Những ngọn hải đăng không chỉ giúp thủy thủ định vị đất liền mà còn là biểu tượng của du lịch biển.
Hải đăng Lindau, Đức
Hải đăng Lindau nằm trên hồ Constance, Lindau, cực Nam của nước Đức. Nó được hoàn thành vào năm 1856. Công trình cao khoảng 33m này đặc biệt hơn những ngọn hải đăng khác bởi gắn chiếc đồng hồ khổng lồ mà người dân có thể nhìn thấy từ thành phố. Ngọn hải đăng được chuyển sang chạy bằng điện từ năm 1936, và có cơ chế tự động vào đầu những năm 1990.
Ngọn hải đăng hiện được mở cửa cho du khách tham quan, cung cấp thông tin về môi trường tự nhiên tại địa phương và ngành vận tải biển của thành phố. Ảnh: Fiveprime
Hải đăng Fanad, Ireland
Sau khi một con tàu lớn bị chìm vào năm 1804, cư dân bán đảo Fanad đã yêu cầu xây một ngọn hải đăng trên đất liền. Năm 1818, ngọn hải đăng cao hơn 27m đã được hoàn thành và thắp sáng. Năm 1909, một ngọn đèn mới được lắp đặt, chạy bằng vòng xoay của đồng hồ nên cứ 15 giây đèn lại chớp 6 lần. Hệ thống này hoạt động tới năm 1975, khi đèn điện thay thế. Ảnh: The Pinsta.
Hải đăng Portland, Maine, Mỹ
Ngọn hải đăng lịch sử của Maine nằm ở lối vào cảng Portland trong thị trấn Cape Elizabeth. Hoàn thành vào năm 1791, đây là ngọn hải đăng cổ nhất tại Maine và là một trong những ngọn hải đăng lâu đời nhất ở Mỹ. Công trình này trở thành Địa danh lịch sử Quốc gia vào năm 1973, hiện do Lực lượng Tuần duyên Mỹ quản lý. Ảnh: SJ Wray Photography
Hải đăng Yaquina, bang Oregon, Mỹ
Tòa tháp tuyệt đẹp này được cho là công trình cổ nhất thành phố Newport, Oregon, tọa lạc ven bờ vịnh Yaquina. Hải đăng Yaquina được hoàn thành vào năm 1871. Nhưng chỉ sau 3 năm, nó đã bị ngưng hoạt động sau khi một ngọn hải đăng mới được xây dựng.
Năm 1946, nó dự kiến sẽ bị phá dỡ nhưng Hội Lịch sử xã hội Hạt Lincoln đã quyên góp tiền để bảo tồn nó. Vào năm 1951, hải đăng Yaquina đã được công nhận là di tích lịch sử, hoạt động như một bảo tàng cho hạt trong suốt 18 năm.
Năm 1970, ngọn hải đăng trở thành Địa danh Lịch sử Quốc gia và được tu sửa theo Luật Bảo tồn Lịch sử. Năm 1996, sau hơn 100 năm ngưng hoạt động, ngọn hải đăng đã được thắp sáng trở lại và mở cửa cho du khách tham quan. Ảnh: Oregon.gov.
Hải đăng St. Augustine, Florida, Mỹ
Hải đăng St. Augustine được xây dựng trên đảo Anastasia và hoàn thành vào năm 1874. Năm 1981, nó được công nhận là Địa danh Lịch sử Quốc gia. Nó được mở cửa cho du khách vào năm 1994, trở thành Bảo tàng và Hải đăng St. Augustine. Ảnh: Marinas.
Hải đăng Peggys Point Lighthouse, Canada
Có lẽ ngọn hải đăng nổi tiếng nhất Canada chính là Peggys Point, được thắp sáng vào năm 1915. Nó đánh dấu lối vào phía đông của Vịnh St. Margarets và là một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng ở Nova Scotia. Nơi này phải đóng cửa vào năm 2009 do lo ngại rêu mốc có thể gây hại cho sức khỏe người dân. Ảnh: Malcolm Carlaw.
Hải đăng Start Point, Anh
Đây là một trong 29 ngọn hải đăng do kiến trúc sư nổi tiếng James Walker thiết kế. Bên trong tháp có cầu thang bằng đá granite tuyệt đẹp. Ảnh: Marinas.
Du khách có thể tham quan công trình này vào mùa hè. Video: Max Butterworth.
Tháp Hercules, Tây Ban Nha
Hercules là ngọn hải đăng lâu đời nhất trên thế giới được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 2, nằm ở phía tây bắc Tây Ban Nha, bên ngoài thành phố Corunna. Nó được xây dựng theo kiến trúc La Mã cổ đại.
Ngày nay, tháp Hercules trở thành Bảo tàng Quốc gia của Tây Ban Nha và năm 2009, nó được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Ảnh: Reddit.
Hải đăng Bass Harbor, Maine, Mỹ
Nằm trong Vườn quốc gia Acadia ở góc đông nam của đảo Núi Desert, ngọn hải đăng này hiện là nhà riêng của gia đình một thành viên trong Đội Tuần duyên Mỹ. Tuy không thể vào bên trong ngọn hải đăng xây dựng từ năm 1858, bạn vẫn có thể đến gần chiêm ngưỡng kiến trúc tuyệt vời của nó. Nó được công nhận là Địa danh Lịch sử Quốc gia vào năm 1988. Ảnh: US News.
Hải đăng White Shoal, hồ Michigan, Mỹ
Được xây dựng vào năm 1912, White Shoal Light là ngọn hải đăng duy nhất có chóp nhôm trên Ngũ Đại Hồ (Great Lakes). Nó được coi là một công trình kỹ thuật kỳ công do quá trình xây dựng được thực hiện cách xa bờ. Nếu muốn đến tham quan, du khách phải đi tàu hoặc thủy phi cơ. Ảnh: National Geographic.
Nguồn: vnexpress.net