Năm 1981, hãng hàng không American Arilines giới thiệu đến khách hàng loại vé AAirpass. Chỉ cần bỏ ra 250.000 USD, bạn có thể đi đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới, vào bất kỳ lúc nào cho đến cuối đời. Người mua có thể bỏ thêm 150.000 USD cho người đi cùng. Khi đó, hãng hàng không này thua lỗ tới 76 triệu USD nên rất cần tiền mặt, mà lãi suất ngân hàng lại quá cao. Vì vậy, công ty quyết định tung ra dịch vụ vé hạng nhất không giới hạn này dành cho những hành khách giàu có nhất.
Năm 1990, giá vé là 600.000 USD dành cho hai người (số tiền này tương đương với gần 1,2 triệu USD ở thời điểm hiện tại). Năm 1993, giá cho loại vé này tăng lên 1,01 triệu USD và đến năm 1994, hãng dừng bán. 28 người đã sở hữu tấm vé với mức giá chỉ có một lần trong đời như vậy.
|
Tấm vé bay trọn đời của Rothstein. Ảnh: Rothstein/Hustle.
|
Tuy nhiên, hãng bay nhanh chóng nhận ra AAirpass có một lỗ hổng nghiêm trọng: Họ bị “mất” nhiều hơn là “được” trong giao dịch này. Người đứng đầu hãng lúc đó là CEO Robert Crandall cho biết: “Công chúng luôn thông minh hơn bất kỳ tập đoàn nào. Và họ lập tức phát hiện ra chúng tôi đã mắc sai lầm về giá cả”.
Hai hành khách đã có “đóng góp” nhiều nhất cho việc thua lỗ này chính là Steve Rothstein và Jacques Vroom. Hãng đã tính ra rằng, mỗi người đã tiêu tốn của họ ít nhất một triệu USD tiền thuế, phí và vé máy bay mỗi năm.
Steve Rothstein là một chuyên viên tư vấn đầu tư ở Chicago. American Arilines đã liên hệ với Rothstein và mời ông đầu tư cho vé AAirpass. Thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt, họ trả cho ông bằng dặm bay. Với tổng số tiền thương lượng là 383.000 USD, Rothestein đã mua vé cho mình và người đi cùng đến trọn đời.
Trong vòng 25 năm tiếp theo, Rothestein đã đặt hơn 10.000 chuyến, tích lũy hơn 30 triệu dặm bay, tiêu hết 21 triệu USD tiền vé máy bay, thuế phí. Ông bay hàng trăm chuyến đến New York, Los Angeles… hay tới Ontario (Canada) chỉ để mua một chiếc bánh sandwich mà mình yêu thích. Ông còn bay sang London (Anh), đôi khi cả chục lần mỗi tháng. Thi thoảng, vị khách này còn hào phóng dùng vé dành cho bạn đồng hành để mời một người xa lạ ở sân bay lên khoang hạng nhất ngồi cạnh mình.
|
Trong 25 năm dùng vé, Steve Rothstein đã thực hiện 1.000 chuyến bay tới thành phố New York, 500 chuyến tới San Francisco, 500 chuyến tới Los Angeles, 500 chuyến tới London, 120 chuyến tới Tokyo, 80 chuyến tới Paris, 80 chuyến tới Sydney, 50 chuyến tới Hong Kong… và chưa kể tới những lần cho người khác đi nhờ vé. Ảnh: Los Angeles Times.
|
Về phần Jacques Vroom, một chuyên gia tư vấn tại Texas, cũng bỏ ra 400.000 USD mua vé bay không giới hạn cho bản thân và bạn đồng hành. Trong vòng 20 năm, ông sử dụng khoảng 2 triệu dặm bay mỗi năm.
Vroom cũng rất biết cách sử dụng ưu đãi này của mình. Ông bắt các chuyến bay để tới xem mọi trận đấu bóng đá của cậu con trai mình đang sống tại Bờ Đông. Ông bay qua Pháp hoặc Anh chỉ để ăn trưa với một người bạn. Khi con gái Vroom học về văn hóa Nam Mỹ, ông chẳng ngại ngần để đưa cô tới Buenos Aires (Argentina) chỉ để xem một cuộc đua ngựa, và bay về Mỹ ngay ngày hôm sau.
|
Jacques Vroom luôn bay hạng nhất khi sở hữu tấm vé đặc biệt. Ảnh: Jacques Vroom.
|
Hãng bay Mỹ nhanh chóng thu hồi vé của hai hành khách trên và họ cũng không mất quá nhiều thời gian để tìm được lý do. Rothstein đã thực hiện 3.000 chuyến bay trong 4 năm, hủy 2.500 chuyến bay trong số đó. Vroom đặt nhiều chuyến bay cho người lạ. Những giao dịch này đều không vi phạm hợp đồng, nhưng hãng coi đó là hành động không trung thực.
Năm 2008, Vroom và Rothstein bị tước tấm vé AAirpass trọn đời. Họ đã đâm đơn kiện và tuyên bố rằng sẽ không bao giờ dùng dịch vụ của hãng bay này nữa. Vroom, giờ là một giáo viên ở Dallas, nói rằng hãng bay đã làm tổn thương những người mua vé, còn Rothstein ước rằng mình chưa bao giờ thực hiện giao dịch này.
Robert Crandall, nay là cựu chủ tịch của American Airlines, có lý lẽ của riêng mình: “Tôi cho rằng họ là những kẻ gian lận. Nếu họ gian lận, họ xứng đáng với điều đó [bị tước vé]”.
Sau các vụ kiện, Vroom và Rothstein không lấy lại được AAirpass, một hành khách thứ ba cũng bị thu hồi tấm vé này. Trong khi đó, 25 hành khách khác, gồm cả tỷ phú Mark Cuba, vẫn sở hữu tấm vé còn hiệu lực. Tuy nhiên, hiện tại Cuba đã là tỷ phú, và sở hữu máy bay riêng. Dù vậy, ông vẫn nói rằng tấm vé AAirpass là giao dịch tuyệt vời nhất trong đời mình. Còn với nhiều người, Steve Rothstein và Jacques Vroom được coi là huyền thoại của ngành hàng không, với khoản tiền họ bỏ ra và những dặm bay khổng lồ họ tích lũy.
Năm 2004, American mở bán AAirpass không giới hạn lần cuối với giá 3 triệu USD cộng với một thẻ đồng hành giá 2 triệu USD. Hãng không bán được tấm vé nào.
Nguồn: vnexpress.net