Du khách bay Vietnam Airlines Group có hành trình đến hoặc đi từ Côn Đảo nối chuyến qua TP HCM chỉ cần làm thủ tục các chuyến bay một lần.
Chính sách này được hãng áp dụng cho hành khách đi từ sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), Nội Bài (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng), Thọ Xuân (Thanh Hóa), Vinh (Nghệ An), Cam Ranh (Khánh Hòa), Đà Nẵng đến Tân Sơn Nhất (TP HCM) trên chuyến bay đến Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) trong cùng ngày và ngược lại.
Thay vì phải làm thủ tục cho mỗi chặng bay có hành trình đến Côn Đảo, từ ngày 20/10, hành khách của Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) chỉ cần làm thủ tục các chuyến bay một lần tại sân bay xuất phát và nhận hai thẻ lên máy bay cho hai chặng bay tương ứng.
“Tại điểm trung chuyển Tân Sơn Nhất, hành khách có thể đi thẳng đến cửa an ninh và cửa ra máy bay mà không cần qua quầy thủ tục hàng không”, đại diện Vietnam Airlines Group nói. Hành lý của khách sẽ được chuyển thẳng từ nơi xuất phát ban đầu tới điểm đến cuối cùng nhằm mang lại sự thuận tiện, dễ dàng và nhanh chóng cho hành khách có hành trình nối chuyến.
Dự kiến trong thời gian tới, đơn vị này sẽ mở rộng chính sách làm thủ tục một lần cho toàn bộ hành trình nối chuyến tại điểm trung chuyển bất kỳ do các hãng thuộc đơn vị khai thác.
Theo đại diện hãng, đường bay Côn Đảo đang được khai thác với tần suất lên đến 18 chuyến/ngày. Hiện nay, hãng đưa ra chương trình ưu đãi dành cho hành khách đi Côn Đảo với giá vé chỉ từ 435.000 đồng/chiều (tương đương 1.299.000 đồng/chiều bao gồm thuế, phí), giảm 15% giá vé cho các cựu chiến binh và giảm 10% giá vé khi mua combo hai vé khứ hồi. Hội viên Bông Sen Vàng sẽ được tặng 1.000 dặm thưởng cho mỗi chuyến bay từ TP HCM hoặc Cần Thơ đi Côn Đảo và ngược lại.
Trong khi đó,Bamboo Airways đang khai thác 3 đường bay thẳng từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh đến Côn Đảo. Từ tháng 11 đơn vị này sẽ xây dựng phòng chờ cao cấp nhằm phục vụ tất cả hành khách của hãng.
MỸ – 5,2% số sinh viên nộp đơn vào Havard được chấp nhận, con số đó ở Delta Air Lines là 1%.
Trên Glassdoor, trang web tìm việc có trụ sở tại bang California, Mỹ, hãng hàng không Delta Air Lines được đánh giá 4,3/5 sao nhờ những đặc quyền và lợi ích dành cho nhân viên, cũng như môi trường chuyên nghiệp, thân thiện.
Tuy nhiên, để được trở thành tiếp viên Delta lại không hề đơn giản, theo Danny Elkins, một tiếp viên làm việc ở hãng từ năm 1991. Anh bắt đầu công việc năm 22 tuổi, rời nhà ở North Carolina để đến New York sinh sống và bay vòng quanh thế giới. “Tôi cho rằng việc bạn được gọi đến trung tâm đào tạo tiếp viên hàng không của Delta (chỉ những người trúng tuyển mới được gọi) còn khó hơn vào Đại học Harvard”.
Theo Business Insider, Elkins không nói sai. Theo dữ liệu mà hãng bay công bố năm 2016, có khoảng 150.000 người nộp đơn thi tiếp viên, nhưng chỉ 1% trong số đó đỗ. Trong khi đó, số người trúng tuyển Harvard khoá 2021 là 5,2% trong tổng số hơn 39.500 thí sinh.
Trở thành tiếp viên của hãng khó đến mức nhiều ứng viên phải mất nhiều năm và làm đủ các công việc khác trước khi trúng tuyển. Một tân binh cho biết anh từng là kỹ sư tin học trước khi gia nhập hãng bay. Người khác cho biết bố mẹ cô đều là nhân viên của hãng, vì vậy ngay từ bé cô luôn mang trong mình mơ ước nối tiếp sự nghiệp của cha mẹ. Nhưng khi nộp đơn dự thi lần đầu năm 2012, cô đã trượt. Cô không nản chí, và tiếp tục chờ đợi cho đến 6 năm sau, khi biết tin hãng tuyển dụng lần nữa, cô lại nộp hồ sơ. May mắn thay, lần này, cô nằm trong danh sách được gọi đến trường huấn luyện.
Để trở thành một tiếp viên của hãng, ứng cử viên phải trải qua các cuộc phỏng vấn qua video, các bài hỏi đáp và gặp gỡ trực tiếp để đánh giá xem có phù hợp hay không. Elkins mô tả đây là một quá trình nghiêm ngặt, nhưng vô cùng thú vị. Nhờ đó, hãng chọn được những tiếp viên hàng không tuyệt vời. Khi vượt qua vòng phỏng vấn, tân binh tham gia khóa huấn luyện trong 8 tuần.
An toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu của phi hành đoàn. Do vậy trong 8 tuần đào tạo, học viên phải ghi nhớ mọi hướng dẫn an toàn bay do Cục Hàng không Liên bang đề ra. Mỗi loại máy bay có cấu hình cửa riêng, và tiếp viên phải nhớ hết mọi quy trình vận hành của chúng. Điều này đòi hỏi họ phải thực sự chăm chỉ học tập mới có thể nhớ hết. Các học viên có rất ít thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
“Học viên của chúng tôi ghi nhớ mọi thứ bằng cách lặp đi lặp lại. Trong trường hợp khẩn cấp, bạn không có thời gian để suy nghĩ – bạn phải phản ứng. Những tiếp viên từng trong tình huống đó nói với tôi rằng đó là sự thật. Khi gặp trường hợp khẩn cấp, họ chưa bao giờ nghĩ ngợi gì, mà chỉ phản ứng ngay”, Kaki, một giảng viên của hãng chia sẻ.
Các tiếp viên cũng được khuyến khích tiêm phòng các bệnh nhiệt đới trong quá trình đào tạo vì hãng bay đến khắp nơi trên thế giới, và cả những vùng có dịch. Họ cũng phải học các kỹ năng sơ cứu trong y tế như sử dụng máy sốc tim ngoài tự động, hô hấp nhân tạo cho người lớn, trẻ em, trẻ sơ sinh.
Các tiếp viên còn có thể sơ tán khách trong vòng 90 giây, khi 50% cửa thoát hiểm bị chặn. “Nếu có điều gì đó xảy ra trên trời, bạn là bác sĩ, là lính cứu hỏa, là cảnh sát… Chúng tôi phải chuẩn bị cho bất kỳ điều gì”, Cesar, một tiếp viên, cho hay.
Các tiếp viên được dạy rằng họ luôn có thể gọi cho người quản lý chuyến bay tại phòng điều hành để được giúp đỡ trên bất kỳ chuyến bay nào. Ban quản lý cũng có quy định nghiêm ngặt về trang phục, bởi tiếp viên chính là đại sứ hình ảnh của hãng. Tóc, giày dép, tất, móng tay… được kiểm tra tỉ mỉ, và tiếp viên phải chú trọng điều này trong suốt sự nghiệp của mình.
Vượt qua vòng phỏng vấn đã khó, tốt nghiệp khóa huấn luyện còn khó hơn. Để vượt qua kỳ thi, thí sinh phải đạt điểm trên 90% và mỗi người chỉ được phép thi lại một lần. Nếu không hoàn thành chính xác 90% bài thi, bạn bị mời về nhà. Sharyl, một tiếp viên của hãng, nói: “Biết là kỳ lạ khi nói như vậy, nhưng quá trình huẩn luyện khó hơn bất kỳ chương trình đại học hay điều gì khác tôi từng làm”.
Theo Skyteam, Delta Air Lines là hãng hàng không số một thế giới về sản phẩm, dịch vụ… với hơn 300 điểm đến tại 52 quốc gia. Trước Covid-19, hãng cất cánh trung bình 5.000 chuyến mỗi ngày. Giống như các hãng bay khác trên toàn thế giới, đơn vị này cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Trong quý hai, số lượng các chuyến bay của hãng bị cắt giảm 85%.
SINGAPORE – Với 18 tiếng liên tục trên bầu trời, chuyến bay Singapore – New York được coi là kỳ tích về sức chịu đựng với những hành khách đặt vé.
Hãng hàng không Singapore Airlines bắt đầu mở lại chuyến bay thẳng chở khách dài nhất thế giới từ 9/11, sau gần nửa năm gián đoạn vì đại dịch. Lần trở lại này được nhiều du khách đánh giá hoành tráng hơn, khi hãng tiếp tục lập thêm kỷ lục mới bằng việc kéo dài khoảng cách giữa hai điểm đến.
Các chuyến bay thẳng từ đảo quốc sư tử từ tháng 3 trở về trước hạ cánh ở thành phố Newark (bang New Jersey, Mỹ), khoảng cách gần 15.343 km. Giờ đây, điểm đến được chuyển sang sân bay JFK, New York và kéo khoảng cách xa hơn, thành 15.347 km. Chặng bay Singapore – New York kéo dài 18 tiếng 5 phút, nhưng chặng ngược lại lên đến 18 tiếng 40 phút do gió ngược.
Việc chuyển đổi sân bay nhằm phù hợp với tình hình của dịch bệnh trên toàn thế giới, vì địa điểm mới giúp hãng hàng không đáp ứng tốt hơn việc vận chuyển cả hành khách lẫn hàng hóa. Lý do kết hợp các chuyến bay chở khách và hàng hóa chính là nhu cầu đi lại của khách hàng trong đại dịch giảm. Hãng cũng không chắc chắn có bao nhiêu hành khách thường xuyên đặt vé chặng bay này.
Chặng bay này có ba chuyến một tuần, sử dụng máy bay A350-900 với 187 ghế phổ thông, 24 ghế phổ thông đặc biệt và 42 ghế thương gia. Phi hành đoàn đeo kính bảo hộ, găng tay, khẩu trang trên chuyến bay. Hành khách được yêu cầu đeo khẩu trang, kính và găng tay toàn bộ thời gian trừ lúc ăn uống.
Hiện tại, du khách không được phép nhập cảnh vào Singapore, ngoại trừ thương trú nhân hoặc khách du lịch từ các quốc gia có đủ điều kiện nhận “thẻ thông hành bằng đường hàng không”. Các nước nằm trong danh sách này là Việt Nam, Brunei, Australia, New Zealand. Công dân Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số tỉnh thành của Trung Quốc cũng có thể nhập cảnh để đi công tác nếu được một công ty của Singapore bảo lãnh.
AUSTRALIANghĩa địa máy bay gần Alice Springs đang chứng kiến sự bùng nổ về số lượng, trong đó có cả những “cung điện bay” Airbus A380.
Trong một thời gian dài, kho chứa máy bay châu Á Thái Bình Dương gần Alice Springs, đô thị lớn thứ ba của Australia ở lãnh thổ phía Bắc này gần như phủ bụi vì ít được sử dụng đến.
Nhưng khi Covid-19 bùng nổi khắp thế giới, cùng với lệnh hạn chế đi lại và đóng biên của nhiều nước, lượng khách du lịch bằng đường hàng không giảm mạnh. Có thời điểm, các chuyến bay chở khách của nhiều hãng giảm xuống gần bằng 0, nhiều sân bay thành thị trấn ma vì quá vắng vẻ. Và bất ngờ, mảnh đất hẻo lánh nằm của Australia, vốn có tên gọi khác là “nghĩa địa máy bay”, trở nên đông đúc hơn bao giờ hết.
Các máy bay chở khách trị giá hàng tỷ USD đang được nhiều hãng bay gửi đến đây. Khu nghĩa địa này có khí hậu khô ráo, lý tưởng để bảo quản các chiếc máy bay không được sử dụng đến vì dịch. Và chúng sẽ nằm đây cho đến khi các hãng bay cần dùng đến.
Singapore Airlines và Cathay Pacific là một trong những hãng hàng không đã gửi phần lớn đội bay đến đó, gồm cả những chiếc Airbus A380 vốn được mệnh danh là “cung điện bay”.
Vào đầu tháng 10, nhiếp ảnh gia Seth Jaworski, sống ở Sydney, tới nghĩa địa máy bay tác nghiệp. Anh ghi lại cảnh hàng dài những con chim sắt của bầu trời nằm im lặng. Jaworski bắt đầu tới bãi đỗ máy bay này từ tháng 4, khi đó số lượng máy bay nằm đây đã gần 100 chiếc. “Trước năm nay, chỉ có một số ít máy bay nằm ở đây”, anh nói.
CANADA – Một trong hai đường băng tại Toronto Pearson, sân bay bận rộn nhất Canada, đã phải đóng cửa vào một sáng cuối tháng 9.
Ban quản lý sân bay đóng cửa đường băng ngay sau khi phát hiện ra một con chó đi lạc từ đêm hôm trước. “Nhân vật chính” là Crystal, một con chó giống podenco lông trắng, bay từ Tây Ban Nha đến Canada cùng 3 con chó khác. Chúng được đưa đến bởi đoàn chuyên gia từ Nova Scotia chuyên giúp người Canada giải cứu chó ở Tây Ban Nha, theo CBC News.
Khi phi hành đoàn mở cửa khoang hàng của chiếc máy bay British Airways, Crystal đã chạy ra ngoài sân bay do cũi của nó không đóng chặt.
An ninh khu vực cùng đội kiểm soát động vật hoang dã sử dụng camera giám sát và cả camera nhiệt để tìm kiếm. Crystal được phát hiện đến gần đường băng khi một chiếc máy bay đang hạ cánh. Kiểm soát không lưu ngay lập tức đóng cửa đường băng này để đề phòng sự cố.
Lực lượng an ninh sân bay đã cố gắng giúp con vật bình tĩnh và đưa đến nơi an toàn. Cuối cùng, Crystal được đưa về nhà mới ở New Brunswick thành công. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Podenco là giống chó nổi tiếng về tốc độ, sức bền và sự nhanh nhẹn, theo Hope for Podencos, một tổ chức cứu hộ chó khác của Tây Ban Nha.
Rhonda Martins, một thành viên của nhóm cứu hộ, cho biết phải mất khoảng 13 giờ mới có thể kiểm soát được Crystal, đặc biệt dưới trời mưa lớn. Martins khen ngợi với các nhân viên của sân bay: “Họ thật tuyệt vời. Đây không phải lỗi của họ và họ đã chạy suốt 13 tiếng để tìm con vật”.
Chris Stubbs, nhân viên an toàn hàng không tại Toronto Pearson, trả lời Fox News hôm 8/10 cho biết tình hình lúc đó “có chút hỗn loạn”. “Con vật chạy vòng quanh chúng tôi theo đúng nghĩa đen. Nó chạy từ phía đông sang phía tây, xuống một con mương rồi quay trở lại. Cuối cùng, con vật mệt đến mức chui xuống gầm một chiếc xe tải chở động vật hoang dã đang dừng nghỉ”, Stubbs nói.
Sau khi dịch được kiểm soát, một số đường bay quốc tế được nối lại, hàng không Việt dần hồi phục với lượt khách tăng vọt.
Cuối tuần qua, sân bay Nội Bài đón hơn 250 lượt chuyến bay, với trên 29.000 lượt hành khách trong một ngày, tăng gần gấp 3 lần so với tháng 8. Theo ông Tô Tử Hà, Phó giám đốc sân bay, lượng hành khách tăng trưởng 15% hàng tuần từ đầu tháng 9 đến nay. Tháng 8 khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, sân bay này chỉ đón 150 chuyến mỗi ngày với khoảng 10.000 hành khách.
“Việt Nam đang khống chế dịch tốt nên chúng tôi kỳ vọng lượng hành khách tăng trưởng cao đến cuối năm, người dân sẽ đi du lịch trong nước nhiều do không thể ra nước ngoài”, ông Hà nói.
Sau khi được mở nhiều đường bay nội địa, lượng hành khách của Vietnam Airlines đã tăng trở lại. Hiện mỗi ngày, hãng khai thác 200 chuyến bay và với gần 40.000 lượt hành khách, trong khi tháng 8 chỉ vận chuyển hơn 17.500 khách một ngày.
Hãng vừa tăng thêm tần suất trên 8 đường bay nội địa và trước đó đầu tháng 9 cũng khôi phục 6 đường bay nội địa. Bên cạnh đó, việc được khai thác trở lại đường bay từ Việt Nam đi Nhật Bản, dự kiến nối lại các đường bay đến Hàn Quốc, Quảng Châu, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia cũng được kỳ vọng giúp doanh thu cải thiện sau giai đoạn khó khăn.
Tương tự, Bamboo Airways cũng đã khai thác gần 40 đường bay khắp cả nước. Nhiều chặng bay đang được gia tăng tần suất khai thác hoặc chuẩn bị được mở mới. Hãng cũng đã khôi phục đường bay đi Đài Loan, Hàn Quốc trong tháng 9 và dự kiến mở mới đường bay đến Nhật Bản, Singapore, Australia vào quý IV, đến Đức và Anh quý I/2021.
Theo đại diện Vietnam Airlines, với đà tăng trưởng của thị trường nội địa, dự kiến tổng sản lượng vận chuyển khách toàn mạng bay sẽ sớm khôi phục tương đương và vượt cùng kỳ vào cuối năm. Riêng hôm nay, sản lượng khách ghi nhận gần 40.000 lượt, tăng hơn 12% so với mức bình quân của cùng quý này năm trước.
Hãng đã đặt mục tiêu dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh với các chỉ tiêu tổng sản lượng vận chuyển hành khách là 14,5 triệu lượt, doanh thu hợp nhất là 40.586 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ là 32.535 tỷ đồng.
“Với đà tăng trưởng hiện nay, chúng tôi hy vọng sẽ giảm mức lỗ cả nghìn tỷ đồng so với dự báo trong 8 tháng do ảnh hưởng dịch bệnh”, đại diện Vietnam Airlines nói.
Còn đại diện Bamboo Airways cho biết, so với cách đây hơn một tháng, khi dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng, hãng chỉ vận chuyển khoảng 5.000-6.000 lượt khách mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện hãng đã đạt 12.000-15.000 lượt, và gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
“Chúng tôi kỳ vọng hành khách tăng trưởng mạnh trên các đường bay vàng Hà Nội – TP HCM, Hà Nội – Côn Đảo. Khi dịch bệnh được kiểm soát và thị trường hàng không hồi phục, các hãng bay sẽ cải thiện kết quả kinh doanh”, đại diện hãng nói.
Tương tự, đại diện Vietjet Air thông tin, lượng hành khách nội địa của hãng hiện tăng khoảng 30% so với tháng 8. Tuy nhiên, sản lượng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước do đang vào mùa thấp điểm du lịch.
“Thị trường hàng không đang hồi phục giúp các hãng giảm lỗ. Song các hãng vẫn rất khó khăn, cần sự hỗ trợ của Chính phủ về chính sách thuế, phí…”, đại diện Vietjet Air nói.
Đồng thời, đại diện hãng này cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng đường bay quốc tế đến các nước kiểm soát tốt dịch bệnh để tăng sản lượng vận chuyển hành khách. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất để không ảnh hưởng tần suất khai thác của các hãng.
Nhiều đường bay nối các địa phương được mở mới và lượng hành khách trong một tuần tăng 27% so với cùng thời gian năm trước.
Tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất những ngày này, hành khách luôn xếp hàng dài tại các quầy check in cũng như kios làm thủ tục tự động. Đại diện Cục Hàng không cho hay, từ 13 đến 20/7, các hãng hàng không đã thực hiện hơn 5.900 chuyến bay, tăng 21% so với cùng thời gian năm trước; lượng khách vận chuyển khoảng 1,1 triệu người, tăng 27%. Hệ số sử dụng ghế trung bình trên các chuyến bay đều đạt từ 85 đến 90%.
Theo các hãng hàng không, lượng khách nhiều lên do nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp hè; lý do khác là các hãng đã mở mới một số đường bay ngách và tăng tần suất trên toàn mạng nội địa.
Hiện các hãng khai thác hơn 70 đường bay nội địa, tăng gần 30 đường bay so với năm trước. Nhiều đường bay nối các địa phương được mở mới như Hải Phòng đi Đà Lạt, Phú Quốc, Cần Thơ; từ Vinh đi Phú Quốc, Cần Thơ; Thanh Hoá đi Phú Quốc, Đà Nẵng…
Riêng Vietnam Airlines khai thác 400 đến 500 chuyến bay mỗi ngày, tăng gần 10% so với nửa đầu tháng 7. Hãng này đã mở 22 đường bay mới từ đầu hè, thay thế máy bay thân rộng để tăng gấp 2 lần số chỗ so với tàu thân hẹp Airbus A321 tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất do bị hạn chế tần suất cất hạ cánh.
Trong tuần qua, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ (OTP) của các hãng hàng không Việt Nam đạt trung bình 85%, trong đó ngày thấp nhất là 80% và cao nhất là 90%.
Trước đó, tuần đầu tháng 7, khi bắt đầu sửa chữa đường băng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, chỉ số đúng giờ của các hãng hàng không chỉ đạt 50-60%.
Do lượng khách tăng cao trong cao điểm hè, các hãng hàng không đều khuyến cáo hành khách theo dõi chặt chẽ thông tin liên quan, chủ động đến sân bay trước giờ khởi hành dự kiến ít nhất 2 tiếng để hoàn thành thủ tục. Bên cạnh đó, hành khách tăng cường sử dụng các hình thức tự làm thủ tục chuyến bay như check in trực tuyến, qua điện thoại hay tại các kios tự động ở sân bay.
Icelandair thông báo sẽ sa thải hàng loạt tiếp viên hàng không và cho phi công thay thế từ 20/7.
“Icelandaire sẽ tạm thời chấm dứt vĩnh viễn hợp đồng của các thành viên phi hành đoàn hiện tại và chấm dứt vĩnh viễn mối quan hệ lao động giữa các bên”, hãng bay cho biết ngày 17/7.
Theo đó, hãng hàng không quốc gia này dự định để phi công tạm thời đảm nhiệm vị trí tiếp viên để giám sát an toàn bay từ 20/7. Tuy nhiên, phi công sẽ không dành nhiều thời gian để đẩy xe dọc lối đi và phục vụ đồ ăn, thức uống cho khách. Bởi dịch vụ trên chuyến bay sẽ tiếp tục ở mức tối thiểu, do ảnh hưởng của Covid-19.
Tiếp viên hàng không đóng vai trò quan trọng để duy trì an toàn trên chuyến bay, đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp. Hiện chưa rõ các phi công của hãng có thể làm tròn trách nhiệm của một tiếp viên hay không, khi họ chỉ biết thông báo trước hai ngày.
Không rõ quyết định của hãng có hợp pháp trong không phận mà Icelandair hoạt động hay không, gồm cả Mỹ và Liên minh châu Âu. Đại diện của hãng hàng không, Hiệp hội Phi hành đoàn của Iceland, Cơ quan Giao thông vận tải Iceland và Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu chưa đưa ra bình luận gì về quyết định trên.
Tuy nhiên, đến 2h sáng 19/7 (giờ địa phương), Icelandair lại thông báo đã thỏa thuận với hiệp hội tiếp viên hàng không rằng lệnh sa thải hàng loạt thành viên phi hành đoàn sẽ bị hủy, phi công không cần làm thay nữa. Song thỏa thuận này vẫn cần tiếp viên bỏ phiếu, kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào 27/7.
Như phần lớn các hãng bay khác trên thế giới, lượng hành khách của Icelandair sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của Covid-19 và những chính sách đóng cửa biên giới có hiệu lực từ đầu năm nay. Tháng 5/2019, hãng phục vụ 419.000 lượt khách nhưng đến cùng kỳ năm nay, con số chỉ còn 3.100.
Tháng trước, hãng hàng không này thông báo tái cấu trúc tài chính, với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ hoạt động, tăng cường thanh khoản, và đảm bảo tính cạnh tranh trong tương lai.
Điện thoại di động, máy tính bảng, trang phục dự phòng luôn được chuẩn bị sẵn trong hành lý xách tay của tiếp viên hàng không Nguyễn Thanh Anh Quân.
Nguyễn Thanh Anh Quân (1992) là tiếp viên làm việc cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Cũng là một vlogger, anh đã đăng tải video chia sẻ 10 vật dụng tiếp viên mang đi bay, với lời ghi chú “nhằm giúp mọi người hiểu hơn về nghề tiếp viên hàng không”.
Bằng cấp, chứng chỉ bay là món đồ bắt buộc khi làm nhiệm vụ. Bộ hồ sơ Quân luôn mang khi đi làm có 5 loại giấy tờ, gồm: Chứng nhận Huấn luyện kiến thức An ninh hàng không, Chứng chỉ Huấn luyện tiếp viên, Chứng nhận Sức khỏe, thẻ bay và hộ chiếu.
Trong đó, Quân cho biết cuốn sổ Chứng chỉ Huấn luyện tiếp viên là loại giấy phép, xác nhận tiếp viên đã trải qua huấn luyện và kiểm tra về khả năng làm việc trên loại tàu bay nhất định. Hiện Quân có thể đi trên các chuyến thuộc loại tàu bay Airbus A321, A321NEO, A350 và tàu bay Boeing 787.
Thẻ bay luôn được đeo trên người. Nếu không có, tiếp viên sẽ không được vào khu vực an ninh sân bay, đồng nghĩa với việc không thể thực hiện chuyến bay và có thể bị kỷ luật.
Máy tính bảng cài đặt ứng dụng dành riêng cho phi hành đoàn là thứ tiếp viên phải mang trên chuyến bay theo yêu cầu của hãng.
Ứng dụng này được Quân ví như Google của ngành, cung cấp và cập nhật mọi thông tin, thông báo, hướng dẫn về tàu bay, quy định hành khách, phương thức phục vụ… Trước đây khi chưa được trang bị máy tính bảng, các tiếp viên phải mang theo cuốn sổ rất dày chứa những nội dung đó.
Theo Quân chia sẻ, hãng của anh yêu cầu dung lượng pin máy tính bảng phải duy trì ở mức hơn 70% mới đủ tiêu chuẩn bay. Nam tiếp viên từng rơi vào tình huống chiếc máy cạn pin trước giờ bay, vì anh thực hiện nhiều chuyến bay liên tục nên quên sạc. Một đồng nghiệp đã cho anh mượn máy thay thế, nếu không có sẽ bị kiểm điểm.
Đồ bảo hộ sức khỏe gồm găng tay cao su, khẩu trang y tế, kính chống giọt bắn, khăn ướt cồn, cồn rửa tay, được đoàn tiếp viên luôn mang theo từ khi xuất hiện Covid-19. Riêng Quân tự chuẩn bị thêm lọ nước rửa tay khô treo ở hành lý xách tay để tiện sử dụng.
Đồng phục dự phòng tiếp viên thường mang theo trong hành lý xách tay, được giặt ủi và gấp cẩn thận, phòng trường hợp quần áo bị dính bẩn, xước rách thì có thể thay được luôn.
Áo gilet đồng phục của hãng được các nam tiếp viên mặc khi phục vụ đồ ăn cho khách, nữ tiếp viên dùng tạp dề. Đây là món Anh Quân thường xuyên sử dụng, do đó nó được gấp gọn trong ngăn ngoài cùng của vali.
Ngoài ra, Anh Quân mang theo trang phục thường ngày. Anh cho rằng bộ quần áo này cần thiết cho tiếp viên mặc khi sinh hoạt bình thường sau chuyến bay, và trong trường hợp thay đổi lịch trình hay có sự cố, tiếp viên cũng có sẵn quần áo để sử dụng.
Bảng kẹp giấy lấy yêu cầu của hành khách chỉ được trang bị cho tiếp viên hạng thương gia và tiếp viên trưởng, để phục vụ hành khách được thuận lợi và chính xác hơn. Tờ giấy in sẵn nội dung số ghế, họ tên khách, yêu cầu về đồ ăn thức uống và các món phục vụ trên chuyến bay.
Theo Quân, nước hoa là thứ tiếp viên cần mang khi đi bay. Do tiếp xúc với nhiều môi trường trong quá trình bay cả ngày, các tiếp viên nên thể hiện sự sạch sẽ, đảm bảo cơ thể có mùi dễ chịu để tạo thiện cảm với mọi người. Trong không gian kín trên tàu bay, chàng trai dùng mùi nước hoa nhẹ, tránh mùi nồng gắt gây khó chịu cho hành khách và đồng nghiệp.
Các tiếp viên thường mang vài cây viết (bút), để ghi chép, khai báo giấy tờ và thường xuyên cho hành khách mượn. Anh Quân cũng nhắn nhủ hành khách nên chuẩn bị sẵn viết để chủ động khi khai báo xuất nhập cảnh, khai báo sức khỏe.
Điện thoại di động là vật bất ly thân mà các tiếp viên cần mang theo vì mục đích công việc. Tiếp viên dùng điện thoại để kiểm tra thông tin chuyến bay, cập nhật lịch trình bay, liên lạc các đơn vị hỗ trợ bay như đội xe sân bay, gọi hotline khi có vấn đề sức khỏe của hành khách và bản thân.
Trước đây thông tin chuyến bay được chuyển phát dạng giấy từ bộ phận mặt đất cho đoàn tiếp viên, nay nhiều hãng đổi qua hình thức email để tiết kiệm thời gian cho chuyến bay đúng giờ hơn.
10 vật dụng được Nguyễn Thanh Anh Quân chia sẻ trên kênh Youtube Tiếp Viên Quân của mình, cùng hành động diễn tả cách sử dụng từng món đồ. Video: NVCC.
Anh Quân từng phục vụ các chuyến bay đến tất cả điểm đến mà hãng khai thác. Hai năm trở lại đây, để chất lượng dịch vụ được đồng nhất, các tiếp viên được phân công theo một vài chuyến cố định, dựa vào sự nắm bắt thói quen, sở thích từng nhóm khách hàng. Quân thường phục vụ đường bay đi Paris (Pháp), Melbourne (Australia), Nagoya (Nhật Bản) và Busan (Hàn Quốc).
Trước Covid-19, số giờ bay trung bình một tháng của Quân là 90 giờ. Trở lại bầu trời vào 1/6, Anh Quân chỉ làm trên các chuyến nội địa, thời gian bay giảm còn 50 giờ, một ngày 2 – 4 chuyến. Dù bay quốc tế hay trong nước, Quân cho biết anh vẫn mang đủ những vật dụng trên.
Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas (Úc) đã thống nhất xúc tiến những thay đổi đối với Jetstar Pacific nhằm cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng lợi nhuận của hãng hàng không chi phí thấp này, đồng thời thúc đẩy quy mô và sức mạnh thương hiệu của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa.
Jetstar Pacific sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới được truyền cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines. Thời điểm Jetstar Pacific chính thức hoạt động dưới tên mới Pacific Airlines sẽ dựa theo quyết định của nhà chức trách.
Pacific Airlines cũng sẽ chuyển đổi hệ thống đặt chỗ từ Navitaire sang Sabre – hệ thống Vietnam Airlines đang vận hành – để đồng bộ hoá mạng bay, các thủ tục đặt chỗ và tính năng dành cho khách hàng với Vietnam Airlines.
Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, Chủ tịch Hội đồng quản trị Pacific Airlines cho biết: “Các hãng hàng không chi phí thấp đóng vai trò nhất định trong quá trình phục hồi ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung. Với việc đồng bộ hoá hệ thống bán và mạng bay, Pacific Airlines và Vietnam Airlines sẽ tăng cường hiệu quả khai thác, năng lực cạnh tranh trong cả phân khúc hàng không truyền thống lẫn chi phí thấp, vững vàng tiến vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19. Chúng tôi hy vọng chiến lược thương hiệu kép sẽ giúp cả hai hãng mở rộng quy mô và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn, đồng thời góp phần củng cố vị trí dẫn đầu của Vietnam Airlines Group tại thị trường hàng không Việt Nam.”
Ông Gareth Evans, Lãnh đạo cấp cao Tập đoàn Qantas, Tổng Giám đốc Tập đoàn Jetstar cho biết: “Trước một thị trường cạnh tranh gay gắt như Việt Nam và sự ngưng trệ nghiêm trọng của ngành hàng không do dịch COVID-19, chúng tôi cho rằng đã đến lúc tận dụng lợi thế và tiềm lực của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa. Đồng bộ hoá hệ thống đặt chỗ sẽ giúp Pacific Airlines giảm chi phí và tạo nền tảng vững chắc để hãng tiếp tục vươn lên mạnh mẽ sau khi các quy định về hạn chế di chuyển quốc tế được gỡ bỏ.”
Đối mặt với những thách thức chung của ngành hàng không do dịch COVID-19 gây ra, hai cổ đông lớn của Pacific Airlines là Tập đoàn Qantas và Vietnam Airlines sẽ tiếp tục xem xét, cân nhắc kế hoạch và lộ trình tái cấu trúc hãng hàng không chi phí thấp này, đồng thời thực hiện các thay đổi cần thiết liên quan đến cơ cấu cổ phần.
Thời gian qua, Vietnam Airlines, với vai trò cổ đông lớn, đã tham gia tái cơ cấu mạnh mẽ Jetstar Pacific trên định hướng “thương hiệu kép”. Sau khi đổi tên thương hiệu, Vietnam Airlines và Pacific Airlines sẽ tiếp tục tạo ra chuỗi sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng từ phân khúc chi phí thấp đến cao cấp, mà còn tăng thêm giá trị, lợi ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp. Sự kết hợp này cho phép hai bên tận dụng lợi thế của nhau để mang đến cho khách hàng những quyền lợi tốt nhất với mức giá hấp dẫn nhất.
Chương trình tối ưu hoá nhiên liệu toàn diện của hãng hàng không có trụ sở tại Dubai giúp giảm khoảng 120.000 tấn CO2 thải ra môi trường một năm.
Giảm lượng khí thải carbon là trọng tâm của chiến lược bền vững môi trường của Emirates, được hỗ trợ bởi đội tàu bay mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, với số năm được đưa vào hoạt động trung bình là 6,8 năm.
Chương trình tối ưu hóa nhiên liệu toàn diện của hãng hàng không này nhằm phân tích và thực hiện những phương thức giảm thiểu nhiên liệu và khí thải không cần thiết ra không khí trong hoạt động khai thác. Chương trình này đã giúp hãng tiết kiệm 1,9% nhiên liệu trong hoạt động vận chuyển hành khách của cả năm: tức khoảng 38.000 tấn nhiên liệu – tương đương với khoảng 120.000 tấn CO2 thải ra không khí.
Khi hạn chế đi lại bị thắt chặt và biên giới đóng cửa do đại dịch Covid-19, hãng đã giảm phần lớn số chuyến bay vào tháng 3/2020 so với năm ngoái. Từ đó, hoạt động đốt cháy nhiên liệu và khí thải liên quan cũng sụt giảm, nhưng cũng ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng nhiên liệu. Trong năm tài chính 2019-20, hãng tiếp tục
tăng cường và mở rộng các sáng kiến để giảm tiêu thụ nhiên liệu, với mục tiêu giảm tiêu thụ 71.000 tấn, tương đương với 224.000 tấn CO2 thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, năm ngoái, lãnh đạo của Tập đoàn Emirates đã thông qua và cập nhật Khung chính sách Môi trường. Tập đoàn này cam kết ngăn chặn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã làm thú cưng, lấy da, ngà hoặc các bộ phận cơ thể khác làm thực phẩm, chế biến thuốc, đồ da, đồ trang sức và đồ trang trí – ước tính giá trị lên tới khoảng 20 tỷ USD mỗi năm.
Hãng hàng không này còn góp phần bảo tồn hệ động thực vật đặc biệt của Australia trong hơn 10 năm qua tại Emirates Wolgan Valley, khu nghỉ dưỡng bảo tồn thiên nhiên ở New South Wales. Năm 2019, khi nạn cháy rừng quét qua Australia, khu nghỉ dưỡng phối hợp chặt chẽ với cộng đồng địa phương để sơ tán các loài động vật trong khu vực. Nhằm thu hút những vị khách muốn làm tình nguyện viên, khu nghỉ dưỡng đã tạo ra một ngân hàng với hơn một triệu hạt giống, đại diện cho 25 loài sinh sống tại địa phương, đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi các khu vực bị thiệt hại. Các loài động vật hoang dã bản địa như kangaroo, wallaby, gấu túi, bò sát và các loài chim chóc cũng đã quay trở lại khu vực này.
Doanh thu 4 tháng đầu năm của Volga-Dnepr tăng hơn 30% lên 630 triệu USD nhờ chở lợn đến Trung Quốc và đưa khẩu trang đến châu Âu.
Covid-19 đã tàn phá ngành hàng không thương mại. Tuy nhiên, với Volga-Dnepr Group, các chuyến bay chở hàng của hãng này vẫn kín khoang.
Volga-Dnepr đã chở hơn 3.000 con lợn giống từ Pháp tới Trung Quốc năm nay để bù đắp nguồn cung thiếu hụt tại thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới sau dịch tả lợn châu Phi. Những con lợn này được đặt trong thùng gỗ, vượt qua quãng đường dài 10.400 km trong khoang của máy bay Boeing 747.
Các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 cũng làm gia tăng tình trạng thiếu thịt lợn và khiến Trung Quốc phải đẩy nhanh tốc độ tái đàn. 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập hơn 250.000 tấn thịt lợn từ Mỹ, trong khi cả năm ngoái chỉ nhập 245.000 tấn.
Đại dịch đang định hình lại ngành vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không. Theo Alexey Isaykin, Chủ tịch Volga-Dnepr Group, trước đây hơn một nửa lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường hàng không được chở bằng các máy bay thương mại.
Tuy nhiên, từ khi dịch bùng phát mạnh, các hãng bay thương mại phải dừng hoạt động cũng là lúc nhu cầu với các máy bay chuyên chở hàng gia tăng và đẩy giá tăng gấp hơn 2 lần.
Ngoài lợn, Volga-Dnepr còn chở cả khẩu trang, đồ bảo hộ, thiết bị y tế và các phương tiện để khử trùng đến Nga, Pháp, Đức… Trước đây, hãng bay của Isaykin chuyên chở những sản phẩm liên quan đến hàng không – nguồn thu chính của hãng. Năm nay nguồn thu này giảm hơn 30% nhưng tổng doanh thu của Volga-Dnepr vẫn tăng rất mạnh. 4 tháng đầu năm, doanh thu của hãng đã tăng 32% lên 630 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019.
“Hàng không toàn cầu đang trải qua giai đoạn thách thức lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, với các hãng bay chở hàng như chúng tôi, đây lại là một cơ hội” Alexey Isaykin nói.
Ông dự báo doanh thu năm nay của Volga-Dnepr có thể tăng một phần ba lên 2 tỷ USD. Theo Bloomberg Billionaires Index, số cổ phần Isaykin đang sở hữu tại hãng bay chở hàng của Nga trị giá khoảng 700 triệu USD.
Các loại hàng hoá liên quan đến y tế đang chiếm hơn một nửa tổng lượng hàng vận chuyển bằng đường hàng không trên toàn cầu. Phạm vi hoạt động của Volga-Dnepr cũng đang phải mở rộng vì sự lây lan của Covid-19. “Ban đầu, chúng tôi chỉ chở thiết bị y tế từ Trung Quốc tới châu Phi và đang có thêm những yêu cầu đầu tiên từ Mỹ Latinh. Tôi nghĩ sắp tới sẽ bay thêm đến Ấn Độ”, Isaykin nói.
Doanh nhân người Nga cho rằng thị trường vận chuyển các sản phẩm y tế có thể đi xuống trong nửa cuối năm nay khi giá cước chở hàng bắt đầu giảm. Dù vậy, ông vẫn dự đoán khối lượng và giá sẽ vẫn ở mức cao hơn lúc trước dịch vì ít máy bay thương mại hoạt động hơn.