Siêu sân bay 8 tỷ USD đi vào hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ

Siêu sân bay 8 tỷ USD đi vào hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tới năm 2027, sân bay mới Istanbul sẽ có sáu đường băng và bốn nhà ga có khả năng đón 200 triệu hành khách mỗi năm.

Chuyến bay mang số hiệu TK54 của hãng hàng không Turkish Airlines từ Istanbul đến Singapore đêm 6/4 là chuyến bay thương mại cuối cùng khởi hành từ sân bay Ataturk của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước giờ khởi hành, Bộ trưởng Giao thông Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Turhan mô tả chuyến bay này là sự kiện mang tính lịch sử của ngành hàng không, khi đất nước này chuyển đổi sang sử dụng hoàn toàn sân bay Istanbul mới.

“Tôi rất vui khi tiễn các bạn, những hành khách thương mại cuối cùng của sân bay Ataturk. Khi trở về, bạn sẽ hạ cánh xuống sân bay Istanbul, sân bay lớn nhất thế giới”, ông Turhan nói.

Trong vòng 45 giờ bắt đầu từ 3h sáng 5/4 tới 23h59 đêm 6/4 (giờ địa phương), hơn 10.000 thiết bị nặng tổng cộng tới 47.300 tấn gồm máy bay, xe kéo máy bay đến cảm biến an ninh… được vận chuyển từ sân bay Ataturk tới sân bay Istanbul mới.  Theo đại diện hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, 5.000 xe tải và hơn 1.800 nhân viên tham gia cuộc chuyển đổi sân bay được chính quyền mô tả là chưa từng có về cả quy mô và tốc độ.

Công trình mang phong cách thiết kế Hồi giáo và Thổ Nhĩ Kỳ với tòa tháp kiểm soát không lưu hình tulip. Đây là thiết kế đạt giải thưởng Kiến trúc Quốc tế năm 2016. Ảnh: Bảo Ngọc.

Công trình mang phong cách thiết kế Hồi giáo và Thổ Nhĩ Kỳ với tòa tháp kiểm soát không lưu hình tulip. Đây là thiết kế đạt giải thưởng Kiến trúc Quốc tế năm 2016. Ảnh: Bảo Ngọc.

Sân bay Istanbul mới trị giá 8 tỷ USD là một trong số nhiều dự án lớn thành công dưới thời Tổng thống Tayyip Erdogan. Trong giai đoạn vận hành ban đầu, nơi này sẽ đón khoảng 90 triệu hành khách mỗi năm với hai đường băng chính.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng có kế hoạch mở rộng tới 6 đường băng với kỳ vọng sân bay có thể đón tới 200 triệu lượt khách một năm vào 2027. Sau khi hoàn thành sân bay sẽ có 6 đường băng, 16 đường taxi. Các nhà ga sân bay mới sẽ có tổng diện tích 1,5 triệu mét vuông, 165 ống lồng dẫn khách lên máy bay, 4 tòa nhà ga, 3 khối kỹ thuật, một tháp kiểm soát không lưu và 8 tháp điều khiển. Sân bay cũng sẽ có một bãi đỗ rộng 6,5 triệu mét vuông với sức chứa 500 máy bay, phòng chờ VIP, hàng hóa và nhà ga chung.

Nguồn: Bảo Ngọc, vnexpress.net
(Theo Reuters, Guardian)

Phi công tiết lộ lý do hành khách phải tắt điện thoại trên máy bay

Phi công tiết lộ lý do hành khách phải tắt điện thoại trên máy bay

Điện thoại di động không hẳn là nguyên nhân gây tai nạn máy bay, nhưng có thể khiến phi công mất tập trung vào thời điểm quan trọng.

Trên chuyến bay, tiếp viên luôn nhắc nhở hành khách tắt nguồn hoặc bật chế độ máy bay “Airplane Mode” trên điện thoại di động và các thiết bị điện tử cầm tay. Một số người có thể không hiểu tầm quan trọng của việc này nên không tuân thủ. Vậy điều này ảnh hưởng ra sao đến an toàn của chính hành khách?

Hiện chưa có bằng chứng nào chỉ ra điện thoại di động hay các thiết bị điện tử có thể gây tai nạn máy bay. Tuy nhiên, điện thoại hoạt động lại ảnh hưởng tới chất lượng chuyến bay.

Phi công Mỹ Patrick Smith nhận định việc tắt điện thoại di động và các thiết bị điện tử không thực sự liên quan tới an toàn bay, mà nhằm giúp hành khách có một chuyến bay dễ chịu hơn.

“Điện thoại di động không hẳn gây ra rắc rối với buồng lái, đặc biệt là trên các máy bay hiện đại với thiết kế lớp vỏ che chắn cẩn thận, nhưng tác động của điện thoại vẫn đáng kể”, Smith nói.

Anh tiếp tục: “Điện thoại có thể gây ra vấn đề xã hội nhiều hơn là về kỹ thuật. Bạn có thực lòng muốn ngồi trên một chuyến bay và nghe 200 người trò chuyện rôm rả cùng lúc không? Có thể các hãng hàng không đang sử dụng quy định về an toàn kỹ thuật đơn thuần như một biện pháp ngăn các cuộc trò chuyện di động dùng dữ liệu internet trên máy bay”.

Hành khách nên hy sinh vài phút sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay vì sự an toàn của chính mình. Ảnh: Lonely Planet.

Hành khách nên “hy sinh” vài phút sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay vì sự an toàn của chính mình. Ảnh: Lonely Planet.

Lời giải thích của Smith có nhiều nét tương đồng với câu trả lời của một phi công ẩn danh trên Reddit rằng: “Chuyện tắt thiết bị điện tử và di động không gây ảnh hưởng gì trong 99,99% thời gian bay”.

“Tuy nhiên 0,01% thời gian còn lại là thứ chúng tôi lo lắng. Phần lớn điện thoại ngày nay như iPhone và điện thoại Android không hoạt động trên cùng tần số với hệ điều khiển máy bay. Nhưng một anh chàng dùng chiếc điện thoại di động sản xuất tại Mông Cổ vào năm 1996 sẽ gây rắc rối lớn”, phi công ẩn danh chia sẻ.

Do đó, thay vì tốn thời gian kiểm tra từng chiếc điện thoại được mang lên máy bay, các hãng hàng không có thể thực hiện giải pháp đơn giản hơn cấm sử dụng.

“Chúng tôi có thể dành thời gian để xem xét thiết bị điện tử của tất cả hành khách, nhưng chuyện đó sẽ tốn thời gian, hoặc hành khách cũng chẳng hề ghi nhớ hay hiểu rõ chuyện này. Vì vậy, làm ơn hãy tắt mọi thiết bị điện tử cầm tay khi chúng tôi cất cánh hoặc hạ cánh”, anh kết luận.

Giai đoạn cất và hạ cánh của máy bay được xem là giai đoạn quan trọng nhất của mỗi chuyến bay, đòi hỏi đội ngũ phi hành đoàn phải tập trung cao độ, liên lạc thường xuyên với trạm kiểm soát không lưu và đảm bảo hoạt động của tất cả trang thiết bị trên máy bay. Thực tế, những tai nạn nguy hiểm đều tập trung ở hai giai đoạn này, kéo dài khoảng 15 đến 20 phút để đạt được độ cao hơn 3.000 mét.

Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) nhận định các thiết bị điện tử gây ảnh hưởng xấu đến thông tin liên lạc và định vị máy bay. Cơ quan này giao cho các hãng hàng không tự quyết định thiết bị điện tử nào được dùng trên máy bay. Hầu hết hãng hàng không đều tuân thủ theo hướng dẫn của FAA rằng chỉ được dùng khi máy bay ở độ cao hơn 3.000 mét, để phi công có đủ thời gian xử lý các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Nguồn: vnexpress.net

Mẫu ghế đứng trên máy bay khiến hành khách dè dặt khi thử

Mẫu ghế đứng trên máy bay khiến hành khách dè dặt khi thử

Ghế đứng có cấu trúc gần giống yên xe đạp, hành khách vẫn ổn nếu chỉ ngồi trong thời gian ngắn.

Francesca Street, phóng viên CNN, vừa có cơ hội trải nghiệm phiên bản ghế đứng của công ty nội thất hàng không Italy Aviointeriors trong triển lãm Aircraft Interiors Expo 2019 (AIX) tại Hamburg, Đức. Trong AIX 2018, thương hiệu này từng gây xôn xao với mẫu ghế đứng Skyrider 2.0, và năm nay họ tung ra thế hệ 3.0.

Mẫu ghế đứng trên máy bay khiến hành khách dè dặt khi thử

Phóng viên Francesca ngồi thử ghế thế hệ mới trên máy bay. Ảnh: Francesca Street/CNN.

Gaetano Perugini, tư vấn kỹ thuật tại Aviointeriors, nhấn mạnh rằng công ty không hướng tới ý tưởng phục vụ các hãng muốn nhồi nhét càng nhiều hành khách càng tốt.

“Chúng tôi không muốn dựng cảnh hàng nghìn người chen chúc trong cabin, mà nhắm đến mô hình đa dạng hạng ghế, bởi ngày nay các hãng bay không thể đạt tới lượng khách tối đa”, Perugini nói.

Thông thường, cách duy nhất để một hãng hàng không đạt tới công suất lớn nhất chính là lắp đặt toàn bộ ghế hạng phổ thông. Ghế đứng Skyrider chiếm ít diện tích hơn ghế phổ thông thông thường – cho phép khách đặt nhiều hạng vé hơn trên cùng một chuyến bay.

“Nghĩa là trong cùng một cabin, bạn có thể ngồi ghế phổ thông cơ bản, tiêu chuẩn, phổ thông cao cấp, thương gia – đây chính là một cải tiến dành cho cả hành khách lẫn hãng hàng không. Đó là lý do thực sự để Skyrider ra đời”, Perugini giải thích.

Bản thiết kế đầu tiên của mẫu ghế đứng ra mắt vào năm 2010, tuy nhiên một số vấn đề về cấu trúc ngăn nó thành hiện thực. Phiên bản 2.0 ra đời năm 2018 lắp kèm một chiếc cột để cố định ghế. Mẫu mới nhất của năm nay không còn phần cột, mà có thể được lắp ráp và đưa vào sử dụng ngay.

Khoảng cách giữa các hàng ghế cũng được thu hẹp. Ảnh: Francesca Street/CNN.

Khoảng cách giữa các hàng ghế được thu hẹp. Ảnh: Francesca Street/CNN.

Theo ông Perugini, rất nhiều người quan tâm tới mẫu ghế này, dù chưa ai đặt hàng. Một trong những rào cản mà nhà sản xuất cần vượt qua chính là phản ứng của hành khách: “Nếu đọc mô tả của mẫu A380, A320, A321 và 737, bạn sẽ thấy thiết kế của những máy bay này không cho phép lắp đặt ghế với khoảng cách nhỏ hơn 71 cm, trong khi khoảng cách giữa hai chiếc Skyrider chỉ là 58,4 cm”.

Perugini tự tin có thể giải thích tính năng của thiết kế mới với những khách hàng lớn như Airbus hay Boeing.

Vậy thực sự trải nghiệm ghế đứng trên máy bay ra sao? Ghế có cấu trúc gần giống yên xe đạp, mọi chuyện vẫn ổn nếu chỉ ngồi vài phút. Tư thế ngồi loại ghế này không thực sự phù hợp với cấu tạo cơ thể của tất cả hành khách – dù cao hay thấp, bạn vẫn bị đau mỏi và cảm thấy khó chịu.

Ngay cả Perugini cũng phải thừa nhận rằng trải nghiệm ngồi ghế đứng không nhất thiết phải thoải mái, nhưng ông cho rằng thiết kế này sẽ phù hợp với những chuyến bay chặng ngắn tại châu Âu.

“Thành thực mà nói, tôi không nghĩ có ai vui vẻ ngồi từ 8 đến 10 tiếng trên chiếc ghế kiểu này. Trên chuyến bay ngắn, nếu muốn tiết kiệm tiền, bạn có thể thử ngồi ghế hạng này trong vài giờ – dù không hoàn toàn thoải mái. Tôi nghĩ phần lớn hành khách sẽ chấp nhận”, Perugini bày tỏ.

Tuy nhiên, có ý kiến nghi ngờ rằng hành khách tiết kiệm được chút tiền vé lại phải hứng chịu những cơn ê ẩm khắp mình khi hạ cánh. Hơn nữa, do khoảng cách giữa các ghế quá hẹp, hành khách phải ngồi sát với người lạ.

Dù vậy, Perugini khẳng định nếu Skyrider đi vào ứng dụng, nó sẽ trở thành một giải pháp siêu tiết kiệm mà vẫn giúp hành khách ngồi thoải mái trong chừng mực có thể.

Theo CNN

Chỉ mua vé một chiều, hành khách vô tình bao cả máy bay

Chỉ mua vé một chiều, hành khách vô tình bao cả máy bay

Phi hành đoàn 7 người chỉ phục vụ một khách trên chuyến bay từ Lithuania tới Italy.

Skirmantas Strimaitis bất ngờ khi phát hiện mình là hành khách duy nhất có mặt trên chuyến bay từ thủ đô Vilnius (Lithuania) tới Bergamo (Italy) để tận hưởng kỳ nghỉ trượt tuyết hồi giữa tháng 3.

Chiếc Boeing 737-800 thực hiện chuyến này có thể chở tới 188 hành khách. Tuy nhiên, ngoài Skirmantas, những người khác có mặt trên phi cơ là 2 phi công và 5 tiếp viên.

Chỉ mua vé một chiều, hành khách vô tình bao cả máy bay

Skirmantas là hành khách duy nhất trên chuyến bay. Ảnh: Skirmantas Strimaitis.

Đại lý lữ hành Novaturas cho biết, đây là chuyến charter chở một nhóm du khách về nhà từ Italy. Đại lý bán vé một chiều để tránh tình trạng phi cơ trống không nhưng chỉ có Skirmantas mua vé. Hành khách này trả lời AP ngày 4/2 rằng chuyến bay kéo dài hơn hai tiếng là “trải nghiệm cả đời chỉ có một lần của anh”

Những trường hợp như Skirmantas không phải hiếm. Trước đó, Karon Grieve bỏ ra 46 bảng (gần 1,4 triệu đồng) để bay từ Glasgow, Scotland đến Crete, Hy Lạp vào năm 2017. Tại quầy check-in, Karon nhận thông báo rằng chuyến bay có thêm hai người nữa. Nhưng các khách đó không xuất hiện, bà trở thành khách VIP.

Karon được đãi một bữa ăn miễn phí và có thể ngồi bất cứ ghế nào theo ý thích. Thậm chí phi công còn gửi lời chào riêng tới bà, thông báo máy bay đang đi qua quốc gia nào trên loa phát thanh. Sau khi phi cơ hạ cánh ở Crete, Karon cũng không phải xếp hàng dài để chờ lấy hành lý, mà nhận vali ngay cạnh máy bay.

Một chàng trai chia sẻ cảm xúc khi là hành khách duy nhất trên chuyến bay. Video: Alex Simon.

Theo Bảo Ngọc, vnexpress.net

Chờ chuyến, hành khách mắc võng ngủ giữa sân bay Mỹ

Chờ chuyến, hành khách mắc võng ngủ giữa sân bay Mỹ

Một số người cho rằng nam hành khách rất thông minh khi tìm ra cách nghỉ ngơi trong lúc chờ chuyến.

Người đàn ông chưa xác định danh tính đã ngủ trên võng mắc ngang cửa sổ tại phòng chờ của sân bay Charlotte Douglas thuộc bang Bắc Carolina (Mỹ) vào sáng 24/3.

Hành khách Magalli Odom đã kể lại hình ảnh mà cô chứng kiến với sự ngưỡng mộ về sự sáng tạo của hành khách trên. Tới sân bay từ sớm, vợ chồng Odom chật vật hàng giờ ngồi trên ghế mà không thấy thoải mái, Metro đưa tin ngày 26/3. Tuy nhiên, Odom nói rằng cô trông thấy một nhân viên sân bay tới nói chuyện với nam hành khách trên, sau đó anh ấy đã rời khỏi “cái kén” của mình.

Chờ chuyến, hành khách mắc võng ngủ giữa sân bay Mỹ

Nam hành khách thả lỏng trên võng mắc ở sân bay. Ảnh: SWNS.

“Một người vỗ vào chiếc võng, anh ấy ngóc đầu dậy. Chàng trai trông có vẻ mệt mỏi, dường như vừa chợp mắt một lát. Tôi không nghe họ nói gì nhưng anh ấy rất hợp tác, dùng ghế để xuống đất”, Odom trả lời SWNS.

Cô cho rằng ý tưởng của hành khách trên thật thông minh, và ước mình có cũng một chiếc võng như thế. Hiện đại diện sân bay chưa bình luận gì về việc này.

Nguồn: vnexpress.net

Hãng hàng không chậm, huỷ nhiều chuyến sẽ bị thu hồi slot bay

Hãng hàng không chậm, huỷ nhiều chuyến sẽ bị thu hồi slot bay

Hành khách bức xúc khi tỷ lệ chậm, huỷ chuyến cao nhưng các hãng hàng không ứng xử không chuyên nghiệp.

Chiều 28/3, ông Đinh Việt Thắng (Cục trưởng Hàng không) cho biết tỷ lệ chậm hủy chuyến trung bình của các hãng hàng không ở mức 15%. So các nước trong khu vực mức độ này không cao, song có những chuyến chậm trễ kéo dài và một số hãng ứng xử không chuyên nghiệp khiến hành khách bức xúc.

Theo ông Thắng, nguyên nhân chậm hủy chuyến chủ yếu do khai thác của các hãng hàng không chứ không phải vì sân bay, quản lý bay.

Để khắc phục tình trạng này, Cục Hàng không sẽ bổ sung các chế tài liên quan cấp phép bay. Các slot (giờ điều phối cất hạ cánh) của các chuyến bay sẽ bị Cục Hàng không thu hồi khi có tỷ lệ chậm hủy chuyến cao. Đây là chế tài nặng với các hãng.

Cục Hàng không sẽ bổ sung đầu máy bay và giờ bay dự bị để các hãng linh hoạt trong khi thay đổi lịch bay, ứng phó kịp thời.

Hãng hàng không chậm, huỷ nhiều chuyến sẽ bị thu hồi slot bay

Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Anh Duy.

Trong tháng 4, hai sân bay lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng sẽ được thành lập hai trung tâm điều hành với sự tham gia các hãng, nhà cung ứng dịch vụ tại sân bay. Các đơn vị này sẽ phối hợp để cùng ra quyết định điều phối dịch vụ hàng không.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không, việc lập trung tâm điều hành cũng là yêu cầu của Tổ chức hàng không quốc tế (ICAO) đối với các sân bay có lưu lượng trên 20 triệu hành khách. Cùng với đó, các sân bay được đầu tư phần mềm chuyên dụng để tính toán giờ cất hạ cánh.

Trước đó, tại một cuộc họp về chậm hủy chuyến của Bộ Giao thông Vận tải giữa năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan nghiên cứu các biện pháp để kéo giảm số chuyến bay chậm, hủy, như chế tài thu hồi slot; giảm slot trong những giờ thời tiết xấu mà có thể dự đoán được; chuẩn hoá quy định về hệ số dự phòng tàu bay, tổ bay, phục vụ; đầu tư ứng dụng công nghệ, hoàn chỉnh quy trình điều phối tại sân bay; đầu tư hạ tầng đảm bảo bay đêm…

Theo Đoàn Loan, vnexpress.net

Sự khác biệt khi ngồi khoang hạng nhất và phổ thông trên máy bay

Sự khác biệt khi ngồi khoang hạng nhất và phổ thông trên máy bay

Bỏ ra 3.700 USD để mua ghế hạng nhất, nam du khách Anh tận hưởng mọi dịch vụ xa xỉ, được vào buồng lái gặp phi công.

Sự khác biệt khi ngồi khoang hạng nhất và phổ thông trên máy bay

Ted Thornhill cùng vợ và con gái đi du lịch từ London, Anh đến Johannesburg, Nam Phi. Lượt đi, anh mua vé ngồi khoang hạng nhất với giá 3.700 USD.

Sự khác biệt khi ngồi khoang hạng nhất và phổ thông trên máy bay

Khi lên máy bay, nam hành khách thích thú và ngạc nhiên khi khu vực mình ngồi có tủ quần áo cá nhân, đĩa sứ tráng men sáng bóng và ghế rộng đủ để nằm, ngồi hay duỗi chân thoải mái. Điểm trừ duy nhất khi ngồi khoang hạng nhất, với Ted, là tiếp viên chỉ phục vụ anh rượu vang giá 15 USD một chai.

Sự khác biệt khi ngồi khoang hạng nhất và phổ thông trên máy bay

Khoang hạng nhất chỉ có 14 chỗ ngồi, thay vì hàng trăm ghế như khoang phổ thông. Khi đang xem thực đơn, Ted được tiếp viên thông báo rằng gia đình anh có thể ăn bất kỳ lúc nào muốn.

Sự khác biệt khi ngồi khoang hạng nhất và phổ thông trên máy bay

Anh được phục vụ món cá hồi, cua, táo nghiền nhuyễn, gà nướng với bông cải xanh, couscous (món ăn của Bắc Phi, mì hạt nấu nhuyễn ăn cùng súp lơ xanh), sung và lựu được trộn với nước sốt mật đặc sánh. Bữa tráng miệng là bánh chocolate, quả hạnh, hạt dẻ cười ăn kèm nước sốt. Trước đó, Ted còn được phục vụ món giăm bông sấy khô, salami Cumberland, phô mai Berkswell, ô liu và cà chua sấy.

Hôm sau, anh được phục vụ bữa sáng kiểu Anh gồm trứng chiên, thịt xông khói ngọt Suffolk, nấm portobello, xúc xích… Một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất với những hành khách ngồi khoang đắt tiền là được phép vào buồng lái gặp phi công.

Sự khác biệt khi ngồi khoang hạng nhất và phổ thông trên máy bay

Ted cũng cảm thấy thích thú với những phụ kiện được phục vụ trên máy bay như mặt nạ, bộ điều khiển để chỉnh ánh sáng đèn, kem dưỡng ẩm, gel và dao cạo râu, son dưỡng, nước khử trùng tay, bàn chải đánh răng, lược, bông bịt tai, kem đánh răng.

Sự khác biệt khi ngồi khoang hạng nhất và phổ thông trên máy bay

Khi Ted cảm thấy buồn ngủ, tiếp viên đến và hướng dẫn anh cách ngả ghế để nằm cho thoải mái. Nam hành khách thả lỏng trên tấm đệm dày và chăn ấm, ngủ một giấc đến sáng. Anh cũng được tặng một bộ đồ ngủ bằng vải cotton, dép.

Sự khác biệt khi ngồi khoang hạng nhất và phổ thông trên máy bay

Không chỉ trên máy bay, Ted còn được tận hưởng các dịch vụ sang trọng, ưu đãi ngay từ khi bước vào khu vực check-in, lấy vé. Người làm thủ tục và nhân viên kiểm tra hành lý cho vợ chồng Ted đều vui vẻ, hài hước.

Sự khác biệt khi ngồi khoang hạng nhất và phổ thông trên máy bay

Trước quầy bán vé là một không gian rộng lớn, một phòng khách nhỏ với ghế bành. Hành khách ngồi chờ còn được dùng nước với mùi hương nhẹ nhàng, khăn lạnh miễn phí.
Sau đó, Ted qua cổng an ninh rồi tới phòng dành riêng cho người đi khoang hạng nhất. Nơi đây thực sự giống sảnh khách sạn, quán bar và nhà hàng 5 sao hơn là phòng chờ máy bay. Căn phòng được trang trí với đèn chùm, nhân viên phục vụ đi lại xung quanh và hào hứng thêm rượu champagne cho khách.

Sự khác biệt khi ngồi khoang hạng nhất và phổ thông trên máy bay

Khi trở về nhà sau chuyến du lịch, Ted mua khoang ghế phổ thông của cùng hãng bay lúc đi, với giá rẻ hơn nhiều. Anh ngồi ở ghế giữa, không gian chật hẹp. Khi muốn cất đồ hay làm bất kỳ điều gì, anh đều phải chờ đợi sự giúp đỡ từ tiếp viên.

Sự khác biệt khi ngồi khoang hạng nhất và phổ thông trên máy bay

Mọi thứ ở khu vực ghế phổ thông khác hẳn với khoang hạng nhất. Không gian xung quanh Ted khá chật chội và anh phải dùng khay bàn để chứa đồ chơi, bình sữa của cô con gái 19 tháng tuổi.

Sự khác biệt khi ngồi khoang hạng nhất và phổ thông trên máy bay

Bữa ăn buổi tối và sáng cũng không được phong phú, sang chảnh như khoang hạng nhất. Tuy nhiên, khi nhận xét về chất lượng đồ ăn, Ted cho biết mọi thứ khá ổn.

Sự khác biệt khi ngồi khoang hạng nhất và phổ thông trên máy bay

Những phụ kiện được phát kèm cho vé phổ thông cũng tối giản hơn rất nhiều.

Nguồn: vnexpress.net

Lý do phi công nói rất ít khi lên máy bay

Lý do phi công nói rất ít khi lên máy bay

Phi công được khuyến khích nói càng ít càng tốt với hành khách, vì nói quá nhiều có thể vô tình lộ ra các thông tin khiến nhiều người sợ.

Patrick Smith, phi công kiêm tác giả cuốn sách Cockpit Confidential, đã giải thích về lý do phi công thường nói rất ít khi lên máy bay. Không phải vì họ lạnh lùng hay kiêu ngạo, mà thực tế các phi công được đào tạo rất ít về dịch vụ khách hàng.

Họ thường được khuyến khích không nói gì hoặc nói ít. Hãng bay sợ rằng nếu các phi công nói nhiều hơn, thông tin mà họ thông báo tới hành khách có thể khiến nhiều người lo lắng. Và điều này là không cần thiết.

Phần lớn trên các chuyến bay, phi công chỉ gửi lời chào đến hành khách sau lúc cất cánh và hạ cánh. Ảnh: Express.

Phần lớn trên các chuyến bay, phi công chỉ gửi lời chào đến hành khách sau lúc cất cánh và hạ cánh. Ảnh: Express.

Điều này cũng tương tự với các tiếp viên hàng không. Với kinh nghiệm bay nhiều năm của mình, nam phi công cho biết hành khách sẽ không được tiếp viên thông báo cho mọi trục trặc, sự cố nhỏ có thể xảy ra trong suốt chuyến bay. Những trục trặc không được thông báo này là những điều không ảnh hưởng đến an toàn bay.

Smith cho biết hành khách không cần thiết phải biết mọi thứ đang diễn ra vì có thể họ sẽ hoảng sợ. Tuy nhiên, khi máy bay gặp sự cố quan trọng, mọi hành khách sẽ được biết. Tiếp viên sẽ thông báo qua loa và hướng dẫn tận tình.

Điều duy nhất bạn cần làm để có một chuyến bay an toàn là nghe theo hướng dẫn của tiếp viên. Ảnh: Express.

Điều duy nhất bạn cần làm để có một chuyến bay an toàn là nghe theo hướng dẫn của tiếp viên. Ảnh: Express.

Anh cũng khuyên hành khách nên bình tĩnh khi gặp sự cố, vì mọi thứ đều đã nằm trong tầm kiểm soát và được phi hành đoàn thực tập thành thạo trước đó. “Khi họ thông báo với bạn tình huống khẩn cấp, đừng quá hoảng sợ và coi đó như thể là một chuyến bay sinh tử.

Điều vô nghĩa nhất mà hành khách làm khi lên máy bay là nhìn trừng trừng vào mắt các tiếp viên. Hành động này không thể giúp bạn phán đoán được tiếp viên đang nghĩ gì, hay họ có giấu bạn về một sự cố nào đang xảy ra không. Điều đó chỉ khiến họ thêm bối rối, theo Smith.

Theo Anh Minh, vnexpress.net

Khách Mỹ bất ngờ khi bay chuyến có hai phi công là mẹ con

Khách Mỹ bất ngờ khi bay chuyến có hai phi công là mẹ con

Bài đăng về hai phi công là mẹ con bay chung một chuyến đã gây sốt trên Twitter với hơn 16.000 lượt chia sẻ.

John R. Watret là một hành khách trên chuyến bay của hãng Delta khởi hành từ sân bay quốc tế Los Angeles đến Atlanta, Mỹ vào giữa tháng 3. Ông tình cờ biết thông tin về hai phi công điều khiển chuyến bay khi một phụ nữ xin tiếp viên cho con vào thăm buồng lái.

“Điều đó thật kinh ngạc và tôi đã hỏi liệu mình có thể vào thăm họ không”, Watret nhớ lại. Hai phi công chuyến đó là cơ trưởng Wendy Rexon và cơ phó Kelly Rexon – con gái Wendy, Fox đưa tin ngày 23/3.

Khách Mỹ bất ngờ khi bay chuyến có hai phi công là mẹ con

Tấm ảnh đăng kèm lời bình luận: “Tôi vừa bay từ Los Angeles đến Atlanta trên chuyến bay của Delta do tổ bay mẹ con này điều khiển. Chuyến bay tuyệt vời. Quả là những người phụ nữ truyền cảm hứng”. Ảnh: John R. Watret.

Nam hành khách chia sẻ ảnh hai mẹ con nhà Rexon khi hạ cánh ở Atlanta. Bài đăng đã gây sốt trên Twitter với hơn 16.000 lượt chia sẻ.

Watret còn có dịp trò chuyện với họ, và biết rằng gia đình Rexon có truyền thống làm trong ngành hàng không bởi bố của Wendy là một phi công về hưu, còn chồng cô đang bay cho hãng American Airlines. Ngoài Kelly, cô con gái còn lại của gia đình Rexon là Kate cũng làm phi công.

Theo Bảo Ngọc, vnexpress.net

Chuyên gia lật tẩy mánh giúp hãng bay không phải đền tiền cho khách

Chuyên gia lật tẩy mánh giúp hãng bay không phải đền tiền cho khách

Nhiều hành khách phải chịu các chuyến bay trễ giờ nhưng vẫn không hề hay biết.

Các luật sư chuyên về mảng bồi thường chuyến bay tại Bott & Co chia sẻ với Express về mánh “khoảng đệm lịch trình” của các hãng hàng không. Đệm lịch trình là một phương pháp ước tính thời gian bay từ điểm này tới điểm khác.

Chuyên gia lật tẩy mánh giúp hãng bay không phải đền tiền cho khách

Đa phần du khách khó chịu khi máy bay khởi hành trễ và đến đích muộn giờ. Ảnh: Express.

Thay vì công bố thời gian bay chính xác giữa hai điểm, các hãng hàng không thường cộng thêm vào đó một khoảng thời gian. Ví dụ, trên thực tế, bay từ điểm A đến điểm B hết hai tiếng nhưng họ sẽ thông báo là 2,5 tiếng. Điều này giúp phi cơ dù khởi hành muộn, vẫn hạ cánh đúng với giờ thông báo trên vé. Như vậy, các hãng giảm thiểu được sự phàn nàn của hành khách và không phải bồi thường vì các chuyến bay đến muộn. Theo quy định của Liên minh châu Âu, các chuyến bay nếu trễ quá 3 tiếng sẽ phải bồi thường cho khách.

Theo một cuộc khảo sát của các luật sư vào tháng 8/2018, thời gian bay theo lịch trình trung bình chậm hơn 35 phút so với 10 năm trước. Trong 125 chuyến bay được lấy dữ liệu, có tới 76 hành trình có thời gian bay dài hơn, dù cùng một tuyến đường và sử dụng các loại máy bay tân tiến hơn. Trên thực tế, phi cơ không hề bay chậm hơn mà do các hãng đang áp dụng mẹo trên.

Tuy nhiên, điều này cũng không hẳn là xấu. Việc hành khách cảm thấy họ đến sớm hơn thời gian dự kiến 10 phút sẽ thú vị hơn nhiều thông báo đến muộn, hay đúng giờ. “Cộng thêm thời gian là một mũi tên trúng hai đích, cả hai bên khách hàng – hãng bay đều cảm thấy có lợi”, một chuyên gia hàng không cho hay.

Nguồn: vnexpress.net