Hành khách phàn nàn bị tiếp viên ngó lơ do nói xấu hãng bay

Nam du khách Đức cho biết đã trải qua chuyến bay tồi tệ kéo dài 13 tiếng, anh không được phục vụ nước, đồ ăn không ngon và tivi hỏng.

Josh Cahill, bloger du lịch người Đức, sử dụng dịch vụ của hãng Malaysia Airlines để bay từ Kuala Lumpur đến London. Trên Instagram, nam du khách gọi đó là “chuyến bay đáng thất vọng nhất trong năm”, News đưa tin ngày 21/11.
Josh đăng hình ảnh suất ăn trên máy bay của mình lên mạng. Ngoài ra, anh cũng đăng một video dài 20 phút để đưa ra các nhận xét về hãng hàng không mình vừa đi. Ảnh: News.

Josh đăng hình ảnh suất ăn trên máy bay của mình lên mạng. Ngoài ra, anh cũng đăng một video dài 20 phút để đưa ra các nhận xét về hãng hàng không mình vừa đi. Ảnh: News.

Anh kể đồ ăn được bày trên một cái khay dính và bẩn thỉu, còn màn hình tivi gắn ở chỗ ngồi để hành khách xem phim, nghe nhạc giải trí bị hỏng. Khi Josh thông báo với tiếp viên về việc thiết bị hỏng, họ chỉ tiếp nhận ý kiến chứ không có động thái khắc phục. “Tôi phải ngồi trên một chuyến bay kéo dài 13 tiếng, không có trò giải trí. Chỗ ngồi của tôi có lẽ là chỗ tệ nhất trên cái máy bay đó”.

Khi anh đăng những lời phàn nàn đó lên mạng giữa chuyến bay, người của hãng đã đọc được và liên lạc với cơ trưởng. Phi hành đoàn đã hỏi Josh về lý do đăng những lời bình luận. Theo Josh, từ đó, họ hoàn toàn phớt lờ anh: Không phục vụ nước và yêu cầu anh ngừng quay phim mọi hoạt động trên máy bay.

Trả lời phỏng vấn trên News, Josh cho biết một phần công việc của anh là review dịch vụ của các hãng hàng không. Ngoài ra, trước đó anh cũng được hãng Malaysia Airlines cho phép quay video trên chuyến bay, do vậy hành động của anh không hề sai.

Josh cũng liên lạc ngay với trung tâm dịch vụ khách hàng của hãng hàng không. Họ gửi lời hồi đáp và nói rằng, việc thông báo với cơ trưởng và phi hành đoàn về những phàn nàn của Josh là để họ phục vụ anh tốt hơn. Tuy nhiên, theo nam du khách, mọi chuyện vẫn tệ.

Sau khi xuống sân bay Heathrow (Anh), quản lý hãng hàng không đã gặp anh và gửi lời xin lỗi. Josh cũng nhận được một số mail xin lỗi nhưng anh cho biết, đó chỉ là những bức thư mẫu, và người viết không hề thành tâm. “Lần trước, tôi đã có một chuyến bay tuyệt vời với hãng này, nhưng lần này thì không. Và tôi sẽ không bao giờ sử dụng dịch vụ của hãng nữa”.

Nhiều người đã bày tỏ sự cảm thông với nam du khách vì trải qua một chuyến bay tồi tệ. Bên cạnh đó, số khác cho rằng trường hợp mà anh gặp phải chỉ là cá biệt vì họ từng có những kỷ niệm rất tốt với hãng bay của Malaysia này.

Josh là một trong những blogger du lịch nổi tiếng trên mạng. Anh có hơn 20.000 người theo dõi trên Instagram và 55.000 người trên kênh Youtube. Ngoài ra, anh cũng là người điều hành blog du lịch Go Travel Your Way. Mỗi năm, Josh có khoảng 150 chuyến bay.

Nguồn: vnexpress.net

Ông Trịnh Văn Quyết: ‘Bamboo Airways sẽ cất cánh vào 29/12’

Hãng bay của Tập đoàn FLC có thể bắt đầu bán vé từ cuối tháng này.

Tại một sự kiện chiều 15/11, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, Bamboo Airways sẽ giữ đúng kế hoạch cất cánh trong quý IV năm nay, dự kiến thực hiện chuyến bay đầu tiên vào 29/12.

Theo ông Quyết, các chặng bay đầu tiên của Bamboo Airways có thể là Hà Nội – Quy Nhơn, TP HCM  – Quy Nhơn, Hà Nội – TP HCM… Bên cạnh việc đưa khách tới các khu nghỉ dưỡng, tập đoàn cũng mong muốn góp phần giảm tải áp lực tắc nghẽn hàng không trong dịp Tết Dương lịch và Âm lịch.

Mẫu vé dự kiến của Bamboo Airways.

Mẫu vé dự kiến của Bamboo Airways.

Trong khi đó, ông Đặng Tất Thắng – Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, hãng cơ bản đã hoàn tất các công đoạn chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên. Những máy bay được Bamboo Airways thuê, trong đó có chiếc chưa qua sử dụng dự kiến về Việt Nam vào 15/12. “Bamboo Airways có thể mở bán vé trước khi cất cánh một tháng”, ông Thắng cho hay.

Đầu tuần này, hãng bay của FLC vừa được Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không. Theo đó, đối tượng vận chuyển của Bamboo Airways bao gồm hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu gửi; loại hình vận chuyển là thường lệ và không thường lệ.

Vốn điều lệ trên giấy phép bay là 700 tỷ đồng. Bamboo Airways hiện là hãng bay thứ 5 tại Việt Nam có giấy phép bay vận chuyển hành khách, bên cạnh Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO.

Tuy nhiên, sau khi nhận được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Bamboo Aiways vẫn cần có chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC – Aircraft Operator Certificate) và các thủ tục liên quan đến cấp phép bến bãi, bán vé… Hãng bay này có thể mất 30 – 45 ngày để hoàn thiện các thủ tục cuối cùng trước khi cất cánh.

Bamboo Airways được Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thành lập giữa năm ngoái, với vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Tháng 7/2018, FLC tuyên bố bỏ thêm 600 tỷ để tăng vốn điều lệ của hãng bay này lên 1.300 tỷ đồng. Với dự án này, FLC đặt mục tiêu đưa Bamboo Airways trở thành một trong những hãng bay hàng đầu Việt Nam.

Theo Anh Tú, vnexpress.net

Đồng phục tiếp viên hàng không Vietjet được vinh danh đẹp nhất châu Á

Đồng phục tiếp viên hàng không Vietjet được vinh danh đẹp nhất châu Á

Đồng phục tiếp viên Vietjet được vinh danh đẹp nhất châu Á. (Ảnh: Vietjet cung cấp)

Đồng phục tiếp viên của hãng hàng không Vietjet được vinh danh đẹp nhất châu Á tại lễ trao giải thường niên NOW Travel Asia Awards của tạp chí NOW Travel Asia tổ chức tại Thành phố Thành Đô (Trung Quốc). Kết quả được công bố dựa vào lượt bình chọn của độc giả và Ban giám khảo.

Đồng phục tiếp viên Vietjet được nhà thiết kế châu Âu thực hiện dựa trên ý tưởng đồng phục của thiếu sinh quân trong đội vệ quốc quân. Đối với tiếp viên nữ, áo thun đỏ cách điệu, thắt nơ trên cổ, quần soóc kèm theo mũ ca-lô kẻ sọc và các phụ kiện như cánh bay, huy hiệu, thắt lưng nâu và đôi giày búp bê đỏ xinh xắn tạo điểm nhấn cho trang phục.

Vào mùa đông, trang phục áo vest kết hợp quần soóc tạo nên sự trẻ trung, tươi mới. Đồng phục tiếp viên nam nhã nhặn, lịch sự nhưng không kém phần năng động với quần tây đen, giày tây và áo đỏ cách điệu.

Đồng phục tiếp viên Vietjet là sự kết hợp phá cách, dung hòa nét đẹp truyền thống pha lẫn hiện đại, thoát ra khỏi khuôn khổ, giới hạn về mặt trang phục; đồng thời toát lên được sự độc đáo, mới lạ và đặc biệt luôn thể hiện tinh thần trẻ trung, sáng tạo, tràn đầy cảm hứng của Vietjet, chinh phục và kết nối bầu trời.

Năm ngoái, Vietjet cũng được vinh danh trong top 5 hãng hàng không có tiếp viên quyến rũ nhất bên cạnh Singapore Airlines, Air France và Emirates. Kết quả do trang web về phong cách sống và du lịch vivalifestyleandtravel.com của Canada bình chọn.

Kể từ năm 2012, giải thưởng thường niên NOW Travel Asia Awards đã vinh danh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch xuất sắc khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Năm nay, giải thưởng NOW Travel Asia Awards tiếp tục trao giải cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cao cấp như các khách sạn, khu nghỉ dưỡng… Không chỉ có số lượng người tham gia bầu chọn vượt xa kỳ vọng, tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của các đề cử, giải thưởng còn góp phần hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ trong ngành.

Hướng tới mô hình “Consumer Airline”, Vietjet không ngừng mở thêm các đường bay mới, bổ sung nhiều tàu bay, đầu tư công nghệ hiện đại, mang tới thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ gia tăng, hướng tới phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng.

Vietjet luôn tiên phong và được yêu mến bởi nhiều chương trình khuyến mại, giải trí thú vị, đặc biệt là mùa lễ hội. Với dịch vụ vượt trội, hạng vé đa dạng, giá vé hấp dẫn, Vietjet mang đến cho hành khách trải nghiệm bay trên tàu bay mới, ghế da êm ái, thức ăn nóng, tươi ngon, tiếp viên xinh đẹp, thân thiện và các dịch vụ tiện ích cộng thêm thú vị.

Hiện tại, Vietjet đang khai thác 60 tàu bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển hơn 65 triệu lượt hành khách, với 103 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Hongkong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia…

Nguồn: vietnamplus.vn

Hãng hàng không phải vay tạm tiền của hành khách để sửa máy bay

Sự việc hi hữu này xảy ra trên một chuyến bay của hãng hàng không Ba Lan. Khi đó, tiếp viên hàng không đã vay tạm tiền của hành khách trên chuyến để trả tiền sửa chữa, và trả lại họ khi máy bay hạ cánh.

Sự việc hi hữu xảy ra trên chiếc Boeing 787 Dreamliner của hãng hàng không Ba Lan Polish Airlines. Chuyến bay mang số hiệu LO92 chuẩn bị cất cánh từ sân bay quốc tế ở thủ đô Bắc Kinh, tới sân bay Warsaw Chopin hôm 12/11. Tuy nhiên, trước khi máy bay cất cánh, nhân viên kỹ thuật phát hiện thấy bơm thủy lực của máy bay bị hỏng.

Tiếp viên hàng không của hãng đã gọi thợ của hãng Boeing tới sửa. Người này yêu cầu cần trả tiền mặt. Do không mang theo tiền mặt cũng như thẻ tín dụng, tiếp viên của hãng đã “vay tạm” một khoản tiền từ 4 hành khách có mặt trên máy bay thời điểm đó.

Một chuyến bay của hãng hàng không Ba Lan Polish Airlines

Một chuyến bay của hãng hàng không Ba Lan Polish Airlines

“Họ vay tiền của 4 vị khách trên máy bay để trả tiền sửa chữa bơm thủy lực. Tổng số tiền là 360 USD. Sau đó, khoản tiền được trả lại cho khách ngay khi máy bay hạ cánh xuống Warsaw”, một hành khách cho biết.

Sự cố trên khiến chuyến bay hạ cánh chậm 9 tiếng so với dự kiến. Ngoài việc hoàn trả tiền, 4 vị khách hào phóng còn được hãng hàng không tặng vé bay miễn phí như một lời cảm ơn.

Nói về sự cố hi hữu này, phát ngôn viên của hãng hàng không đã đổ lỗi cho công ty đại diện đặt tại Bắc Kinh và nói rằng, lẽ ra “ông ta luôn phải mang theo tiền mặt và thẻ tín dụng, phòng trường hợp bất ngờ xảy ra”.

Trong lịch sử hàng không thế giới, một sự cố tương tự từng xảy ra vào tháng 8/2012. Khi đó, chuyến bay của hãng hàng không Pháp Air France đi từ sân bay quốc tế Paris Charles de Gaulle (CDG), Pháp, đến Sân bay Quốc tế Beirut-Rafic Hariri (BEY), Libăng, buộc phải chuyển hướng tới Cyprus, sau khi nhận được thông tin có cuộc biểu tình bạo lực nổ ra tại sân bay Beirut. Tuy nhiên, để tiếp nhiên liệu, phi công đã cho máy bay hạ cánh tại Damas, Syria. Do giao dịch bằng thẻ tín dụng không đảm bảo, đội ngũ phi hành đoàn đã kêu gọi hành khách lấy tiền mặt của mình để trả trước tiền nhiên liệu.

Theo Quốc Việt, dantri.com.vn

Hành khách bị chỉ trích vì tập yoga như diễn xiếc trên máy bay

Một số người ấn tượng với màn trình diễn, không ít ý kiến cho rằng hai hành khách này đang chiếm dụng không gian chung và muốn gây chú ý.

Nicholas Coolridge, đến từ Mỹ, gây “bão” trên mạng xã hội với video tập yoga cùng bạn gái trên máy bay, theo Express ngày 13/11. Nicholas từng tham gia chương trình truyền hình Chiến binh Ninja Mỹ 4 lần và tự gọi mình là “Tarzan thời hiện đại”. Anh và bạn gái Dana Arnold đều yêu vận động, thường xuyên luyện tập cùng nhau.

Video được chia sẻ lại trên Passenger Shaming, trang tổng hợp những hành động xấu xí của hành khách đi máy bay và thu hút gần 350.000 lượt xem. Tuy nhiên, hiện chưa xác định được hành trình của chuyến bay trong video.

Tuy nhiên bài tập yoga đôi của họ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi một số người ấn tượng với màn trình diễn, không ít ý kiến cho rằng hai hành khách này đang chiếm dụng không gian chung và muốn gây chú ý.

“Đây là máy bay hay rạp xiếc đấy? Làm ơn hãy ngồi yên tại chỗ”, một tài khoản bình luận. “Phi hành đoàn đâu? Sao họ không ngăn lại?”, người dùng @katlern chia sẻ.

“Lẽ ra họ chỉ nên duỗi chân tay tại chỗ. Nếu máy bay vào vùng nhiễu động, không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, tài khoản @cg9901 viết.

“Thật nực cười, tại sao các bạn phải tập yoga trên máy bay? Để thể hiện hay sao? Hãy làm thế khi máy bay hạ cánh tại nơi bạn cần tới”, theo một người khác.

Nguồn: vnexpress.net

Hành khách bị đuổi khỏi chuyến bay sắp cất cánh vì cảnh sát tịch thu phi cơ

Bão tố, đình công, lỗi hệ thống máy tính, và giờ đây đã có thêm một lý do khiến máy bay bị hoãn chuyến: phi cơ bị chính phủ tịch thu vì hãng hàng không nợ tiền.

Hành khách đi bộ ra máy bay của Ryanair /// Thụy Miên

 

Hành khách đi bộ ra máy bay của Ryanair

Tại Pháp, một máy bay Boeing 737 của Hãng hàng không giá rẻ Ryanair (Ireland) chuẩn bị cất cánh từ đường băng sân bay Bordeaux-Merignac đến thủ đô London của Anh hồi giữa tuần đã đột ngột bị chặn lại trước khi cảnh sát xuất hiện và ra lệnh cho toàn bộ 149 hành khách đang đi bộ đến máy bay quay lại cổng làm thủ tục.

“Nhân viên phi trường cho hay máy bay có vấn đề”, AP ngày 10.11 dẫn lời một hành khách tên Boris Hejblum cho hay.

Không có nhân viên nào của Ryanair có mặt vào thời điểm đó, và thông tin duy nhất mà hành khách nhận được là tin nhắn qua điện thoại thông báo chuyến bay bị hoãn và mỗi người nhận được phiếu ăn 5 euro (hơn 130.000 đồng). Sau 5 giờ chờ đợi, họ được sắp xếp lên chuyến bay khác.

Trên thực tế, máy bay của Ryanair bị chính phủ Pháp cầm cố vì hãng hàng không thiếu nợ một khoản tiền phạt đáng kể từ năm 2014.

Khi đó, EU yêu cầu hãng này đóng phạt khoản tiền bị cho là do chính phủ Ireland trợ giá sai quy định của khối.

Lần cuối cùng tòa gửi trát đòi tiền là từ tháng 5, nhưng sau 6 tháng Ryanair im hơi lặng tiếng, giới hữu trách cho rằng đã đến lúc phải thực hiện biện pháp mạnh.
Máy bay đã được trả lại vào hôm 9.11 sau khi Ryanair đóng khoản tiền 525.000 euro.

Nguồn: thanhnien.vn

Hành khách suýt đánh nhau với tiếp viên Indonesia vì mùi sầu riêng

Một chuyến bay khởi hành từ Jakarta (Indonesia) bị hoãn một tiếng để dỡ bỏ toàn bộ sầu riêng trong khoang hành lý, do khách phản đối dữ dội.

Sự việc xảy ra trên một chuyến bay nội địa của hãng hàng không Sriwijaya, hành trình từ Jakarta đến Benkulu thuộc đảo Sumatra (Indonesia). Máy bay mang theo khoảng 2 tấn sầu riêng, SCMP đưa tin ngày 6/11.

Mùi sầu riêng tỏa ra từ khoang hành lý khiến hàng trăm hành khách không thể chịu nổi. Amir Zidane, một nhân chứng có mặt trên máy bay, cho hay thứ mùi đó được miêu tả giống như mùi tất bẩn, hành tây thối hoặc nhựa thông.

Nhiều hành khách yêu cầu tiếp viên dời toàn bộ số sầu riêng cất ở khoang đựng hành lý xuống đất. Nhà báo Boyke Ledy Watra cho hay, có lúc hành khách và tiếp viên tranh cãi gay gắt, gần như lao vào đánh nhau.

Nhân viên sân bay đưa các bao sầu riêng xuống mặt đất, hành khách đi quanh đường băng để xem. Nhiều người đồng tình và ca ngợi sự quyết liệt của hành khách trên máy bay. Video: The Star TV.

Cuối cùng, trước sự quyết liệt của hành khách, phi hành đoàn buộc phải dỡ hàng chục bao sầu riêng từ khoang chứa đồ. Điều này khiến giờ khởi hành chậm hơn dự kiến một tiếng.

Trong video quay lại cảnh tháo dỡ sầu riêng, các nhân chứng cho rằng hãng này đã chở theo 3 tấn sầu riêng. Tuy nhiên Retri Maya, giám đốc truyền thông cấp cao của hãng, khẳng định chỉ có 2 tấn trái cây, một tấn là hành lý của khách.

Trên thực tế, nếu khoang hành lý chứa 3 tấn sầu riêng, khối lượng này vẫn không vượt quá sức chở của máy bay. Hãng bay Indonesia khẳng định việc mang theo sầu riêng lên máy bay là hoàn toàn bình thường, miễn chúng được đóng gói cẩn thận để không tỏa mùi.

Theo Anh Minh, vnexpress.net

Màn chiều khách ‘có một không hai’ của tiếp viên Nhật Bản

Hành khách bực bội vì phải ngồi ở khu vực bí bức nên nhân viên hàng không lập tức sáng tạo ra một chiếc cửa sổ.

Sự việc xảy ra trên chuyến bay tại Nhật Bản, khi một hành khách yêu cầu nhân viên hãng bay xếp cho ghế ngồi cạnh cửa sổ nhưng không được đáp ứng, theoSora News 24 ngày 12/11.

Khi tiếp viên tới gần và hỏi liệu hành khách trên có muốn uống gì không, anh ta liền trả lời: “Hãy cho tôi một cái cửa sổ”. Người nhân viên nhanh chóng trở lại với “một chiếc cửa sổ” và dán nó lên khoảng trống cạnh ghế của nam hành khách.

Hành khách ngồi cạnh không thể nhịn cười và chụp lại khung cửa làm bằng giấy này. Bài chia sẻ nhanh chóng thu hút hơn 15.300 lượt yêu thích, và 7.800 bình luận từ ngày 5/11.

Ảnh: @koo_TmS_suke/Twitter.

Nam hành khách được cung cấp một khung cửa sổ giấy. Ảnh: @koo_TmS_suke/Twitter.

Không rõ nam hành khách có hài lòng với “chiếc cửa sổ” nhìn ra trời mây xanh, bên dưới là biển rộng hay không, nhưng người dùng Internet tại Nhật Bản rất thích thú. Nhiều người khen ngợi tiếp viên nhanh trí khi đáp ứng yêu cầu của khách.

“Nhìn cách anh ấy ngủ, tôi dám chắc rằng chàng trai này rất ưng ý”, một người bình luận. “Anh ấy phải may mắn đến cỡ nào mới được tặng cho một khung cảnh độc đáo đến thế”, một ý kiến khác cho biết.

Nguồn: vnexpress.net

Những hành khách không trả tiền nhưng luôn muốn ngồi khoang hạng sang

“Chỗ ngồi trên máy bay là sản phẩm chúng tôi bán ra. Khi bạn cố gắng lấy một thứ mà không trả tiền, đó là ăn cắp”, tiếp viên nói.

Nhiều tiếp viên hàng không tiết lộ những câu chuyện bi hài trên máy bay. Một trong số điều khiến họ cảm thấy khó xử nhất là những vị khách không mời mà đến trên ghế hạng thương gia.

Đây là những hành khách chỉ mua ghế hạng phổ thông nhưng luôn tìm cách lẻn vào khoang thương gia để ngồi khi có ghế trống. Nhiều người lấy chăn trùm kín đầu để tiếp viên không nhận ra sự bất thường.

Dù các tiếp viên luôn cảnh giác, đôi khi họ vẫn để lọt một vài hành khách mua ghế phổ thông nhưng lén lên khoang thương gia, hạng nhất để ngồi.

Dù các tiếp viên luôn cảnh giác, đôi khi họ vẫn để lọt vài hành khách mua ghế phổ thông nhưng lén lên khoang thương gia, hạng nhất để ngồi.

“Đó không phải là áo khoác tàng hình. Anh ta nghĩ rằng khi chùm chăn kín đầu thì chúng tôi không nhận ra sao”, một tiếp viên nhớ lại. Phi hành đoàn cho biết, họ luôn chắc chắn được ai là người đã mua vé thương gia.

Ngoài ra, trước khi lên máy bay tiếp viên luôn kiểm tra trước xem có bao nhiêu ghế trống, đặc biệt là khoang hạng sang.

“Chuyến bay đó, tôi biết chắc ghế 1G trống. Tuy nhiên một người đàn ông luôn miệng nói rằng ông ta đã mua chỗ ngồi này, nực cười làm sao. Đến khi tôi yêu cầu xuất trình vé máy bay, người này liền đưa cho tôi 60 USD để hối lộ. Chúa ơi, ông ta nghĩ rằng tôi sẽ đổi 60 USD để đẩy mình vào thế nguy hiểm ư”, một nam tiếp viên chia sẻ trên trang Internationalflyguy.

“Khi tôi bắt gặp ai đó đang làm điều này, tôi sẽ yêu cầu họ xuất trình vé. Khi họ không thể chứng minh được, họ sẽ cãi rằng tại sao không thể ngồi vì chiếc ghế này bỏ trống”, một tiếp viên khác cho hay.

Một số khác thì lấy lý do sức khỏe và “bác sĩ yêu cầu” để được ngồi ở vị trí tốt này mà không phải chi thêm tiền. Với những hành khách như thế, các tiếp viên thường sẽ tính thêm phí cho họ. Sau đó, họ sẽ yêu cầu các hành khách này đi đòi tiền đền bù từ các hãng bảo hiểm y tế. Có người nói rằng, họ “bị lạc” nên mới ngồi nhầm ghế.

Bên cạnh đó tiếp viên cũng gặp không ít trường hợp hành khách ngồi ghế phổ thông thò đầu qua tấm rèm ngăn cách và xin một ly rượu vang. “Nhiều người nghĩ rằng rượu được phục vụ ở khoang cao cấp ngon hơn, và họ muốn thử”.

Jay Robert, tiếp viên trưởng của một hãng hàng không quốc tế cho biết, nhiều hành khách nghĩ rằng việc lẻn lên ghế thương gia là một trò chơi thú vị. Nhưng với tiếp viên, họ không thấy hay chút nào. “Những chỗ ngồi là sản phẩm mà chúng tôi bán ra. Khi bạn cố gắng lấy một thứ mà bạn không trả tiền, đó là ăn cắp”, Jay nói.

Hình phạt cho việc nâng hạng chỗ ngồi lén lút này là sự xấu hổ. Nhiều hành khách khi bị phát hiện sẽ phải quay về chỗ ngồi của mình. Chắc chắn, họ sẽ cảm thấy mất mặt khi những người ngồi cạnh biết được lý do mình được tiếp viên “hộ tống” về lại chỗ ngồi. Các tiếp viên cũng sẽ thông báo với nhau về những nhân vật trên và họ sẽ đưa bạn vào danh sách đen.

Penguin, hành khách tự nhận thường xuyên thành công trong việc lén lên ngồi khoang hạng sang mà không bị phát hiện. Một trong những lần hiếm hoi anh bị “sờ gáy” là ngồi vào đúng ghế dành cho phi công nghỉ ngơi. Lần đó, tiếp viên cũng chỉ yêu cầu anh quay về đúng chỗ của mình. Nhưng điều tệ nhất là ghế đó đã bị người khác ngồi mất và Penguin đành phải ngồi ở ghế giữa chật chội trong suốt 14 tiếng bay.

Theo Anh Minh, vnexpress.net

Du khách có thể được đi máy bay điện vào năm 2030

Thay vì dùng xăng như hiện tại, máy bay trong tương lai có thể chạy bằng pin.

Một hãng hàng không giá rẻ của Anh đã lên kế hoạch phát triển đội bay chạy bằng điện phục vụ các chặng ngắn dưới 2 tiếng. Dự kiến, hành khách sẽ được ngồi trên những chiếc máy bay điện vào năm 2030. Mục đích của chiến lược này nhằm giảm thiểu khí thải carbon và ô nhiễm tiếng ồn, CNN đưa tin ngày 31/10.

Nếu dự án thành công, Amsterdam - London sẽ là chặng bay điện đầu tiên trên thế giới.

Nếu dự án thành công, Amsterdam – London sẽ là “chặng bay điện” đầu tiên trên thế giới.

Theo đó, hãng bay đã hợp tác với nhà sản xuất Wright Electric của Mỹ để chế tạo ra những chiếc phản lực chạy bằng pin. Đây cũng là công ty từng sản xuất thành công máy bay điện hai chỗ. Hãng đang phát triển sản phẩm để nâng số ghế từ hai lên chín và ra mắt vào năm 2019.

Nếu thành công, hãng sẽ dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong các chặng thông dụng, như từ London đến Amsterdam hay trong phạm vi từ 500 km đổ lại. Đây cũng có thể trở thành “đường bay điện” đầu tiên trên thế giới.

Nếu chạy điện, máy bay sẽ nhẹ hơn 50% và chi phí ít hơn 10% so với chạy xăng.

Nguồn: vnexpress.net

Hàng không hướng cạnh tranh vào thị trường du lịch

Thị trường hàng không, du lịch chứng kiến những kiểu “cộng sinh” mới như tập đoàn bất động sản mở hãng hàng không, Vietnam Airlines bắt tay ông lớn du lịch.

“Hàng không và du lịch như hai cánh của một chú chim. Một trong hai cánh bị tổn thương thì không thể bay cao”, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng từng phát biểu về tầm quan trọng của sự bắt tay giữa hàng không và du lịch.

Sự phát triển “cộng sinh” giữa hàng không và du lịch không phải là điều mới. Các số liệu cho thấy hàng không là ngành đang hưởng lợi nhiều từ du lịch và ngược lại, nhờ sự phát triển thêm hãng hàng không và đường bay mới mà nhiều điểm đến ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt du khách.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng cục du lịch cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 7,89 triệu lượt người, trong đó 80% du khách tới bằng đường hàng không. Khách du lịch nội địa ước đạt 42,8 triệu lượt và khoảng 7,5 triệu lượt di chuyển bằng máy bay.

Tuy vậy, chỉ cho đến gần đây, sự cạnh tranh nhắm đến thị trường du lịch của các ông lớn hàng không mới bắt đầu rõ rệt. Trong bối cảnh thị trường hàng không chững lại sau nhiều năm tăng trưởng với tốc độ bùng nổ trên 20% mỗi năm, các hãng đang chuyển hướng sang thị trường ngách và hợp tác chiến lược đặc biệt để tìm kiếm khách hàng mới.

Ông Dương Trí Thành - TGĐ Vietnam Airlines và ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Vingroup ký kết và trao đổi thỏa thuận hợp tác dưới sự chứng kiến của các đại diện lãnh đạo hai bên.

Ông Dương Trí Thành – TGĐ Vietnam Airlines và ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Vingroup ký kết và trao đổi thỏa thuận hợp tác dưới sự chứng kiến của các đại diện lãnh đạo hai bên.

Với sự ra mắt của hãng hàng không mới Bamboo Airways với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, Tập đoàn FLC tuyên bố chiến lược mở các đường bay nội địa và quốc tế và hướng tới kết nối hành khách tới các khu nghỉ dưỡng quy mô từ 1.000 – 3.000 phòng của tập đoàn này nằm ở các điểm du lịch lớn.

Như vậy, du khách đến Việt Nam tham dự các giải đấu golf lớn kết hợp với du lịch khám phá, nghỉ dưỡng có thể bay thẳng tới các địa điểm cần đến. Và còn được hưởng giá vé tốt do sử dụng chuỗi sản phẩm, dịch vụ của FLC.

Trước đó, từ khi ra đời năm 2010, AirMekong đã nhắm vào thị trường ngách là khách du lịch với các đường bay đến điểm du lịch Phú Quốc cùng các địa điểm mà tập đoàn mẹ là BIM Group có hệ thống bất động sản nghỉ dưỡng.

“Hướng đi này tập trung vào thị trường ngách, nơi có nhiều tiềm năng chưa được khai phá, mang lại cơ hội tiếp cận dịch vụ tốt hơn cho hành khách”, đại diện Tổng cục Du lịch nhận xét.

Mới đây nhất, hôm 4/10, thị trường hàng không, du lịch tiếp tục chứng kiến cú hích mới khi hai ông lớn Vietnam Airlines và Vingroup bắt tay nhau phối hợp xây dựng sản phẩm chung.

Theo đại diện Vietnam Airlines, đây là cơ sở để phát triển các sản phẩm dịch vụ đi theo xu hướng chuyên biệt hoá, phục vụ tốt hơn nhu cầu của phân thị khách hàng trung và cao cấp.

Cũng theo hai doanh nghiệp, sự hợp tác này để hiện thực hóa mong muốn tạo đà phát triển của du lịch mà Bộ chính trị đề ra trong nghị quyết 08 là tái cấu trúc du lịch tới năm 2030, trở thành ngành mũi nhọn đóng góp GDP trực tiếp cao hơn.

Cuộc chơi của những thương hiệu lớn

Thỏa thuận nói trên của hai ông lớn mang đến các sản phẩm kết hợp hàng không và du lịch trên toàn bộ mạng đường bay của Vietnam Airlines và toàn bộ các cơ sở lưu trú du lịch mang thương hiệu Vinpearl. Hai bên có thể hợp tác đầu tư, phát triển đường bay dưới hình thức thường lệ và thuê chuyến từ các điểm nội địa và quốc tế tới các cơ sở du lịch, vui chơi giải trí của Vinpearl.

“Đây là các sản phẩm ‘hai trong một’ giúp khách hàng mua một gói sản phẩm với hai dịch vụ hàng không – du lịch nghỉ dưỡng cao cấp,tiện nghi, có thể tiết kiệm chi phí và thời gian”, người đại điện Vietnam Airlines cho hay.

Hình thức này được các đã được Singapore Airlines, Bristish Airways và nhiều hãng hàng không khác thực hiện. Khi khách hàng đặt vé máy bay, hệ thống sẽ tự động gợi ý các gói nghỉ dưỡng, hoặc tour du lịch tới các địa điểm nổi tiếng.

Hai thương hiệu cũng ký kết hợp đồng khách hàng lớn xây dựng chính sách trao đổi, sử dụng dịch vụ của nhau cùng các ưu đãi đi kèm. Và đẩy mạnh hợp tác sâu rộng chương trình khách hàng thường xuyên nhằm đem đến những sản phẩm, tiện ích tốt nhất phù hợp với nhu cầu và trải nghiệm của khách hàng.

Ký kết này không chỉ dừng lại ở lợi ích tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dùng, mà hai thương hiệu lớn này còn mở ra hàng loạt ưu đãi cho khách hàng.

Cụ thể, hội viên của Vietnam Airlines có thể chuyển đổi từ dặm bay Bông sen vàng sang điểm tích lũy sử dụng được các dịch vụ của Vingroup. Ngược lại, lần đầu tiên thẻ VinID của tập đoàn Vingroup có quyền lợi đặc biệt ngoài hệ thống, đổi điểm lấy dặm bay của Vietnam Airlines.

Các ông lớn cạnh tranh, người dùng hưởng lợi 

Một chuyên gia hàng không nhận định, việc tập đoàn bất động sản, du lịch như FLC thành lập hãng hàng không mới để đưa khách đến các điểm du lịch nghỉ dưỡng của mình, hay lựa chọn hợp tác giữa một hãng hàng không và ông lớn nghỉ dưỡng đều là những giải pháp hiệu quả để chinh phục khách hàng.

Hưởng lợi nhiều nhất từ sự cạnh tranh này, theo giới chuyên gia, chính là người tiêu dùng.

Theo đó, để chuẩn bị cho ký kết này, cả hai thương hiệu đã tự chuẩn bị cơ sở vật chất và nguồn nhân lực tốt để đảm bảo thực hiện tốt thỏa thuận.

Vào tháng ba, Vingroup đã hoàn thành việc tái cấu trúc thương hiệu Vinpearl và quy hoạch lại hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ trên toàn hệ thống (31 khách sạn, khu nghỉ dưỡng dòng 4 sao và 5 sao với khoảng 13.000 phòng) theo xu hướng chuyên biệt hoá của các tập đoàn du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu.

Vietnam Airlines được định vị là hãng hàng không nội địa có chất lượng dịch vụ đạt bốn sao, có mạng lưới bay kết hợp quốc tế – nội địa phục vụ đa dạng nhu cầu của hành khách, giữ thị phần tại các nhóm khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ.

Thông thường, chi phí đi lại, lưu trú chiếm quá nửa chi phí tour. “Khi các hãng hàng không và du lịch xây dựng được sản phẩm chung, chi phí sẽ tiết giảm. Từ đó thúc đẩy phát triển du lịch tại nhiều địa phương, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”, một chuyên gia nhận định.

Theo Hồng Dung, vnexpress.net

Bên trong sân bay lớn nhất thế giới mở cửa cuối tháng 10

Sân bay Istanbul dự kiến đón 90 triệu lượt hành khách mỗi năm và có thể mở rộng công suất lên gấp đôi.

Tayyip Erdogan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, vừa giới thiệu về sân bay lớn  nhất thế giới, nằm ngoài thủ đô Istanbul của nước này. Tổng chi phí xây  dựng lên tới 11,7 tỷ USD. Sân bay sẽ đi vào hoạt động toàn thời gian từ  tháng 1/2019.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, vừa giới thiệu về sân bay mới nằm ở thủ đô Istanbul. Công trình có kinh phí xây dựng 11,7 tỷ USD trên tổng diện tích 7.650 hecta, được kỳ vọng là sân bay lớn nhất thế giới.

Tên của sân bay mới sẽ là Istanbul Airport. Sân bay Ataturk, được đặt  theo tên người sáng quốc Mustafa Kemal Ataturk, sẽ không phục vụ mục  đích thương mại.

Sân bay mới mang tên Istanbul Airport sẽ giải quyết sự quá tải của Istanbul Ataturk. Trong thời gian tới, sân bay cũ sẽ không còn phục vụ mục đích thương mại.

Sân bay Istanbul, nằm ở bờ biển Đen, có thể đón tiếp 90 triệu khách  mỗi năm và mở rộng để phục vụ tới 200 triệu lượt. Trong 2 tháng đầu, nó  chỉ được sử dụng cho một số chuyến bay trong nước và tới Azerbaijan hay  phía bắc Cyprus.Trước khi hết năm 2018, sân bay mới được kỳ vọng sẽ đón  2.000 máy bay mỗi ngày tới hơn 350 điểm bởi hơn 250 hãng hàng không.

Công trình mang phong cách thiết kế Hồi giáo và Thổ Nhĩ Kỳ với tòa tháp kiểm soát không lưu hình tulip. Đây là thiết kế đạt giải thưởng Kiến trúc Quốc tế 2016.

Bên trong sân bay mới này được trình bày theo những thiết kế Hồi  giáo và Thổ Nhĩ Kỳ, với tòa tháp kiểm soát không lưu hình tulip. Đây là  thiết kế đạt giải thưởng Kiến trúc Quốc tế 2016.

Nằm ở bờ biển Đen, sân bay Istanbul dự kiến đón 90 triệu lượt khách mỗi năm và có thể mở rộng công suất để phục vụ tới 200 triệu lượt. Hiện sân bay mới hoàn thành giai đoạn 1. Trong 2 tháng đầu, nó chỉ được sử dụng cho một số chuyến bay trong nước và tới Azerbaijan hay phía bắc Cyprus.

Sân bay đề xuất các ứng dụng di động và công nghệ thông minh nhân tạo  tiết kiệm năng lượng. Hành khách cũng yên tâm với hệ thống an ninh công  nghệ cao.

Ở đây có các ứng dụng di động, công nghệ thông minh để tiết kiệm năng lượng và hệ thống an ninh công nghệ cao.

Sau khi quá trình xây dựng được hoành thành, sân bay sẽ có 6 đường băng.Bãi đỗ xe của sân bay có sức chứa tới 70.000 phương tiện.

Trong 2 tháng cuối năm, sân bay được kỳ vọng đón 2.000 máy bay mỗi ngày tới hơn 350 điểm.

Sân bay mới này sẽ có tổ hợp gian hàng miễn thuế lớn nhất thế giới.

Ở đây có 6 đường băng, bãi đỗ xe 70.000 chỗ, tổ hợp gian hàng miễn thuế lớn nhất thế giới.

Sân bay này được đánh giá là cầu nối quan trọng nhất giữa châu Á và châu  Âu. Việc xây dựng này hết sức cần thiết khi tình trạng quá tải ngày  càng phổ biến ở sân bay Ataturk. Nơi đây được đánh giá là một trong  những sân bay bận nhất châu Âu khi không có không gian để mở các đường  băng mới.

Istanbul là cầu nối quan trọng nhất giữa châu Á và châu Âu. Sân bay của thành phố được đánh giá là đông khách bậc nhất thế giới.

Theo Vân Phạm, vnexpress.net