Những đòn “xả giận” vào nhân viên hàng không khi chuyến bay bị hoãn

Vụ nữ nhân viên hàng không bị tấn công rách mí mắt mới đây không phải là trường hợp đầu tiên các “thượng đế” thượng cẳng chân hạ cẳng tay với những người phục vụ chuyến bay.

22h ngày 3/6 vừa qua, ông Phạm Huy Cường (SN 1986, quê Thái Nguyên) đến quầy làm thủ tục của hãng hàng không Vietjet tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Tuy nhiên ông này được một nữ nhân viên thông báo chuyến bay bị hủy và dời lịch bay sang sáng hôm sau, 4/6.

Những đòn "xả giận" vào nhân viên hàng không khi chuyến bay bị hoãn - 1

Quầy vé trong sân bay Đà Nẵng, nơi xảy ra vụ hành khách tấn công khiến nhân viên hàng không rách mí mắt

Quá bức xúc nên ông Cường đã ném điện thoại di động của mình vào mặt nữ nhân viên này, khiến cô bị rách mí mắt trái, chảy máu. Sự việc đã được camera ghi lại.

Tại cơ quan an ninh hàng không, ông Cường thừa nhận hành vi của mình và cho biết ông đã sử dụng bia rượu trước khi vào làm thủ tục tại sân bay. Khi được thông báo chuyến bay bị hoãn, ông quá bức xúc nên đã hành động như trên.

Hiện, Trung tâm An ninh hàng không – Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng đã tạm giữ chiếc điện thoại Nokia 8800 màu đen cùng CMND của ông Phạm Huy Cường. Dự kiến, tuần này Cảng vụ hàng không miền Trung sẽ đưa ra biện pháp xử lý đối với nam hành khách này.

Bị hủy bay vì đến muộn, nam hành khách đánh nhân viên hàng không

Cách đây hơn 1 năm, vào 23h14 ngày 14/4/2017, tại đầu đảo làm thủ tục hàng không J-K ga đi quốc nội (sảnh B) – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nam hành khách Lê Thanh N (SN 1978, ngụ Lý Sơn, Quảng Ngãi) đến làm thủ tục lên chuyến bay VJ636 từ TP.HCM đi Đà Nẵng, dự kiến khởi hành lúc 23h40.

Vì ông N đến trễ 14 phút so với giờ đóng sổ bay nên nhân viên làm thủ tục cho hãng hàng không VietJet Air là anh Nguyễn Tuấn L. đã giải thích, thông báo cho ông N về việc chuyến bay VJ636 không nhận khách và hỗ trợ chuyển sang chuyến bay sáng hôm sau.

Tuy nhiên, ông N. không đồng ý và bất ngờ dùng tay đánh anh L. nhưng không trúng. Sau đó, vị khách này tiếp tục dùng túi xách đánh vào mặt nam nhân viên hàng không. Lực lượng an ninh sân bay đã can ngăn, lập biên bản vụ việc.

Nam hành khách này sau đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng.

Cán bộ Sở GTVT Hà Nội đánh nữ nhân viên hàng không

Chiều 18/10/2016, ông Trần Dương Tùng (32 tuổi) và Đào Vịnh Thuấn (37 tuổi, cán bộ Thanh tra giao thông, Sở GTVT Hà Nội) làm thủ tục lên chuyến bay VN7265 chặng Hà Nội – TP.HCM. Đến giờ lên tàu bay tại cửa số 3, hai khách không có mặt nên hãng vận chuyển đã trừ tải.

Clip hành khách đánh nhân viên sân bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài – Nguồn: Trích xuất camera sân bay Nội bài.

Sau đó, hai ông xuất hiện và cho hay họ đứng nhầm cửa. Biết bị cắt lại, hai ông này đã chửi bới các nhân viên. Được hướng dẫn đến phòng đổi vé, khi qua cửa an ninh, hai ông đã xô xát với nhân viên an ninh.

Lúc này, chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh (nhân viên Trung tâm khai thác Nội Bài thuộc Vietnam Airlines) hết ca trực đi qua chứng kiến sự việc nên dùng điện thoại ghi hình. Thấy vậy, hai khách nam đã hành hung chị này. Vụ việc đã được camera ghi lại.

Sau vụ việc, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Chánh thanh tra Sở chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Thuấn, đồng thời yêu cầu ông này công khai xin lỗi nữ nhân viên hàng không.

Cục Hàng không Việt Nam quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không 12 tháng đối với ông Trần Dương Tùng và 6 tháng đối với ông Đào Vịnh Thuấn.

Khách VIP tát tiếp viên vì đánh rơi điện thoại

Trước đó 2 tháng, vào ngày 13/8/2016, một vụ hành hung khác đã xảy ra khi chuyến bay VN255 của Vietnam Airlines từ Hà Nội hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – TPHCM.

Những đòn "xả giận" vào nhân viên hàng không khi chuyến bay bị hoãn - 2

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông B

Theo đó, do không thấy điện thoại của mình, nam hành khách Mai Thanh B (46 tuổi, trú tại TPHCM, ngồi tại khoang Thương gia) cho rằng nữ tiếp viên C.T.T đã lấy cắp. Ông này tức giận tát mạnh vào mặt nữ tiếp viên ngay trên máy bay.

Bị tát đau điếng người, tiếp viên C.T.T ôm mặt chạy vào buồng bếp và được đồng nghiệp chườm đá. Sau khi các hành khách đã xuống máy bay, một tiếp viên đã tìm thấy chiếc điện thoại iPhone 6 Plus dưới chân ghế gần ghế ông B đã ngồi.

Đây là một trong những vụ việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tinh thần của tiếp viên khi làm nhiệm vụ. Sau khi sự việc xảy ra, nữ tiếp viên C.T.T đã phải nghỉ làm 1 tuần để nghỉ tĩnh dưỡng, lấy lại tinh thần.

Sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định cấm bay 6 tháng đối với ông B. Cảng vụ hàng không miền Nam cũng xử phạt ông B 15 triệu đồng vì hành vi hành hung thành viên tổ bay.

Nữ hành khách rượt đuổi, xé áo nam nhân viên hàng không

Ngày 16/10/2014, trong lúc di chuyển đến cửa ra tàu bay chuyến VJ8687 từ Hà Nội đi TP.HCM, nữ hành khách Trương Thị Thiên T cũng hành hung nhân viên hàng không.

Cụ thể, tại sảnh E sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), bà T đã làm xong các thủ tục để thực hiện chuyến bay.

Tuy nhiên, tại cửa ra tàu bay, do mang theo hành lý cồng kềnh và vượt quá số lượng quy định nhưng lại không đồng ý ký gửi hành lý nên bà được thông báo không được lên tàu bay.

Tức giận, bà T liền rượt đuổi nhân viên hàng không từ cửa ra tàu bay đến khu vực soi chiếu an ninh rồi hành hung, xé rách áo anh này. An ninh sân bay buộc phải can thiệp, áp giải hành khách bàn giao cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc xử lý.

Nữ hành khách này sau đó đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng.

Nguồn: 24h.com.vn

Người đàn ông bị cấm bay suốt đời khi mang theo búp bê

Hành khách say xỉn mang theo búp bê tình dục đã buộc phi công hạ cánh khẩn tại Toulouse, Pháp.

Sự cố xảy ra trên chuyến bay LS397 của hãng Jet2 từ Belfast, Bắc Ireland đến Ibiza, Tây Ban Nha vào chiều 8/6. Một nhóm hành khách nam gây rối suốt chuyến bay khi ăn mừng tiệc độc thân của một người bạn. Họ cùng uống rượu và chơi đùa với một con búp bê tình dục thổi hơi, Sun đưa tin ngày 11/6.

“Cơ trưởng cảnh báo hành khách chỉ có thể uống rượu có sẵn trên máy bay, không được phép sử dụng rượu mua ở khu miễn thuế”, một nhân chứng trả lời BBC. Sau đó, những người đàn ông này văng lời thô tục khi bị tiếp viên từ chối phục vụ đồ uống.

Hãng bay không tiết lộ chính xác bao nhiêu hành khách liên quan tới sự cố. Ảnh: PA.

Hãng bay không tiết lộ chính xác bao nhiêu hành khách liên quan tới sự cố. Ảnh: PA.

Hành khách tiết lộ một người đàn ông trong nhóm đã có hành động khiếm nhã với búp bê trước mặt trẻ em trên chuyến bay.

Phi công quyết định hạ cánh khẩn tại sân bay Toulouse, Pháp, khiến hành trình bị chậm trễ. “Hành khách không thể xuống máy bay. Trẻ nhỏ quấy khóc. Phải tốn đến 6 tiếng cho một chuyến bay lẽ ra chỉ dài 3 tiếng”, một người nói trên ABC.

Phil Ward, giám đốc điều hành Jet2, khẳng định chuyến bay phải chuyển hướng do “một hành khách có hành động gây rối nghiêm trọng”.

“Chúng tôi không thể nhẹ tay với hành động mất trật tự như vậy trên máy bay. Chúng tôi sẽ hỗ trợ phi hành đoàn, đảm bảo hành khách này phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình. Thực tế Jet2 đã cho anh ta vào danh sách cấm bay suốt đời”, ông Ward nói.

Nguồn: vnexpress.net

Công ty quản lý sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất có thể hoạt động như trung tâm thương mại

Ngoài thu phí dịch vụ vay và phí cất cánh, hạ cánh, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) có thể hoạt động như một Trung tâm thương mại (TTTM), với nguồn thu đến từ bán lẻ, thực phẩm đồ uống và dịch vụ phụ trợ.

Năm 2012, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không hàng đầu là Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Bắc, Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Nam và Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Trung.

Hiện tổng công ty này đang quản lý và khai khác 22 cảng hàng không từ Bắc đến Nam, trong đó có những Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng Nội Bài, Cảng Cần Thơ,… Trong tương lai, ACV còn có thể tham gia quản lý các sân bay mới quy mô lớn như Long Thành trị giá hàng chục tỉ USD.

Ước tính quý 1, các cảng hảng không của ACV đã cung cấp dịch vụ cho 25,4 triệu lượt hành khách. Trong đó, số lượng khách nội địa tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 16,1 triệu lượt còn khách quốc tế tăng 27% so với cùng kỳ, đạt 9,3 triệu lượt.

Tình hình chung tốt giúp hoạt động kinh doanh của ACV được cải thiện rõ rệt. Doanh nghiệp này thông báo đạt doanh thu thuần 3.923 tỷ đồng, tăng trưởng 10%. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 975 tỷ đồng, tăng tới 85% so với cùng kỳ. Lợi nhuận tăng trưởng nhanh hơn doanh thu đến nhờ vào việc tăng phí dịch vụ sân bay, giúp ACV cải thiện được biên lợi nhuận.

Bởi hàng không là ngành kinh doanh đặc thù, đòi hỏi kiểm soát cao, vị thế của ACV trong lĩnh vực quản lý sân bay gần như là độc quyền. Chỉ cần ngành du lịch trong nước còn phát triển, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục gặt hái lợi nhuận. Trong bối cảnh Chính phủ đang tích cực thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước, ACV cũng được xếp vào một trong những “con gà đẻ trứng vàng”.

Sau khi ACV tiến hành IPO vào năm 2015, Bộ Giao thông vận tải đang có lộ trình thoái 20% vốn Nhà nước trong năm nay, dự kiến thu về gần 40.000 tỷ đồng. Năm ngoái, ACV đã thất bại trong đàm phán liên doanh với Aéroports de Paris và đang lên phương án thay thế với một đối tác chiến lược khác là sân bay Zurich của Đức. Doanh nghiệp này cũng dự kiến sẽ chuyển từ sàn Upcom lên sàn chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) để tạo thanh khoản cho cổ phiếu.

Công ty quản lý sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất có thể hoạt động như trung tâm thương mại

ACV quản lý một diện tích sàn thương mại rộng lớn trên các sân bay cả nước

Vấn đề lớn nhất hiện tại ảnh hưởng tới quá trình thoái vốn và chuyển sàn của ACV đó là quá trình đám phán cho thuê hoạt động đối với các tài sản trong khu bay.

Các tài sản trong khu bay là nhiều tài sản khác nhau được sử dụng trong một phần diện tích cảng hàng không dùng cho máy bay cất, hạ cánh và lăn, (trừ phần sân đỗ máy bay) như đường băng, đường lăn, thiết bị chiếu sáng, thiết bị định vị. Các tài sản này đã được chuyển giao cho Nhà nước và Nhà nước cho ACV thuê lại. Hiện các điều khoản thuê đang chờ nhà nước chấp thuận.

Tài sản khu bay đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của ACV thông qua doanh thu từ phí dịch vụ cất hạ cánh trong khi chi phí đi kèm gồm chi phí nhân công, chi phí thuê, chi phí sửa chữa bảo dưỡng, chi phí khấu hao, chi phí điện nước và chi phí thuê ngoài.

ACV đã trình lên Chính phủ đề xuất 3 phương án để xử lý đối với các tài sản trong khu bay.

Phương án A, theo đề án cổ phần hóa của ACV, sau cổ phần hóa, các tài sản trong khu bay sẽ được bàn giao cho Nhà nước và sau đó cho ACV thuê lại để phục vụ hoạt động. Như đàm phán, ACV sẽ nhận toàn bộ doanh thu từ các tài sản này và trả phí thuê cho Nhà nước và chịu mọi chi phí sửa chữa. ACV đề xuất trả 270 tỷ đồng phí thuê hàng năm và trích lập 727 tỷ đồng dự phòng dài hạn hàng năm cho sửa chữa.

Phương án B, tài sản trong khu bay thuộc sở hữu của Nhà nước nhưng được bàn giao cho ACV và ACV chịu trách nhiệm đối với toàn bộ lợi nhuận và chi phí phát sinh liên quan. Quyết toán thu chi đối với các tài sản trong khu bay giữa ACV và Nhà nước sẽ được thực hiện định kỳ.

Phương án C, Nhà nước sẽ dùng các tài sản làm vốn góp cho ACV thay cho phần vốn góp khi ACV huy động vốn mới từ cổ đông hiện hữu.

Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định, giá trị của các tài sản trong khu bay là khoảng 8.000 tỷ đồng. ACV có thể huy động một khoản vốn khoảng 8,386 nghìn tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu bằng cách phát hành 838,6 triệu cổ phiếu (39% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) và tỷ lệ sở hữu của Nhà nước vẫn là 95,4%.

Lợi ích của ACV trong 3 phương án này là rất khác nhau. Dễ thấy, phương án bàn giao lại tài sản cho ACV là tốt nhất cho doanh nghiệp này. Nếu ACV sở hữu tài sản, doanh nghiệp này sẽ không phải hạch toán chi phí thuê và dự phòng sữa chữa cho tài sản khu bay vốn rất lớn, có thể lên tới 1.000 tỷ đồng.

Giải quyết được bài toán này, ACV sẽ rộng đường phát triển. Trong dài hạn, doanh nghiệp này có thể mở rộng vai trò của mình, không chỉ là đơn vị vận hành sân bay thuần túy với phần lớn doanh thu là từ phí dịch vụ khách hàng và phí dịch vụ cất hạ cánh.

Thay vào đó, ACV có thể hoạt động như một Trung tâm thương mại (TTTM), với nguồn thu đến từ bán lẻ, thực phẩm đồ uống và dịch vụ phụ. HSC dự báo, trong 18 tháng tới, lợi nhuận sẽ tăng trưởng nhờ phí dịch vụ sân bay tăng cộng với lượng hàng hóa và hành khách tăng.

Tuy nhiên về lâu dài, tăng trưởng sẽ chủ yếu từ lượng hàng hóa và hành khách tăng nhanh và tối ưu mức chi tiêu của hành khách nhờ cải thiện sản phẩm bán lẻ, thực phẩm đồ uống. Đây là con đường mà các công ty tương tự ACV trên thế giới đã làm.

Chẳng hạn, trong năm 2017, 27% doanh thu của Airport of Thailand Plc là từ bán lẻ nói chung, gồm hoạt động mua sắm, thực phẩm đồ uống, đổi ngoại tệ, đỗ xe và các dịch vụ khác.

Như vậy ACV cũng có thể dễ dàng tăng gấp đôi tỷ trọng doanh thu từ bán lẻ trong tổng doanh thu trong vài năm tới; theo đó sẽ giúp lợi nhuận tăng trưởng. ACV có thể tiếp tục là một đơn vị cho thuê diện tích bán lẻ hoặc tham gia vào hoạt động bán lẻ và/hoặc nắm cổ phần của các đơn vị bán lẻ & bán thực phẩm đồ uống tại sân bay.

Nguồn: theleader.vn

Nam nhân viên hàng không trả lại gần 1,1 tỷ đồng cho khách

Ngày 7/6/ vừa qua, anh Nguyễn Chí Cường – nhân viên Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam VIAGS (Công ty thành viên của Vietnam Airlines) đã phát hiện được tài sản của hành khách có giá trị hơn 1 tỷ đồng trên chuyến bay VN286 của Vietnam Airlines hành trình từ TP.Hồ Chí Minh – Hà Nội và kịp thời trả lại cho hành khách bị mất.

Cụ thể, trong khi làm nhiệm vụ phục vụ sau chuyến bay VN286 tại sân bay quốc tế Nội Bài, nhân viên Nguyễn Chí Cường đã phát hiện một túi xách để quên ở khu vực hộc hành lý phía trên băng ghế ngồi, bên trong có 44.000 USD tương đương trị giá 1.032.000.000 VNĐ và 64.000.000 VNĐ (tổng giá trị tài sản quy đổi gần 1,1 tỷ đồng).

Ngay sau khi phát hiện, anh Cường đã báo cho bộ phận chức năng của Vietnam Airlines liên lạc với hành khách để trả lại. Cùng ngày, hành khách N.V.H đã nhanh chóng nhận được nhận lại số tài sản trên và bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc trước hành động cao quý của anh Cường.

Nam nhan vien hang khong tra lai gan 1,1 ty dong cho khach hinh anh 1

Đây không phải là lần đầu công ty VIAGS phát hiện và trả lại hành lý để quên của hành khách nhưng chưa lần nào số tiền để quên lớn như lần này. Được biết, trong quá trình làm việc nhân viên VIAGS phát hiện rất nhiều trường hợp hành lý của khách bị đánh rơi và để quên.

Trước đó, tháng 3/2017, nhân viên Nguyễn Ánh Tuyết của công ty cũng đã phát hiện được tài sản của hành khách có giá trị gần nửa tỷ đồng trên chuyến bay của Vietnam Airlines và kịp thời trả lại cho hành khách bị mất. Chị Tuyết đã vinh dự trở thành một trong 400 gương mặt tham dự Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 do Hội đồng Thi đua – Khen thưởng trung ương tổ chức.

Nam nhan vien hang khong tra lai gan 1,1 ty dong cho khach hinh anh 2

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2018, VIAGS đã phát hiện và trả lại cho hành khách gần 5.500 tài sản cùng hơn 4,5 tỷ đồng tiền mặt.

Hàng không đổi khái niệm ‘chậm hủy chuyến’ thành ‘bay chưa đúng giờ’

Trong báo cáo tình hình khai thác các chuyến bay của các hãng hàng không, Cục hàng không đã thay đổi khái niệm này mà không thông qua văn bản nào.

Bắt đầu từ tháng 7/2017, báo cáo tình hình khai thác các chuyến bay hàng tháng của Cục Hàng không Việt Nam được đổi từ khái niệm tổng hợp số liệu “chậm hủy chuyến” sang thành tình hình “bay chưa đúng giờ” của các hãng hàng không. Việc thay đổi khái niệm này chưa có quy định trong văn bản.

Phản hồi về vấn đề này, đại diện Cục Hàng không cho biết việc thay đổi khái niệm này là để phù hợp với tình hình thế giới. Trên thế giới bây giờ cũng không còn khái niệm chậm hủy chuyến nữa, thay vào đó sẽ được đánh giá trên tỷ lệ chuyến bay có đúng giờ hay không (OTP).

Không riêng ở Việt Nam, các hãng hàng không thường đặt tiêu chí cạnh tranh dịch vụ là tỷ lệ bay đúng giờ được tối ưu hóa thế nào, và phấn đấu có tỷ lệ càng cao càng tốt. Như vậy việc chuyển từ khái niệm “chậm, hủy chuyến” sang “bay chưa đúng giờ” là phù hợp.

Hang khong doi khai niem ‘cham huy chuyen’ thanh ‘bay chua dung gio' hinh anh 1
Đổi khái niệm nhưng bản chất số liệu vẫn không thay đổi.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc thay đổi khái niệm như thế nào thì bản chất của các số liệu vẫn được thống kê như cũ. Các hãng nên nhìn thẳng vào thực tế để ứng xử với khách hàng, thay vì tránh né và sử dụng khái niệm khác để giảm nhẹ tính chất vụ việc.

Mới đây, báo cáo tổng hợp tình hình khai thác chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam quý I, do Cục Hàng không công bố, đã chỉ ra hai hãng giá rẻ là Jetstar và Vietjet giữ kỷ lục về chuyến bay bị chậm giờ, khi có đến 6.742 chuyến.

Cụ thể, trong quý I, Jetstar Pacific có đến 21,1% chuyến bay không thể cất cánh đúng giờ. Hãng đã thực hiện 8.985 chuyến bay trong quý I, trong đó có 1.898 chuyến bị chậm giờ.

Vietjet Air thực hiện tổng cộng 29.261 chuyến bay, số chậm giờ cất cánh là 4.844 chuyến, tỷ lệ là 16,6%. Lý do chủ yếu khiến hãng phải lùi giờ bay là máy bay về muộn, chiếm 3.667 chuyến bị chậm.

Với Vietnam Airlines, tỷ lệ chậm chuyến là 9,8%, với 3.183 chuyến bị chậm giờ trong tổng số 32.504 chuyến bay mà hãng đã thực hiện. Máy bay về muộn cũng là nguyên nhân chính dẫn tới chậm chuyến của Vietnam Airlines.

VASCO thực hiện 3.415 chuyến bay trong quý I, tỷ lệ chậm chuyến là 2,3%, với số chuyến bị chậm là 79 chuyến.

Ngoài nguyên nhân lớn nhất là máy bay về muộn, những nguyên nhân phổ biến khác gây chậm chuyến trong quý I lần lượt là do hãng hàng không, do trang thiết bị tại cảng hàng không và do đơn vị quản lý, điều hành bay. Lý do thời tiết mà các hãng đưa ra chỉ chiếm 2,1% số chuyến bay bị chậm chuyến.

Về huỷ chuyến, VASCO là hãng bay huỷ nhiều chuyến nhất, với 69 chuyến, kế đến là Jetstar Pacific với 60 chuyến, Vietnam Airlines với 52 chuyến và thấp nhất là Vietjet Air với 28 chuyến.

“So găng” lương phi công các hãng hàng không tại Việt Nam

Sau sự việc hàng loạt phi công của Vietnam Airlines nộp đơn xin nghỉ việc vì lương thấp so với mặt bằng chung ngành hàng không, thu nhập của ngành nghề này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Chia sẻ với báo chí ngày 30/5, lãnh đạo của Vietnam Airlines nói “lương phi công của Vietnam Airlines hiện ở mức 250-300 triệu đồng/tháng. Các anh mà kêu là thấp thì xã hội có nghe các anh không?”.

Phản hồi lại thông tin này, nhiều người trong nhóm phi công có bức xúc cho biết, thu nhập thực tế mà họ nhận về chỉ khoảng một phần ba so với con số chia sẻ của lãnh đạo hãng, dao động ở mức 100-150 triệu đồng/tháng.

Còn theo báo cáo tài chính thường niên của Vietnam Airlines, năm 2017 thu nhập trung bình của phi công tăng 5% so với năm trước, tương đương khoảng 121 triệu đồng/tháng (1,45 tỷ đồng/năm).

Thu nhập phi công Vietjet Air cao gần gấp rưỡi Vietnam Airlines, nhưng vẫn thấp hơn Bamboo Airways

Theo tìm hiểu, mức thu nhập trung bình 1,45 tỷ đồng/năm của phi công Vietnam Airlines đang thấp hơn nhiều so với những người đồng nghiệp tại Vietjet Air.

Cụ thể, báo cáo thường niên 2017 của Vietjet Air cho biết, số lượng phi công tại hãng này đang là 499 người, với thu nhập lên tới  180 triệu đồng/người/tháng, tương đương 2,16 tỷ đồng mỗi năm, cao hơn phi công Vietnam Airlines tới gần 49%.

Con số này được đánh giá là cao vượt trội so với mặt bằng thu nhập của phi công nội địa, tuy nhiên, vẫn chưa “hậu hĩnh” bằng một tân binh vừa gia nhập thị trường là Bamboo Airways.

Đại diện hãng hàng không này cho biết, theo bảng thu nhập đã được phê duyệt, mức lương phi công tại Bamboo Airways sẽ đạt mức trên 200 triệu đồng/người/tháng, tức hơn 2,4 tỷ đồng/năm. Mức thu nhập này cao hơn Vietnam Airlines khoảng 65,5% và cao hơn Vietjet Air 11%.

So sánh thu nhập bình quân của ba hãng hàng không tại Việt Nam

Lương phi công Việt Nam ở mức nào so với thế giới? 

Theo khảo sát từ các trang web thống kê lương phi công thế giới, mức lương của phi công từ cấp cơ phó (thu nhập miễn thuế) của các nước trong khu vực Asean dao động từ 2.500 – 9.750 USD/tháng (khoảng 57 – 224 triệu đồng).

Một phi công thương mại tại Indonesia có mức khởi điểm dao động từ 2.500-4.000 USD/tháng không bị tính thuế.

Tại Ấn Độ, phi công của Indigo, hãng hàng không lớn nhất nước này, rơi vào khoảng 7.500 USD một tháng, tương đương khoảng 170 triệu đồng.

Còn tại Singapore, phi công lái các dòng máy bay như Boeing 777 hay Airbus A330 thường có mức lương khởi điểm khoảng 6.800 USD một tháng, khoảng 155 triệu đồng, sẽ tăng dần theo thời gian làm việc.

Thu nhập bình quân phi công tại các nước khu vực Asean

Như vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mức lương trung bình của phi công tại Vietnam Airlines không chênh lệch quá xa so với các nước trong khu vực, trong khi thu nhập trung bình của một người Việt Nam hiện thấp hơn 2-20 lần so với người lao động tại các quốc gia nói trên.

Riêng mức chi trả của những hãng như Bamboo Airways và Vietjet Air thậm chí có thể xếp vào mức cao tại Asean, tương đương với những quốc gia trả cao nhất cho phi công như Singapore, với mức lương trung bình từ 6.800 USD – 9.000 USD/tháng (155 triệu – 207 triệu).

Bamboo Airways, hãng hàng không mới của Việt Nam 

Thông tin từ Bamboo Airways cho biết, để chuẩn bị cho mục tiêu cất cánh vào cuối năm 2018, hãng đã có đợt tuyển dụng quy mô từ tháng 4/2018, với nhu cầu lên tới gần 600 vị trí ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ an ninh, kỹ thuật, dịch vụ, khai thác, bảo dưỡng, thương mại, phi công, tiếp viên…Trong đó, nhu cầu cho phi công, bao gồm cơ trưởng và cơ phó, là hơn 90 vị trí.

Ngoài mức lương vượt trội, các phi công và nhân viên của hãng cũng được thực hiện đầy đủ các chính sách về bảo hiểm, được tham gia các chương trình đào tạo nghiệp vụ trong và ngoài nước, đặc biệt các vị trí cấp cao sẽ được gửi tới các hãng đào tạo hàng không quốc tế uy tín để nâng cao trình độ, hoàn thiện nghiệp vụ chuyên môn.

Nguồn: baophapluat.vn

Lợi nhuận hàng không toàn cầu bị đe dọa vì giá dầu tăng

Các hãng hàng không trên thế giới mới đây đã hạ mức dự báo lợi nhuận ngành cho năm 2018 trong bối cảnh chi phí nhiên liệu tăng đột biến và cùng với đó, lãi suất cao hơn và căng thẳng địa chính trị cũng tăng rủi ro hoạt động.

Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA), đại diện cho 280 hãng hàng không toàn cầu dự báo ngành công nghiệp này sẽ đạt lợi nhuận khoảng 33,8 tỷ USD vào năm nay, hạ tới 12% so với con số trước đó là 38,4 tỷ USD, theo Reuters.

Theo IATA, chi phí nhiên liệu và lao động cao hơn cũng như xu hướng tăng lãi suất là nguyên nhân làm giảm hiệu quả của ngành hàng không trong năm 2018.

Năm ngoái, ngành công nghiệp này có mức lợi nhuận kỉ lục với 38 tỷ USD nhưng theo Businesstimes, phần lớn trong số đó được thúc đẩy bởi một số khoản đặc biệt như tín dụng thuế.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi có tăng trưởng hành khách nhanh nhất, tổng lợi nhuận dự kiến đạt 8,2 tỷ USD. Bắc Mỹ được dự báo là khu vực có lợi nhuận cao nhất với khoảng 15 tỷ USD.

Theo số liệu được đưa bởi The Straits Times, nhu cầu đối với hàng không sẽ tăng khoảng 7% vào năm 2018, thấp hơn mức tăng trưởng 8,1% của năm trước. Tuy vậy, doanh thu cho mỗi dặm bay từ một hành khách dự kiến sẽ tăng 3,2% trong năm 2018, mức tăng đầu tiên kể từ năm 2011. IATA cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ gia tăng có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới ngành hàng không toàn cầu.

Tổng giám đốc IATA Alexandre de Juniac cho biết: “Khả năng sinh lời sẽ được duy trì trong năm nay bất chấp việc gia tăng chi phí. Nền tài chính của ngành công nghiệp này đang mạnh lên khi liên tiếp có lãi trong 9 năm qua”.

Theo dự báo từ IATA, giá dầu thế giới sẽ đạt khoảng 70 USD/thùng, cao hơn hẳn mức 54,9 USD của năm 2017 và 60 USD của năm trước nữa.

Số liệu từ Reuters cho biết giá dầu ổn định trong các phiên giao dịch ngày hôm nay khi sản lượng của Mỹ đạt kỷ lục cũng như thành viên của Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cân nhắc gia tăng nguồn cung. Dầu thô Brent giao dịch ở mức 76,79 USD/thùng và dầu của Mỹ đạt 65,86 USD/thùng.

Nguồn: theleader.vn

FLC chọn máy bay Airbus cho hãng hàng không đang chờ cấp phép

Hãng hàng không Bamboo Airways của tập đoàn FLC đã ký biên bản ghi nhớ về việc mua 24 máy bay A321neo trị giá 3 tỷ USD.

FLC chọn máy bay Airbus cho hãng hàng không đang chờ cấp phép
Hình ảnh máy bay A321neo của Bamboo Airways. Ảnh: Airbus

Tin từ Airbus cho biết, hãng sản xuất máy bay của Pháp đã ký một bản ghi nhớ với tập đoàn FLC của Việt Nam. Theo đó hãng hàng không Bamboo Airways của FLC sẽ mua 24 máy bay A312neo khi hãng hàng đi vào hoạt động trong tương lai.

Bản ghi nhớ được ký kết hôm 26/3 trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Trước đó vài tuần, FLC đã thông báo về thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD này.

Airbus A321neo là phiên bản mới thuộc dòng A321 – loại máy bay lớn nhất trong gia đình máy bay A320 của Airbus (gồm máy bay A318, A319, A320 và A321). A321neo có tổng chiều dài 44,51 mét, bố trí 240 chỗ ngồi, giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu khí thải và tiếng ồn. Máy bay thuộc dòng vận tải hành khách một lối đi rộng, cửa khoang khách thiết kế mới, lối thoát hiểm được tăng kích thước.

Airbus A321neo là chiếc máy bay phổ biến và nằm trong biên chế phục vụ của phần lớn các hãng hàng không trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Có kết cấu khoang hợp lý, phạm vi hoạt động từ tầm ngắn đến tầm trung, tỷ suất an toàn cao, A321neo được đánh giá là sản phẩm phù hợp với cả các tuyến bay giá rẻ và tuyến bay dịch vụ hoàn chỉnh, lý tưởng cho mô hình “lai” (hybrid) kết hợp cả hàng không giá rẻ và hàng không truyền thống mà Bamboo Airways hướng tới.

Các máy bay này sẽ được cung cấp cho Bamboo Airways từ bên cho thuê thứ 3 khi hãng đi vào hoạt động dự kiến từ năm 2019. Bamboo Airways vẫn đang xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không sau khi nộp và bổ sung hồ sơ lên Bộ Giao thông Vận tải từ năm ngoái.

Bamboo Airways hướng tới khai thác các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịchViệt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC, như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… Bên cạnh đó là các đường bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa – Quy Nhơn, Thanh Hóa – Phú Quốc, Thanh Hóa – Nha trang, Hải Phòng – Quy Nhơn….

Tập đoàn FLC cho biết, chiến lược này nhằm làm giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng hàng không tại các thành phố lớn, đồng thời tăng cường liên kết vùng, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Nguồn: theleader.vn

Cô gái Mỹ được hoàn trả 500 USD tiền phạt vì quả táo trên máy bay

Nhờ sự giúp đỡ của một nghị sĩ quốc hội, cô gái từng bị phạt 500 USD vì mang một quả táo vào Mỹ nay đã được hoàn tiền.

Hai tháng trước, Crystal Tadlock, một hành khách của hãng hàng không Delta, bị Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ phạt 500 USD và thu hồi thẻ thành viên Nhập cảnh Toàn cầu (Global Entry) chỉ vì một quả táo.

Tuy nhiên, mới đây nhờ những nỗ lực của một nghị sĩ bang Colorado, số tiền phạt cũng như thẻ thành viên Nhập cảnh Toàn cầu đã được trả lại cho cô gái.

Theo Sfgate, Crystal ngồi trên chuyến bay từ Pháp về Mỹ trước khi làm thủ tục nhập cảnh, chuẩn bị cho chuyến bay chuyển tiếp. Cô bị giữ lại khi hải quan phát hiện cô đang mang một quả táo do tiếp viên của hãng Delta đưa cho. Quả táo được đựng trong chiếc túi nhựa có cả logo của hãng mà cô gái trẻ giữ lại sau bữa ăn nhẹ ở chuyến bay nội địa.

Một nhân viên hải quan cho rằng cô đã vi phạm vì mang hoa quả không khai báo vào Mỹ, dù đó là quả táo được phát trên máy bay. Anh ta từ chối cho Crystal vứt quả táo đi, bắt cô nộp phạt 500 USD, đồng thời thu hồi thẻ thành viên Nhập cảnh Toàn cầu.

Crystal chia sẻ câu chuyện trên truyền hình. Video: CBS Philly.

Sau khi trở về, cô đã trả lời phỏng vấn với một đài truyền hình ở TP Denver, bang Colorado. Trong đó cô cho biết mình bị “đối xử như một tên tội phạm chỉ vì một quả táo”.

May mắn cho Crytal, bài phát biểu của cô đã được nghị sĩ Ed Perlmutter chú ý và cảm thấy tức giận trước sự thực thi độc đoán của cơ quan hải quan. Tại thủ đô Washington, ông đã hội ý với một số quan chức từ Cục Hải quan và Bộ Nông nghiệp để tranh cãi về vụ việc của Crytal. Nghị sĩ này cho rằng các cơ quan cần phải học cách linh hoạt thay vì máy móc áp dụng các điều khoản trong luật. Cuối cùng, Hải quan Mỹ cũng đã đồng ý trả lại 500 USD tiền phạt cho nữ hành khách.

Theo Trường Đặng, vnexpress.net

Boeing: Thị trường hàng không Đông Nam Á sẽ tăng trưởng bền vững

Theo Boeing, trên toàn cầu, các hãng hàng không sẽ cần thêm 9.130 máy bay thân rộng mới với tổng trị giá trị 2.800 tỉ USD trong vòng 20 năm tới.

Boeing: Thị trường hàng không Đông Nam Á sẽ tăng trưởng bền vững

Ông Randy Tinseth – Phó chủ tịch phụ trách Marketing của Bộ phận máy bay thương mại Boeing

Với sự phát triển và tăng trưởng nhanh của nền kinh tế cùng nhu cầu ngày càng cao đối với các dịch vụ vận tải đường dài, các đối tác hàng không của Boeing tại thị trường Đông Nam Á sẽ cần thêm 940 máy bay thân rộng với tổng trị giá 280 tỉ đô-la Mỹ trong vòng 20 năm tới.

Ông Randy Tinseth – Phó chủ tịch phụ trách Marketing của Bộ phận máy bay thương mại Boeing – cho biết xu hướng sử dụng máy bay hiện nay đang chuyển dần từ các dòng máy bay thân rộng cỡ lớn sang các máy bay thân rộng cỡ nhỏ và hiệu quả hơn.

“Với những biến động liên tục của giá nhiên liệu, trong vài năm vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến sự sụt giảm của các dòng máy bay bốn động cơ như 747 và A380. Khoảng 30 năm về trước, các máy bay thân rộng cỡ lớn này chiếm khoảng 30% tổng số máy bay trên thế giới. Con số trên nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 10% tính tới hiện tại. Đồng thời, các loại máy bay nhỏ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn như máy bay 787 tiếp tục gây sức ép với các dòng máy bay cỡ lớn.” – Ông Tinseth cho biết.

Bên cạnh đó, các loại máy bay thân rộng cỡ nhỏ hơn như 777 và 787, với phạm vi bay dài, đã góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của các hãng hàng không trong khu vực.

Theo ông Tinseth: “Các thế hệ máy bay 777 và 787 hiện đang dẫn đầu phân khúc máy bay đường dài trên toàn thế giới – cung cấp 80% những chuyến bay xuyên Thái Bình Dương. Thực tế, hai dòng máy bay này đã giúp các hãng hàng không mở thêm 30 đường bay dài hoàn toàn mới trong hai năm qua. Đây là minh chứng cho thấy các hãng hàng không đã giảm dần sự ưa chuộng đối với các loại máy bay thân rộng cỡ lớn như 747 hay A380, thay vào đó là các loại máy bay thân rộng cỡ vừa và hiệu quả hơn, cho phép họ tăng tần suất các chuyến bay thẳng và mở thêm đường bay tới các thị trường mới”.

Cũng theo Tập đoàn Boeing, khoảng 65% nhu cầu về các loại máy bay thân rộng tại thị trường Đông Nam Á trong tương lai sẽ hướng đến các dòng máy bay cỡ nhỏ hơn, như 787 Dreamliner, trong khi 35% còn lại sẽ hướng đến các dòng máy bay thân rộng cỡ trung như 787-10 và thế hệ máy bay 777.

Từ khi được triển khai vào năm 2011, máy bay 787 Dreamliner đã giúp các hãng hàng không trên thế giới mở thêm hơn 180 đường bay mới.

“Các dòng máy bay thân rộng đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng tại thị trường hàng không Việt Nam, nhất là khi Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đang có kế hoạch bổ sung cho đội bay tầm cỡ thế giới của họ các phiên bản mới hơn của dòng máy bay 787 trong tương lai gần” – trích lời ông Tinseth.

Trên toàn cầu, các hãng hàng không sẽ cần thêm9.130 máy bay thân rộng mới với tổng trị giá trị 2.800 tỉ USD trong vòng20 năm tới.

Nguồn: theleader.vn

United Airlines đưa 200 chú chó đến sân bay để giúp hành khách bị stress

Mùa du lịch thường làm các hành khách căng thẳng bởi các sân bay đều đông đúc, và chúng ta thì phải mất hàng giờ đồng hồ đợi lên máy bay. Để giúp đỡ những hành khách như vậy, United Airlines đưa ra một giải pháp cực kỳ hiệu quả. 200 chú chó được huấn luyện đặc biệt đã được hãng gửi đến làm việc ở những sân bay lớn.

Người quản lý sẽ dắt những chú chó đi quanh khu nhà ga sân bay để tìm kiếm và “chăm sóc” những hành khách nào có dấu hiệu mệt mỏi. Việc chơi đùa cùng thú cưng đã được chứng minh có hiệu quả cao trong việc giảm stress và ổn định huyết áp.

A woman kneels and pets a Golden Retriever in an airport terminal.

(Ảnh: Getty Images)

Trước đây United Airlines từng cung cấp dịch vụ này ở 2 đầu sân bay, và trong năm nay họ sẽ tiếp tục mang những em cún này tới những sân bay khác ở Cleveland, Chicago, Denver, Houston, Los Angeles, Newark, và Washington.

Bạn nghĩ sao về dịch vụ này? Bạn có muốn Việt Nam mình cũng có dịch vụ này không?

Nguồn: dogtime.com