Trước tình trạng gia tăng số vụ báo mất cắp hành lý, Cục Hàng không VN đã tiến hành rà soát công tác an ninh tại các sân bay lớn. Về cơ bản, quy trình xếp dỡ hành lý đều được thực hiện khá tốt tuy nhiên tình trạng để “lọt” tài sản của hành khách vẫn diễn ra, gây bức xúc dư luận.
Nhiều vụ mất cắp hành lý
Theo báo cáo, của Cục Hàng không Việt Nam, từ tháng 12/2013 đến tháng 12/2014 có 48 vụ mất cắp hành lý, tài sản của hành khách. Đầu năm 2015 đến nay, Cục đã tiếp nhận 25 vụ báo cáo mất tài sản. Điều đáng nói, số vụ mất cắp tài sản ngày càng gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu tại các sân bay quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất… Tuy nhiên, dường như cơ quan quản lý chưa biết phải bắt đầu từ đâu, bởi vấn đề mất cắp hành lý tại các sân bay phải rà soát cả hai đầu đi và đến. Trước mắt để hạn chế tình trạng này, ngành hàng không đã triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống mất cắp tài sản, hàng hóa, hành lý trên đường vận chuyển hàng không từ các đơn vị mặt đất, các hãng hàng không, cảng vụ.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc chi nhánh Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty cổ phần Xí nghiệp thương mại mặt đất Nội Bài (NIAGS) cho biết, các quy trình bốc xếp hàng hóa của nhân viên đều có camera theo dõi. Nếu có phản ánh của hành khách sẽ xem lại băng ghi hình, kiểm tra tủ đồ cá nhân của nhân viên, kiểm tra toàn bộ dây chuyền phục vụ hành lý. Ngoài ra, nhân viên bốc xếp cũng không được mang tiền, điện thoại, máy tính bảng; phải mặc quần áo không có túi, hạn chế người ra vào khu vực hàng hóa, hành lý…
Câu hỏi đặt ra là, tại sao các quy trình giám sát được thực hiện đầy đủ, việc mất cắp hành lý của hành khách qua đường hàng không vẫn xảy ra? Mới đây, vào ngày 23/5 chị Bùi Thị Thanh Tâm (quận Tây Hồ, Hà Nội) – hành khách chuyến bay mang số hiệu VJ902 của hãng hàng không VietJet Air khởi hành từ sân bay Thái Lan về Nội Bài lúc 14h, phản ánh về việc vali hành lý dù được khóa cẩn thận nhưng vẫn bị tháo tung và mất nhiều hàng hóa giá trị. “Vali khi đặt lên cân ở Thái Lan có trọng lượng 10kg nhưng khi về tới Nội Bài thì chỉ còn 8kg và đồ đạc bị mất có giá trị gần 20 triệu đồng. Cũng trong trong chuyến bay này, có người khi cân hành lý là 20kg nhưng về đến Nội Bài thì chỉ còn 12kg, mà cũng mất đồ có giá trị”, chị Thanh Tâm cho hay.
Được biết, chỉ riêng tại sân bay Nội Bài, từ đầu năm 2014 đến nay, lực lượng an ninh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã phát hiện và bàn giao 996 vụ việc có liên quan đến an ninh, trật tự hàng không, bao gồm cả trộm cắp hàng hóa, hành lý nhưng vẫn không chắc chắn được khâu nào là khâu để “lọt”. Trong khi các bên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, hành khách vẫn là người chịu thiệt thòi, còn uy tín của các hãng hàng không bị tụt giảm.
Cần những chế tài đủ mạnh
Trao đổi với PV LĐTĐ, tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, tình trạng hành khách bị mất hành lý liên tục trong thời gian qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành hàng không Việt Nam. Các hãng hàng không là đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, trong đó có cả hành lý, vậy mà vẫn xảy ra hiện tượng mất cắp chứng tỏ dịch vụ không hoàn hảo, còn khiếm khuyết.
Việc hành lý bị vỡ khóa, bong băng dính dán… là điều có thể xảy ra bởi trong quá trình vận chuyển, hành lý có thể bị mắc hay vướng vào băng chuyền. Tuy vậy, hiện tượng cố tình bẻ khóa, mất đồ đạc trong vali khiến nhiều người bức xúc. Đối với những trường hợp này, ngay khi phát hiện, hành khách cần phản ánh với bộ phận thất lạc hành lý để báo cáo về những dấu hiệu bất thường như yêu cầu cân lại hành lý, kiểm tra xung quanh hành lý khi nhận, kê khai tài sản bị mất…
Theo quy định của ngành hàng không, trong trường hợp hành khách có mất mát, hay hành lý bị vỡ gây hỏng hóc và hành khách khiếu nại thì hãng sẽ làm theo quy trình khiếu nại và đền bù cho khách. Đối với những mặt hàng ký gửi không kê khai giá trị, các hãng hàng không (trong đó có Vietnam Airlines) sẽ áp dụng một khung chung để đền bù cho hành khách.
Mức giới hạn đền bù sẽ là 20USD đối với 1kg hành lý thất lạc hoặc tối đa là 1.810 USD cho một người nếu có chứng từ chứng minh được thiệt hại. Tuy nhiên, trên thực tế khi hành khách kê khai số hàng hóa bị mất lại thường là những hàng hóa giá trị cao hơn mức giá đền bù.
Trao đổi với PV LĐTĐ về tình trạng này, tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, tình trạng hành khách bị mất hành lý liên tục trong thời gian qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành hàng không Việt Nam. Các hãng hàng không là đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, trong đó có cả hành lý, vậy mà vẫn để xảy ra hiện tượng mất cắp chứng tỏ dịch vụ không hoàn hảo, vẫn còn khiếm khuyết. Đây là hiện tượng không mới và cũng không phải cá biệt, nên mới có những quy định về đền bù, nhưng để hiện tượng này tăng đột biến trong thời gian gần thì rõ ràng có vấn đề. Vấn đề không phải do hành khách mà do nhà tổ chức, khâu cung cấp dịch vụ ở sân bay kém.
Kiến nghị về nhóm giải pháp khắc phục tình trạng này, theo TS Nguyễn Minh Phong, chúng ta cần có những quy định rõ ràng, nghiêm ngặt hơn nữa, đặc biệt là các chế tài có tính chất răn đe để tránh tình trạng mức giá đền bù không phù hợp khiến khách hàng bị thiệt và như thế sẽ mất khách, mất cả uy tín quốc gia. “ Nên xem xét mở các chuyên đề mang tính chất hình sự, vì đây chắc chắn có vấn đề, không phải do lỗi kỹ thuật mà mất có tổ chức, nên việc tổ chức điều tra để bắt như một vụ án là nên làm và làm thật tốt”, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
(Nguồn: laodongthudo)
Có thể bạn quan tâm:
Vietjet mua thêm 6 máy bay A321
Vietjet ký kết những thoả thuận quan trọng tại Paris Air Show 2015
Lãnh đạo hàng không lấy danh dự đảm bảo dự án Long Thành
atadi.vn là website SĂN VÉ MÁY BAY GIÁ RẺ của các hãng bay trong nước & Đông Nam Á, giúp người dùng dễ dàng săn vé máy bay rẻ & nhanh nhất. SĂN VÉ RẺ ngay!