Buôn Mê Thuột là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Đắc Lăk, đây cũng là thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên. Đây là một vùng đất giàu văn hóa, hay còn có thể gọi đây là một kho tàng về các di sản phi vật thể, với rất nhiều nét đẹp văn hóa được UNESCO công nhận. Nơi đây sẽ là trung tâm du lịch, điểm thu hút hấp dẫn của mọi khách du lịch trong và ngoài nước
Phương tiện
Đường hàng không: Từ 2 thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn mỗi ngày đều có nhiều chuyến bay của các hãng hàng không Vietnam Airline, VietJetAir, JetStar tới Buôn Ma Thuột. Giá vé khứ hồi bay từ Hà Nội (có bao gồm thuế và phí) của VNA vào khoảng 2600k, của VietJetAir vào khoảng 2500k .Giá vé khứ hồi bay từ Tp Hồ Chí Minh của VNA vào khoảng 1200k, của JetStar vào khoảng 1000k, của VietJetAir vào khoảng 1200k.
Đường bộ: Các tuyến quốc lộ 14 (từ Đak Nông), 26 (từ Nha Trang), 27 (từ Đà Lạt),… đều là các cửa ngõ quan trọng tới thành phố.
Có thể tham khảo tuyến đường: TP. Hồ Chí Minh – Buôn Ma Thuột – Pleiku – Kon Tum, Buôn Ma Thuột – Nha Trang – Đà Lạt.
Taxi tại Buôn Ma Thuột
Taxi Mai Linh : 0500 3819819
Taxi Ban Mê : 0500 3979979
Taxi Ban Mê Xanh : 0500 6272727
Taxi Quyết Tiến : 0500 3813813
Taxi Tây Nguyên : 0500 3838838
Đắk Lắk Taxi : 0500 3818181
Điểm đến
Dù không “rủng rỉnh”, thì bạn cũng đừng ngần ngại khi chọn nơi đây là điểm dừng chân cho những chuyến du lịch hay ngày nghỉ lễ “dài hơi” sắp tới vì mọi phí dịch vụ, đi lại, ăn ở ở đây đều vô cùng phải chăng và thân thiện.
Phòng khách sạn
Buôn Ma Thuột không thiếu khách sạn từ bình dân đến cao cấp. Nếu bạn là dân du lịch bụi, nhà nghỉ ở đây có giá dao động từ 154.000 đồng/phòng đôi.
Điểm đến Buôn Ma Thuột
Với bán kính khoảng 40km xung quanh Buôn Ma Thuột, bạn có thể đi tới hầu hết các điểm đến tuyệt vời ở Tây Nguyên. Nhưng nếu bạn không có khả năng đi xa, đừng lo, chỉ lang thang những địa chỉ hoàn toàn miễn phí trong thành phố cũng đủ làm bạn mệt “bở hơi tai”.
Buôn Đôn
Vị trí: Buôn Đôn nằm ở xã Krông Na, cách Buôn Ma Thuột khoảng 40km. Nơi đây là xứ sở của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
Đến đây, du khách không chỉ được ngắm nhìn dòng Serepok huyền thoại, mà còn được trải nghiệm những cảm giác thú vị với hành trình trên lưng voi, trực tiếp khám phá đời sống văn hóa, phong tục, sinh hoạt của nhiều dân tộc M’Nông, Ê đê… Phí cưỡi voi vào khoảng 30.000 – 50.000 đồng/người, nghỉ qua đêm tại nhà dài truyền thống là 40.000 đồng/người.
Thuyền độc mộc xuôi dòng Serepok
Du khách cưỡi voi vượt sông Serepok. Voi ở Buôn Đôn hầu hết thuộc vườn quốc gia và được thả về rừng vào cuối ngày
Nhà của huyền thoại săn voi Tây Nguyên – Ama Công là địa điểm tham quan nổi tiếng cùng với loại rượu mang tên ông
Cụm thác Dray Sap, Dray Nur, Gia Long
Vị trí: Theo hướng quốc lộ 14 đi Đăk Nông, chúng ta sẽ bắt gặp cụm thác Dray Sap, Dray Nur, Gia Long.
Những năm gần đây, việc xây dựng nhà máy thủy điện đã phần nào giảm bớt dòng chảy của thác, do đó thời điểm thích hợp nhất để đến đây là vào mùa mưa.
Buôn Akô Đhông
Vị trí: Nằm ngay cuối đường Trần Nhật Duật
Ako Đhông được gọi là “làng trong phố” với những ngôi nhà dài cổ, nếp sinh hoạt đậm nét truyền thống và những đêm di sản cồng chiêng bất tận. Đây cũng là quê nhà của cố nghệ sĩ Y Moan.
Cầu thang gỗ truyền thống thể hiện tập quán mẫu hệ của người Ê đê
Bảo tàng Đắk Lắk, ngã 6 Ban Mê
Buôn Ma Thuột là nơi đầu tiên người Kinh đặt chân đến xây dựng Tây Nguyên nên ở đây tập trung rất nhiều di tích lịch sử: Đình Lạc Giao, chùa Sắc Tứ Khải Đoan, nhà đày Buôn Ma Thuột…
Bảo tàng Đak Lak là nơi trưng bày phong phú và quy mô lớn về lịch sử, văn hóa các dân tộc và đa dạng sinh học của cả vùng đất cao nguyên bazan.
Ngã 6 Ban Mê là biểu tượng của thành phố với tượng đài chiến thắng oai hùng
Chợ trung tâm Buôn Ma Thuột
Chợ Buôn Ma Thuột là một địa điểm đáng giá nếu bạn muốn nếm thử các sản vật địa phương, hoặc chỉ đơn giản là tìm hiểu một nét văn hóa bản địa độc đáo. Chắc chắn hầu bao của bạn sẽ “vơi” nhanh chóng khi đã bước vào đây.
Gùi hàng lên chợ
Xa hơn nữa, còn rất nhiều điểm đến khác cho các bạn như Vườn quốc gia Yok Đôn, Hang đá Đak Tuar, Hồ Lak…
Ẩm thực
1. Bún đỏ
Bún đỏ
Thoạt trông món bún đỏ cũng gần giống với bún riêu cua đồng nhưng nước lèo của bún đỏ lại đặc trưng bởi một màu đỏ au vốn được tiết từ dầu điều và cà chua. Để có món bún đỏ ngon, người ta mua cua đồng về, giã nhuyễn, chắt lấy nước và nấu như nấu riêu. Sau đó cho vào phần cà chua thái múi cau và nêm nếm gia vị theo cách riêng. Món bún này thường được ăn kèm với chả viên, riêu cua, ít quả trứng cút, rau cần, ớt và nước mắm ngon. Được thưởng thức một tô bún đỏ tại Buôn Ma Thuột bạn sẽ không thể nào quên nào được ngon hấp dẫn của nó.
2. Bánh ướt
Bánh ướt Ban Mê
Khác với nhiều món bánh ướt ở các vùng miền, bánh ướt Ban Mê độc đáo ở chỗ người dùng bánh phải tự mình xoay xở với miếng bánh ướt tráng mỏng trên mỗi dĩa trước khi được thưởng thức. Chính vì vậy, chỉ khi người dùng muốn ăn, bánh mới được làm ra lò.
3. Bánh khọt/ bánh căn
Bánh khọt Ban Mê
Để làm ra món bánh khọt ngon, người ta phải chọn loại bột gạo thật ngon, ngâm qua đêm và đem xay thành bột. Khi tráng bánh, người ta phết một lớp mỡ quanh khuôn bánh và cho bột vào. Khi bánh đã gần chín, họ chỉ cho thêm ít cọng hành và hẹ. Sau một lúc đậy vung cho bánh chín hẳn, hành và hẹ cũng chuyển màu xanh mởn với lớp cháy mỏng phía dưới. Từng miếng bánh nóng hổi beo béo và dậy thơm mùi gạo chan cùng chén nước mắm chua ngọt sẽ khiến bạn ăn mãi không thôi.
4. Rau tập tàng
Rau tập tàng
Trong hầu hết các món ăn ở Buôn Ma Thuột, bạn đều sẽ thấy dĩa rau tập tàng. Đây là tập hợp của vô số loại rau có thể tìm được từ vườn nhà hoặc trên rừng. Rau ngon nhất là vào mùa mưa và thường được dùng để nấu các món ăn ngon như tập tàng nấu cua, tập tàng trộn tôm khô…
5. Bò nhúng me
Món bò nhúng me
Ở Ban Mê, có món ăn rất lạ là món bò nhúng me. Trông món này gần giống món bít tết với miếng thịt bò dọn kèm nước sốt me và đựng trong một khay nóng. Chỉ cần dùng một miếng, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ vị ngọt của thịt, vị thơm của tỏi và vị chua ngọt cân bằng của nước sốt me hoàn hảo. Nếu đến Ban Mê mà vẫn chưa dùng bò nhúng me thì bạn đã bỏ sót một điều thật đáng tiếc.
6. Bánh canh cá dầm
Bánh canh cá dầm
Không phải miền biển, nhưng từ lâu bánh canh cá dầm đã trở thành một đặc sản riêng có của Ban Mê. Không chỉ có sự kết hợp hài hoà giữa vị ngọt, cay, chua mà món bánh canh cá dầm còn rất thú vị với phần thịt cá thu ngọt, mềm. Người ăn không ngại dầm nát miếng cá trộn đều trong tô bánh canh để cảm nhận rõ hơn vị ngon của món ăn đặc trưng này.
7. Bánh bột lọc Đạt Lý
Bánh bột lọc
Tinh bột khoai mỳ (sắn) là phần nguyên liệu chính để làm nên món bánh bột lọc này. Bột sắn thường được mang về từ vùng núi A Lưới của Huế để cho vị ngon đặc trưng hơn. Sau khi chắt được tinh bột, người ta sẽ luộc một phần nhỏ bột, nhồi kỹ và làm bánh. Phần nhân bánh được làm từ tôm kho. Sau khi vắt bánh thành những miếng hình quai vạc với nhân bên trong, người ta sẽ gói bánh vào lá chuối và mang hấp cách thuỷ. Chính cách làm cầu kỳ này đã tạo nên vị ngon cho món bánh bột lọc của Ban Mê.
8. Thịt nai
Thịt nai khô
Thịt nai là một đặc sản của Đắk Lắk. Ưu điểm vượt trội của thịt nai ấy là ít gân, mềm và không có mùi ngai ngái.
Các nhà hàng ở Ban Mê luôn có sẵn món thịt nai tươi để chế biến thành nhiều món ngon đãi khách như nai nướng, nai xào làn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử. Trong đó không thể không nhắc đến nai 7 món với các món đặc trưng khiến ai cũng mê tít như nai nướng, nai nhúng giấm và khô nai.
Với nai nướng, chỉ cần ướp chút mỡ nước và gia vị vài tiếng sau đó đem đi nướng. Thêm vài lát gừng nướng để ăn kèm thì đã đủ làm nên vị ngon say mê của món ăn này.
Nai nhúng giấm trước đó phải được thái mỏng và ướp với sả băm, nước mắm ngon, ngũ vị hương cùng ít tỏi. Khi ăn, chỉ việc dọn nồi lẩu với nước giấm pha đun sôi, ăn đến đâu nhúng đến đó và cuốn với rau tươi, cà chua, chuối chát, hành tây.
Nai khô lại là một món nhâm nhi khoái khẩu. Nai mua về đem thái miếng dài theo thớ ngang và ướp với ít xì dầu, sả, muối, đường, ớt, vừng trắng, ngũ vị hương trong khoảng vài tiếng. Sau khi đã đủ thấm, nai được lấy ra sấy trên than hoa đến khi thịt mềm thì đem dần mềm và có thể dùng ngay mà không thêm bất cứ nước chấm gì.
9. Canh cà đắng
Cà đắng nấu cá khô
Cà đắng nấu canh
Cà đắng là đặc sản của người Ê đê ở Tây Nguyên. Cây cà đắng có gai và cho trái quanh năm. Gai càng nhiều, cà lại càng đắng. Trái cà thuôn dài, có sọc trắng xanh giống dưa hấu. Cà này ăn quen sẽ thấy rất ngon lại còn giúp cải thiện sức khoẻ.
Với các món ăn, người Ê đê thường dùng cà để nấu canh. Họ nấu với đầu cá trích khô giã nát. Sau khi phi ít tỏi, hành cho thơm, họ cho bột đầu cá vào xào sơ qua và cho nước chêm vào, nấu đến sôi lại cho tiếp phần cà đắng. Khi cà mềm, chỉ việc nêm nếm gia vị và tắt bếp.
Ngoài ra, người Ê đê còn dùng cà để kho cá khô, tôm khô, ốc hoặc đem um với lươn, ếch, thịt dê, bò…
10. Măng nướng xào “vêch” bò
Măng nướng
Măng nướng là một đặc sản của người dân xã Ea Sol, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk. Người ta dùng măng nướng này để xào với vêch bò chính là lòng bò, có mùi hơi khó chịu nhưng khi đã ăn quen lại thấy lạ miệng và nghiện. Món măng nướng xào vêch bò có vị đắng đầu lưỡi của vêch, vị ngọt của măng rừng và vị cay xé của ớt rất thú vị.
Để có được món ngon này, trước hết, người ta cho măng lên nướng trên bếp lửa to. Khi lớp áo bên ngoài cháy xém, họ khơi than nhỏ và tiếp tục nướng đến chín. Vêch được dùng phải là vêch khô. Họ vắt vêch hết chất dịch đen và để riêng. Sau khi đã có măng, họ bắt chảo, cho củ nén đập dập và ớt chuột vào phi thơm cho đến khi dậy mùi cay thì trút măng vào đảo đều. Được một lúc lại cho vếch vào đảo đều nhanh tay để không bị cháy dưới đáy. Chỉ nhìn nồi măng vếch thôi cũng khiến người ta thèm chảy nước miếng.
Nguồn: Tổng hợp