Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, thành phố Hải Phòng…, để triển khai việc nâng cấp, cải tạo sân bay trên địa bàn.
Theo lãnh đạo ACV, với tốc độ phát triển hiện nay, một số cảng hàng không đã đạt và vượt công suất thiết kế như sân bay Tân Sơn Nhất, Vinh (Nghệ An), Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Cát Bi (Hải Phòng), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu). Do vậy, doanh nghiệp đang lập báo cáo khả thi xây dựng thêm nhà ga mới tại nhiều cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu của hành khách trong các năm tới.
|
Sân bay Cát Bi, Hải Phòng. Ảnh: Xuân Hoa.
|
Cụ thể, sân bay Vinh hiện có công suất 2 triệu hành khách song lượng khách đã đạt hơn 2 triệu mỗi năm, bắt đầu quá tải.
Theo đề xuất của ACV, dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Vinh có công suất thiết kế 5 triệu hành khách mỗi năm, tổng diện tích sàn nhà ga khoảng 16.500 m2. Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.700 tỷ đồng, khởi công vào quý 3/2019 và đưa vào khai thác quý 4/2020.
Sân bay Cát Bi cũng có công suất 2 triệu hành khách mỗi năm. Với mức tăng trưởng đạt 17% đến 23% mỗi năm, nhà ga T1 tại Cảng hàng không này bắt đầu có dấu hiệu quá tải.
ACV dự kiến xây dựng nhà ga hành khách T2 cho Cát Bi đạt công suất 5 triệu hành khách mỗi năm; xây dựng nhà ga hàng hóa, công suất thiết kế 100.000 tấn hàng hóa; nâng cấp, cải tạo sân đỗ máy bay khu vực nhà ga cũ và đường lăn. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng bằng vốn tự có của doanh nghiệp; khởi công vào quý 3/2019, hoàn thành đưa vào khai thác quý 4/2020.
Sân bay Phú Bài cũng đang được ACV nghiên cứu xây dựng nhà ga công suất 5 triệu hành khách. Hiện sân bay này có công suất 1,5 triệu hành khách song lượng khách qua cảng đã đạt 1,75 triệu trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng khách trong giai đoạn 2014-2017 đạt 15% mỗi năm.
ACV dự kiến khởi công nhà ga hành khách T1 Phú Bài vào quý 3/2019 với tổng vốn đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng.
Lãnh đạo ACV cho hay, nguồn vốn để nâng cấp, cải tạo các sân bay nêu trên đều do doanh nghiệp tự huy động song cần sự hỗ trợ của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. “Nếu giải phóng mặt bằng nhanh thì các dự án sẽ được hoàn thành trong khoảng 2-3 năm tới”, vị này nói.
Ngoài các sân bay địa phương, Bộ Giao thông đang khẩn trương quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất để mở rộng, đáp ứng công suất 50 triệu hành khách mỗi năm. Dự kiến, sân bay này sẽ xây dựng nhà ga hành khách T3 với diện tích 120.000 m2; xây dựng thêm sân đỗ máy bay, nhà ga hàng hóa, hệ thống kỹ thuật đi kèm.
|
Đường băng tại sân bay Vinh. Ảnh: Hải Bình.
|
Sân bay Sa Pa được tỉnh Lào Cai đã kiến nghị xây dựng trong tháng sáu vừa qua. Theo đó, đây là cảng hàng không dân dụng kết hợp quân sự, đặt tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, với tổng vốn đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng.
Dự án được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một đến năm 2020 sẽ đầu tư 4.750 tỷ đồng (bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng), xây dựng sân bay công suất 560.000 hành khách mỗi năm với hai vị trí đỗ tàu bay, có thể khai thác các loại tàu A320, A321 và tương đương. Giai đoạn 2 đến năm 2030 sẽ đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng nâng cấp để đạt công suất 1,5 triệu hành khách.
UBND tỉnh Lào Cai cũng đề xuất hai phương án đầu tư. Phương án một là Bộ Giao thông Vận tải xây dựng toàn bộ sân bay này bằng vốn ngân sách hay các nguồn vốn xã hội hóa.
Phương án 2, tỉnh Lào Cai sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư kết hợp hỗ trợ từ ngân sách địa phương phần khu bay cùng với giải phóng mặt bằng, tái định cư; tổng kinh phí khoảng 2.861 tỷ đồng.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nghiên cứu đầu tư hạng mục quản lý bay, tổng kinh phí khoảng 160 tỷ đồng; ACV sẽ đầu tư các hạng mục còn lại với tổng kinh phí khoảng 1.724 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Lào Cai, việc đầu tư theo phương án 2 sẽ thu hút được nguồn lực từ xã hội hóa để xây dựng sân bay Sapa, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Năm 2017, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của ACV đạt trên 94 triệu hành khách, tăng 16% so với 2016. Việt Nam đã đón 13 triệu du khách quốc tế, 73 triệu lượt khách nội địa; qua đó lần đầu tiên lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.