Đông Nam Á, trong đó 100 triệu người tại Việt Nam đa phần chưa từng bay và những người từng sử dụng cũng hầu hết là bay nội địa.
Số nước bạn đi chẳng hạn, cũng chỉ trên đầu ngón tay tôi, (cười). Việc của chúng tôi là tạo điều kiện để mọi người được đi nhiều hơn. Nếu đắt quá thì chẳng ai đến cả. Nên thị trường thực ra là còn rất nhiều mà!
Ông có bao nhiêu phần tự tin với thị trường Việt Nam?
Tôi siêu – tự – tin!
Suy nghĩ về Vietjet Air và Bamboo Airways
Vậy ông nghĩ như thế nào về Madame Phương Thảo của hàng không giá rẻ Vietjet Air?
Ồ, họ bảo tôi đừng nói về cô ấy nên tôi không nói đâu. Cô ấy là trùm mà. Họ bảo tôi đừng nói về cô ấy.
Mà thôi, để tôi nói. Cô ấy đã làm rất tốt. Vietjet là một hình mẫu. Chúng tôi từng là đối tác và đã có sự trao đổi. Tôi rất tự hào khi thấy Thảo thành công. Điều đó tốt cho người Việt Nam.
Thành công của Vietjet có liên hệ với AirAsia. Khi nhìn máy bay của họ, tôi có cảm giác như nhìn thấy máy bay của mình vậy, cả website nữa chứ. Tôi tự hào vì đã giúp được cô ấy. Tôi tin là Thảo cũng sẽ nói là chúng tôi đã giúp họ xây dựng Vietjet. Chúc mừng thành công của cô ấy.
Nhưng AirAsia sẽ làm được những điều khác. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể cùng tồn tại với Vietnam Airlines, Vietjet, Jestar… và làm được nhiều thứ cho Việt Nam.
Chúng tôi có một thương hiệu rất mạnh và thương hiệu đó lớn hơn Vietjet rất nhiều khi so ra thế giới. Tôi cũng nghĩ rằng có thể mang lại những điều khác hơn so với Vietjet.
Tôi cũng “nice” hơn cô ấy nữa! (Cười lớn)
Vậy còn Bamboo Airways thì sao?
Các bạn đã ai nhìn thấy máy bay của Bamboo Airways chưa? Bamboo Airways sẽ bay nhưng đấy là họ nói.
Họ đã thông báo là gần cuối tháng 12 năm nay sẽ bay!
Nếu Bamboo Airways trong một tháng nữa mà chạy được thì tôi sẵn lòng tặng các bạn vé free bay khắp nơi!
Đằng sau thành công AirAsia là gì?
Điều gì đã giúp ông gây dựng AirAsia, tạo ra làn sóng hàng không giá rẻ tại châu Á?
Trước khi khởi nghiệp về hàng không với AirAsia, tôi chẳng biết gì về ngành này cả. Trước đó, tôi làm trong ngành công nghiệp âm nhạc (Tony yêu âm nhạc, ông là người chơi guitar nghiệp dư, ngoài ra thích chơi trống và keyboard – pv). Tôi bắt đầu tham gia thị trường bay với ý tưởng là làm thứ gì đó như du lịch giá rẻ sẽ khiến mọi người yêu thích. Tôi không hề biết đến khó khăn của ngành hay câu chuyện chính trị gì cả.
Là một người làm trong ngành marketing, tôi hiểu rằng nếu sản phẩm tốt sẽ lôi kéo khách hàng nên phải làm ra thứ mà người ta mong muốn. Tôi nghĩ đơn giản là vậy. AirAsia chính xác là điều tôi nghĩ: sản phẩm tốt, mọi người biết về nó, rồi phải có kênh phân phối tốt.
Tôi cũng nhận thấy cách quản lý theo sự phân cấp ở các hãng hàng không khác không tốt khi kỹ sư, nhân viên, các bộ phận… ở rải rác. AirAsia dồn hết tất cả vào một văn phòng duy nhất. Chúng tôi có cơ cấu phẳng, tại đây, cũng chẳng ai mặc vest.
Tôi cho rằng thành công đến với AirAsia là do con người, phải có những nhân sự tốt. Ai cũng có thể mở được hãng hàng không mà thôi. Còn lý do mà tôi thành công, có lẽ do tôi không xuất phát từ ngành này. Nếu đến từ ngành hàng không thì tôi sẽ nghĩ giống những người khác mất.
Chính tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có thể đi được đến ngày hôm nay. Có lần có một người ở sân bay Thái Lan bảo tôi, ngoài kia nhiều máy bay của AirAsia quá, tôi đã làm cách nào vây? Tôi trả lời là không biết nữa!
Nhưng có một điều là phải nỗ lực thật nhiều, không chấp nhận từ bỏ, luôn luôn dấn tới. Nếu chúng ta tin là việc mình làm là tốt thì cứ làm thôi. Đối với AirAsia, không chỉ là không thể. Tôi thích thử thách, cho dù mọi người nói là muộn rồi, khó lắm nhưng càng thế, tôi càng hứng thú để dấn thân.
Tony Fernandes sinh tại Malaysia năm 1964 trong một gia đình trung lưu. Từ sớm, tư duy của ông được định hình bởi hệ thống giáo dục của Anh.
Tony được hai tác giả Sen Ze và Jayne Ng mô tả là người thích máy bay và thích bay. Từ rất lâu, ông đã đứng tại sân bay Sultan Aziz ở Subang chỉ để ngắm nhìn những chiếc máy bay cất và hạ cánh.
Tony được gợi cảm hứng từ mô hình kinh doanh hàng không giá rẻ thành công do Rollin King và Herb Kelleher của Southwest Airlines ở Mỹ tiên phong. Nhưng cơ hội bước chân vào ngành hàng không của ông bắt đầu tư một thảm kịch tai nạn trực thăng năm 1997 của Tan Sri Yahaya Ahmad, chủ DRB-Hicom, doanh nghiệp thành lập AirAsia.
Mua lại AirAsia năm 2001 với giá 1RM (Ringgit, đồng USD Malaysia, 1 ringgit được chia thành 100 xen, ký hiệu RM hoặc MYR) gồm 2 chiếc Boeing 737-300, một mạng lưới đường bay tí hon và khoản nợ gần 40 triệu RM, Tony đã tạo dựng nên bình minh của hãng hàng không màu đỏ chỉ trong thời gian ngắn ngủi.
Tiếp viên hàng không thường khoanh tay sau lưng khi chào khách ở cửa lên, thực tế, họ đang cầm một thiết bị đếm số người.
Tiếp viên hàng không là một công việc nặng nhọc với nhiều nhiệm vụ phải đảm nhận cùng một lúc. Họ phải luôn tỏ ra chuyên nghiệp và thân thiện với tất cả các hành khách. Sẽ hiếm khi bạn nhìn thấy họ cười đùa hay có những động tác thừa khi đang đứng trước mặt khách. Tất cả đều rất chỉn chu và đúng mực.
Vào đầu chuyến bay, họ luôn là người được lên tàu bay trước tiên, sắp xếp hành lý của mình, kiểm tra lại các thông số, các thiết bị thoát hiểm tại mỗi ghế ngồi, chuẩn bị đồ ăn… Trong khi một số người được bố trí đứng dọc theo lối đi để hướng dẫn khách tìm chỗ ngồi hoặc xếp vali lên khoang phía trên thì luôn có ít nhất một tiếp viên đứng ở cửa máy bay để cúi chào hành khách. Đặc biệt, họ thường khoanh tay sau lưng. Động tác này thể hiện sự tôn trọng, lịch sự đối với người đối diện. Nhưng ngoài ra, nó còn ẩn chứa một bí mật mà chỉ người trong ngành mới biết.
Thực tế, họ cầm theo một thiết bị đặc biệt, chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay. Mỗi khi hành khách đi ngang qua, tiếp viên nhấp một lần, thiết bị sẽ nhảy số, từ đó thống kế được chính xác số người lên máy bay. Nhiều người cho rằng, việc đếm số lượng khách là không cần thiết bởi trước khi lên máy bay, đã có nhiều công đoạn kiểm tra bằng máy tính từ lúc check in tới lúc boarding rất chính xác. Tuy nhiên, việc kiểm tra số lượng một lần nữa phòng trừ trường hợp có hành khách vào phút cuối gặp sự cố, không lên máy bay.
Thay vì đếm bằng mắt thường rất dễ sai sót, khi sử dụng thiết bị này, tiếp viên có thể kiểm tra số lượng đầu vào một cách nhanh chóng. Thiết bị này rất nhỏ gọn, tiện dụng, cho ra số liệu chính xác. Hiện nay, không phải hãng hàng không nào cũng sử dụng thiết bị đếm này nhưng nó vẫn rất phổ biến trong ngành hàng không thế giới.
Theo Lifebuzz
Video: Brightside
Bị trẻ con ngồi sau đá vào lưng ghế là một trong những điều khiến hành khách đi máy bay khó chịu nhất và không bao giờ muốn gặp phải.
Trang Quora đã trở nên sôi động sau khi một người dùng vào đặt câu hỏi: “Bạn đã bao giờ phải chịu cảnh bị trẻ con ngồi phía sau đạp liên tục vào lưng ghế khi ngồi máy bay?”.
Trẻ con thường hay đá chân lên ghế ngồi của người ngồi trước, điều này khiến không ít hành khách cảm thấy khó chịu và không thoải mái trong suốt chuyến bay. Ảnh: TravnikovStudio. |
Câu hỏi nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi từ những người bức xúc về vấn đề này. Một người dùng có tên là Kev Partridge cho biết trong một chuyến bay, anh được xếp ngồi trước một đứa trẻ hiếu động. Cậu nhóc đã liên tục đấm vào màn hình tivi được gắn phía sau lưng ghế của Kev. Điều đó khiến nam hành khách cảm thấy khó chịu, nhất là trong suốt một chuyến bay dài từ châu Á đến châu Âu.
Do vậy, anh đã nghĩ ra một mẹo nhỏ. Anh giơ cao cốc nước (nhưng không có quá nhiều nước) lên phía trên đầu mình. Khi cậu nhóc tiếp tục đập vào ghế phía trước, Kev giả vờ giật mình và hất cốc nước về phía sau rồi quay xuống nói: “Xin lỗi nhé, chú hay bị giật mình khi đang bay lắm”. Cậu nhóc bị ướt một chút do cốc nước đổ vào, nhưng ngồi im suốt chặng bay sau đó.
Trẻ con thường hiếu động và tỏ ra buồn chán khi phải ngồi quá lâu trên máy bay. Ảnh: Romrodphoto. |
Carmen Blakestad cũng kể lại câu chuyện mà vợ chồng mình từng trải qua. “Một cậu nhóc ngồi sau lưng chồng tôi và đá vào ghế liên tục. Chồng tôi cao hơn 1m9, nên anh ấy đã rất không thoải mái khi ngồi trên ghế máy bay rồi. Khi bị người ngồi sau liên tục đá vào ghế, chồng tôi rất bực. Điều khiến anh ấy khó chịu nữa là mẹ đứa trẻ ngồi đó, biết hành động của con mình nhưng không ngăn cản”.
Chồng Carmen đợi đến khi người mẹ đi vệ sinh, liền quay ngay xuống nói với đứa trẻ bằng giọng nhẹ nhàng, nhưng gương mặt rất nghiêm túc: “Nếu còn đá vào ghế chú một lần nữa, chú sẽ xử lý cháu đấy”. Câu nói đùa dọa trẻ con của chồng Carmen có tác dụng ngay lập tức. Khách nhí tỏ ra sợ hãi và ngồi im suốt chặng đường.
Với Dariuz Scharsig, sau khi chờ đợi nhưng vẫn không thấy cha mẹ đứa trẻ ngồi sau ngăn con không đá vào ghế trước mình, anh đã quay xuống nói: “Này, đây là chuyến bay đầu tiên của cháu phải không? Chú cũng rất lo lắng vì vậy, chú sẽ nhắm mắt và cố thư giãn. Nhưng nếu cháu cứ đá vào ghế của chú thì chú sẽ rất khó để thư giãn đấy”.
Dariuz cho biết biện pháp này của anh chủ yếu tập trung vào nhắc nhở cha mẹ đứa trẻ. Chắc chắn họ sẽ xấu hổ và không để con mình tiếp tục đá ghế nữa.
Brad Chisholm thì giải quyết vấn đề theo phong cách “đại gia” hơn: “Tôi đưa thêm cho anh chàng ngồi trước mình 50 USD để anh ta đổi chỗ cho tôi”.
Elizabeth O’Shea, admin trang web Parent 4 Success, cho biết bạn nên đối phó với tình huống này bằng cách lại gần đứa trẻ và nói nhẹ nhàng với chúng, hơn là dọa nạt.
Đồng phục tiếp viên Vietjet được vinh danh đẹp nhất châu Á. (Ảnh: Vietjet cung cấp)
Đồng phục tiếp viên của hãng hàng không Vietjet được vinh danh đẹp nhất châu Á tại lễ trao giải thường niên NOW Travel Asia Awards của tạp chí NOW Travel Asia tổ chức tại Thành phố Thành Đô (Trung Quốc). Kết quả được công bố dựa vào lượt bình chọn của độc giả và Ban giám khảo.
Đồng phục tiếp viên Vietjet được nhà thiết kế châu Âu thực hiện dựa trên ý tưởng đồng phục của thiếu sinh quân trong đội vệ quốc quân. Đối với tiếp viên nữ, áo thun đỏ cách điệu, thắt nơ trên cổ, quần soóc kèm theo mũ ca-lô kẻ sọc và các phụ kiện như cánh bay, huy hiệu, thắt lưng nâu và đôi giày búp bê đỏ xinh xắn tạo điểm nhấn cho trang phục.
Vào mùa đông, trang phục áo vest kết hợp quần soóc tạo nên sự trẻ trung, tươi mới. Đồng phục tiếp viên nam nhã nhặn, lịch sự nhưng không kém phần năng động với quần tây đen, giày tây và áo đỏ cách điệu.
Đồng phục tiếp viên Vietjet là sự kết hợp phá cách, dung hòa nét đẹp truyền thống pha lẫn hiện đại, thoát ra khỏi khuôn khổ, giới hạn về mặt trang phục; đồng thời toát lên được sự độc đáo, mới lạ và đặc biệt luôn thể hiện tinh thần trẻ trung, sáng tạo, tràn đầy cảm hứng của Vietjet, chinh phục và kết nối bầu trời.
Năm ngoái, Vietjet cũng được vinh danh trong top 5 hãng hàng không có tiếp viên quyến rũ nhất bên cạnh Singapore Airlines, Air France và Emirates. Kết quả do trang web về phong cách sống và du lịch vivalifestyleandtravel.com của Canada bình chọn.
Kể từ năm 2012, giải thưởng thường niên NOW Travel Asia Awards đã vinh danh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch xuất sắc khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Năm nay, giải thưởng NOW Travel Asia Awards tiếp tục trao giải cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cao cấp như các khách sạn, khu nghỉ dưỡng… Không chỉ có số lượng người tham gia bầu chọn vượt xa kỳ vọng, tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của các đề cử, giải thưởng còn góp phần hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ trong ngành.
Hướng tới mô hình “Consumer Airline”, Vietjet không ngừng mở thêm các đường bay mới, bổ sung nhiều tàu bay, đầu tư công nghệ hiện đại, mang tới thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ gia tăng, hướng tới phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng.
Vietjet luôn tiên phong và được yêu mến bởi nhiều chương trình khuyến mại, giải trí thú vị, đặc biệt là mùa lễ hội. Với dịch vụ vượt trội, hạng vé đa dạng, giá vé hấp dẫn, Vietjet mang đến cho hành khách trải nghiệm bay trên tàu bay mới, ghế da êm ái, thức ăn nóng, tươi ngon, tiếp viên xinh đẹp, thân thiện và các dịch vụ tiện ích cộng thêm thú vị.
Hiện tại, Vietjet đang khai thác 60 tàu bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển hơn 65 triệu lượt hành khách, với 103 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Hongkong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia…
Nguồn: vietnamplus.vn
Một số người ấn tượng với màn trình diễn, không ít ý kiến cho rằng hai hành khách này đang chiếm dụng không gian chung và muốn gây chú ý.
Nicholas Coolridge, đến từ Mỹ, gây “bão” trên mạng xã hội với video tập yoga cùng bạn gái trên máy bay, theo Express ngày 13/11. Nicholas từng tham gia chương trình truyền hình Chiến binh Ninja Mỹ 4 lần và tự gọi mình là “Tarzan thời hiện đại”. Anh và bạn gái Dana Arnold đều yêu vận động, thường xuyên luyện tập cùng nhau.
Video được chia sẻ lại trên Passenger Shaming, trang tổng hợp những hành động xấu xí của hành khách đi máy bay và thu hút gần 350.000 lượt xem. Tuy nhiên, hiện chưa xác định được hành trình của chuyến bay trong video.
Tuy nhiên bài tập yoga đôi của họ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi một số người ấn tượng với màn trình diễn, không ít ý kiến cho rằng hai hành khách này đang chiếm dụng không gian chung và muốn gây chú ý.
“Đây là máy bay hay rạp xiếc đấy? Làm ơn hãy ngồi yên tại chỗ”, một tài khoản bình luận. “Phi hành đoàn đâu? Sao họ không ngăn lại?”, người dùng @katlern chia sẻ.
“Lẽ ra họ chỉ nên duỗi chân tay tại chỗ. Nếu máy bay vào vùng nhiễu động, không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, tài khoản @cg9901 viết.
“Thật nực cười, tại sao các bạn phải tập yoga trên máy bay? Để thể hiện hay sao? Hãy làm thế khi máy bay hạ cánh tại nơi bạn cần tới”, theo một người khác.
Nguồn: vnexpress.net
Một chuyến bay khởi hành từ Jakarta (Indonesia) bị hoãn một tiếng để dỡ bỏ toàn bộ sầu riêng trong khoang hành lý, do khách phản đối dữ dội.
Sự việc xảy ra trên một chuyến bay nội địa của hãng hàng không Sriwijaya, hành trình từ Jakarta đến Benkulu thuộc đảo Sumatra (Indonesia). Máy bay mang theo khoảng 2 tấn sầu riêng, SCMP đưa tin ngày 6/11.
Mùi sầu riêng tỏa ra từ khoang hành lý khiến hàng trăm hành khách không thể chịu nổi. Amir Zidane, một nhân chứng có mặt trên máy bay, cho hay thứ mùi đó được miêu tả giống như mùi tất bẩn, hành tây thối hoặc nhựa thông.
Nhiều hành khách yêu cầu tiếp viên dời toàn bộ số sầu riêng cất ở khoang đựng hành lý xuống đất. Nhà báo Boyke Ledy Watra cho hay, có lúc hành khách và tiếp viên tranh cãi gay gắt, gần như lao vào đánh nhau.
Cuối cùng, trước sự quyết liệt của hành khách, phi hành đoàn buộc phải dỡ hàng chục bao sầu riêng từ khoang chứa đồ. Điều này khiến giờ khởi hành chậm hơn dự kiến một tiếng.
Trong video quay lại cảnh tháo dỡ sầu riêng, các nhân chứng cho rằng hãng này đã chở theo 3 tấn sầu riêng. Tuy nhiên Retri Maya, giám đốc truyền thông cấp cao của hãng, khẳng định chỉ có 2 tấn trái cây, một tấn là hành lý của khách.
Trên thực tế, nếu khoang hành lý chứa 3 tấn sầu riêng, khối lượng này vẫn không vượt quá sức chở của máy bay. Hãng bay Indonesia khẳng định việc mang theo sầu riêng lên máy bay là hoàn toàn bình thường, miễn chúng được đóng gói cẩn thận để không tỏa mùi.
Theo Anh Minh, vnexpress.net
Nhiều hãng bay quy định tiếp viên phải mặc váy dài tới đầu gối, không được đeo vòng cổ, trang điểm cùng một kiểu giống nhau.
Tiếp viên hàng không thường phải tuân thủ những luật lệ về an toàn, thể lực. Để luôn giữ vẻ ngoài chuyên nghiệp, các nữ tiếp viên còn thực hiện hàng loạt quy định từ mặc váy dài tới đâu cho đến son tô màu gì.
British Airways quy định váy của tiếp viên phải dài trên hoặc dưới đầu gối không quá một inch (2,54 cm); tất giấy mỏng dưới 15 denier (denier chỉ độ xuyên thấu của vải: 3-15 denier là dạng trong suốt, 30-40 là trong vừa và 100 denier là tất màu đục).
Heather Poole, tiếp viên có kinh nghiệm 15 năm, trả lời Mental Floss: “Chúng tôi không thể cắt váy ngắn hơn cho tới khi đủ thâm niên để tự quyết định. Khi đó, tôi cắt gấu váy cao lên và để lộ một chút chân cũng không sao”.
Một số mẫu đồng phục của tiếp viên hàng không trên thế giới
Trang phục dành cho tiếp viên Vietnam Airlines phục vụ khoang hạng thương gia là áo dài màu vàng nhạt, tiếp viên khoang thường mặc màu xanh. Ảnh: Vietnam Airlines.
Đồng phục của hãng Virgin thay đổi theo chi nhánh tại từng quốc gia, nhưng vẫn giữ màu đỏ chủ đạo. Trong ảnh là đồng phục của Virgin Atlantic. Ảnh: Virgin Atlantic.
Đổi mới đồng phục tiếp viên từ năm 2017, Hainan Airlines gây sốt với thiết kế lấy cảm hứng từ sườn xám – trang phục truyền thống của Trung Quốc, kết hợp với áo khoác và áo choàng kiểu phương Tây theo tông màu pastel. Ảnh: CNN.
Đồng phục của các nữ tiếp viên hãng Singapore Airways được sử dụng từ những năm 1970 tới nay, với xà rông kebaya truyền thống và dép không quai. Ảnh: MaryHop.
Nhà thiết kế Ettore Bilotta tạo nên mẫu đồng phục gây tiếng vang cho Etihad Airways, với tông màu nâu chocolate kết hợp cùng màu tím hoàng gia, và áo khoác trench coat cổ điển cho tiếp viên. Ảnh: The Design Air.
Hãng hàng không Skymark của Nhật Bản phải hứng chịu nhiều chỉ trích về thiết kế váy đồng phục ngắn của tiếp viên hàng không. Ảnh: Bloomberg.
Không phải hãng hàng không nào cũng quy định váy là đồng phục bắt buộc của tiếp viên nữ, trong đó British Airways cho phép tiếp viên nữ mặc quần tây.
Đầu năm nay, Cathay Pacific đã bỏ quy định tiếp viên nữ phải mặc váy đồng phục có hiệu lực suốt 70 năm qua. Năm 2014, phi hành đoàn từng đề nghị hãng hàng không Hong Kong này thay đổi thiết kế đồng phục, vì váy ngắn khiến họ cảm thấy dễ để lộ phần nhạy cảm và có nhiều khả năng bị quấy rối tình dục hơn, theo Independent.
Hiện một số mẫu đồng phục hàng không vẫn là đề tài gây tranh cãi. Tiếp viên hàng không của một số hãng bay Malaysia, trong đó có Malindo, từng bị phê phán vì mặc váy quá chật và gợi cảm.
Không chỉ trang phục, một số hãng bay còn quy định thống nhất mẫu trang điểm, ngoại hình cho tiếp viên. Ví dụ như Emirates yêu cầu tiếp viên tô son đỏ và kẻ mắt trong suốt ca làm việc.
“Hãng muốn thống nhất mọi thứ. Móng tay có thể sơn màu nude, hồng phớt hoặc theo kiểu Pháp. Chúng tôi cũng có nhiều tông móng tay đỏ được Bộ phận Hình ảnh và Chăm sóc Sắc đẹp quy định”, theo Joanna Collins, tiếp viên người Anh làm việc tại Dubai.
Hãng bay này cũng quy định tiếp viên nữ búi tóc kiểu Pháp hoặc búi tóc tròn cột thun đỏ – không bắt buộc. Ảnh: Flygosh. |
Joanna cho hay, tiếp viên thường sử dụng son tông đỏ Nga của Mac vì màu bền. Phấn mắt có thể màu đen hoặc be, chì kẻ mắt nước.
“Chúng tôi có những lớp đào tạo tiếp viên cách trang điểm và chăm sóc da. Vì một số cô gái có hiểu biết sẵn về trang điểm và chăm sóc, tạo kiểu tóc, một số lại ít quan tâm và thích để mặt tự nhiên hơn”, cô nói.
Tiếp viên có thể đeo khuyên tai ngọc trai hay dạng đinh tán gắn kim cương hoặc pha lê. Họ không được phép đeo vòng cổ. Đồng hồ đeo tay nếu có nên đơn giản và tránh khoa trương.
Trong khi đó, quy định của hãng hàng không Mỹ United Airlines đơn giản hơn: Trang điểm nhẹ để có vẻ ngoài tự nhiên, tránh những màu quá đậm hoặc chói. Móng tay cần được cắt tỉa cẩn thận, không để dài quá nửa inch (khoảng 1,3 cm) và sơn màu nhã nhặn với đồng phục – một màu; không gắn đá; vẽ hay dán hình; cần tẩy nếu lớp sơn bong tróc.
Tiếp viên của hãng chỉ được phép đeo một chiếc khuyên nhỏ cho mỗi bên tai, dáng khuyên tròn không lớn hơn một đồng 10 xu Mỹ, chất liệu phù hợp với trang phục. Họ không được để lộ những phần bắn khuyên khác trên cơ thể.
Thành viên của phi hành đoàn có thể đeo 4 nhẫn, không quá 2 chiếc mỗi bàn tay (gồm cả nhẫn cưới và nhẫn đính hôn) và không được đeo nhẫn trên đốt ngón tay hoặc ngón tay cái.
Một ngày của tiếp viên hàng không diễn ra như thế nào. Video: Cathay Pacific.
Nhà chức trách hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vừa quyết định xử phạt một hành khách đi trên chuyến bay của Vietjet Air do người này có hành vi sử dụng điện thoại dù đã được tiếp viên nhắc nhở.
Theo đó, nhà chức trách hàng không đã phải đề nghị lực lượng an ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất ra tận sân đỗ máy bay để hỗ trợ hãng hàng không Vietjet Air đưa hành khách N.T.H.D đi trên chuyến bay VJ641 từ Đà Nẵng về TP.HCM về trụ sở Cảng vụ hàng không miền Nam để xử lý vi phạm.
Theo đó, dù đã được nhắc nhở nhưng hành khách D. vẫn cố tình sử dụng điện thoại di động trên máy bay.
Mới đó, một hành khách khác tên N.H.T đi từ Singapore về TP.HCM cũng bị lập biên bản xử phạt với lỗi tương tự.
Nhiều hành khách vô tư dùng điện thoại trên máy bay đã bị xử phạt
Theo nhà chức trách hàng không, căn cứ vào Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không, cá nhân “vi phạm trật tự, kỷ luật trên tàu bay”, khách đều bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng.
Đầu tháng 10, Cục Hàng không Việt Nam đã có Chỉ thị yêu cầu các hãng hàng không chấn chỉnh đội ngũ tiếp viên hàng không phải nghiêm túc, kiên quyết nhắc nhở hành khách không sử dụng các thiết bị thu phát sóng, điện thoại di động, máy tính cá nhân, Ipad, tai nghe nhạc trên máy bay trong quá trình cất, hạ cánh.
Chỉ thị của Cục hàng không ban hành trong bối cảnh tình trạng hành khách sư dụng điện thoại khi máy bay chuẩn bị cất và hạ cánh diễn ra khá phổ biến.
Thậm chí, nhiều trường hợp, hành khách cố tình sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu phát sóng khi máy bay chuẩn bị cất/hạ cánh dù tiếp viên biết nhưng cũng không nhắc nhở hay lập biên bản.
Được biết, một tổ tiếp viên hàng không trên chuyến bay VN1382 từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Liên Khương đã bị Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu kiểm điểm vì để hành khách vô tư sử dụng điện thoại trong lúc máy bay chuẩn bị hạ cánh, dù tiếp viên ngồi gần đó biết nhưng lại không nhắc nhở.
Theo quy trình, trên máy bay, nếu phát hiện vi phạm, tiếp viên phát hiện sẽ báo cho cơ trưởng lập biên bản ngay trên máy bay. Sau đó, vụ việc sẽ được chuyển cho cảng vụ hàng không ở các sân bay để ra quyết định xử phạt.
Nguồn: anninhthudo.vn
Sân bay ở Kuala Lumpur (Malaysia) có một khoảng rừng nhiệt đới còn ở Munich (Đức) có khu lướt sóng trong nhà.
Xinh đẹp, cá tính, mạnh mẽ, Nguyễn Phương Anh – nữ cơ trưởng của hãng hàng không Vietjet tạo nhiều ấn tượng khi vượt qua nhiều nhiều thử thách để trở thành một trong những nữ nhân quyền lực nhất ngồi trên khoang lái chinh phục bầu trời.
Khẩn trương chuẩn bị cho chuyến bay, Nguyễn Phương Anh vẫn dành ít thời gian hiếm hoi chia sẻ về quá trình học tập, khổ luyện để trở thành phi công – ngành nghề đặc thù vốn dành cho số đông nam giới.
Làm lại từ đầu
Với gương mặt xinh đẹp, giọng miền Nam ngọt ngào, cơ trưởng Nguyễn Phương Anh toát lên thần thái của người làm dịch vụ hàng không: thân thiện, ân cần, trách nhiệm và có sức hút riêng.
Nói về quá trình bén duyên với nghề phi công, Phương Anh chia sẻ đó là một hành trình dài với nhiều quyết định táo bạo và đầy thú vị.
“Trước đây, tôi đã từng làm tiếp viên hàng không trong 7 năm. Những năm tháng theo đuổi giấc mơ bay, được đi nhiều nơi trên thế giới, nhìn hình ảnh các đồng nghiệp phi công đẹp trai, quyền uy trong bộ đồng phục bay, trong tôi dấy lên niềm mơ ước: một ngày nào đó mình cũng sẽ được mặc bộ đồng phục ấy và ngồi trên khoang lái ấy trước ánh mắt ngưỡng mộ của biết bao hành khách.
Rồi cơ hội đã đến cùng với hãng bay Vietjet. Vậy là tôi quyết tâm, xách vali sang Mỹ học bay, quyết thực hiện ước mơ của mình”, chị bộc bạch.
Tuy trước đó đã thành thạo nghề phục vụ trên không, nhưng phi công lại là chuyện khác. Phương Anh cho biết, với hầu hết phi công, chuyến bay đơn đầu tiên trong đời là một kỉ niệm khó quên và chị cũng vậy.
Trong quá trình đào tạo để trở thành phi công cơ bản, có bài bay bắt buộc là học viên phải tự điều khiển chiếc máy bay huấn luyện cơ bản cất – hạ cánh 3 lần. Đây là một bài khó và đòi hỏi sự tập trung, quyết tâm và nắm vững các kiến thức mà các phi công tương lai được học.
“Bạn bè cùng khoá, lần lượt hết người này đến người khác thi xong bài thi ấy trong sự chờ đợi và hồi hộp của mình. Mùa mưa gió, thời tiết xấu chuẩn bị đến với bao áp lực. Nhiều đêm tự mình nén nước mắt và quyết tâm. Đến khi được ngồi trên chiếc máy bay ấy, một mình mình, tự tay cất hạ cánh 3 lần, mọi cảm xúc như vỡ oà… Khi máy bay lăn vào bãi đỗ, Phương Anh đã ôm chầm thầy của mình và khóc.
Trường của Phương Anh có phong tục là ai thực hiện bài bay này xong sẽ được giáo viên dội nước lên người. Nhưng Phương Anh thì nhảy xuống hồ bơi của trường luôn cho… sướng. Ngồi trên khoang lái máy bay thương mại chở theo hàng trăm hành khách với mỗi phi công là trách nhiệm lớn lao xen lẫn tự hào. Đó là những khoảng thời gian đẹp nhất, đáng nhớ nhất của mình khi bắt đầu nghề phi công”.
Cô dâu phi công hạnh phúc
Khổ luyện trên ghế nóng
Quá trình tập luyện để trở thành phi công, đặc biệt là với nữ giới theo cơ trưởng Phương Anh đòi hỏi nhiều quyết tâm.
“Với nghề phi công thì nam giới hay nữ giới đều là một công việc đầy trách nhiệm và thử thách. Là một nữ phi công, nó càng khó khăn bội phần trước áp lực của công việc chinh phục bầu trời”, chị nói.
Nữ cơ trưởng chia sẻ, từ kiến thức cơ bản đến kiến thức nâng cao, từ những kĩ năng cơ bản đến kĩ năng nâng cao để điều khiển thành thục chiếc máy bay thương mại, chị đã phải trải qua nhiều mồ hôi, nước mắt và những đêm không ngủ. “Tôi đã phải tự rèn luyện và phấn đấu không ngừng để nâng cao tay nghề và chứng minh bản thân trước các đồng nghiệp nam”.
Đám cưới như mơ của nữ phi công
Không dừng ở đó, ghế nóng cơ trưởng mới là mục tiêu lớn lao của cô gái xinh đẹp, cá tính này.
“Sau khi tốt nghiệp, tôi được Hãng Hàng không Vietjet nhận vào làm cơ phó từ năm 2014. May mắn cho tôi, đây là nơi có nhiều cơ hội được đào tạo và thăng tiến cho nhân viên, nhất là các phi công. Tôi đã liên tục học tập và phấn đấu để trau dồi đạo đức, kỹ năng và tích luỹ kinh nghiệm làm việc.
Sau 4 năm làm việc miệt mài, phấn đấu và học tập không ngừng nghỉ, cùng với sự dìu dắt của các thầy của mình, tôi đã thành công trong việc chinh phục chiếc ghế trái quyền lực – Cơ trưởng trên các chuyến bay của hãng”.
Phương Anh cho biết, vì là phi công nữ nên áp lực trong chị thường cao hơn so với các đồng nghiệp nam. “Tôi nhắc mình phải cố gắng hơn rất nhiều. Từ tư cách, tác phong đến hành động, các chi tiết đều được chú trọng để các bạn đồng nghiệp, đặc biệt là đồng nghiệp nam tin tưởng và phối hợp tốt trong mỗi chuyến bay”.
Khi mẹ là cơ trưởng
“Đặc thù của ngành hàng không là không phân biệt thời gian, tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào thời gian cất hạ cánh của mỗi chuyến bay. Nghề nghiệp cũng mang đến cho tôi hạnh phúc cá nhân”, Phương Anh hạnh phúc khi nói về đời sống cá nhân của mình.
“Tôi kết hôn 3 năm trước. Chồng tôi cũng là cơ trưởng của Vietjet. Chúng tôi có một bé trai hơn 2 tuổi, cũng sớm thể hiện niềm ham thích với máy bay.
Là phụ nữ, tôi lại càng phải sắp xếp chi tiết, chu đáo thời gian biểu của mình, để vừa có thể hoàn thành tốt nhất công việc, vừa chăm sóc cho gia đình. Tôi nấu ăn cũng khá . Những khi có thời gian hiếm hoi rảnh rỗi, tôi cũng sắp xếp nấu nướng, tổ chức những buổi tiệc nhỏ cho gia đình mình. Khi vợ chồng cùng đi bay thì nhờ ông bà chăm sóc bé”.
Chị cũng bộc bạch, trong mỗi dịp lễ tết, đối với người phụ nữ, gia đình là nơi họ gắn kết. Nhưng đối với những người làm trong ngành Hàng không thì thời gian đó lại là những chuyến bay không ngừng nghỉ, mang đến niềm vui, đưa hành khách về đoàn tụ với gia đình họ.
“Những lúc ấy, mình lấy niềm vui sum họp của hành khách, của gia đình, người thân họ làm niềm an ủi và hạnh phúc cho riêng mình”. Cùng với hãng hàng không Vietjet, nữ cơ trưởng xinh đẹp có niềm tự hào mang lại cơ hội bay cho hàng triệu người dân và du khách.
Nguồn: cafef.vn
Chàng trai Mỹ lần đầu thấy nhiều người hút thuốc lào từ ống tre khổng lồ khi họ ngồi trong quán nước, hàng bia hơi ven đường.
Jimmy – đến từ Mỹ, và bạn gái Tah – người Thái Lan, gặp nhau tại Hàn Quốc năm 2015 khi anh còn phục vụ trong quân đội còn Tah đang du học. Hai năm sau, họ cùng nhau lên đường khám phá thế giới, một trong những điểm đến đầu tiên là Việt Nam. Mới đây, hai blogger này chia sẻ trên kênh YouTube Diver Living những ấn tượng về Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội và Hội An.
Jimmy và Tah chụp ảnh trên cầu Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Divert Living. |
Nếu chưa từng đến Việt Nam, bạn nên biết trước một số điều để lên kế hoạch tốt hơn. Thực tế, Việt Nam là một trong những điểm đến nổi bật nhất trong hành trình của chúng tôi. Từ văn hóa, ẩm thực, con người cho tới thắng cảnh, đất nước này có mọi thứ cho du khách khám phá.
Đây là điểm dừng chân lý tưởng cho người lần đầu phượt Đông Nam Á. Chúng tôi sẽ hé lộ những ấn tượng đầu tiên về Việt Nam.
Thuốc lào
Sau khi ghé thăm một số nước Đông Nam Á, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người hút thuốc tại Việt Nam, đặc biệt là thuốc lào từ những ống tre khổng lồ (điếu cày) mà cả hai chưa từng thấy trên đời. Người Việt thường uống trà xanh khi hút thuốc lào, họ nói rằng hai thứ này kết hợp sẽ có lợi cho hệ tiêu hóa – chúng tôi không chắc thực hư thế nào.
Mũ bảo hiểm
Thông thường mũ bảo hiểm có hình dáng đồ sộ, che kín tai nhưng mũ kiểu Việt Nam có lưỡi trai trông giống mũ bóng chày, một số còn có khoảng trống chừa ra phía sau để các chị em buộc tóc cao nếu muốn. Kiểu dáng mũ bảo hiểm này dường như rất phổ biến với thanh thiếu niên.
Lần đầu đến Việt Nam, chúng tôi bật ra câu hỏi: “Thực sự nó có thể bảo vệ bạn khỏi tai nạn sao?”. Một số người nói rằng, mũ bảo hiểm nửa vời này chỉ là phương tiện để chống chế.
Tiếng còi xe là một ngôn ngữ
Bạn có thể ngạc nhiên trước lượng xe máy tại Việt Nam. Người dân bấm còi liên tục, nhưng đây là một cách để họ giao tiếp với nhau trên đường, như để thông báo rằng: “Tôi đang đi lên phía ấy đó nhé, anh kia hãy cẩn thận”.
Ngoài ra, nếu để ý bạn sẽ thấy người dân cũng bấm còi theo nhịp điệu. Đây là điều chúng tôi chưa hiểu hết và thực sự muốn thử nghiệm trong chuyến đi tiếp theo tới Việt Nam.
Làn sóng Hàn Quốc
Chúng tôi gặp nhau tại Hàn Quốc nên rất dễ nhận ra thời trang từ xứ sở kim chi. Những bạn trẻ Việt Nam có phong cách giống nhau từ kiểu tóc đến trang điểm hơi hướng Hàn Quốc, xu hướng thời trang này cũng thịnh hành tại Thái Lan.
“Con gái Việt Nam thường trang điểm tự nhiên, và có làn da đẹp nên họ trông thực sự trẻ trung”, Tah nhận xét. Ảnh: Divert Living. |
Bia rẻ như nước
Khi đến Hội An lần đầu, chúng tôi định gọi nước khoáng trong nhà hàng, song phát hiện ra một chai nước có giá 15.000 đồng trong khi một chai bia giá chỉ 20.000 đồng nên cả hai quyết định uống bia. Có lẽ đây là lý do Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất tại Đông Nam Á.
Không chỉ vậy, người Việt còn có bia hơi rẻ nhất thế giới – 5.000 đồng một cốc. Một số nhà nghỉ hostel hay homestay còn miễn phí bia cho khách tới vào giờ vàng, vì giá của loại đồ uống này quá rẻ. Chúng tôi không chắc có thể tìm được nơi nào bán bia rẻ hơn không.
Một điều thú vị khiến chúng tôi chú ý là văn hoá uống bia của người Việt. Phần lớn, khi người Việt rủ đi uống bia, bạn sẽ ăn tối luôn hoặc gọi thêm đồ nhắm như cánh gà, đùi ếch… Văn hoá này có phần giống Hàn Quốc khi rất nhiều cặp đôi hẹn hò và uống bia cùng nhau.
Bia hơi Hà Nội. Ảnh: Divert Living. |
Người Việt thích nói to
Dường như người Việt thích hét lên khi nói chuyện với nhau, điều này đôi khi khiến chúng tôi hoảng sợ.
Khi đang tới một quán bít tết trên phố Hàng Buồm, chúng tôi không thể tìm đường theo Google Maps vì lối vào là một hẻm nhỏ rất sâu. Khi hỏi những phụ nữ sống tại đó, chúng tôi thấy họ nói rất to như đang cãi nhau, đến mức cả hai tự ra dấu rằng nên ra khỏi đó ngay lập tức.
Điều ngạc nhiên hơn là cô ấy quay lại và nở nụ cười sau đó, khiến cả hai không cảm thấy bị đe doạ phải rời đi. Chúng tôi nhận ra rằng, người Việt có thể nói to với nhau nhưng họ rất thân thiện và tốt bụng.
Jimmy giật mình trước kiểu nói chuyện của người địa phương. Video: Divert Living.
Món gì cũng có rau
Không khó hiểu khi Việt Nam là một trong những quốc gia có nền ẩm thực lành mạnh nhất thế giới. Món ăn Việt Nam sử dụng rất nhiều rau xanh, thậm chí có những món vốn không có rau cũng được trang trí bằng rau gia vị. Tại các quán ăn, nhân viên luôn phục vụ sẵn một rổ rau sống, điều này phần nào tương tự với Hàn Quốc. Bàn ghế tại các quán vỉa hè thì siêu nhỏ.
Nón lá
Nếu đi dạo trên đường phố, bạn sẽ thấy phụ nữ Việt Nam thường đội một chiếc mũ độc đáo có tên là nón lá. Đây là một quốc gia nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, nên nắng mưa xen kẽ quanh năm. Do đó, người Việt sáng tạo ra nón lá, ban đầu để nông dân tiện làm việc đồng áng. Chiếc mũ hình chóp truyền thống vẫn được sử dụng tới nay, và trở thành nét quyến rũ với du khách nước ngoài.