Vì sao cần tắt điện thoại, kéo cửa sổ khi máy bay cất/hạ cánh?

Khi đi máy bay, chúng ta thường được tiếp viên nhắc nhở: “Tắt nguồn điện thoại di động và các thiết bị điện tử cầm tay, mở tấm che cửa sổ, dựng thẳng lưng ghế, gập bàn ăn và thắt dây an toàn” mỗi khi máy bay cất/hạ cánh. Tại sao chúng ta được yêu cầu như vậy và nó ảnh hưởng gì đến an toàn bay? Hôm nay, chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời.

Tại sao phải tắt nguồn điện thoại di động và thiết bị điện tử?

Từ năm 1991, Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đã ban hành lệnh cấm sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân bao gồm cả điện thoại di động trên máy bay mặc dù vào thời điểm đó Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) trên thực tế lại không cấm sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân. Đây là một vấn đề gây tranh cãi đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Lý do hàng đầu được FCC đưa ra là hoạt động của các thiết bị có thể phát ra sóng vô tuyến gây nhiễu hệ thống điện tử nhạy cảm của máy bay. Máy bay được trang bị một loạt các hệ thống điện tử cho phép phi công và bản thân máy bay liên lạc với mặt đất, hỗ trợ định hướng và giám sát các trang thiết bị khác. Các hệ thống này được gọi là hệ thống điện tử hàng không. Rất nhiều thành phần trong hệ thống sử dụng tín hiệu radio để gửi nhận thông tin do đó chúng tiềm năng bị nhiễu bởi các thiết bị phát sóng sử dụng tần số radio tương tự. Bức xạ tần số radio còn có khả năng ảnh hưởng đến dòng điện trong các dây dẫn do đó hệ thống điện tử hàng không có thể bị ảnh hưởng. Mặc dù đến nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy tác động của các thiết bị điện tử đối với hoạt động của máy bay nhưng lệnh cấm này vẫn tồn tại và nhiều hãng hàng không trên thế giới đã hưởng ứng theo phương châm “an toàn là trên hết”.

Vì sao cần tắt điện thoại, kéo cửa sổ khi máy bay cất/hạ cánh?

Thêm vào đó, giai đoạn cất cánh và hạ cánh của máy bay được xem là 2 giai đoạn quan trọng nhất đối với mỗi chuyến bay và đòi hỏi phi hành đoàn phải tập trung cao độ, duy trì liên lạc với trạm kiểm soát không lưu ATC và đảm bảo hoạt động của tất cả các trang thiết bị trên máy bay. Giai đoạn cất cánh và hạ cánh được xác định khi máy bay đang bay dưới 10,000 ft (~ 3048m) và trung bình một chiếc máy bay sẽ mất khoảng từ 15 đến 20 phút để đạt độ cao này. Do đó, giới hạn sử dụng thiết bị điện tử sẽ nằm trong khoảng thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến bay.

Điện thoại di động dĩ nhiên bị cấm sử dụng hoàn toàn trên chuyến bay. Khi được yêu cầu tắt nguồn hay đưa máy về chế độ Airplane Mode có nghĩa thiết bị phải được đảm bảo ngắt hoàn toàn các kết nối vô tuyến. Các thiết bị điện tử khác như máy nghe nhạc, máy chơi game, laptop v.v… phải được tắt trong giai đoạn cất và hạ cánh. Các thiết bị như máy trợ tim, trợ thính, dao cạo râu chạy điện vẫn được sử dụng bởi chúng không gây nhiễu.

Ngoài việc loại trừ nguy cơ gây nhiễu thì việc cấm sử dụng thiết bị điện tử cũng ngăn ngừa khả năng gây tổn thương cho hành khách trong trường hợp máy bay dằn xóc khi đi vào vùng thời tiết xấu, thiết bị có thể bị hất văng gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc cấm sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân trong quá trình cất hạ cánh cũng giúp cho hành khách tập trung theo dõi các chỉ dẫn an toàn bay hơn và phi hành đoàn cũng không bị phân tâm khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Vì sao cần tắt điện thoại, kéo cửa sổ khi máy bay cất/hạ cánh?

Ngoài ra, FCC còn đưa ra một lý do nữa là hoạt động của điện thoại di động hay các thiết bị thu phát sóng có thể gây nhiễu mạng lưới truyền thông dưới đất.Khi bạn thực hiện một cuộc gọi ở độ cao dưới 10,000 ft, tín hiệu sẽ được truyền đi qua hàng loạt các cột phát sóng di động thay vì chỉ 1 và nếu có nhiều người cùng thực hiện cuộc gọi, mạng lưới truyền thông dưới đất sẽ bị tắt nghẽn. Về phía FAA, cơ quan hàng không liên bang Mỹ khuyến nghị hành khách nên chuyển về chế độ Airplane Mode bởi ở độ cao 30,000 ft (~ 9144m), điện thoại không thể nhận được tín hiệu di động và nếu cứ liên tục dò tìm tín hiệu thì điện thoại sẽ nhanh chóng hết pin khi bạn hạ cánh.

Vào tháng 8 năm 2012, FAA đã bắt đầu xem xét việc nới lỏng sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân trên máy bay mặc dù điện thoại vẫn bị cấm. Đến tháng 10 năm 2013, FAA đã công bố rằng các hãng hàng không có thể xem xét cho phép hành khách sử dụng thiết bị điện tử cầm tay một cách an toàn trong tất cả các giai đoạn của chuyến bay. Điện thoại có thể được sử dụng với các chức năng giải trí và phải đưa về chế độ Airplane Mode hoặc tắt kết nối di động, không được dùng tính năng liên lạc theo lệnh cấm của FCC. Kết nối Bluetooth tầm ngắn vẫn được cho phép, bạn có thể dùng các thiết bị ngoại vi như bàn phím Bluetooth. Nếu hãng hàng không có cung cấp dịch vụ Wi-Fi trên chuyến bay, hành khách vẫn có thể sử dụng các dịch vụ này. Trong quá trình cất/hạ cánh, thiết bị điện tử phải được giữ chặt trên tay hoặc đặt vào túi ghế phía trước.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng mỗi hãng hàng không được phép đưa ra các quy định riêng và cũng tùy theo luật pháp của từng quốc gia mà hành vi sử dụng điện thoại hay các thiết bị điện tử trên máy bay có bị cấm hay không. Do đó khi đi máy bay của hãng hàng không nào thì bạn phải tuân thủ quy định của hãng cũng như luật pháp tại quốc gia mà chuyến bay cất/hạ cánh. Tại Việt Nam, cả 3 hãng hàng không hiện tại đều cấm sử dụng điện thoại di động trên máy bay và cho phép sử dụng một số thiết bị điện tử sau khi máy bay đã ổn định độ cao.

Tại sao phải mở cửa sổ?

Vì sao cần tắt điện thoại, kéo cửa sổ khi máy bay cất/hạ cánh?

Bên cạnh việc phải tắt điện thoại di động và các thiết bị điện tử khi máy bay cất và hạ cánh thì điều tiếp theo bạn phải làm là mở ô cửa sổ hay cụ thể là tấm che cửa sổ. Đôi khi ánh sáng bên ngoài quá chói khiến bạn cảm thấy khó chịu nhưng chúng ta buộc phải thực hiện điều này theo yêu cầu của tiếp viên. Tại sao?

Chúng ta có một số giải đáp theo gợi ý của nhiều người dùng trên trang stackexchange:

  • Hành khách rất tò mò do đó họ sẽ nhanh chóng phát hiện ra điều bất thường bên ngoài, chẳng hạn như một dấu hiệu hỏng hóc trên cánh, động cơ hay vật thể lạ và thông báo ngay cho tổ bay. Và để làm điều này, các cửa sổ trên máy bay được yêu cầu phải mở.
  • Trong trường hợp khẩn cấp, thời gian thoát khỏi máy bay sẽ được tính bằng giây. Nếu tấm che cửa sổ được mở, phi hành đoàn có thể quan sát điều kiện bên ngoài và điều này giúp họ lên kế hoạch sơ tán, chẳng hạn như phải sử dụng cửa thoát hiểm nào.
  • Trong các chuyến bay ban ngày, việc mở cửa sổ và mở tối đa ánh sáng trong cabin sẽ giúp mắt người làm quen với ánh sáng tốt hơn. Điều này có nghĩa nếu có điều gì bất thường và hành khách cần phải được sơ tán nhanh chóng thì độ tương phản ánh sáng sẽ không bị thay đổi đột ngột và hành khách không bị ảnh hưởng đến thị lực.
  • Vào ban đêm, tấm che cửa sổ được mở, ánh sáng trong cabin được giảm xuống giúp các nhân viên cứu hộ dưới mặt đất có thể quan sát những gì xảy ra bên trong cabin dễ dàng từ bên ngoài.
  • Hành khách được yêu cầu mở tấm che cửa sổ trước khi cất/hạ cánh bởi đây là những giai đoạn quan trọng trong mỗi chuyến bay và hầu hết các tai nạn hàng không đều xảy ra trong giai đoạn này.

Tại sao phải dựng thẳng lưng ghế, gập bàn ăn và thắt dây an toàn?

Vì sao cần tắt điện thoại, kéo cửa sổ khi máy bay cất/hạ cánh?

Có 2 lý do chính rất đơn giản khi bạn được yêu cầu dựng thẳng lưng ghế. Thứ nhất, khi bạn dựng thẳng ghế, vị trí ghế được khóa lại và ngược lại, khi bạn ngã lưng ghế ra phía sau, vị trí ghế không được khóa. Đây là cơ chế hoạt động của mọi ghế trên máy bay và bạn cũng đã quá quen thuộc với việc phải bấm nút trên chỗ để tay để nhả khóa và ngã lưng ghế ra sau. Trong trường hợp khẩn cấp, một chiếc ghế không được khóa cố định sẽ chịu nhiều lực tác động hơn và lưng ghế bật về phía trước sẽ gây nguy hiểm cho chính người ngồi trên ghế cũng như người ngồi phía sau.

Thứ 2, người ngồi đằng sau chiếc ghế không được dựng thẳng lưng sẽ không thể có được tư thế trụ vững nhất trong trường hợp va chạm. Có rất nhiều cách để chống trụ cơ thể khi máy bay gặp va chạm và vào cuối những năm 1980, FAA cũng đã nghiên cứu nhiều phương pháp để hành khách chuẩn bị tư thế đón nhận va chạm. Trước khi một chiếc máy bay dân dụng được chứng nhận, nhà sản xuất phải chứng minh rằng nó có thể cho phép hành khách sơ tán nhanh chóng. Vì lý do này, phần 121.311(d) luật hàng không liên bang Mỹ yêu cầu lưng ghế trên máy bay phải có cơ chế khóa an toàn.

Về chiếc bàn ăn, có 2 lý do đơn giản buộc bạn phải gập gọn nó lại khi máy bay cất/hạ cánh. Thứ nhất, bàn ăn được gập gọn sẽ tạo khoảng trống, giúp bạn cũng như người ngồi cạnh sơ tán nhanh hơn trong trường hợp khẩn cấp. Thứ 2, khi va chạm xảy ra, nếu bạn không thắt chặt dây an toàn, cơ thể bạn có thể trượt về phía trước, đập vào bàn ăn và các cơ quan nội tạng có thể bị tổn thương.

Vì sao cần tắt điện thoại, kéo cửa sổ khi máy bay cất/hạ cánh?

Về phần dây an toàn thì chức năng của nó chúng ta đều đã biết. Dây an toàn giúp giữ cố định cơ thể với ghế và giảm thiểu chấn thương khi máy bay bị dằn xóc hay va chạm. Hành khách có thể được tháo dây an toàn khi máy bay đã đạt độ cao ổn định nhưng bắt buộc phải cài dây trong quá trình cất/hạ cánh và mỗi khi đèn hiệu cài dây an toàn được bật sáng.

Một số hành khách thường xem thường yêu cầu này và bản thân mình từng chứng kiến một trường hợp suýt tai nạn do không cài dây an toàn. Trong một lần đi máy bay về Đà Nẵng, mặc dù máy bay đã đạt độ cao ổn định nhưng đèn hiệu cài dây vẫn bật sáng. Có một hành khách nữ cần sử dụng WC nhưng tiếp viên không cho phép rời ghế và yêu cầu vẫn cài dây do đèn hiệu này chưa được tắt đi. Tiếp viên nhiệt tình giải thích rằng mặc dù đã đạt độ cao nhưng cơ trưởng vẫn chưa tắt đèn báo hiệu cài dây an toàn do khả năng máy bay sẽ đi vào vùng thời tiết xấu. Chị đó đã phớt lờ lời cảnh báo, không cài dây an toàn và kết quả là máy bay xóc mạnh khi bay vào vùng nhiễu động khí khiến chị này suýt chút nữa là ngã ra khỏi ghế. Các bạn hẳn cũng từng gặp phải tình huống tương tự khi đi máy bay và lời khuyên chân thành là các bạn nên cài dây mỗi khi đèn báo bật sáng đề phòng tai nạn đáng tiếc.

Nguồn: khoahoc.tv

VietJet Air sẵn sàng nhận hết khách xe lửa với giá xe lửa

VietJet Air sẵn sàng nhận số hành khách đã mua vé xe lửa chuyển sang đi trên các chuyến bay nội địa của hãng mà không phải trả thêm chi phí.

Ngày 23-3, đại diện VietJet Air cho biết đã có cuộc làm việc với Cục Đường sắt VN đề xuất phương án hỗ trợ cho các hành khách của ngành đường sắt trong sự cố sập cầu Ghềnh.

Theo đó, VietJet Air sẵn sàng nhận số hành khách đã mua vé đường sắt chuyển sang đi trên các chuyến bay nội địa của hãng mà không phải trả thêm chi phí.

Toàn bộ hành khách đã mua vé và sắp mua vé tàu lửa đều có thể chuyển sang đi trên các chuyến bay của hãng này trong suốt thời gian thi công cầu Ghềnh (dự kiến kéo dài đến tháng 7-2016). VietJet Air đang chờ ngành đường sắt trả lời.

Theo VietJet Air, hiện nay mỗi ngày hãng đang có gần 250 chuyến bay bằng máy bay A320 và A321, đủ khả năng vận chuyển hết lượng hành khách đang gặp sự cố.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện VietJet Air cho biết hãng vừa lên kế hoạch tăng thêm 5.000 chuyến bay, đồng thời tung ra 2 triệu vé tiết kiệm giá từ 0 đồng (chưa kể phí) tại website www.vietjetair.com (áp dụng trên tất cả đường bay trong nước cho thời gian bay từ 1-4 đến 31-12, trừ các ngày lễ tết) và kể từ ngày 28-3, kế hoạch tăng chuyến sẽ bắt đầu thực hiện.

Theo đó, các chuyến hằng ngày từ TP.HCM đi Hà Nội tăng lên 25 chuyến, đi Đà Nẵng 13 chuyến, đi Phú Quốc 6 chuyến, đi Nha Trang 5 chuyến. Đường bay Hà Nội đi Đà Nẵng tăng lên 15 chuyến, đi Nha Trang 5 chuyến mỗi ngày. Đối với các đường bay quốc tế hãng cũng tăng tần suất.

Chỉ tính riêng đường bay TP.HCM – Hà Nội với tần suất 25 chuyến mỗi ngày, hãng đã có thể vận chuyển hơn 4.500 hành khách.

Nguồn: tuoitre.vn

Chất thải của hành khách trên máy bay sẽ “đi” về đâu?

Đi vệ sinh trên máy bay, chúng ta đôi lúc sẽ tự hỏi rằng không biết khi xả nước rồi, “sản phẩm” của mình sẽ đi đâu về đâu?

Đi máy bay, không thể tránh khỏi những trường hợp khi bụng dạ biểu tình đòi quyền làm chủ. Và tới lúc ấy, người ta buộ phải nghe theo tiếng vẫy gọi của tự nhiên mà tiến vào buồng vệ sinh để “giải quyết”.

Nếu có dịp đi vệ sinh trên máy bay, bạn sẽ thấy rằng cấu tạo bồn cầu của máy bay thật là kỳ lạ. Như ở nhà, chúng ta sử dụng bồn cầu nước, sử dụng sức ép từ dòng nước để đẩy các loại chất thải xuống ông cống. Tuy nhiên trên máy bay thì không có hệ thống ống cống hay bể phốt, thế thì các thứ “sản phẩm” mà con người để lại trong buồng vệ sinh rốt cục sẽ trôi đi đâu? Chẳng nhẽ là xuống khoang hàng!?

Đầu tiên, hãy để ý rằng, bồn cầu trên máy bay không hề ngập nước như các loại bồn cầu thông dụng mà chúng ta đang dùng hiện nay. Một khi bạn “xong việc” và bấm xả, hệ thống sẽ kích hoạt chức năng hút “sản phẩm” để làm sạch bồn cầu.

Đáng nói là lực hút của hệ thống này cực mạnh. Bởi vậy người ta khuyến cáo rằng hành khách nên đậy nắp bồn cầu trước khi giật nước để tránh trường hợp các đồ vật khác vướng víu bị bồn cầu hút vào.

Chất thải của hành khách trên máy bay sẽ đi về đâu? - Ảnh 1.

 “Sản phẩm” của chúng ta khi đi vệ sinh trên máy bay sẽ đi đâu về đâu?

Mặt khác, quý vị sẽ tiếp tục hỏi rằng, nếu chỉ hút không như vậy thì bồn cầu có sạch sẽ hay không, hay còn vương lại chút “dư vị” của con người. Xin thưa là bên trong bồn cầu đã được tráng trước nhựa Teflon, một loại nhựa thường được dùng để tráng chảo chống dính trong bếp nhà bạn. Bởi thế, một khi giật nước xong, mọi thứ sẽ lại tươm tất gọn gàng.

Quay trở lại với quy trình hút chất thải. Sau khi bị hút với vận tốc còn nhanh hơn cả đua xe F-1, các thứ chất thải của người sẽ được chuyển vào thùng lớn, đặt đâu đó khu gầm máy bay.

Khi hạ cánh, đã đến lúc người ta làm sạch cái đống kinh khủng được trữ trên máy bay suốt chặng bay vừa rồi. Có một phương tiện chuyên dụng để đảm đương nhiệm vụ này, đó chính là xe tải mang tên “honey truck”, cái tên quá mĩ miều cho công việc nhuốm mùi xú uế ấy.

Chất thải của hành khách trên máy bay sẽ đi về đâu? - Ảnh 2.

 Chiếc xe tải làm nhiệm vụ hút chất thải trên máy bay “honey truck”.

Từ chiếc xe tải này, người ta sẽ nối ống bơm vào phần thùng chứa chất thải bên trong để tiếp tục hút hết phần “nội dung” bên trong những chiếc thùng ấy. Hút xong xuôi, kỹ thuật viên tiếp tục nối một ống nữa vào thùng chứa của máy bay để làm sạch, khử trùng chúng.

Mỗi lần hút như vậy, nhân viên làm vệ sinh “thu hoạch” được hàng trăm đến hàng nghìn lít chất thải trước khi máy bay tiếp tục sẵn sàng để cất cánh cho chặng bay tiếp theo.

Chất thải của hành khách trên máy bay sẽ đi về đâu? - Ảnh 3.

 Nhân viên làm sạch thùng chứa chất thải của máy bay.

Và đây, nếu bạn còn đang ấm ức với công việc hiện tại của mình. Hãy nhớ rằng đâu đó trên thế giới, vẫn còn những con người phải làm công việc hút “sản phẩm” của thiên hạ như thế này. Thế nhé!

Nguồn: kenh14.vn

Vietnam Airlines chính thức lập hãng bay mới

Hãng hàng không mới được thành lập từ Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) có vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng với đội bay dự kiến dưới 10 chiếc.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa thông báo lập hãng bay trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO). Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) được chọn là cổ đông sáng lập. Nhà băng này sẽ hỗ trợ tài chính, đảm bảo việc thực hiện tái cơ cấu và hoạt động kinh doanh của VASCO.

vietnam-airlines-chinh-thuc-lap-hang-bay-moi

Vietnam Airlines sẽ nắm 51% vốn điều lệ hãng hàng không, còn Techcombank sở hữu 49%. Vietnam Airlines góp vốn bằng tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác, cùng kho phụ tùng vật tư ATR72… Trong khi đó, Techcombank góp vốn bằng tiền mặt.

Chủ tịch hãng bay sẽ do một đại diện Techcombank đảm nhiệm. Trong khi đó, chức giám đốc điều hành sẽ được cử từ Vietnam Airlines.

Giai đoạn đầu, hãng sẽ vẫn tiếp tục khai thác đội bay ATR72, phù hợp cho các chặng bay đến địa phương, huyện đảo chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực như Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá, Điện Biên…

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh hãng hàng không giá rẻ VietJet Air ngày càng chiếm nhiều thị phần tại Việt Nam. CAPA Centre for Aviation cho rằng hãng này có thể vượt Vietnam Airlines trở thành nhà vận chuyển hàng không nội địa lớn nhất trong năm nay. Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo Việt Nam nằm trong top 10 thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 2 thập kỷ tới.

Nguồn: vnexpress.net

Sập bẫy vé máy bay giả vì cả tin, ham rẻ

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, không ít khách đi máy bay đã phải “than trời” vì mua nhầm vé giả.

9

Các hãng hàng không khuyến cáo khách hàng mua vé qua mạng nên tự đặt vé cho mình và không nên tham vé quá rẻ – Ảnh: Ngô Vinh

Ngoài nguyên nhân những kẻ chủ mưu lừa đảo quá tinh vi, cũng do một số người quá cả tin, tham vé rẻ nên dễ dàng lọt bẫy.

Mua nhầm vé giả

Hàng chục công nhân đã không thể về quê đón Tết chỉ vì mua nhầm vé máy bay giả. Chị Đặng Thị Đông (SN 1988) – một nạn nhân bị lừa đảo vé máy bay than thở, qua giới thiệu, chị đã liên hệ với người tên Hoàng Quốc Việt (SN 1989, quê huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên; tạm trú quận 12) để mua 5 vé máy bay với giá hơn 23 triệu đồng. Việt đã đưa cho chị một giấy CMND có công chứng và giao phiếu đặt chỗ với lời hẹn “trước giờ bay 2 ngày sẽ nhắn thêm một mã code mới, đó là vé chính xác”.

“Đến gần ngày về, tôi nhờ em gái lên trang chủ của hãng máy bay để kiểm tra mới tá hỏa vì phát hiện không tồn tại chuyến bay hoặc mã số là tên của người khác”, chị Đông nói.

Trước đó không lâu, hàng trăm du học sinh tại Úc cũng rúng động sau khi phát hiện vụ lừa đảo vé máy bay về nước dịp Tết Bính Thân. Cụ thể, nhiều du học sinh tại Sydney và Melbourne sau khi chuyển tiền mua vé từ một người có tài khoản Facebook là Vi Tran đã tá hỏa vì những tấm vé đó không có giá trị và người bán có tài khoản Facebook mang tên Vi Tran cũng mất tích.Chị Đông không phải là người duy nhất bị Việt lừa. Khá nhiều công nhân khác đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để “mua sự uất ức về mình”. Một nạn nhân khác của Việt là chị Nguyễn Thị Hồng quê Thanh Hóa cho biết, cũng đã hơi nghi ngờ vì “các đại lý khác có giá gấp đôi nhưng đều báo hết vé, riêng Việt giá vừa rẻ mà muốn mua ngày nào, đi giờ nào cũng có”.

Một nạn nhân chia sẻ: “Do được một số người bạn giới thiệu Facebook Vi Tran bán vé rẻ và cũng rất uy tín nên đã nhắn tin hỏi giá. Khi được thông tin là Hãng hàng không Vietnam Airlines đang sale (giảm giá) còn 1.000 USD vé khứ hồi, tôi gấp rút chuyển khoản mua luôn. Sau đó 2 ngày, Vi Tran gửi vé cho tôi, do ít đi máy bay nên tôi cũng không nghĩ đến việc check mã code, từ lúc nhận được vé tôi không liên lạc với cô ấy nữa. Cho đến khi biết thông tin Facebook Vi Tran lừa đảo, tôi mới gọi để kiểm tra vé và chỉ khi đó mới biết mình đã bị lừa, vé có tên nhưng chưa được xuất”.

Đại diện Vietnam Airlines sau đó đã khẳng định, Vi Tran không phải là đại lý chính thức có hợp đồng thương mại với hãng này. Phía cảnh sát Úc cũng cho rằng, việc mua bán giữa khách hàng với Vi Tran là các giao dịch dân sự giữa các cá nhân, không liên quan đến Vietnam Airlines. Cảnh sát khuyến cáo các nạn nhân đưa vụ việc ra cơ quan bảo vệ người tiêu dùng (Fair Trading) để đòi lại quyền lợi.

Tránh mua vé máy bay giả, cách nào?

Trao đổi với Báo Giao thông về tình trạng một số hành khách bị lừa mua vé máy bay giả xuất hiện thời gian qua, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, ông có nghe thông tin về việc vé máy bay giá rẻ, tuy nhiên chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ các hành khách.

Về cách thức lừa đảo để bán vé máy bay giả, ông Thanh cho rằng, những kẻ xấu có thể lợi dụng các chính sách bán vé của từng hãng khác nhau để lừa đảo. Cụ thể, lợi dụng chính sách hoàn vé của Vietnam Airlines (khách hàng không đi có thể hoàn vé với chi phí 600.000 đồng), kẻ xấu đã rao bán vé máy bay với giá rẻ (rẻ hơn giá mà hãng đưa ra) để đánh vào tâm lý của khách hàng là mua được vé giá hời. Thực tế, đối tượng lừa đảo vẫn đặt vé cho khách hàng theo đúng hành trình mà khách hàng đưa ra và thanh toán như bình thường. Khi khách hàng nhận vé, gọi điện lên hãng để kiểm tra thì được báo đã xuất vé đúng hành trình. Nhưng sau đó ít ngày, chúng sẽ gửi yêu cầu tới Vietnam Airlines để xin hoàn vé. Việc hoàn vé sẽ được chấp thuận ngay nếu như người yêu cầu hoàn vé chính là người đặt vé. Khách hàng không nhận được thông tin nào là vé máy bay của mình đã được hoàn vé. Chỉ đến khi đến sân bay làm thủ tục check-in mới biết được vé máy bay không còn hiệu lực.

Với các hãng hàng không Vietjet Air và Jetstar Pacific, các đối tượng lừa có thể lợi dụng chính sách đổi tên. Trong trường hợp này, vé vẫn là vé thật. Tuy nhiên, sau khi bán cho khách, đối tượng lừa đảo tiếp tục rao bán. Khi có khách mua, chúng sẽ gửi yêu cầu lên hãng tiến hành đổi tên. Cứ thế, với 1 chiếc vé, đối tượng có thể bán cho cả chục người. Được biết, mức phí mỗi lần đổi tên là 275.000 đồng cho chặng bay nội địa, điều kiện là thực hiện trước 3 giờ so với giờ khởi hành.

Để phòng tránh mua vé máy bay giả, đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar khi trao đổi với Báo Giao thông đều thống nhất quan điểm khách hàng nên mua vé của các đại lý chính thức, có danh sách trên website của mỗi hãng. Nếu mua vé ở các điểm bán không phải đại lý chính thức, nên xem thông tin kỹ trên vé như kiểm tra code vé bằng cách gọi trực tiếp lên hãng hàng không. Cùng đó, khách hàng cần lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé. Phiếu thu này được xem như một chứng từ, nên nếu xảy ra trục trặc, khách hàng có thể dùng giấy tờ này để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Đặc biệt, khách hàng cần cảnh giác với các lời chào mời mua vé lẻ trên mạng; Tự đặt vé cho chính mình và không nên tham vé máy bay quá rẻ. Nếu bạn nhận được những lời chào hàng về vé máy bay quá rẻ so với thông tin của hãng thì đừng vội đặt vé và kiểm tra lại vì có thể đó là một trò lừa đảo.

Cũng liên quan đến vấn đề vé giả, đại diện Vietnam Airlines khẳng định, chưa hề nhận được phản hồi hay khiếu nại trực tiếp nào từ phía khách hàng về việc mua phải vé giả. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua Vietnam Airlines đã tích cực phối hợp với cơ quan Công an để điều tra một số trường hợp các đại lý không thuộc hệ thống đại lý chính thức của Vietnam Airlines có hành vi bán vé giả.

Theo: Thanh Bình, baogiaothong.vn

Trang phục của nữ tiếp viên hàng không thay đổi như thế nào?

Hình ảnh của các nữ tiếp viên hàng không ngày nay không còn gắn liền với sự chính chuyên một lối mà đã được cá tính hóa theo cách riêng của từng hãng.

Tiếp viên hàng không không chỉ được xem là bộ mặt của ngành hàng không mà còn là đại diện cho hình ảnh của một quốc gia. Song song với ngoại hình xinh đẹp, trang phục của họ đóng một vai trò rất quan trọng, đó là góp phần thể hiện đẳng cấp và sự tinh tế của từng hãng.

Chuẩn mực về cái đẹp cũng như thị hiếu về thời trang đã thay đổi theo thời gian. Ngành thời trang hàng không cũng vì thế mà không để mình phải tuột hậu với thời đại. Hãy cùng điểm lại những xu hướng thời trang hàng không thay đổi như thế nào qua từng thời kì.

Những năm 1940

Vào thập niên 40, các tiếp viên hàng không thường xuất hiện với hình duyên dáng và chải chuốt. Họ diện những chiếc đầm dài quá gối và thường đội mũ. Phong cách thời kì này thường hướng đến sự chuẩn mực chung.


Những chiếc váy dài quá gối là khời điểm trang phục của các nữ tiếp viên. (Ảnh: Internet)


Cái đẹp của giai đoạn này còn chịu nhiều sự ảnh hưởng của văn hóa truyền thống.(Ảnh: Internet)

Những năm 1950

Vào những năm 50, phong cách hoài cổ lên ngôi, vào thời kì này người ta hướng mình tới những nét đẹp sang trọng và bí ẩn.


Phong cách vintage của những năm 1950. (Ảnh: Internet)


Các nữ tiếp viên thời kì này toát lên vẻ thông minh và chuyên nghiệp. Họ thường gắn liền với kiểu tóc xoăn đặc trưng.(Ảnh: Internet)

Những năm 1960

Đây là thời kì của những gam màu sắc đậm lên ngôi. Ở thời điểm này, vẻ đẹp mềm mại không được ưa thích. Thay vào đó người ta hướng đến cái đẹp mạnh mẽ nên trang phục thời kì này thường có form thô.


Những bộ trang phục hiện đại toát lên nét đẹp mạnh mẽ của các nữ tiếp viên (Ảnh: Internnet)


Phong cách của các nữ tiếp viên những năm 1960. (Ảnh: Internet)


Hình ảnh của các tiếp viên với sự đồng điệu về màu sắc từ quần áo, giày dép, túi xách, mũ cho đến găng tay vào năm 1963. (Ảnh: Internet)

Những năm 1970

Giai đoạn những năm 70 là thời kì lên ngôi của những chiếc đầm thắt éo và những kiểu áo bóp ben.


Giai đoạn này cũng là thời kì khai sinh của những chiếc quần ống loa và những chiếc áo thắt eo. (Ảnh: Internet)

Người ta bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc nhấn eo trên áo để tô điểm cho đường cong cơ thể. (Ảnh: Internet)

Những năm 1980

Nhiều hãng hàng không vào thời kì này bắt đầu sử dụng gile vào thiết kế của họ. Xu hướng này nhanh chống dẫn đầu bởi sự thanh lịch của nó.


Gile là sự lựa chọn hàng đầu lúc bấy giờ. (Ảnh: Internet)

Những năm 90

Vào những năm 90, trang phục của các tiếp viên được thêm thắt nhiều chi tiết và màu sắc hơn.


Ảnh được chụp vào năm 1996, phi đoàn Britannia Airways.(Ảnh: Internet)

Những năm đầu thế kỷ 21

Đây là thời kì mà cái đẹp cá tính bắt đầu được đề cao. Những nữ tiếp viên của nhiều hãng hàng không thời kỳ này đã thoát khỏi hình ảnh nữ tính, duyên dáng. Các hãng hàng không thời kỳ thường sử dụng vest và blazer vào việc thiết kế đồng phục.


Đồng phục hướng đến vẻ đẹp năng động bằng vest và blazer.(Ảnh: Internet)

Thời điểm hiện tại

Quyến rũ nhưng vẫn không kém phần cá tính là điều mà các nhà thiết kế trang phục của các hãng hàng không ngày nay hướng đến.


Trang phục của tiếp viên góp phần thể hiện sự tinh tế và đẳng cấp của từng hãng. (Ảnh: Internet)


Các nữ tiếp viên rạng rỡ với sắc đỏ hiện đại.(Ảnh: Internet)

Tuy có nhiều sự thay đổi theo thời gian, nhưng nhìn chung cái chuẩn mà các nhà thiết kế trang phục cho ngành hàng không hướng đến vẫn là vẻ đẹp thanh lịch và sang trọng.

Nguồn: yan.vn

Vietnam Airlines khai thác 9.200 chuyến bay trong dịp Tết Nguyên đán

Vietnam Airlines đã tăng khoảng 1.000 chuyến trong dịp Tết cổ truyền Bính thân 2016, để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con về quê ăn Tết, sum họp cùng gia đình.

Vietnam Airlines đã vận hành hơn 9,200 chuyến bay trong dịp Tết nguyên đán Bính thân 2016. Ảnh: TTXVN

Theo thông tin từ Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán từ ngày 26/01 đến 18/02/2016 (tức từ ngày 25 tháng Chạp đến 11 tháng Giêng Âm lịch), Vietnam Airlines đã khai thác được 9.200 chuyến bay.

So với thường lệ, Hãng đã tăng khoảng 1.000 chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con về quê ăn Tết, sum họp cùng gia đình. Ngày cao điểm nhất 14/02 (tức mùng 07 Tết), Hãng đã khai thác 482 chuyến.

Với lịch bay dày đặc và lượng khách đông gấp 2-3 lần so với ngày thường và phòng tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra trong dịp cao điểm, Vietnam Airlines đã chủ động đưa ra một số khuyến nghị đối với khách hàng lưu chuyển bằng đường hàng không.

Hãng cũng đã tăng cường triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo lịch bay, giờ bay và hỗ trợ khách hàng tối đa, tiến hành gửi tin nhắn về thông tin chuyến bay, hành lý và thời gian có mặt tại sân bay để thuận tiện cho công tác làm thủ tục của hành khách.

Nhờ đó, chỉ số đúng giờ các chuyến bay của Vietnam Airlines đợt cao điểm nhất trung bình đạt 89%, tăng 6 điểm so với năm 2015.

Kết quả vận chuyển hành khách khoảng 1,2 triệu khách. Trong đó, tập trung nhiều nhất vào đường trục Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội/Tp. Hồ Chí Minh – Đà Nẵng .

Ngoài ra, chỉ số máy bay sẵn sàng khai thác luôn ở mức cao khoảng 98%, tăng 4% so cùng kỳ; công tác an toàn an ninh được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Nguồn: Diệu Linh/BNEWS/TTXVN

Hãng hàng không nào ‘vô địch’ chậm, hủy chuyến tháng đầu năm 2016?

Chỉ trong vòng tháng 1/2016, tổng số chuyến bay bị chậm, hủy của 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO đã lên tới 3.305 chuyến bay.

Theo thống kê cập nhật mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn khá lớn đặc biệt là tỷ lệ chậm chuyến trong tháng 1/2016.


Cụ thể, số liệu thống kê 4 hãng hàng không bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO, trong tháng 1/2016 đã có tổng cộng 3.151 chuyến bay bị chậm.


Con số này của Vietjet Air là 1.131 chuyến; Jetstar Pacific 489 chuyến và VASCO có 48 chuyến bay bị chậm.Trong đó, hãng Vietnam Airlines với 1.483 chuyến bay bị chậm, chiếm gần một nửa tổng số chuyến bay bị chậm trong tháng 1/2016.


Trong đó, Vietnam Airlines với 75 chuyến bay hủy, chiếm tới hơn 48% tổng số chuyến hủy.Về tỷ lệ hủy chuyến trong tháng 1/2016, thống kê về 4 hãng hàng không nói trên đã có tổng cộng 154 chuyến bay bị hủy.


Nguồn
: BizLIVE.vn

Vietnam Airlines muốn lập hãng hàng không mới để cạnh tranh với hàng không giá rẻ

blog.atadi.vn

Vietnam Airlines cho biết đã lên kế hoạch để tách một đơn vị cung cấp dịch vụ nội địa ra để thành lập một hãng hàng không chặng ngắn mới, nhằm cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ khác.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) và Vietnam Airlines đã đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải xin góp vốn thành lập hãng hàng không trên cơ sở sắp xếp lại Vasco, đơn vị thuộc VNA hiện đang khai thác đội tàu bay ATR 72 từ các sân bay chính đi một số địa phương.

Vietnam Airlines muốn lập hãng hàng không mới để cạnh tranh với hàng không giá rẻ

Ông Phạm Ngọc Minh, tổng giám đốc của VNA cho biết, Vasco sẽ tái cấu trúc để thành một hãng hàng không riêng mang tên CTCP Hàng không Vasco, vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Trong đó, VNA nắm giữ 51%, và Techcombank nắm giữ 49% của liên doanh này. Techcombank sẽ đầu tư vào Vasco 147 tỉ đồng, còn VNA có trách nhiệm cung cấp máy bay và những tài sản khác (bao gồm 5 máy bay ATR 72 hiện đang khai thác các đường bay đi Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Kiên Giang).

Tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn đưa tin, nếu phương án đề xuất được chấp thuận, Công ty cổ phần hàng không VASCO sẽ đi vào hoạt động từ quý 2/2016 với phương án kinh doanh dựa trên 5 tàu bay sẵn có, dự kiến tạo ra doanh thu khoảng 2.000 tỉ đồng trong vòng 3 năm tới.

Hiện tại, thị trường hàng không Việt Nam đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa một bên là hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và một bên là hãng hàng không giá rẻ VietJet Air.

Trước khi đề xuất thành lập Vasco, Vietnam Airlines cũng sở hữu 70% một hãng hàng không giá rẻ khác là Jetstar Pacific. Tuy nhiên, Jetstar hoạt động không hiệu quả.

Theo trung tâm hàng không CAPA, thị phần của Vietjet có thể vượt qua Vietnam Airlines ngay trong tháng 3/2016, biến Vietjet trở thành hãng hàng không nội địa lớn nhất Việt Nam.

Nguồn: Cafebiz.vn