Máy quét an ninh tại sân bay có thể gây ung thư không?

Máy quét tia X là thiết bị gây nhiều tranh cãi, với công nghệ cho phép nhân viên an ninh quét nhìn rõ cơ thể của hành khách.

Trong nhiều thập kỷ, nhân viên an ninh dựa vào máy dò kim loại để quét người hành khách, nhằm phát hiện vũ khí nếu có. Công nghệ này được xem là đơn giản và an toàn, tuy nhiên điểm yếu của nó là không xác định được mối đe doạ từ vật liệu phi kim loại bao gồm các chất gây nổ dẻo (có thành phần từ nhựa).

Lợi dụng sơ hở này, một hành khách từng giấu chất nổ dẻo đựng trong quần lót với âm mưu kích nổ trên chuyến bay Northwest Flight 253 gần Detroit (Mỹ) vào Giáng sinh năm 2009, theo Time. Song quả bom bị xịt khiến chính thủ phạm bị thương.

Thủ phạm vụ đánh bom bất thành vào năm 2009 là Umar Farouk Abdulmutallab (ảnh), khi đó tên này 23 tuổi.

Thủ phạm vụ đánh bom bất thành vào năm 2009 là Umar Farouk Abdulmutallab (ảnh), khi đó tên này 23 tuổi.

Sau tai nạn suýt thành thảm họa, Cục An ninh Giao thông Mỹ (TSA) nhanh chóng nâng cấp quy trình kiểm tra và công nghệ soi quét. Vào 2010, hai loại máy quét cơ thể mới được áp dụng. Một trong số đó là máy quét sóng milimet, sử dụng sóng radio để dò tìm thiết bị và vũ khí. Ở sân bay, hành khách sẽ trải qua các bước soi toàn thân với tư thế mở rộng hai chân và đưa tay qua đầu.

Theo các chuyên gia, các bước này không đáng lo ngại. Loại máy quét thứ hai – máy quét tia X mới là thiết bị gây nhiều tranh cãi. Công nghệ này cho phép máy nhìn quét nhìn rõ cơ thể của hành khách. Bởi vậy, không ít người cảm thấy bị xâm phạm thân thể.

Hình ảnh một người qua máy quét. Ảnh: Pinterest.

Hình ảnh một người qua máy quét. Ảnh: Pinterest.

Bên cạnh vấn đề bảo mật hình ảnh của máy quét bằng công nghệ tán xạ ngược này, nhiều chuyên gia lo ngại khả năng hành khách sẽ bị nhiễm một lượng bức xạ nguy hiểm. Một số lo lắng chúng có thể gây ung thư.

John Sedat, giáo sư lý sinh thuộc đại học California (San Franciso, Mỹ) nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định mức độ phơi nhiễm phóng xạ chỉ bằng 1 phần mười so với lúc chụp X-quang lồng ngực”.

David Brenner, giáo sư lý sinh ở Đại học Y Columbia, cho biết thêm: “Nguy cơ bị ung thư từ máy quét an ninh bằng tia X là rất thấp”.

Dù nguy cơ này không cao, chính quyền châu Âu từng cấm sử dụng máy X-ray tán xạ ngược vào năm 2011. Năm 2003, TSA cũng làm điều tương tự, dù không chính thức thừa nhận các các vấn đề sức khoẻ của loại máy quét này.

Với các máy an ninh đang được sử dụng ngày nay, mối quan ngại về sức khoẻ gần như không có. Ông Brenner nhận định: “Ngay cả các nhà khoa học cũng không thể khẳng định thứ gì đó an toàn 100% nhưng không có một bằng chứng cụ thể nào chỉ ra sóng milimet có thể gây tổn hại cho DNA. Nếu có rủi ro, mức độ cực kỳ thấp”.

Giáo sư phóng xạ học Andrew Maidment, từ Đại học Y Pennsylvania, đồng tình với Brenner rằng các máy quét hiện nay “không phải là mối lo ngại” về sức khỏe.

Ông Maidment đã công bố nhiều nghiên cứu về phơi nhiễm bức xạ và sức khoẻ con người. Ông là người chịu trách nhiệm đảm bảo mọi thiết bị y tế của trung tâm sức khỏe Penn Medicine (thuộc Đại học Y Pennsylvania) đều an toàn với bệnh nhân.

Maidment giải thích các thiết bị phát ra vi sóng như lò sưởi hay điện thoại di động có hại cho sức khoẻ, chỉ khi chúng đủ mạnh để biến đổi phân tử. Các máy quét milimet ở sân bay còn cách ngưỡng gây hại một khoảng rất xa.

“Tôi đã kiểm tra tác động của các loại vi sóng tới bà bầu, bệnh nhân có thể mang thai và trẻ sơ sinh và hoàn toàn bị thuyết phục rằng chúng an toàn. Tôi hoàn toàn yên tâm khi bản thân hay vợ con mình tiếp xúc với các loại vi sóng”, ông Maidment nói.

Máy quét thân thể được sử dụng năm 2009 tại sân bay Ronald Reagan Washington, Mỹ. Video: CNN.

Trong khi nhiều chuyên gia dấy lên quan ngại về bức xạ của các loại vi sóng yếu hơn, đặc biệt là sóng từ các thiết bị điện tử, Brenner cho rằng ảnh hưởng bởi bức xạ từ máy quét ở sân bay rất nhỏ, ngay cả khi bạn là khách bay thường xuyên.

Ông nói: “Thật ngoài sức tưởng tượng khi ai đó đặt giả thuyết máy quét milimet có nguy cơ gây ung thư”. Trên thực tế, chỉ trích của bất kỳ chuyên gia nào về máy quét an ninh tại sân bay không liên quan đến phơi nhiễm bức xạ hay ung thư.

Maidment chia sẻ: “Máy dò kim loại cũ rẻ tiền hoạt động nhanh và chính xác, chúng kêu to khi tìm thấy vật khả nghi. Hiện chúng được thay bằng công nghệ đòi hỏi một người phải ngồi trước màn hình để kiểm tra, do đó quá trình kiểm tra có thể xảy ra sai sót từ con người”.

Chuyên gia này cũng tiết lộ có nghiên cứu chỉ ra con người có thể lừa các máy quét công nghệ mới để giấu súng hay chất nổ khi qua cổng an ninh. “Đây là quan điểm cá nhân của tôi nhưng hãy so sánh máy mới giá 150.000 USD với máy dò kim loại kiểu cũ 30.000 USD, chúng quá đắt đỏ mà lại thiếu chính xác”.

Tuy nhiên làm sao để đảm an toàn cho hành khách là câu chuyện hoàn toàn khác của bộ phận an ninh. Khi không còn lo ngại về chuyện ung thư, bạn có thể yên tâm bước qua máy quét an ninh tại sân bay.

Nguồn: vnexpress.net

CategoriesUncategorized