Những sân bay thuê động vật thay người làm việc

Chuột làm an ninh, chó là nhà trị liệu, đây không phải một bộ phim viễn tưởng mà hoàn toàn có thật tại một số sân bay trên thế giới.

Dưới đây là một số sân bay có thể sẽ khiến những người yêu động vật cảm thấy thích thú.

Chó – bác sĩ tâm lý

Hai năm trở lại đây, sân bay Los Angeles, Mỹ áp dụng dịch vụ trị liệu miễn phí cho khách hàng bằng những con chó. Những con vật này có chức danh PUP (Thú cưng giải tỏa căng thẳng) – sẽ dạo quanh các khu vực sau cửa an ninh của sân bay để gặp gỡ và đem lại sự thoải mái cho các hành khách trước giờ bay.

Vào tháng 5, những chú khuyển này thậm chí còn được Hội đồng thành phố Los Angeles vinh danh. Ảnh: CNN.

Vào tháng 5, những chú khuyển sân bay này thậm chí còn được Hội đồng thành phố Los Angeles vinh danh. Ảnh: CNN.

“Khi hành khách lo âu, hoặc cảm thấy mệt mỏi và bất an, các tình nguyện viên bốn chân của chúng tôi sẽ thực hiện chức trách của mình, một cách hoàn toàn nghiêm túc”, Bob Blumenfield, đại diện sân bay phát biểu.

Dê – nhân viên chăm sóc cây cảnh

Các nhà chức trách tại một số sân bay Mỹ đang áp dụng một chương trình thử nghiệm chăm sóc cây cỏ một cách thân thiện với môi trường.

Sân bay Portland mới đây đã từ bỏ thuốc diệt cỏ, thay vào đó họ sử dụng một đàn dê trong việc quản lý thảm thực vật xung quanh sân bay.

Kats Simonds, phát ngôn viên của sân bay, cho biết: “Dê là một sự thay thế khả thi ở những nơi mà thời gian không phải là vấn đề, hoặc máy móc không phù hợp. Đó là những nơi thảm thực vật rất dày và cao, đồng nghĩa với vấn đề mất an toàn lao động”.

Sân bay OHare gần đây cũng đã thuê một số loại động vật từ một cơ sở cứu hộ động vật gần đó, bao gồm dê, cừu, lạc đà, lừa... để giải quyết một số thảm thực vật dày đặc mọc quanh sân bay. Ảnh: CNN.

Sân bay O’Hare gần đây cũng đã thuê một số loại động vật từ một cơ sở cứu hộ động vật gần đó, bao gồm dê, cừu, lạc đà, lừa… để giải quyết một số thảm thực vật dày đặc mọc quanh sân bay. Ảnh: CNN.

Karen Pride, giám đốc quan hệ truyền thông của Cục Hàng không Chicago, giải thích: “Đàn động vật ăn cỏ này hoạt động như một phương pháp thay thế cho chất diệt cỏ độc hại, hoặc những thiết bị tạo ra khí thải”.

“Việc loại bỏ các khu vực cây cỏ phát triển quá mức cũng làm giảm mật độ của các loài động vật hoang dã như chim chóc, vốn có thể gây nguy hiểm cho hoạt động bay xung quanh O’Hare”, bà Pride nói.

Lạc đà – vệ sĩ đặc biệt 

Những con dê làm nhiệm vụ chăm sóc cây cối tại sân bay quốc tế Portland, Mỹ phải đối mặt với một mối hiểm nguy – sói hoang.

Nhà chức trách sân bay phải huy động những con lạc đà không bướu. “Loài lạc đà không bướu là một đối thủ sừng sỏ của loài sói, vì vậy chúng sẽ được bố trí để bảo vệ các đàn dê”, ông Simonds cho biết thêm.

Đàn con dê gặm cỏ và ăn việt quất dại bên đường băng sân bay Portland, đứng cạnh chúng là vệ sĩ lạc đà không bướu. Video: Briana Murphy.

Chim ưng – chuyên viên điều phối hàng không

Một trong những mối đe dọa đối với ngành hàng không thế giới là những con chim. Chỉ tính riêng tại Mỹ đã có gần 14.000 vụ va chạm với chim mỗi năm.

Hậu quả của những vụ va chạm có thể chỉ gây hư hại bề ngoài, nhưng cũng có thể phá hỏng động cơ máy bay gây tai nạn nghiêm trọng, theo Mark Adam. Ông là chủ sở hữu của Falcon Environmental Services, một công ty chuyên sử dụng chim ưng để đuổi chim ra khỏi khu vực máy bay cất hoặc hạ cánh.

Ngoài ra, biện pháp này còn có một ưu điểm nữa là những con chim ưng có thể bao quát một khu vực rộng lớn. “Các sân bay thường rất lớn, nhưng chim ưng có thể kiểm soát toàn bộ khu vực với hiệu quả 100%”, ông Adam nhận định.

“Đây là một phương pháp được sử dụng rộng rãi để kiểm soát các con chim hoang dã”, Adam nói, đồng thời khẳng định phương pháp này nhân đạo hơn nhiều biện pháp diệt trừ thông thường.

“Tôi không cho các con chim ưng lên đó để ăn thịt các con chim khác. Chúng tôi chỉ sử dụng mối quan hệ tự nhiên giữa động vật ăn thịt săn mồi và các loài chim thông thường để đạt lợi ích của mình”, ông Adam khẳng định.

Chim ưng làm nhiệm vụ tại sân bay Kimberly, Nam Phi. Video: YouTube.

Chuột – mật vụ an ninh

Tập đoàn an ninh Israel, Tamar Group, đang phát triển một hệ thống phát hiện chất nổ do chuột điều khiển. Yuval Amsterdam, phó chủ tịch tập đoàn, đã lý giải về những lợi thế của chuột, như chúng rất nhạy cảm với mùi, dễ đào tạo, nhỏ bé và dễ vận chuyển.

Những chú chuột này sẽ được thả ra khỏi lồng để đánh hơi các hành khách và hành lý của họ nhằm để tìm ra dấu vết của chất gây nổ và các chất cấm khác.

Ong – nhân viên phòng chống ma túy

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Giessen của Đức đã phát hiện rằng ong mật có thể được huấn luyện để phát hiện ma túy, chất gây nghiện… Nghiên cứu trên được công bố trên tờ Plos One, trong đó nói rằng những con ong có thể được huấn luyện để bay trên phạm vi lớn.

Mèo – linh vật của sân bay

Sân bay Manchester, Anh sở hữu linh vật là một con mèo một tai. Con mèo đã sống quanh khối văn phòng chính của sân bay nhiều năm, dù không làm việc như những con vật kể trên. Các nhân viên đã nhận nuôi nó và đặt tên là Olly.

Kể từ đó, Olly đã không còn phải sống lang thang nữa mà có hẳn một ngôi nhà do các nhân viên xây dựng nằm giữa các nhà ga số 1 và 3. Ảnh: CNN.

Kể từ đó, Olly đã không còn phải sống lang thang nữa mà có hẳn một “ngôi nhà” do các nhân viên xây dựng nằm giữa các nhà ga số 1 và 3. Ảnh: CNN.

Con mèo cái nhanh chóng chiếm được cảm tình của công chúng, với một trang Facebook riêng có 2.500 người bạn. Thậm chí, Olly còn có một chiếc máy bay mang tên mình.

Tuy nhiên, đầu năm nay Olly qua đời vì viêm phổi. Các nhân viên đã xây một tấm bia tưởng niệm tại sân bay.

Nguồn: vnexpress.net