Ý nghĩa vòng xoáy trên cánh quạt máy bay ít người để ý

Khi nhìn thấy những vòng xoáy trên cánh quạt, hầu hết du khách đều nghĩ chúng chỉ là họa tiết trang trí.

Ngay cả khi thường xuyên di chuyển trên những chuyến bay thương mại, ít người để ý tới vòng xoáy in trên trục động cơ, hoặc nếu có, họ thường mặc định đây là một chi tiết trang trí. Tuy nhiên, mục đích của chúng không đơn giản như nhiều người lầm tưởng.

Vòng xoắn ốc luôn được in trên trục cánh quạt của động cơ ngay cả khi chưa lắp ráp vào máy bay. Ảnh: Pinterest.

Vòng xoắn ốc luôn được in trên trục cánh quạt của động cơ ngay cả khi chưa lắp ráp vào máy bay. Ảnh: Pinterest.

Những kỹ sư chế tạo động cơ máy bay của Rolls-Royce tiết lộ đây là tín hiệu thông báo cho nhân viên mặt đất rằng cánh quạt đang chạy, theo Jalopnik.

Bạn có thể liên tưởng đến quạt mát ngay trong nhà mình, khi phần cánh chạy chúng sẽ tạo nên một khoảng mờ như đứng yên – điều tương tự xảy ra với cánh quạt của động cơ máy bay. Khi chúng hoạt động hết công suất, mọi cử động gần như vô hình và tạo thành một khoảng đen hun hút. Những vòng xoắn ốc màu trắng sẽ biến thành một khoảng trắng dễ nhận biết.

Vòng xoáy hiện ra khi động cơ Rolls-Royce hoạt động. Video: Tyler H.

Nhiều người có thể phản biện rằng, khó có ai không phân biệt được khi nào động cơ đang chạy, bởi một khi máy bay khởi động, cánh quạt sẽ tạo ra âm thanh rất lớn.

Đại diện của hãng hàng không Hoàng gia Hà Lan KLM lý giải: “Có rất nhiều động cơ cùng chạy gần những nhân viên mặt đất, cộng thêm việc họ phải đeo thiết bị bảo vệ tai. Nếu năm động cơ cùng gầm rú bên tai bạn, không dễ để biết cái nào đang chạy còn cái nào nghỉ”.

Đây thực sự là vấn đề sống còn đối với những nhân viên mặt đất, giúp họ xác định khoảng cách an toàn. Ví dụ, một chiếc Boeing 787 Dreamliner có khoảng khu vực nguy hiểm với bán kính 4,57 m quanh động cơ, những máy bay lớn hơn như 777 sẽ có khoảng nguy hiểm rộng hơn. Chỉ cần vượt qua ranh giới này khi cánh quạt đang chạy, một thảm kịch sẽ diễn ra trong nháy mắt.

Sĩ quan hải quân Mỹ J.D Bridges sống sót kỳ diệu trong vụ tai nạn năm 1991, khi anh bị hút vào động cơ của một chiếc A-6 Intruder sắp cất cánh. Video: World’s Most Amazing Videos.
Nguồn: vnexpress.net

Đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất bị hư hỏng

Khai thác vượt công suất quá nhiều nên đường băng hai sân bay lớn nhất nước đã bị nứt vỡ, phụt bùn…

Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh 25R/07L sân bay Tân Sơn Nhất và đường CHK 1B sân bay Nội Bài. Theo ACV, hai đường băng này đều khai thác vượt thiết kế nên “mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng, thường bị bong bật, nứt vỡ. Tại một số vị trí trên đường băng 1B của Nội Bài, còn có hiện tượng phụt bùn, đặc biệt vào mùa mưa”.

Đường băng 25R/07L của sân bay Tân Sơn Nhất đã được sửa chữa và đưa vào sử dụng tháng 6/2013, với công suất 55.100 lần cất hạ cánh trong 10 năm. Tuy nhiên, đến tháng 4/2018, đường băng này đã có 126.000 lần cất hạ cánh, vượt hơn 2 lần công suất.

Tương tự, đường băng 1B Nội Bài đưa vào khai thác năm 2003, được thiết kế đảm bảo khai thác tàu bay B747-400 cho khoảng 10.500 lượt hạ, cất cánh trong 20 năm. Đến nay, số lượt đã lên tới 284.200.

Sân bay Tân Sơn Nhất luôn có lưu lượng hành khách lớn. Ảnh: Xuân Hoa. 

Sân bay Tân Sơn Nhất luôn có lưu lượng hành khách lớn. Ảnh: Xuân Hoa. 

Theo ACV, nếu không sớm cải tạo, nâng cấp mà vẫn tiếp tục duy trì khai thác như hiện nay thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay, dẫn đến việc có thể phải đóng cửa hai đường băng.

Khó khăn lớn nhất được nêu ra là vốn đầu tư sửa chữa đường băng này. Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ bổ sung hơn 4.200 tỷ đồng vốn trung hạn 2016 – 2020, để nâng cấp khu bay tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Trường hợp không thể bố trí vốn ngân sách, Bộ Giao thông đề nghị Thủ tướng xem xét phương án cho ACV sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để đầu tư các dự án nêu trên.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV ACV, cho hay doanh nghiệp này đang giữ hộ ngân sách nguồn thu từ phí cất, hạ cánh tại cảng hàng không (tích lũy từ 2018, mỗi năm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, khoản thu này cũng không đủ để nâng cấp đường cất hạ cánh Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Hiện nay khu bay do Nhà nước quản lý, nếu Nhà nước giao cho ACV thì doanh nghiệp này có thể dùng quỹ đầu tư phát triển của mình để nâng cấp.

Về phía Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này cho biết đang trong quá trình xây dựng Đề án quản lý khai thác hạ tầng khu bay. Đến tháng 8, Cục mới trình dự thảo đề án lên Bộ Giao thông, sau đó trình Chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc chưa rõ khu bay sẽ được quản lý theo hình thức nào, ACV chỉ được duy tu bảo dưỡng hay được đầu tư. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư, nâng cấp các đường băng chưa rõ sẽ lấy từ đâu.

Nguồn: vnexpress.net

Lượng khách đến Đà Nẵng bằng đường hàng không tăng mạnh

Nhờ việc mở nhiều đường bay quốc tế mà lượng khách đến Đà Nẵng bằng đường hàng không tăng hơn 40% so với cùng kỳ.

Ngày 13/6, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết trong 6 tháng đầu năm, lượng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt hơn 4 triệu lượt, tăng gần 30% so với cùng kỳ 2017.

Trong đó, khách du lịch đường hàng không đến Đà Nẵng ước đạt hơn 1 triệu lượt, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hành khách làm thủ tục và ngồi thư giãn tại quầy ăn uống tại sảnh ga đi Nhà ga quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Hành khách làm thủ tục và ngồi thư giãn tại quầy ăn uống tại sảnh ga đi Nhà ga quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng tập trung chủ yếu là thị trường khách Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản) thông qua các đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng. Số chuyến bay quốc tế năm nay tại sân bay quốc tế Đà Nẵng là 183 chuyến, tăng 76 chuyến bay so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, có được lượng khách lớn là nhờ thành phố tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế với hàng loạt chương trình phụ trợ đặc sắc như khai trương mùa du lịch biển, lễ hội đường phố, đồng thời “giữ vững được điểm đến”.

Thêm vào đó, việc thành phố khai trương thêm nhiều đường bay quốc tế đảm bảo năng lực phục vụ tại Nhà ga quốc tế cũng khiến lượng khách không ngừng tăng lên. Trong dịp 30/4, 1/5 vừa qua, lượng khách quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng bằng đường hàng không đạt 27.450 lượt khách, tăng hơn 77% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhà ga quốc tế mới đưa vào khai thác

Được khánh thành ngày 19/5/2017, nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng do Công ty cổ phần đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) rót vốn, là mô hình đầu tư xã hội hóa hạ tầng đầu tiên của ngành hàng không Việt Nam. Sau khi đưa vào khai thác, nhà ga có công suất từ 4 triệu khách mỗi năm.

Nam du khách Hàn Quốc thích thú chụp ảnh lưu niệm tại sân bay. Ảnh: Nguyễn Đông.

Nam du khách Hàn Quốc thích thú chụp ảnh lưu niệm tại sân bay. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Hồ Thế Anh, Phó tổng Giám đốc công ty cổ phần đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng, cho biết công suất phục vụ năm nay dự kiến đạt khoảng 5 triệu lượt khách.

Được xây dựng trên khuôn viên rộng 21.000 m2, với diện tích sàn xây dựng hơn 50.000 m2, nhà ga hiện có 44 quầy làm thủ tục hàng không, 20 quầy xuất cảnh, 22 quầy nhập cảnh, 10 cửa ra tàu bay, 2 đảo xử lý hành lý đi và 4 đảo trả hành lý.

Đã khai thác đường bay đến Đà Nẵng được 7 năm, ông Kwon Eung-sop (đại diện hãng Asiana Airlines, Hàn Quốc) cho biết gặp nhiều thuận lợi hơn khi nhà ga quốc tế đi vào hoạt động. Trong đó phải kể đến sảnh nhà ga rộng rãi, sạch sẽ và tiện lợi.

Theo ông Kwon, năm ngoái Thái Lan là điểm đến hàng đầu với người Hàn Quốc. Nhưng năm nay Việt Nam đã vươn lên vị trí số 1. Giới trẻ Hàn Quốc thích đến Đà Nẵng vì thiên nhiên đẹp, biển sạch và an toàn. Giao thông cũng thuận lợi để người trẻ vào Hội An ngắm phố cổ, còn người lớn tuổi ra Huế thăm thú lăng tẩm của triều Nguyễn.

Ông Kwon cho biết Việt Nam đang là thị trường số một của khách Hàn Quốc. Ảnh: Nguyễn Đông. 

Ông Kwon cho biết Việt Nam đang là thị trường số một của khách Hàn Quốc. Ảnh:Nguyễn Đông. 

Dự đoán lượng khách Hàn Quốc (hiện chiếm khoảng 60% lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng), sẽ còn tăng lên trong thời gian tới, ông Kwon mong muốn nhà ga sẽ mở rộng thêm khu vực checkin, tăng thêm lượng nhà hàng phục vụ khách tại sân bay.

Nguồn: vnexpress.net

Những đòn “xả giận” vào nhân viên hàng không khi chuyến bay bị hoãn

Vụ nữ nhân viên hàng không bị tấn công rách mí mắt mới đây không phải là trường hợp đầu tiên các “thượng đế” thượng cẳng chân hạ cẳng tay với những người phục vụ chuyến bay.

22h ngày 3/6 vừa qua, ông Phạm Huy Cường (SN 1986, quê Thái Nguyên) đến quầy làm thủ tục của hãng hàng không Vietjet tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Tuy nhiên ông này được một nữ nhân viên thông báo chuyến bay bị hủy và dời lịch bay sang sáng hôm sau, 4/6.

Những đòn "xả giận" vào nhân viên hàng không khi chuyến bay bị hoãn - 1

Quầy vé trong sân bay Đà Nẵng, nơi xảy ra vụ hành khách tấn công khiến nhân viên hàng không rách mí mắt

Quá bức xúc nên ông Cường đã ném điện thoại di động của mình vào mặt nữ nhân viên này, khiến cô bị rách mí mắt trái, chảy máu. Sự việc đã được camera ghi lại.

Tại cơ quan an ninh hàng không, ông Cường thừa nhận hành vi của mình và cho biết ông đã sử dụng bia rượu trước khi vào làm thủ tục tại sân bay. Khi được thông báo chuyến bay bị hoãn, ông quá bức xúc nên đã hành động như trên.

Hiện, Trung tâm An ninh hàng không – Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng đã tạm giữ chiếc điện thoại Nokia 8800 màu đen cùng CMND của ông Phạm Huy Cường. Dự kiến, tuần này Cảng vụ hàng không miền Trung sẽ đưa ra biện pháp xử lý đối với nam hành khách này.

Bị hủy bay vì đến muộn, nam hành khách đánh nhân viên hàng không

Cách đây hơn 1 năm, vào 23h14 ngày 14/4/2017, tại đầu đảo làm thủ tục hàng không J-K ga đi quốc nội (sảnh B) – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nam hành khách Lê Thanh N (SN 1978, ngụ Lý Sơn, Quảng Ngãi) đến làm thủ tục lên chuyến bay VJ636 từ TP.HCM đi Đà Nẵng, dự kiến khởi hành lúc 23h40.

Vì ông N đến trễ 14 phút so với giờ đóng sổ bay nên nhân viên làm thủ tục cho hãng hàng không VietJet Air là anh Nguyễn Tuấn L. đã giải thích, thông báo cho ông N về việc chuyến bay VJ636 không nhận khách và hỗ trợ chuyển sang chuyến bay sáng hôm sau.

Tuy nhiên, ông N. không đồng ý và bất ngờ dùng tay đánh anh L. nhưng không trúng. Sau đó, vị khách này tiếp tục dùng túi xách đánh vào mặt nam nhân viên hàng không. Lực lượng an ninh sân bay đã can ngăn, lập biên bản vụ việc.

Nam hành khách này sau đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng.

Cán bộ Sở GTVT Hà Nội đánh nữ nhân viên hàng không

Chiều 18/10/2016, ông Trần Dương Tùng (32 tuổi) và Đào Vịnh Thuấn (37 tuổi, cán bộ Thanh tra giao thông, Sở GTVT Hà Nội) làm thủ tục lên chuyến bay VN7265 chặng Hà Nội – TP.HCM. Đến giờ lên tàu bay tại cửa số 3, hai khách không có mặt nên hãng vận chuyển đã trừ tải.

Clip hành khách đánh nhân viên sân bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài – Nguồn: Trích xuất camera sân bay Nội bài.

Sau đó, hai ông xuất hiện và cho hay họ đứng nhầm cửa. Biết bị cắt lại, hai ông này đã chửi bới các nhân viên. Được hướng dẫn đến phòng đổi vé, khi qua cửa an ninh, hai ông đã xô xát với nhân viên an ninh.

Lúc này, chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh (nhân viên Trung tâm khai thác Nội Bài thuộc Vietnam Airlines) hết ca trực đi qua chứng kiến sự việc nên dùng điện thoại ghi hình. Thấy vậy, hai khách nam đã hành hung chị này. Vụ việc đã được camera ghi lại.

Sau vụ việc, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Chánh thanh tra Sở chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Thuấn, đồng thời yêu cầu ông này công khai xin lỗi nữ nhân viên hàng không.

Cục Hàng không Việt Nam quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không 12 tháng đối với ông Trần Dương Tùng và 6 tháng đối với ông Đào Vịnh Thuấn.

Khách VIP tát tiếp viên vì đánh rơi điện thoại

Trước đó 2 tháng, vào ngày 13/8/2016, một vụ hành hung khác đã xảy ra khi chuyến bay VN255 của Vietnam Airlines từ Hà Nội hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – TPHCM.

Những đòn "xả giận" vào nhân viên hàng không khi chuyến bay bị hoãn - 2

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông B

Theo đó, do không thấy điện thoại của mình, nam hành khách Mai Thanh B (46 tuổi, trú tại TPHCM, ngồi tại khoang Thương gia) cho rằng nữ tiếp viên C.T.T đã lấy cắp. Ông này tức giận tát mạnh vào mặt nữ tiếp viên ngay trên máy bay.

Bị tát đau điếng người, tiếp viên C.T.T ôm mặt chạy vào buồng bếp và được đồng nghiệp chườm đá. Sau khi các hành khách đã xuống máy bay, một tiếp viên đã tìm thấy chiếc điện thoại iPhone 6 Plus dưới chân ghế gần ghế ông B đã ngồi.

Đây là một trong những vụ việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tinh thần của tiếp viên khi làm nhiệm vụ. Sau khi sự việc xảy ra, nữ tiếp viên C.T.T đã phải nghỉ làm 1 tuần để nghỉ tĩnh dưỡng, lấy lại tinh thần.

Sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định cấm bay 6 tháng đối với ông B. Cảng vụ hàng không miền Nam cũng xử phạt ông B 15 triệu đồng vì hành vi hành hung thành viên tổ bay.

Nữ hành khách rượt đuổi, xé áo nam nhân viên hàng không

Ngày 16/10/2014, trong lúc di chuyển đến cửa ra tàu bay chuyến VJ8687 từ Hà Nội đi TP.HCM, nữ hành khách Trương Thị Thiên T cũng hành hung nhân viên hàng không.

Cụ thể, tại sảnh E sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), bà T đã làm xong các thủ tục để thực hiện chuyến bay.

Tuy nhiên, tại cửa ra tàu bay, do mang theo hành lý cồng kềnh và vượt quá số lượng quy định nhưng lại không đồng ý ký gửi hành lý nên bà được thông báo không được lên tàu bay.

Tức giận, bà T liền rượt đuổi nhân viên hàng không từ cửa ra tàu bay đến khu vực soi chiếu an ninh rồi hành hung, xé rách áo anh này. An ninh sân bay buộc phải can thiệp, áp giải hành khách bàn giao cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc xử lý.

Nữ hành khách này sau đó đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng.

Nguồn: 24h.com.vn