Khai thác vượt công suất quá nhiều nên đường băng hai sân bay lớn nhất nước đã bị nứt vỡ, phụt bùn…
Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh 25R/07L sân bay Tân Sơn Nhất và đường CHK 1B sân bay Nội Bài. Theo ACV, hai đường băng này đều khai thác vượt thiết kế nên “mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng, thường bị bong bật, nứt vỡ. Tại một số vị trí trên đường băng 1B của Nội Bài, còn có hiện tượng phụt bùn, đặc biệt vào mùa mưa”.
Đường băng 25R/07L của sân bay Tân Sơn Nhất đã được sửa chữa và đưa vào sử dụng tháng 6/2013, với công suất 55.100 lần cất hạ cánh trong 10 năm. Tuy nhiên, đến tháng 4/2018, đường băng này đã có 126.000 lần cất hạ cánh, vượt hơn 2 lần công suất.
Tương tự, đường băng 1B Nội Bài đưa vào khai thác năm 2003, được thiết kế đảm bảo khai thác tàu bay B747-400 cho khoảng 10.500 lượt hạ, cất cánh trong 20 năm. Đến nay, số lượt đã lên tới 284.200.
Sân bay Tân Sơn Nhất luôn có lưu lượng hành khách lớn. Ảnh: Xuân Hoa. |
Theo ACV, nếu không sớm cải tạo, nâng cấp mà vẫn tiếp tục duy trì khai thác như hiện nay thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay, dẫn đến việc có thể phải đóng cửa hai đường băng.
Khó khăn lớn nhất được nêu ra là vốn đầu tư sửa chữa đường băng này. Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ bổ sung hơn 4.200 tỷ đồng vốn trung hạn 2016 – 2020, để nâng cấp khu bay tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Trường hợp không thể bố trí vốn ngân sách, Bộ Giao thông đề nghị Thủ tướng xem xét phương án cho ACV sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để đầu tư các dự án nêu trên.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV ACV, cho hay doanh nghiệp này đang giữ hộ ngân sách nguồn thu từ phí cất, hạ cánh tại cảng hàng không (tích lũy từ 2018, mỗi năm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, khoản thu này cũng không đủ để nâng cấp đường cất hạ cánh Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Hiện nay khu bay do Nhà nước quản lý, nếu Nhà nước giao cho ACV thì doanh nghiệp này có thể dùng quỹ đầu tư phát triển của mình để nâng cấp.
Về phía Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này cho biết đang trong quá trình xây dựng Đề án quản lý khai thác hạ tầng khu bay. Đến tháng 8, Cục mới trình dự thảo đề án lên Bộ Giao thông, sau đó trình Chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc chưa rõ khu bay sẽ được quản lý theo hình thức nào, ACV chỉ được duy tu bảo dưỡng hay được đầu tư. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư, nâng cấp các đường băng chưa rõ sẽ lấy từ đâu.
Nguồn: vnexpress.net