Nhà giàu chuộng máy bay riêng trong Covid-19

Nhà giàu chuộng máy bay riêng trong Covid-19

Khi hàng loạt hãng bay thương mại hủy chuyến trên khắp thế giới, những doanh nghiệp chuyên cung cấp máy bay tư nhân đang hoạt động hết công suất.

 

“Thị trường đang bùng nổ,” Justin Crabbe, Tổng giám đốc Jettly, cho hay. “Tôi chưa bao giờ thấy những chuyến bay sơ tán của chúng tôi hoạt động với tần suất cao như vậy”.

Jettly, công ty có trụ sở tại New York (Mỹ) và Toronto (Canada), chuyên kết nối khách hàng với 23.713 máy bay tư nhân trên khắp thế giới.

Đơn vị này đã chứng kiến nhu cầu gia tăng đột biến khi nhận tới hàng nghìn yêu cầu đặt chuyến gấp từ những khách hàng đang cố gắng di tản, tránh các lệnh cấm đi lại hiện tại và sắp có hiệu lực. Để đáp ứng thị trường, Jettly đang tăng gấp ba nhân viên.

“Thông thường, chúng tôi có khoảng 2.000 đến 3.000 yêu cầu mỗi ngày vào thời điểm này trong năm, nhưng vài tuần qua, đơn đặt chuyến tăng gấp đôi số đó để đưa mọi người khỏi các khu vực bị ảnh hưởng vì dịch bệnh”, Crabbe nói.

Một chuyến bay khứ hồi sử dụng phi cơ với sức chứa khoảng 12 - 14 hành khách có giá từ 250.000 - 300.000 USD, một mức giá khá cạnh tranh so với vé hạng nhất. Ảnh: Zach Griff/The Points Guy.

Một chuyến bay khứ hồi sử dụng phi cơ với sức chứa khoảng 12 – 14 hành khách có giá từ 250.000 – 300.000 USD, một mức giá khá cạnh tranh so với vé hạng nhất. Ảnh: Zach Griff/The Points Guy.

Covid-19 đã lan tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 120.000 người, ít nhất 4.300 trường hợp tử vong. Hơn 74 hãng hàng không thương mại đã hủy các chuyến bay trên khắp thế giới vì lo ngại dịch bệnh lây lan. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) ước tính ngành hàng không toàn cầu thiệt hại gần 30 tỷ USD vào năm 2020.

Thông tin về dịch bệnh và lệnh cấm du lịch đã thúc đẩy thị trường thuê bao máy bay tư nhân, bởi khách hàng sẵn sàng trả giá cao nhất cho các chuyến bay vào phút chót. Số chuyến bay tư nhân từ Hong Kong đến Bắc Mỹ và Australia đã tăng 214%, và số chuyến bay từ xứ cảng thơm tới các địa điểm trên toàn cầu đã tăng 34,2% so với năm 2019, Financial Times đưa tin.

Crabbe chỉ ra rằng, các báo cáo về lệnh cấm du lịch, phong tỏa các thành phố, sơ tán và các ca lây nhiễm hay tử vong mới “khiến công chúng cực kỳ sợ hãi và tránh xa các nhà ga, sân bay, máy bay thương mại do nguy cơ lây nhiễm cao”.

Adam Twidell, CEO của PrivateFly có trụ sở tại London, cũng ghi nhận lượng yêu cầu đặt dịch vụ gia tăng đột biến từ các tập đoàn và cá nhân.

“Một gia đình từ Hong Kong đặt chuyến để đến Bali du lịch. Họ thường bay với các hãng hàng không thương mại, nhưng dịp này, khách lo ngại về khả năng tiếp xúc với mầm bệnh trên chuyến bay”, Twidell tiết lộ.

Những khách hàng của Jettly, cả khách lẻ và doanh nghiệp, sẵn sàng trả cao hơn bình thường để sơ tán khỏi các khu vực bị ảnh hưởng trong 24 – 48 giờ thay vì phải chờ vài ngày. Một máy bay tư nhân có sức chứa tối đa 6 hành khách giá 5.000 USD/một giờ thuê.

Nhà giàu chuộng máy bay riêng trong Covid-19

Không gian trong máy bay riêng giúp hành khách hạn chế tiếp xúc với nhiều người. Ảnh: Simply Jet SA.

Crabbe nhận định nhu cầu gia tăng, nhưng nguồn cung máy bay và phi hành đoàn lại thiếu, dẫn đến tình trạng khách phải trả tiền gấp đôi ba lần giá thông thường để giữ chỗ. Đặc biệt, những doanh nghiệp lớn sẵn sàng chi không giới hạn để sơ tán nhân viên khỏi các khu vực bị ảnh hưởng về Mỹ.

Những máy bay tư nhân có thể tận dụng “nhiều lỗ hổng” trong hệ thống, để tránh các lệnh cấm đi lại và các quy định khác liên quan đến nCoV.

Crabbe đánh giá, máy bay tư nhân linh hoạt hơn khi bay vào và ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 so với máy bay thương mại. “Hành khách đang sử dụng các nhà ga tư nhân bên cạnh các nhà ga thương mại thông thường không phải thực hiện thủ tục an ninh, thậm chí không bị kiểm tra thân nhiệt”, ông nói.

GlobeAir, một công ty cho thuê máy bay tư nhân có trụ sở tại châu Âu, đã thiết lập một trang tư vấn về Covid-19 trên website chính thức cho khách du lịch muốn tránh bị lây nhiễm virus, khẳng định các máy bay và phòng chờ tư nhân “an toàn hơn nhiều so với nhà ga sân bay lớn”. Tuy nhiên, công ty khuyến khích khách hàng và nhân viên tuân thủ các biện pháp y tế dự phòng của chính quyền địa phương.

Những ảnh hưởng lâu dài của Covid-19 với ngành hàng không tư nhân vẫn chưa được xác định dù nhu cầu đang tăng mạnh.

“Rõ ràng, bất kỳ lợi ích ngắn hạn đều được cân bằng với những mối lo ngại và thách thức dài hạn, bao gồm cả tác động đến nền kinh tế toàn cầu,” Twidell nhận định.

“Ngay cả khi chúng ta đang thấy nhu cầu gia tăng ngắn hạn, rất nhiều khách hàng khác đang thay đổi hoặc hủy bỏ kế hoạch du lịch”, Twidell nói. “Công tác hậu cần để điều phối chuyến bay vào hoặc ra khỏi Trung Quốc hay giữa các quốc gia khác, hiện rất phức tạp. Chúng tôi đang theo dõi sát sao những biến động hàng ngày”.

Theo Crabbe, đội máy bay giới hạn và thiếu hụt nhân lực cũng là một thách thức. Một số phi công và nhà khai thác không còn sẵn sàng bay vào các khu vực đáng báo động như Iran vì lo sợ bản thân hoặc gia đình có nguy cơ bị lây nhiễm từ hành khách”.

Nguồn: vnexpress.net

Khám phá Côn Đảo ngắn ngày

Khám phá Côn Đảo ngắn ngày

BÀ RỊA – VŨNG TÀU | Ngắm máy bay hạ cánh sát mặt biển, lặn ngắm san hô ở nhiều bãi biển hoang sơ là trải nghiệm thu hút du khách đến Côn Đảo.

Từ tháng 3 đến tháng 9 là thời gian thích hợp để khám phá Côn Đảo, lúc này biển êm gió nhỏ thuận lợi cho việc di chuyển ra đảo. Ban ngày nắng vàng và trời xanh thích hợp lặn biển và chụp ảnh.

Côn Đảo đẹp nhất vào khoảng tháng 3 - 5, trời ít mưa, biển êm. Ảnh: Tâm Linh.

Côn Đảo đẹp nhất vào khoảng tháng 3 – 5, trời ít mưa, biển êm. Ảnh: Tâm Linh.

Di chuyển ra Côn Đảo bạn có thể đi bằng máy bay và tàu biển.

Nếu đi đường hàng không, bạn chỉ mất khoảng 50 phút để đến sân bay Côn Đảo từ TP HCM hoặc Cần Thơ, chuyến bay do Vietnam Airlines khai thác với giá dao động 1,5 triệu – 2,5 triệu đồng một chiều. Từ sân bay Côn Đảo về trung tâm thị trấn khoảng 12 km, bạn nên đi taxi giá từ 280.000 đồng.

Di chuyển bằng tàu biển, tiện nhất nếu bạn xuất phát từ cảng Trần Đề (Sóc Trăng), thời gian di chuyển khoảng 2,5 giờ với giá vé 320.000 – 520.000 đồng mỗi chiều cho một hành khách. Từ TP HCM, bạn đặt vé xe khách đến Sóc Trăng khoảng 5 giờ xe chạy, vé từ 130.000 đồng.

Tại đảo, bạn có thể di chuyển bằng taxi với giá khoảng 11.000 đồng/ km, hoặc thuê xe máy giá từ 100.000 đồng một ngày, ô tô 12 – 16 chỗ với giá từ 1,5 triệu đồng một ngày. Ngoài ra, dịch vụ xe ôm chở bạn đi khắp nơi trên đảo có giá khoảng 300.000 đồng một ngày.

Khi đi lặn ngắm san hô, bạn cần thuê thuyền, cano có sức chứa 6 – 20 người với giá 2 – 5 triệu đồng khứ hồi trong ngày. Nếu đi ít người, bạn nên xin ghép đoàn ở các nơi bán tour để tiết kiệm chi phí.

Trung tâm thị trấn Côn Sơn có nhiều lựa chọn về cơ sở lưu trú cho du khách như nhà nghỉ, khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng. Giá phòng dao động từ 130.000 đồng đến vài triệu đồng. Du khách cũng có thể cắm trại dã ngoại qua đêm ở những nơi được ban quản lý cho phép.

Trong thời gian ngắn ngày, bạn có thể chọn tham quan các địa điểm dưới đây.

Cụm đảo Hòn Bảy Cạnh – Hòn Tài – Hòn Cau – Hòn Tre lớn – Hòn Tre nhỏ – Hòn Bà: là tuyến du lịch sinh thái biển với các trải nghiệm lặn ngắm san hô, tham quan rừng ngập mặn, tìm hiểu hoạt động bảo tồn tài nguyên, và may mắn vào đúng mùa sẽ được xem rùa đẻ trứng, thả rùa con về biển. Khi thuê cano đi ra đảo nhỏ, bạn nên chọn 1 – 3 điểm là đủ trải nghiệm trong ngày.

Bãi tắm Đầm Trầu: nước biển êm và bãi cát vàng mịn. Tại đây có nhiều dịch vụ vui chơi như cano, ghế ngồi, ăn uống, ván chèo… Đặc biệt, bạn còn có thể nhìn máy bay đáp gần mặt biển ở bãi Đầm Trầu.

Mũi Tàu Bể: nằm trên con đường độc đạo từ sân bay về thị trấn. Nơi đây được du khách nhận xét là điểm ngắm bình minh đẹp nhất Côn Đảo.

Bãi Nhát, mũi Cá Mập: bãi biển hoang sơ được nhiều du khách dừng lại chụp ảnh nhất vì cảnh đẹp với cung đường uốn quanh triền núi, một bên là bãi biển xanh trong vắt.

Các bãi tắm trung tâm vịnh Côn Sơn có cát trắng mịn, biển lặng sóng và đông người địa phương đến đây bơi. Trên đường Tôn Đức Thắng ven bãi tắm, bạn có thể hóng mát tại các quán cà phê hướng ra biển.

Nhà tù Côn Đảo: được gọi là “địa ngục trần gian” nay vẫn gần như nguyên vẹn với các bức tượng tái hiện cảnh tra tấn tù nhân. Bạn nên thuê hoặc đi theo đoàn có người thuyết minh để được nghe những câu chuyện xúc động tại nhà tù năm xưa. Giá vé tham quan: 20.000 đồng một người.

Bảo tàng Côn Đảo: trước đây là nơi ở và làm việc của 53 đời Chúa đảo trong suốt 113 năm. Khu di tích ngày nay trở thành nơi trưng bày tư liệu, vật phẩm có giá trị lịch sử thu hút khách du lịch. Giá vé vào cửa: 20.000 đồng một lượt.

Nghĩa trang Hàng Dương: nơi có phần mộ của nữ liệt sĩ Võ Thị Sáu và hơn 2.000 liệt sĩ khác, được cho là rất linh thiêng.

Hồ An Hải: nằm ở trung tâm đảo lớn, là hồ nước ngọt lớn thứ hai trên đảo. Vào mùa hè, hoa sen trong hồ nở hồng thì con đường nơi đây trở thành không gian chụp ảnh thu hút nhiều nhiếp ảnh gia và khách du lịch.

Những cung đường trên đảo cũng có nhiều không gian đẹp như tuyến đường rợp bóng cây bàng, hoa muồng vàng và phượng đỏ vào mùa hè, các bụi hoa giấy hồng dọc đường, ngôi nhà xưa cũ, các mũi cầu tàu vươn ra biển, con đường ven biển sát vách núi đá…

Những đặc sản Côn Đảo bạn nên tìm thưởng thức là ốc vú nàng, ốc nón, ốc tai tượng, ốc bàn tay, tôm hùm đỏ, tôm mũ ni, cua mặt trăng, cua vang, cá mú đỏ, gỏi cá nhám nước phỗng, mực một nắng… và các loại cá biển.

Ốc vú nàng là hải sản nổi tiếng ngon ở Côn Đảo. Ảnh: dulichvietnam.

Ốc vú nàng là hải sản nổi tiếng ngon ở Côn Đảo. Ảnh: dulichvietnam.

Tại đây còn có các bè nổi ăn uống dành cho du khách với giá trung bình một bữa khoảng 200.000 – 500.000 đồng, bạn chi thêm khoảng 10.000 – 30.000 đồng để đi tàu nhỏ ra các bè. Rẻ nhất vẫn là các hàng quán địa phương bình dân trong khu dân cư, với nhiều món như cơm, cháo, bún riêu, bánh khọt… chỉ từ 15.000 đồng.

Nếu cần mua đặc sản mang về, bạn đến chợ Côn Đảo, nơi bày bán nhiều loại đặc sản tươi sống, sấy khô và hàng lưu niệm. Mứt hạt bàng là thức quà dễ ăn được du khách ưa thích.

Lưu ý

Lịch tàu chạy hoặc chuyến bay có thể bị đổi thời gian hoặc hoãn do thời tiết xấu. Trên đảo có rất ít cây xăng nên bạn chú ý đổ xăng đầy bình nếu có ý định ra xa trung tâm. Thời tiết trên đảo ban ngày rất nắng và hơi lạnh vào ban đêm, do đó bạn cần chuẩn bị quần áo phù hợp.

Chi phí cho chuyến khám phá Côn Đảo 2 – 3 ngày khoảng 2.500.000 đồng bao gồm di chuyển, lưu trú, ăn uống.

Nguồn: vnexpress.net

Vietnam Airlines bán vé nội địa đồng giá 199k

Vietnam Airlines bán vé nội địa đồng giá 199k

Từ ngày 29/02/2020, Vietnam Airlines triển khai chương trình đồng giá chỉ 199k/chặng trên các đường bay nội địa (tương đương tổng giá 589k/chặng).

Chương trình diễn ra duy nhất trong 7 ngày với chi tiết như sau:

– Hiệu lực xuất vé: từ 29/02/2020 – 06/03/2020.

– Hiệu lực khởi hành: từ 04/09/2020 – 26/12/2020 và hoàn thành vào/trước ngày 26/12/2020.

– Chuyến bay áp dụng:

+ Hà Nội (HAN) – TP. HCM (SGN): áp dụng cho các chuyến bay mang số hiệu sau:

Chiều HAN-SGN: VN7207, VN7209, VN209, VN217, VN233, VN269, VN277, VN279, VN285, VN287, VN7261, VN7263, VN7281.

Chiều SGN-HAN: VN7206, VN7220, VN7208, VN208, VN216, VN236, VN272, VN276, VN284, VN7248, VN7238, VN7280.

+ Các đường bay còn lại: áp dụng cho tất cả các chuyến bay.

– Tổng số lượng chỗ mở bán: 100.000 chỗ.

– Điều kiện của vé: vé đã mua không được phép hoàn/ hủy/ đổi.

Trong trường hợp chuyến bay thay đổi do lỗi của Vietnam Airlines, khách sẽ được xử lý hoàn/đổi sang chuyến bay khác theo phương án do Vietnam Airlines cung cấp.

Nguồn: Vietnam Airlines

Tranh cãi vụ ngả ghế làm bể laptop

Tranh cãi vụ ngả ghế làm bể laptop

MỸ – Hành khách ngồi ghế 13A ngả lưng khiến máy tính xách tay của nam hành khách ngồi sau bị bể màn hình.

Sự việc xảy ra trên chuyến bay của hãng Delta, từ thành phố Austin đến Los Angeles, Mỹ, vào cuối tháng 2. Pat Cassidy mở máy tính ra làm việc và để trên khay bàn ăn, nhưng người ngồi ghế trước đã ngả ghế, vô tình làm bể màn hình.

Pat sau đó đăng tải câu chuyện của mình lên trang cá nhân và khẳng định, máy tính của anh bị phá hủy cùng ảnh chụp làm bằng chứng. Màn hình máy tính chỉ hiện thị hình ảnh một nửa, nửa còn lại đen thui.

Pat cho biết phi hành đoàn khi đó cũng không giúp được gì cho anh. Tiếp viên chỉ nói với Pat rằng “người ngồi trước cần được ngả lưng ghế”. Thậm chí, tiếp viên còn hỏi người ngồi trước liệu anh ta có ổn không. “Như thể ghế của anh ta chưa từng phá hỏng máy tính của tôi”, Pat nói.

Người ngồi hàng ghế 13A đã ngả lưng ghế, khiến máy tính 16inch của Pat bị hỏng. Ảnh: Twitter.

Người ngồi hàng ghế 13A đã ngả lưng ghế, khiến máy tính 16inch của Pat bị hỏng. Ảnh: Twitter.

Sau khi phản ánh tới hãng bay, Pat được tặng một voucher trị giá 75 USD cùng 7.500 dặm bay. Hãng cũng gửi lời xin lỗi tới anh, nhưng khẳng định Pat không được bồi thường cho thiệt hại này.

Câu chuyện của Pat nhanh chóng được nhiều người quan tâm. Tính đến ngày 4/3, bài viết nhận được hơn 1.200 bình luận, hơn 5.400 lượt yêu thích. Mọi người tranh cãi quyết liệt về vấn đề: ai sai ai đúng. Một số người đứng về phía Pat và cho rằng, không nên ngả ghế khi ngồi máy bay. Nếu có ý định đó, tốt nhất nên hỏi ý kiến người ngồi sau. Jud Mackrill, một hành khách Mỹ, chia sẻ chuyện tương tự, cùng hình ảnh chiếc máy tính bị hư hỏng: “Người trước mặt ngả ghế, và chiếc MacBook Pro của tôi bị kẹt ở góc”.

Ed Bastian, giám đốc điều hành Delta từng bị chỉ trích khi nói rằng, ông không bao giờ ngả ghế nhưng cũng không phản đối người ngồi trước làm điều đó. Ngoài ra, ông cũng đưa ra lời khuyên khi ngả ghế, bạn nên để ý đến cảm xúc của người ngồi sau.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây chỉ là lỗi đáng tiếc, vì người ngồi trước không cố ý. Ngoài ra, ngả lưng ghế trên máy bay chỉ bị cấm lúc cất, hạ cánh và ăn uống. Họ chỉ trích Pat vì đây là lỗi của anh. “Tôi rất tiếc vì máy tính của bạn bị hỏng, nhưng đó là lỗi của bạn”, một người nói.

Bạn nghĩ sao về trường hợp này?

Nguồn: vnexpress.net

Hãng bay sa thải 1.000 người vì lỗ

Hãng bay sa thải 1.000 người vì lỗ

ISRAEL Hãng hàng không quốc gia El Al có thể thiệt hại 50-70 triệu USD doanh thu chỉ trong 4 tháng đầu năm, do Covid-19.

El Al Airlines và nhân viên của hãng đang đàm phán với đại diện Liên đoàn lao động Israel trước kế hoạch sa thải 1.000 người. Tổng số nhân viên của hãng hiện khoảng 6.300, trong đó có 3.600 người là lao động dài hạn. Những người có thể bị sa thải gồm cả các nhân viên thời vụ và dài hạn.

Hãng bay sa thải 1.000 người vì lỗ

Những chiếc Boeing của hãng El Al, đỗ tại sân bay Ben Gurion, Israel. Ảnh: Tomer Neuberg/Flash90.

Thông báo về kế hoạch cắt giảm nhân sự được Gonen Usishkin, giám đốc điều hành công ty, viết trong bức thư gửi cấp dưới vào hôm 27/2. Theo Calcalist, Gonen nhấn mạnh rằng kế hoạch này cần thực hiện ngay lập tức. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng ban lãnh đạo đang bàn bạc với các bên để đưa ra một phương án thay thế.

Theo Liên đoàn Lao động Israel, nhân viên của El Al Airlines sẽ biểu tình vào 1/3.

Thời gian qua, hãng hàng không quốc gia Israel chịu tổn thất nặng nề vì Covid-19, ước tính thiệt hại khoảng 50-70 triệu USD trong 4 tháng đầu năm. Giá cổ phiếu của hãng giảm 7,47% vào ngày 27/2, và giảm 20% kể từ đầu năm 2019.

El Al quyết định tạm dừng các chuyến bay đến Italy và Thái Lan, vì lo ngại virus nCoV. Hãng cũng hoãn kế hoạch triển khai các đường bay thẳng tới Tokyo, Nhật Bản và Bắc Kinh, Hong Kong.

Các hãng bay khác của Israel cũng đang gặp khó khăn về tài chính, do lệnh hạn chế đi lại ngày càng nghiêm ngặt, và cảnh báo liên quan đến virus nCoV ngày một nhiều của Bộ Y tế nước này.

Hiện tại, Israel ban lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách gần đây đến Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Italy. Công dân nước này nếu trở về từ các địa điểm kể trên phải tự cách ly. Bộ Y tế Israel kêu gọi người dân cân nhắc hạn chế đi du lịch nước ngoài khi dịch đang bùng phát.

Covid-19 xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, khiến ít nhất 2.869 người tử vong, gần 84.000 người lây nhiễm tại 54 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh và tử vong ở Trung Quốc đại lục.

Nguồn: vnexpress.net

Huế mùa hoa gạo

Huế mùa hoa gạo

Vẻ đẹp của vùng đất cố đô được điểm xuyết bằng sắc hoa gạo nở sớm, phủ màu đỏ chi chít trên những cành cây.

Huế mùa hoa gạo

Cây hoa gạo tại khu vực cầu Dã Viên nở rộ. Khu vực này hiện có bốn cây hoa gạo đỏ, do Trung tâm công viên cây xanh Huế chăm sóc. “Hoa gạo thường nở vào tháng 3, nhưng năm nay do ảnh hưởng thời tiết nên nở sớm”, nhiếp ảnh gia Kelvin Long (Huế), tác giả bộ ảnh, cho biết.

Huế mùa hoa gạo

Cây hoa gạo bên vọng lâu nhìn từ cầu Dã Viên – nối liền đường Lê Duẩn với Bùi Thị Xuân.

Huế mùa hoa gạo

Tán cây hoa gạo tô điểm cho vẻ đẹp công trình Quan Tượng Đài. Đài thiên văn cổ duy nhất còn tồn tại của Việt Nam được xây dựng từ triều Nguyễn, thuộc phường Thuận Hòa, TP Huế. Công trình gồm phần nền đài và kiến trúc bên trên có tên là đình Bát Phong (ảnh) với 8 cạnh, 2 tầng mái, được chống đỡ bằng 12 cột gỗ.

Huế mùa hoa gạo

Sắc đỏ hoa gạo tại khuôn viên Cung An Định, công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, nằm bên bờ sông An Cựu.

Huế mùa hoa gạo

Mùa hoa gạo nở cũng là lúc du khách và các gia đình đến check-in, chụp ảnh.

Ngoài Huế, cây hoa gạo được trồng nhiều ở công viên, đường phố, vỉa hè, làng quê hay những công trình tâm linh như đền, chùa tại các địa phương như Quảng Ngãi, Hà Nội, Sơn La, Hà Giang.

Huế mùa hoa gạo

Hoa gạo nở có 5 cánh, mùa hoa kéo dài gần một tháng và rụng dần trước khi cây ra lá non. Loài hoa này được biết đến với nhiều tên gọi khác như mộc miên, pơ lang.

Huế mùa hoa gạo

Thân cây gạo cao hơn 10 m, trên thân có nhiều gai.

Huế mùa hoa gạo

Những bông hoa gạo đầu mùa rụng xuống trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế ở đường Hùng Vương.

Huế mùa hoa gạo

Tán hoa gạo nở từng chùm đỏ tươi trên nền trời xanh. Những cành hoa gạo mùa này còn thu hút các loài chim đến hút mật.

Nguồn: Huỳnh Phương, vnexpress.net
Ảnh: Kelvin Long

5 đặc sản bánh mì từ Bắc vào Nam

5 đặc sản bánh mì từ Bắc vào Nam

Bánh mì xíu của Huế, bánh mì que Hải Phòng hay bánh mì Sài Gòn là những đặc sản ngon nhất khi ăn tại chính địa phương.

5 đặc sản bánh mì từ Bắc vào Nam

Bánh mì que

Bánh mì que còn gọi là bánh mì cay, đặc sản trứ danh Hải Phòng, khác hẳn các loại bánh mì ở Việt Nam. Bánh chỉ bằng hai ngón tay, dài khoảng một gang tay. Thành phần nhân chỉ gồm patê béo ngậy, rưới hoặc chấm chí chương, loại tương ớt của người gốc Hoa ở Hải Phòng có vị cay nồng, và màu đỏ bắt mắt. Bánh ngon nhất khi được hơ qua lửa cho nóng giòn. Bạn có thể tìm thấy đặc sản này trên nhiều đường phố Hải Phòng như Lê Lợi, Hàng Kênh, Đinh Tiên Hoàng… Mỗi chiếc giá 2.000 – 5.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.

5 đặc sản bánh mì từ Bắc vào Nam

Bánh mì xíu

Bên cạnh những loại bánh truyền thống, bánh mì xíu cũng góp tên vào danh sách những món ngon nên thử khi đến Huế. Nhân bánh là những miếng thịt ba chỉ kho xíu kiểu Huế, óng màu nâu cánh gián, đẫm gia vị cay, mặn, ngọt hòa quyện. Một ổ bánh khoảng 10.000 đồng gồm thịt xíu rưới cả nước thấm bánh, ăn cùng rau răm, dưa leo, đồ chua.

Quầy hàng rong dưới chân cầu Tràng Tiền là địa chỉ bán bánh mì xíu được nhiều thực khách tìm đến. Nơi này bán đến 2 giờ sáng, có cả bánh mì bột lọc nổi tiếng ở địa phương. Ảnh: Hiệp Lê.

5 đặc sản bánh mì từ Bắc vào Nam

Bánh mì chả cá

Bánh mì kẹp chả cá phổ biến ở một số tỉnh miền biển, tuy nhiên có sự khác nhau ở từng địa phương. Tại Nha Trang, Phan Thiết, chả cá nguội được cắt thành miếng to khá dày, thường rưới kèm nước tương cay ngọt. Chả cá ở Vũng Tàu thì được nặn thành miếng thuôn dài sau đó chiên nóng rồi kẹp vào bánh mì, ăn cùng tương ớt. Giá mỗi ổ bánh khoảng 10.000 – 20.000 đồng. Ảnh: Indochina studio.

5 đặc sản bánh mì từ Bắc vào Nam

Bánh mì xíu mại

Nhắc đến Đà Lạt, bánh mì xíu mại nằm trong danh sách đặc sản của thành phố sương mù. Chén xíu mại nóng hổi phục vụ cùng ổ bánh mì ấm giòn. Xíu mại ở Đà Lạt không quá đậm vị, giữ nguyên màu thịt, chan ngập nước dùng trong veo, nổi ít váng mỡ béo, chứ không có sốt cà chua hay rim mặn như nhiều địa phương khác. Giá một suất ăn từ 10.000 – 30.000 đồng tùy số lượng viên xíu mại và ổ bánh mì. Ảnh: DMHai.

5 đặc sản bánh mì từ Bắc vào Nam

Bánh mì Sài Gòn

Thiên đường ẩm thực Sài Gòn sản sinh ra nhiều loại bánh mì lạ thu hút thực khách bốn phương như bánh mì ăn kèm thịt nướng, phá lấu, bì… Dù vậy, “bánh mì thịt Sài Gòn” mới là món bánh mì quen thuộc với người địa phương và thực khách có thể dễ dàng tìm thấy trên nhiều đường phố. Bánh thập cẩm kẹp nhân chả lụa, thịt nguội, pate, chà bông (ruốc) kèm dưa leo, đồ chua với ớt tươi xắt sợi, giá từ 15.000 – 50.000 đồng tùy lượng nhân. Ảnh: xuanhuongho.

Nguồn: vnexpress.net

Hành khách khoang nào khó chịu nhất?

Hành khách khoang nào khó chịu nhất?

“Chẳng ai đưa tôi vào chỗ ngồi. Không ai treo áo khoác lên ngay cho tôi và phải rất lâu tiếp viên mới mang nước ra”, một khách phàn nàn.

Trong cuốn sách mới xuất bản về ngành hàng không, Journey Of A Relutant Air Steward, tác giả Simon J Marton tiết lộ nhiều chi tiết thú vị về công việc khi anh là một tiếp viên của British Airways. Một trong những điều thú vị là lý do Simon coi người ngồi khoang hạng nhất, thương gia là những vị khách khó chiều và đôi khi khó chịu nhất. “Đặc biệt là những người có thẻ vàng”, Simon chia sẻ.

Thỉnh thoảng, cựu tiếp viên này gặp phải những người luôn quan trọng hóa vấn đề hoặc phải đối mặt với vô số cơn giận dữ từ tầng lớp khách thượng lưu này. Trong một chuyến bay từ London tới Las Vegas, một khách ngồi khoang cao cấp đã phàn nàn với anh: “Chẳng ai đưa tôi vào chỗ ngồi. Không ai treo áo khoác lên ngay cho tôi và phải rất lâu tiếp viên mới mang nước ra”. Với bề dày kinh nghiệm xử lý những sự cố như trên, Simon đã bình tĩnh đáp lại: “Tôi rất tiếc về những điều đó. Tôi có thể làm gì để khắc phục điều này không?”. Người này đáp lại: “Không, tôi chỉ muốn phàn nàn thế thôi”.

Hành khách khoang nào khó chịu nhất?

Hành khách ngồi khoang cao cấp thường kỹ tính và có nhiều yêu cầu hơn với tiếp viên. Ảnh: Hollywood Reporter.

Đối với những vị khách buông lời khó nghe, cựu tiếp viên 49 tuổi luôn cố gắng kiềm chế để không nói ra những lời có thể khiến anh phải hối hận sau này. Thay vào đó, anh thường tìm cách rời đi một cách lịch sự nhất có thể. Tuy nhiên, Simon vẫn khẳng định trong suốt những năm làm tiếp viên, phần lớn hành khách anh gặp đều rất đáng yêu và tốt bụng.

Simon bắt đầu làm tiếp viên từ năm 1996, và là tiếp viên trưởng trên các tàu bay Boeing 747 và 777 khởi hành từ sân bay Heathrow (London, Anh) đến khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Simon J Marton.

Simon bắt đầu làm tiếp viên từ năm 1996, và là tiếp viên trưởng trên các tàu bay Boeing 747 và 777 khởi hành từ sân bay Heathrow (London, Anh) đến khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Simon J Marton.

Bên cạnh nhiệm vụ chính là giữ an toàn, thoải mái cho toàn bộ hành khách, Simon cũng có nhiệm vụ phân tích, đánh giá ngay khi họ đặt chân lên máy bay. Trong quá trình chào hỏi, Simon kịp để ý đến vóc dáng của hành khách. Những người to khỏe sẽ được anh lưu ý nhớ lại, vì đây sẽ là những người có thể hỗ trợ tiếp viên trong các trường hợp khẩn cấp, ví dụ như những pha ẩu đả, mất trật tự…

Những vị khách có thái độ kiêu ngạo và hành vi không tốt cũng được các tiếp viên âm thầm ghi nhớ và quan tâm đặc biệt. Những người này được coi là “quả bom nổ chậm”, vì họ có thể gây rắc rối, ảnh hưởng đến an toàn bay. Ngoài ra, tiếp viên cũng phải báo cáo mọi thứ từ những chi tiết nhỏ nhất với cơ trưởng, để đảm bảo chuyến bay an toàn và suôn sẻ.

Simon cho biết nét mặt của tiếp viên rất quan trọng đối với hành khách. Trong những lúc máy bay vào vùng nhiễu động, nhiều người tỏ vẻ sợ hãi. Cách tốt nhất để tiếp viên xoa dịu họ trong lúc hỗn loạn đơn giản là mỉm cười. “Nếu họ thấy phi hành đoàn vui vẻ, họ sẽ nhận ra mọi thứ đều ổn”, Simon bày tỏ.

Không chỉ hành khách, tiếp viên hàng không cũng có những nỗi sợ khi lên máy bay. Với Simon, đó là phải làm việc trên các chuyến bay bị trễ giờ khi tâm trạng hành khách không tốt. “Việc trễ chuyến mang đến cho chúng tôi những hành khách tệ nhất”, anh viết. Và điều tiếp viên cần làm lúc này là thể hiện sự vui vẻ, thân thiện.

Nguồn: vnexpress.net

Khi nào nên ngả ghế máy bay?

Khi nào nên ngả ghế máy bay?

Theo chuyên gia nghi thức xã giao người Anh William Hanson, thời điểm thích hợp nhất để bạn ngả ghế là sau khi bữa ăn kết thúc.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra khi đi máy bay là Khi nào nên ngả ghế? William Hanson cho rằng ngả ghế là một phần của chuyến bay, vì vậy nếu bạn không thích người khác ngả ghế về phía mình, hãy chọn phương án khác: đi thuyền, đi tàu hoặc mua vé hạng sang. Thời điểm ngả ghế thích hợp nhất là lúc mọi hành khách kết thúc bữa ăn. Khi đó, các khay bàn đã được dọn dẹp sạch sẽ, việc ngả ghế sẽ không làm ảnh hưởng đến người ngồi sau dùng bữa.

Nếu bạn luôn cảm thấy thoải mái khi ngồi thẳng lưng ghế, tốt nhất nên chọn hàng ghế cuối trong khoang để không làm phiền ai. Nếu không muốn bị người khác ngả ghế về phía mình, hãy chọn vị trí gần cửa thoát hiểm hoặc hàng ghế đầu tiên.

Hanson là chuyên gia nghi thức xã giao người Anh. Anh giảng dạy trên khắp thế giới trong các khóa học về nghi thức. Ảnh: William Hanson/Sun.

Hanson là chuyên gia nghi thức xã giao người Anh. Anh giảng dạy trên khắp thế giới trong các khóa học về nghi thức. Ảnh: William Hanson/Sun.

Hanson tin rằng việc hỏi ý kiến người ngồi hàng ghế sau mình trước khi ngả ghế là điều quan trọng. “Hãy tự tin để hỏi họ. Có thể điều này khiến bạn cảm thấy phiền toái, nhưng thực tế khi bạn hỏi, có khả năng cao sẽ được chấp nhận”.

Ed Bastian, giám đốc điều hành của Delta Air Lines đồng quan điểm với Hanson, khi khuyên hành khách bạn nên để ý đến cảm giác của người ngồi sau. Ed khẳng định hành khách có quyền ngả ghế. Nhưng với tư cách giám đốc hãng bay, ông cho biết mình không bao giờ làm điều đó. Dù vậy, Ed sẽ chấp nhận và không tỏ thái độ nếu người ngồi trước ngả ghế.

Judi James, một chuyên gia về hành vi nói trên Sun rằng, lỗi trong cuộc chiến ngả lưng ghế thuộc về nhà thiết kế máy bay. “Chiếc ghế có chức năng như vậy nên hành khách có quyền làm điều đó”.

Khi nào nên ngả ghế máy bay?

Theo chuyên gia nghi thức Judi James, những hành khách ngả ghế ngay khi lên máy bay là những người không có sự đồng cảm. Ảnh: Alamy.

Có một sự khác biệt trong tư duy của những người thích ngả ghế trước bữa ăn. Theo James, đây là những người không thích giao tiếp hoặc không có sự đồng cảm. Chừng nào họ cảm thấy bản thân vẫn thoải mái chừng đó họ sẽ không quan tâm đến người khác. Họ thích chiếm nhiều không gian. Nếu không thể thương lượng với họ hoặc nhờ tiếp viên hỗ trợ không thành công, bạn gần như phải chấp nhận. James gọi đây là “cuộc chiến của những hành khách”.

Trên thực tế, nhiều hãng bay đã loại bỏ hoặc hạn chế chức năng ngả ghế trên chuyến bay ngắn. Delta và British Airways là ví dụ. Các thiết kế mới của Qantas có thể giúp hành khách phần nào kết thúc cuộc chiến ngả ghế, khi chỗ ngồi của họ được thiết kế đặc biệt: dù bạn lùi ra sau cũng không ảnh hưởng đến người khác.

Nguồn: vnexpress.net

Hủy nhiều chuyến bay Hàn Quốc – Việt Nam

Hủy nhiều chuyến bay Hàn Quốc – Việt Nam

Một số hãng hàng không thông báo tạm dừng đường bay giữa Hàn Quốc và Việt Nam đến tháng 3 năm nay.

Bamboo Airways cho biết hãng hủy tất cả chuyến bay Nha Trang, Đà Nẵng đi Incheon và ngược lại từ ngày 26/2 đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Hiện hãng khai thác với tần suất 7 chuyến khứ hồi một tuần trên mỗi chặng này. Hành khách đã đặt vé trong thời gian tạm ngừng khai thác sẽ được hỗ trợ hoàn hủy.

Theo Vietnam Airlines, các chuyến bay mang số hiệu VN 414, 415 đi và đến giữa sân bay quốc tế Incheon (Seoul, Hàn Quốc) và Nội Bài (Hà Nội, Việt Nam) vào các ngày 26, 28/2; 4, 6/3; 8 – 12/3, 18 – 19/3, 25 – 26/3 sẽ tạm dừng. Đại diện hãng cho biết: “Chúng tôi vẫn đang bám sát chỉ đạo của cơ quan chức năng về kiểm soát dịch bệnh, từ đó có kế hoạch về dừng khai thác hay điều chỉnh lịch bay phù hợp”. Theo website bán vé, mỗi ngày hãng có hai chuyến bay khứ hồi giữa Hà Nội và Seoul.

Với các hãng hàng không nước ngoài, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam cho biết Korean Air dừng khai thác các chuyến bay mang số hiệu KE 483, KE 484 chặng Incheon – Nội Bài từ ngày 25/2 đến ngày 23/3. Mỗi ngày có 6 chuyến bay tuyến này.

Air Seoul cũng thông báo tạm dừng đường bay Hà Nội – Seoul từ 1 – 28/3. “Ngoài các ngày hủy chuyến trên, hãng vẫn khai thác các chuyến bay bình thường”, trích thông báo gửi đến các đại lý. Hãng cũng hỗ trợ hoàn, đổi vé cho khách. Hiện hãng còn khai thác đường bay Seoul – Đà Nẵng, Nha Trang.

Trước đó, Asiana Airlines dừng đường bay Seoul – Hà Nội trên các chuyến bay mang số hiệu OZ 727, 728 từ 18/2 đến 9/3. Hãng vẫn duy trì 2 chuyến khứ hồi mỗi ngày cho chặng bay này.

T’Way Air dừng tất cả đường bay đi và đến giữa Hà Nội và Hàn Quốc từ nay đến 28/3. Hiện hãng có 12 chuyến bay mỗi ngày, khởi hành từ Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và TP HCM, tới Seoul, Busan và Daegu.

Khách Hàn Quốc tham quan Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Khách Hàn Quốc tham quan Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Bà Trần Phương Linh, đại diện BenThanh Tourist cho biết, tất cả tour khởi hành đi Hàn Quốc trong tháng 3 của công ty đã bị hủy, 50% tour đi Nhật Bản vào thời gian trên cũng dừng. Số tour Nhật Bản còn lại của công ty đang chờ đến cuối tháng 3 theo diễn biến của dịch Covid-19.

Đại diện của Hana Tour, đơn vị chuyên phục vụ thị trường khách Hàn Quốc, cho biết lượng khách từ Việt Nam đi Hàn Quốc và ngược lại của công ty giảm mạnh. Từ tháng 2, công ty không có tour mới nào.

Hàn Quốc đang là thị trường khách quốc tế lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) vào Việt Nam. Số lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam hàng năm tăng trưởng đều, khoảng 20%. Trước tình hình dịch Covid-19 đang có chiều hướng bùng phát tại Hàn Quốc, nhiều doanh nghiệp du lịch đang lo lắng lượng khách từ thị trường này (cả đi và đến) sẽ giảm mạnh.

Để chủ động trong kiểm soát dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng, Sở Y tế đã kiến nghị Bộ Y tế cho phép khai báo y tế, cách ly kiểm dịch với người nhập cảnh từ hoặc đi qua Hàn Quốc.

Nguồn: vnexpress.net

Mùa hoa giấy nở

Mùa hoa giấy nở

TP HCM Từ tháng hai, hoa giấy bắt đầu rực rỡ trên các con đường, ngõ nhỏ trong thành phố.

Mùa hoa giấy nở

Tại Đại học Tôn Đức Thắng, một hàng rào hoa giấy trổ bông nhiều màu sắc dài gần 200 m, nổi bật cả góc đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7).

Mùa hoa giấy nở

“Sinh viên trong trường hay ra đây chụp hình lắm, người đi đường ghé vào cũng nhiều. Tầm này đang dịch Covid-19, sinh viên được nghỉ nên chỗ này mới vắng vẻ”, thầy Nguyễn Cương, giảng viên của trường chia sẻ sau khi tranh thủ lưu lại tấm ảnh kỷ niệm.

Hoa giấy được trồng từ khi trường mới thành lập năm 1997. Sau vài năm cây mọc ken đặc nhau tạo thành “bức tường” dày. Hoa được bộ phận phụ trách cảnh quan của trường chăm sóc và cắt tỉa, sao cho dãy cây có độ cao hơn đầu người một chút, bảo vệ trường cho biết.

Mùa hoa giấy nở

Rẽ vào đường nhỏ D6 cạnh đường Nguyễn Hữu Thọ, hoa giấy cũng phủ kín tường rào thuộc khuôn viên trường, dài khoảng 500 m tô điểm rực rỡ cho con đường.

Mùa hoa giấy nở

Trong các loài cây đô thị, hoa giấy dễ trồng, nở đẹp mắt và lâu tàn nhất trong cả mùa khô miền Nam. Hoa không có hương thơm, cánh hoa mỏng manh như cánh bướm. Thân cây có nhiều gai nhọn, do đó bạn nên cẩn thận khi đứng gần và chạm cành hoa.

Mùa hoa giấy nở

Loài cây này cũng được trồng nhiều trên dải phân cách của các tuyến đường quận 7, trong đó đường Nguyễn Lương Bằng với khoảng 10 cây cao lớn bung nở nổi bật hơn cả.

Mùa hoa giấy nở

Các màu hoa giấy thường thấy là tím hồng, trắng, cam, vàng, đỏ. Đa số cây được cấy ghép để nhiều màu hoa nở cùng một cụm.

Mùa hoa giấy nở

Các cây tại đường Nguyễn Lương Bằng có gốc lớn, sum suê cả hoa và cành lá, cao khoảng 10 m. “Dãy cây mới trồng 4 – 5 năm đã lớn thế này. Tôi cũng thích hoa giấy, đi quanh quận 7 thấy khu này cây đẹp nhất”, ông Thành – bảo vệ bệnh viện tim trên đường này chia sẻ.

Mùa hoa giấy nở

Cụm cây ở mặt tiền bệnh viện tim đã trồng gần chục năm, không cao nhưng gốc dày. Trời nắng người đi đường hay đứng núp dưới bóng mát, ông Thành cho biết thêm.

Mùa hoa giấy nở

Trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, hoa giấy được trồng lấy bóng mát và làm đẹp cảnh quan tại vỉa hè, nhà riêng, trường học…

Mùa hoa giấy nở

Tại quận 1, rặng hoa giấy lớn ở gần Cầu Mống cũng thu hút đông người đến chụp hình.

Nguồn: vnexpress.net

Những thứ không nên ăn trên máy bay

Những thứ không nên ăn trên máy bay

Salad trứng, cá ngừ, chocolate là những món ăn được tiếp viên khuyến khích khách không mang lên và ăn trên máy bay.

Shanie Peralta, nữ tiếp viên hàng không làm việc cho một hãng vận chuyển trong khu vực Mỹ – Caribbean, đã chia sẻ về những món nên và không nên ăn trên máy bay. Điều nhỏ bé này đôi khi giúp cho chuyến bay trở nên dễ dàng hơn với mọi người.

Những thứ không nên ăn trên máy bay

Hành khách nên hạn chế mang những món đồ dễ bị rơi, rớt trên thảm, ghế máy bay. Ảnh: Alamy.

Thức ăn có mùi

Theo Shaine, hành khách không nên ăn, uống bất kỳ thực phẩm nào có vị cay, nồng và có mùi trên máy bay như salad trứng, sandwich cá hồi… Những loại thực phẩm này khi bạn vừa mở đóng gói, nó sẽ làm cho cabin có mùi ngay lập tức. Điều đó gây khó khăn cho những hành khách khác vì không phải ai cũng chịu được những mùi khó chịu này.

Nhà văn Natalie Compton đã chia sẻ một kỷ niệm tồi tệ của chính mình về sự cố mang đồ ăn nặng mùi. Cô từng mang một bọc gà nhỏ lên máy bay, nhưng không ngờ mùi tỏi trong túi gà đó đã nhanh chóng lan tỏa trong không khí, phủ khắp cabin. Mùi tỏi góp phần phá hỏng chuyến bay của những người khác khi đó.

Đồ ăn để lộn xộn

Nhiều hành khách có thói quen để lẫn lộn đồ ăn nhẹ và chính trong một túi. Khi họ lấy ra, vô tình làm rơi các vụn bánh, đồ ăn xuống ghế, thảm máy bay khiến các tiếp viên vệ sinh vất vả hơn.

Bánh quy, khoai tây chiên, chocolate và súp là những món đồ không được khuyến khích sử dụng trên máy bay. Đồ uống có ga cũng nên hạn chế vì khi bạn mở, nếu không cẩn thận ga sẽ trào ra ngoài, làm bẩn thảm, ghế hoặc hành khách ngồi cạnh. Tốt nhất, hành khách không nên mang chúng lên máy bay, mà đợi đến khi tiếp viên phục vụ nước uống.

Thực phẩm gây dị ứng

Nhiều hãng bay, ví dụ như easyJet, cấm sử dụng các loại hạt trong cabin để giúp hành khách tránh bị dị ứng. Nhiều hành khách bị dị ứng nặng với các loại hạt và trong trường hợp xấu nhất sẽ dẫn đến tử vong.

Rượu 

Tại Anh, việc uống rượu do chính bạn mang lên một chuyến bay bị coi là bất hợp pháp, dù mua chúng từ quầy miễn thuế sân bay. Hành khách chỉ có thể sử dụng các loại đồ uống có cồn từ xe đẩy của tiếp viên. Ngoài ra, hành khách cũng nên uống có chừng mực, tránh tình trạng say xỉn. Vì nếu bạn không kiểm soát được hành vi của mình, ảnh hưởng tới an toàn bay, chắc chắn tiếp viên sẽ phải can thiệp và báo với cơ trưởng. Nếu chuyến bay phải quay đầu hay hạ cánh khẩn vì lỗi do bạn gây ra sẽ khiến hãng hàng không chịu nhiều tổn thất, còn các hành khách bị chậm trễ thời gian.

Do đó, nếu nghe thấy một tiếp viên nói cụm từ “cà phê nóng” (hot coffee), có thể họ không nhắc đến đồ uống, mà nói tới các vị khách khiến họ yêu thích.

Ngoài ra, việc mang theo những món ăn không phù hợp trên máy bay có thể cản trở bạn được trao cơ hội nâng cấp lên ghế hạng cao hơn. Và điều tốt nhất, nhằm để tránh những rắc rối phía trên, bạn có thể sử dụng các bữa ăn được cung cấp trên chuyến bay.

Nguồn: vnexpress.net