Tại cuộc tọa đàm ‘Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bền vững’ chiều 11-4, đại diện các hãng hàng không nhận định sự cạnh tranh giữa các hãng trong bối cảnh thị trường đang phát triển là tốt về nhiều mặt.
Ông Phạm Vũ Nguyên Tùng – giám đốc dự án của Vietjet Air – cho rằng có thêm hãng bay tạo ra cạnh tranh tích cực, khi hàng không Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức 2 con số trong những năm qua.
Hiện Việt Nam có 5 hãng hàng không được cấp phép hoạt động bay thường lệ. Thái Lan có thời điểm lên tới 30 hãng, Indonesia có hơn 20 hãng.
Việt Nam hiện có trung bình 1,9 máy bay/ triệu dân, trong khi Thái Lan có 4,7 máy bay/triệu dân, Malaysia có 9,5 máy bay/triệu dân.
Ông Tùng cho rằng hàng không Việt Nam xuất phát với con số rất thấp, nên đang ở trước ngưỡng cửa cơ hội phát triển rất lớn, khi tốc độ tăng trưởng cao.
Ông Đặng Tất Thắng – phó chủ tịch thường trực Bamboo Airways – cho rằng cạnh tranh trong hàng không không chỉ giữa các hãng, mà cạnh tranh giữa kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân. Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng đường lối, chính sách, tạo môi trường doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân bình đẳng.
“Chúng tôi cạnh tranh để cùng phát triển, không phải để chiến thắng đối thủ, hay làm cho đối thủ không tốt hơn. Điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dùng” – ông Thắng nói. Ông cho biết thêm hiện chưa quá 50% dân số đi máy bay, nên sự ra đời của VietJet hay Bamboo Airways hay thêm hãng nào khác sẽ thêm nhiều người dân có cơ hội đi lại bằng máy bay.
Theo ông Phạm Ngọc Sáu – giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) – nước Mỹ có 1.040 sân bay tư nhân, nhưng Việt Nam mới có sân bay tư nhân duy nhất là Vân Đồn. Nhưng Vân Đồn được xây dựng không phải để cạnh tranh với sân bay Cát Bi ở Hải Phòng.
“Mục đích đầu tư sân bay Vân Đồn không chỉ vì lợi nhuận trực tiếp từ sân bay, mà khai phá tiềm năng vùng đất mới, phát triển thành phố sân bay với nhiều khu vực phụ trợ, dịch vụ phi hàng không. Các sân bay Việt Nam có tỉ lệ lợi nhuận phi hàng không chỉ 3%, nhưng ở Hàn Quốc là 60%” – ông Sáu lý giải việc đầu tư sân bay Vân Đồn đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới khách hàng đến Hạ Long sử dụng các dịch vụ khác ngoài hàng không.
Theo ông Lại Xuân Thanh – chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – trước đây quy hoạch phát triển vận tải hàng không chủ trương phát triển vận tải hàng không theo mô hình nan quạt, qua 3 trục Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng tỏa đi các nơi.
Tuy nhiên, năm 2018 Thủ tướng đã điều chỉnh quy hoạch, đưa ra định hướng tăng cường khai thác điểm đến điểm chứ không thông qua 3 trục trên nữa.
Với định hướng đó, các hãng cũng đang triển khai chiến lược khai thác mới. Bamboo Airways mở đường bay giữa các địa phương đông dân, có nhu cầu kết nối cao. Người ở Thanh Hóa trước đây muốn đi Nha Trang phải ra Hà Nội hoặc bay vào Sài Gòn, còn hiện nay hãng này đã mở đường bay thẳng từ Thanh Hóa tới Nha Trang, đang nghiên cứu mở đường bay Đà Nẵng – Quảng Ninh, kết nối 2 vùng du lịch.
Hiện tại, Việt Nam đang khai thác 22 sân bay, gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Tổng công suất hệ thống sân bay đạt 90,4 triệu hành khách.
Năm 2012, lượng khách của các sân bay đạt hơn 37 triệu. Năm 2018, lượng khách đạt 103,4 triệu người, vượt tổng công suất hệ thống sân bay.
Dự kiến năm 2019, sản lượng khách sẽ đạt hơn 112 triệu. Trong 5 năm qua, hàng không Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 15,3%/năm.
Ngoài 5 hãng hàng không khai thác thường lệ gồm: Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific, Bamboo Airways, Vasco khai thác 48 đường bay nội địa, còn có 71 hãng hàng không quốc tế khai thác tới Việt Nam. 140 đường bay kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia, vùng lãnh thổ.
10 năm trước, Việt Nam có 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế.
Nguồn: tuoitre.vn