Mẫu ghế đứng trên máy bay khiến hành khách dè dặt khi thử

Ghế đứng có cấu trúc gần giống yên xe đạp, hành khách vẫn ổn nếu chỉ ngồi trong thời gian ngắn.

Francesca Street, phóng viên CNN, vừa có cơ hội trải nghiệm phiên bản ghế đứng của công ty nội thất hàng không Italy Aviointeriors trong triển lãm Aircraft Interiors Expo 2019 (AIX) tại Hamburg, Đức. Trong AIX 2018, thương hiệu này từng gây xôn xao với mẫu ghế đứng Skyrider 2.0, và năm nay họ tung ra thế hệ 3.0.

Mẫu ghế đứng trên máy bay khiến hành khách dè dặt khi thử

Phóng viên Francesca ngồi thử ghế thế hệ mới trên máy bay. Ảnh: Francesca Street/CNN.

Gaetano Perugini, tư vấn kỹ thuật tại Aviointeriors, nhấn mạnh rằng công ty không hướng tới ý tưởng phục vụ các hãng muốn nhồi nhét càng nhiều hành khách càng tốt.

“Chúng tôi không muốn dựng cảnh hàng nghìn người chen chúc trong cabin, mà nhắm đến mô hình đa dạng hạng ghế, bởi ngày nay các hãng bay không thể đạt tới lượng khách tối đa”, Perugini nói.

Thông thường, cách duy nhất để một hãng hàng không đạt tới công suất lớn nhất chính là lắp đặt toàn bộ ghế hạng phổ thông. Ghế đứng Skyrider chiếm ít diện tích hơn ghế phổ thông thông thường – cho phép khách đặt nhiều hạng vé hơn trên cùng một chuyến bay.

“Nghĩa là trong cùng một cabin, bạn có thể ngồi ghế phổ thông cơ bản, tiêu chuẩn, phổ thông cao cấp, thương gia – đây chính là một cải tiến dành cho cả hành khách lẫn hãng hàng không. Đó là lý do thực sự để Skyrider ra đời”, Perugini giải thích.

Bản thiết kế đầu tiên của mẫu ghế đứng ra mắt vào năm 2010, tuy nhiên một số vấn đề về cấu trúc ngăn nó thành hiện thực. Phiên bản 2.0 ra đời năm 2018 lắp kèm một chiếc cột để cố định ghế. Mẫu mới nhất của năm nay không còn phần cột, mà có thể được lắp ráp và đưa vào sử dụng ngay.

Khoảng cách giữa các hàng ghế cũng được thu hẹp. Ảnh: Francesca Street/CNN.

Khoảng cách giữa các hàng ghế được thu hẹp. Ảnh: Francesca Street/CNN.

Theo ông Perugini, rất nhiều người quan tâm tới mẫu ghế này, dù chưa ai đặt hàng. Một trong những rào cản mà nhà sản xuất cần vượt qua chính là phản ứng của hành khách: “Nếu đọc mô tả của mẫu A380, A320, A321 và 737, bạn sẽ thấy thiết kế của những máy bay này không cho phép lắp đặt ghế với khoảng cách nhỏ hơn 71 cm, trong khi khoảng cách giữa hai chiếc Skyrider chỉ là 58,4 cm”.

Perugini tự tin có thể giải thích tính năng của thiết kế mới với những khách hàng lớn như Airbus hay Boeing.

Vậy thực sự trải nghiệm ghế đứng trên máy bay ra sao? Ghế có cấu trúc gần giống yên xe đạp, mọi chuyện vẫn ổn nếu chỉ ngồi vài phút. Tư thế ngồi loại ghế này không thực sự phù hợp với cấu tạo cơ thể của tất cả hành khách – dù cao hay thấp, bạn vẫn bị đau mỏi và cảm thấy khó chịu.

Ngay cả Perugini cũng phải thừa nhận rằng trải nghiệm ngồi ghế đứng không nhất thiết phải thoải mái, nhưng ông cho rằng thiết kế này sẽ phù hợp với những chuyến bay chặng ngắn tại châu Âu.

“Thành thực mà nói, tôi không nghĩ có ai vui vẻ ngồi từ 8 đến 10 tiếng trên chiếc ghế kiểu này. Trên chuyến bay ngắn, nếu muốn tiết kiệm tiền, bạn có thể thử ngồi ghế hạng này trong vài giờ – dù không hoàn toàn thoải mái. Tôi nghĩ phần lớn hành khách sẽ chấp nhận”, Perugini bày tỏ.

Tuy nhiên, có ý kiến nghi ngờ rằng hành khách tiết kiệm được chút tiền vé lại phải hứng chịu những cơn ê ẩm khắp mình khi hạ cánh. Hơn nữa, do khoảng cách giữa các ghế quá hẹp, hành khách phải ngồi sát với người lạ.

Dù vậy, Perugini khẳng định nếu Skyrider đi vào ứng dụng, nó sẽ trở thành một giải pháp siêu tiết kiệm mà vẫn giúp hành khách ngồi thoải mái trong chừng mực có thể.

Theo CNN