Phi công làm gì sau khi cất cánh?

Lên đến độ cao ổn định và mọi thứ đều bình thường, Jim Thurber với tay đặt chuông đồng hồ báo thức cứ 10 phút một lần.

Trên Quora, diễn đàn dành cho những người tò mò nhất thế giới, một câu hỏi được nhiều độc giả quan tâm: “Phi công thường làm gì trong khoảng thời gian sau cất cánh và trước lúc hạ cánh?”. Câu hỏi đã được nhiều cơ trưởng hào hứng vào trả lời.

Jim Thurber, cựu phi công Hải quân Mỹ, cho biết: “Cách đây nhiều năm, trước khi gia nhập Hải quân năm 1980, tôi đã thực hiện nhiều chuyến bay chở hàng. Khi tôi ở độ cao trên 5.000 m, chỉ có một mình với máy bay và mọi thứ đều bình thường thì việc tiếp theo của tôi đơn giản chỉ là đọc một cuốn sách. Nếu buồn ngủ, tôi sẽ đặt đồng hồ báo thức cứ 10 phút mỗi lần. Người anh em họ của tôi cũng vậy, sẽ luôn mang theo một cuốn sách mỗi khi bay”.

Thurber cho biết thêm, sau những trải nghiệm ở hàng không của Hải quân Mỹ, anh phát hiện ra rằng mình không phù hợp với cuộc sống của một phi công. Do đó, anh giải nghệ và trở thành giáo viên để tận hưởng những điều thú vị khác của cuộc sống. Và Thurber đã được toại nguyện khi hàng ngày phải đối mặt với các học sinh lớp 7 – 8, đang ở độ tuổi “siêu quậy”.

Nhiều người nói rằng phi công là người có văn phòng làm việc đẹp nhất thế giới. Ảnh: 

Nhiều người nói rằng phi công là người có văn phòng làm việc đẹp nhất thế giới. Còn với nhiều phi công, điều họ thích được khen nhất khi nói về nghề nghiệp chính là: Hạ cánh đẹp lắm! Ảnh: Shutterstock.

Tuy nhiên, với một chuyến bay đường dài, theo CnTraveller, trong khi các hành khách ngủ say hoặc nằm thư giãn đắp mặt nạ, tai nghe, thì phi công lại có nhiều việc để làm.

Tony Daly, một cựu phi công khác, cho biết sẽ phải đảm bảo rằng máy bay đang đi đúng hướng và báo cáo vị trí của họ tại các điểm được chỉ định dọc theo lộ trình bay. Đây là thời gian các phi công ít bận rộn, một số người sẽ trò chuyện với nhau về chủ đề yêu thích của họ. Một trong những điều Daly đã làm là trò chuyện với cơ phó về tác dụng của mỗi công tắc và mỗi chiếc đèn trong buồng lái.

Dù đường bay thường được lên kế hoạch trước giờ khởi hành, các phi công tùy từng tình huống cụ thể vẫn có thể thay đổi hay định tuyến lại một chút nếu cảm thấy cần. Với Anderson, cơ trưởng sống tại London, thời tiết là vấn đề lớn đối với các phi công trong những chuyến bay đường dài. Một chiếc máy bay thường đi qua 3 hoặc 4 loại thời tiết khác nhau. Thời tiết ở từng đoạn đường cũng không giống nhau, chúng khác nhau về tính chất, cường độ và mức độ khó. Và do di chuyển với tốc độ nhanh, nên việc máy bay đang ở vùng có thời tiết đẹp sẽ lao vào một cơn giông lớn trong thời gian ngắn. Khi ấy, máy bay sẽ gặp hiện tượng gọi là nhiễu động không khí. Đó là lý do phi công thường cảnh báo hành khách thắt dây an toàn khi đi vào vùng nhiễu động.

Tuy nhiên ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các hãng bay phần lớn đều cài đặt các công nghệ thời tiết mới, giúp phi công nắm được nhiều thông tin hơn. Kết hợp với thông tin từ kiểm soát không lưu, phi công của các máy bay khác đi trước họ trên cùng một tuyến đường, các phi công có thể dự đoán được khu vực nhiễu loạn mình sắp đi vào.

Phi công làm gì sau khi cất cánh?

Phi công là một trong những nghề luôn nằm đầu danh sách mơ ước của nhiều người. Ảnh: l3 commercial aviation.

Ngoài việc lái máy bay, khi cửa máy bay đóng lại, cơ trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm về mọi vấn đề nhân sự có thể phát sinh. Quyền hạn của cơ trưởng được duy trì bởi nhiều thỏa thuận quốc tế, như công ước Tokyo 1963 và Montreal năm 1999. Họ sẽ là người có thẩm quyền chính trên một chuyến bay và sẽ quyết định việc máy bay quay đầu, chuyển hướng hay tiếp tục hành trình vì lý do an toàn bay hay có hành khách gây rối.

Các phi công đều làm việc như những chiến lược gia. Máy bay là những cỗ máy phức tạp, và các phi công phải đảm bảo rằng họ có đủ nhiên liệu để đến đích, dù có sự cố phát sinh. Trong trường hợp không đủ nhiên liệu, họ sẽ chuyển hướng đến một sân bay gần hơn để tiếp nhiên liệu trước khi cất cánh cho điểm đến cuối cùng. Và trong khi một phi công đang giám sát các hệ thống trên máy bay nhằm đảm bảo chuyến bay an toàn, thì phi công còn lại hoàn tất các thủ tục giấy tờ. Họ được cung cấp kế hoạch bay trước khi khởi hành, và một phi công sẽ chịu trách nhiệm ghi chú trên bản kế hoạch đó về bất kỳ thay đổi nào. Những ghi chú này chi tiết đến mức có thể dựa vào đó để phác thảo lại chính xác đường bay mà máy bay đã bay trên thực tế, theo Anderson.

Các phi công thường ăn sau khi hành khách được phục vụ. Họ có thể ăn trong buồng lái, nhưng sẽ không ăn cùng một lúc. Ít nhất trong buồng lái luôn có một người tập trung kiểm soát mọi thứ. Và khi mọi thứ đều bình thường, máy bay bay êm và trong cabin không có hành khách gây rối, các phi công thường sẽ được nghỉ ngơi. Các chuyến bay dài, từ 12 tiếng trở lên sẽ có từ 3 – 4 phi công. Điều này cho phép phi công có thời gian nghỉ ngơi trong khu vực dành riêng cho phi hành đoàn để ngủ hoặc đọc sách, báo thư giãn.

Với các chuyến bay quốc tế ngắn hơn, máy bay có thể chỉ có hai phi công. Theo Anderson, những chuyến bay đó thực sự khó khăn hơn vì các phi công gần như dành toàn bộ thời gian để ở trong buồng lái. Anderson cho biết, anh thường cười khi nghe mọi người nói rằng các phi công dành toàn bộ thời gian trên máy bay chỉ để tán gẫu, đọc báo. “Khi bạn được giao trách nhiệm lái một chiếc máy bay đi khắp thế giới, và bạn biết mọi thứ bất lợi có thể xảy ra, bạn sẽ có rất nhiều thứ để quan tâm và lo lắng”, Anderson nói.

Nguồn: vnexpress.net