Hành khách khoang nào khó chịu nhất?

“Chẳng ai đưa tôi vào chỗ ngồi. Không ai treo áo khoác lên ngay cho tôi và phải rất lâu tiếp viên mới mang nước ra”, một khách phàn nàn.

Trong cuốn sách mới xuất bản về ngành hàng không, Journey Of A Relutant Air Steward, tác giả Simon J Marton tiết lộ nhiều chi tiết thú vị về công việc khi anh là một tiếp viên của British Airways. Một trong những điều thú vị là lý do Simon coi người ngồi khoang hạng nhất, thương gia là những vị khách khó chiều và đôi khi khó chịu nhất. “Đặc biệt là những người có thẻ vàng”, Simon chia sẻ.

Thỉnh thoảng, cựu tiếp viên này gặp phải những người luôn quan trọng hóa vấn đề hoặc phải đối mặt với vô số cơn giận dữ từ tầng lớp khách thượng lưu này. Trong một chuyến bay từ London tới Las Vegas, một khách ngồi khoang cao cấp đã phàn nàn với anh: “Chẳng ai đưa tôi vào chỗ ngồi. Không ai treo áo khoác lên ngay cho tôi và phải rất lâu tiếp viên mới mang nước ra”. Với bề dày kinh nghiệm xử lý những sự cố như trên, Simon đã bình tĩnh đáp lại: “Tôi rất tiếc về những điều đó. Tôi có thể làm gì để khắc phục điều này không?”. Người này đáp lại: “Không, tôi chỉ muốn phàn nàn thế thôi”.

Hành khách khoang nào khó chịu nhất?

Hành khách ngồi khoang cao cấp thường kỹ tính và có nhiều yêu cầu hơn với tiếp viên. Ảnh: Hollywood Reporter.

Đối với những vị khách buông lời khó nghe, cựu tiếp viên 49 tuổi luôn cố gắng kiềm chế để không nói ra những lời có thể khiến anh phải hối hận sau này. Thay vào đó, anh thường tìm cách rời đi một cách lịch sự nhất có thể. Tuy nhiên, Simon vẫn khẳng định trong suốt những năm làm tiếp viên, phần lớn hành khách anh gặp đều rất đáng yêu và tốt bụng.

Simon bắt đầu làm tiếp viên từ năm 1996, và là tiếp viên trưởng trên các tàu bay Boeing 747 và 777 khởi hành từ sân bay Heathrow (London, Anh) đến khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Simon J Marton.

Simon bắt đầu làm tiếp viên từ năm 1996, và là tiếp viên trưởng trên các tàu bay Boeing 747 và 777 khởi hành từ sân bay Heathrow (London, Anh) đến khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Simon J Marton.

Bên cạnh nhiệm vụ chính là giữ an toàn, thoải mái cho toàn bộ hành khách, Simon cũng có nhiệm vụ phân tích, đánh giá ngay khi họ đặt chân lên máy bay. Trong quá trình chào hỏi, Simon kịp để ý đến vóc dáng của hành khách. Những người to khỏe sẽ được anh lưu ý nhớ lại, vì đây sẽ là những người có thể hỗ trợ tiếp viên trong các trường hợp khẩn cấp, ví dụ như những pha ẩu đả, mất trật tự…

Những vị khách có thái độ kiêu ngạo và hành vi không tốt cũng được các tiếp viên âm thầm ghi nhớ và quan tâm đặc biệt. Những người này được coi là “quả bom nổ chậm”, vì họ có thể gây rắc rối, ảnh hưởng đến an toàn bay. Ngoài ra, tiếp viên cũng phải báo cáo mọi thứ từ những chi tiết nhỏ nhất với cơ trưởng, để đảm bảo chuyến bay an toàn và suôn sẻ.

Simon cho biết nét mặt của tiếp viên rất quan trọng đối với hành khách. Trong những lúc máy bay vào vùng nhiễu động, nhiều người tỏ vẻ sợ hãi. Cách tốt nhất để tiếp viên xoa dịu họ trong lúc hỗn loạn đơn giản là mỉm cười. “Nếu họ thấy phi hành đoàn vui vẻ, họ sẽ nhận ra mọi thứ đều ổn”, Simon bày tỏ.

Không chỉ hành khách, tiếp viên hàng không cũng có những nỗi sợ khi lên máy bay. Với Simon, đó là phải làm việc trên các chuyến bay bị trễ giờ khi tâm trạng hành khách không tốt. “Việc trễ chuyến mang đến cho chúng tôi những hành khách tệ nhất”, anh viết. Và điều tiếp viên cần làm lúc này là thể hiện sự vui vẻ, thân thiện.

Nguồn: vnexpress.net

CategoriesUncategorized