Tranh cãi vụ ngả ghế làm bể laptop

Tranh cãi vụ ngả ghế làm bể laptop

MỸ – Hành khách ngồi ghế 13A ngả lưng khiến máy tính xách tay của nam hành khách ngồi sau bị bể màn hình.

Sự việc xảy ra trên chuyến bay của hãng Delta, từ thành phố Austin đến Los Angeles, Mỹ, vào cuối tháng 2. Pat Cassidy mở máy tính ra làm việc và để trên khay bàn ăn, nhưng người ngồi ghế trước đã ngả ghế, vô tình làm bể màn hình.

Pat sau đó đăng tải câu chuyện của mình lên trang cá nhân và khẳng định, máy tính của anh bị phá hủy cùng ảnh chụp làm bằng chứng. Màn hình máy tính chỉ hiện thị hình ảnh một nửa, nửa còn lại đen thui.

Pat cho biết phi hành đoàn khi đó cũng không giúp được gì cho anh. Tiếp viên chỉ nói với Pat rằng “người ngồi trước cần được ngả lưng ghế”. Thậm chí, tiếp viên còn hỏi người ngồi trước liệu anh ta có ổn không. “Như thể ghế của anh ta chưa từng phá hỏng máy tính của tôi”, Pat nói.

Người ngồi hàng ghế 13A đã ngả lưng ghế, khiến máy tính 16inch của Pat bị hỏng. Ảnh: Twitter.

Người ngồi hàng ghế 13A đã ngả lưng ghế, khiến máy tính 16inch của Pat bị hỏng. Ảnh: Twitter.

Sau khi phản ánh tới hãng bay, Pat được tặng một voucher trị giá 75 USD cùng 7.500 dặm bay. Hãng cũng gửi lời xin lỗi tới anh, nhưng khẳng định Pat không được bồi thường cho thiệt hại này.

Câu chuyện của Pat nhanh chóng được nhiều người quan tâm. Tính đến ngày 4/3, bài viết nhận được hơn 1.200 bình luận, hơn 5.400 lượt yêu thích. Mọi người tranh cãi quyết liệt về vấn đề: ai sai ai đúng. Một số người đứng về phía Pat và cho rằng, không nên ngả ghế khi ngồi máy bay. Nếu có ý định đó, tốt nhất nên hỏi ý kiến người ngồi sau. Jud Mackrill, một hành khách Mỹ, chia sẻ chuyện tương tự, cùng hình ảnh chiếc máy tính bị hư hỏng: “Người trước mặt ngả ghế, và chiếc MacBook Pro của tôi bị kẹt ở góc”.

Ed Bastian, giám đốc điều hành Delta từng bị chỉ trích khi nói rằng, ông không bao giờ ngả ghế nhưng cũng không phản đối người ngồi trước làm điều đó. Ngoài ra, ông cũng đưa ra lời khuyên khi ngả ghế, bạn nên để ý đến cảm xúc của người ngồi sau.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây chỉ là lỗi đáng tiếc, vì người ngồi trước không cố ý. Ngoài ra, ngả lưng ghế trên máy bay chỉ bị cấm lúc cất, hạ cánh và ăn uống. Họ chỉ trích Pat vì đây là lỗi của anh. “Tôi rất tiếc vì máy tính của bạn bị hỏng, nhưng đó là lỗi của bạn”, một người nói.

Bạn nghĩ sao về trường hợp này?

Nguồn: vnexpress.net

Hãng bay sa thải 1.000 người vì lỗ

Hãng bay sa thải 1.000 người vì lỗ

ISRAEL Hãng hàng không quốc gia El Al có thể thiệt hại 50-70 triệu USD doanh thu chỉ trong 4 tháng đầu năm, do Covid-19.

El Al Airlines và nhân viên của hãng đang đàm phán với đại diện Liên đoàn lao động Israel trước kế hoạch sa thải 1.000 người. Tổng số nhân viên của hãng hiện khoảng 6.300, trong đó có 3.600 người là lao động dài hạn. Những người có thể bị sa thải gồm cả các nhân viên thời vụ và dài hạn.

Hãng bay sa thải 1.000 người vì lỗ

Những chiếc Boeing của hãng El Al, đỗ tại sân bay Ben Gurion, Israel. Ảnh: Tomer Neuberg/Flash90.

Thông báo về kế hoạch cắt giảm nhân sự được Gonen Usishkin, giám đốc điều hành công ty, viết trong bức thư gửi cấp dưới vào hôm 27/2. Theo Calcalist, Gonen nhấn mạnh rằng kế hoạch này cần thực hiện ngay lập tức. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng ban lãnh đạo đang bàn bạc với các bên để đưa ra một phương án thay thế.

Theo Liên đoàn Lao động Israel, nhân viên của El Al Airlines sẽ biểu tình vào 1/3.

Thời gian qua, hãng hàng không quốc gia Israel chịu tổn thất nặng nề vì Covid-19, ước tính thiệt hại khoảng 50-70 triệu USD trong 4 tháng đầu năm. Giá cổ phiếu của hãng giảm 7,47% vào ngày 27/2, và giảm 20% kể từ đầu năm 2019.

El Al quyết định tạm dừng các chuyến bay đến Italy và Thái Lan, vì lo ngại virus nCoV. Hãng cũng hoãn kế hoạch triển khai các đường bay thẳng tới Tokyo, Nhật Bản và Bắc Kinh, Hong Kong.

Các hãng bay khác của Israel cũng đang gặp khó khăn về tài chính, do lệnh hạn chế đi lại ngày càng nghiêm ngặt, và cảnh báo liên quan đến virus nCoV ngày một nhiều của Bộ Y tế nước này.

Hiện tại, Israel ban lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách gần đây đến Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Italy. Công dân nước này nếu trở về từ các địa điểm kể trên phải tự cách ly. Bộ Y tế Israel kêu gọi người dân cân nhắc hạn chế đi du lịch nước ngoài khi dịch đang bùng phát.

Covid-19 xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, khiến ít nhất 2.869 người tử vong, gần 84.000 người lây nhiễm tại 54 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh và tử vong ở Trung Quốc đại lục.

Nguồn: vnexpress.net

Huế mùa hoa gạo

Huế mùa hoa gạo

Vẻ đẹp của vùng đất cố đô được điểm xuyết bằng sắc hoa gạo nở sớm, phủ màu đỏ chi chít trên những cành cây.

Huế mùa hoa gạo

Cây hoa gạo tại khu vực cầu Dã Viên nở rộ. Khu vực này hiện có bốn cây hoa gạo đỏ, do Trung tâm công viên cây xanh Huế chăm sóc. “Hoa gạo thường nở vào tháng 3, nhưng năm nay do ảnh hưởng thời tiết nên nở sớm”, nhiếp ảnh gia Kelvin Long (Huế), tác giả bộ ảnh, cho biết.

Huế mùa hoa gạo

Cây hoa gạo bên vọng lâu nhìn từ cầu Dã Viên – nối liền đường Lê Duẩn với Bùi Thị Xuân.

Huế mùa hoa gạo

Tán cây hoa gạo tô điểm cho vẻ đẹp công trình Quan Tượng Đài. Đài thiên văn cổ duy nhất còn tồn tại của Việt Nam được xây dựng từ triều Nguyễn, thuộc phường Thuận Hòa, TP Huế. Công trình gồm phần nền đài và kiến trúc bên trên có tên là đình Bát Phong (ảnh) với 8 cạnh, 2 tầng mái, được chống đỡ bằng 12 cột gỗ.

Huế mùa hoa gạo

Sắc đỏ hoa gạo tại khuôn viên Cung An Định, công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, nằm bên bờ sông An Cựu.

Huế mùa hoa gạo

Mùa hoa gạo nở cũng là lúc du khách và các gia đình đến check-in, chụp ảnh.

Ngoài Huế, cây hoa gạo được trồng nhiều ở công viên, đường phố, vỉa hè, làng quê hay những công trình tâm linh như đền, chùa tại các địa phương như Quảng Ngãi, Hà Nội, Sơn La, Hà Giang.

Huế mùa hoa gạo

Hoa gạo nở có 5 cánh, mùa hoa kéo dài gần một tháng và rụng dần trước khi cây ra lá non. Loài hoa này được biết đến với nhiều tên gọi khác như mộc miên, pơ lang.

Huế mùa hoa gạo

Thân cây gạo cao hơn 10 m, trên thân có nhiều gai.

Huế mùa hoa gạo

Những bông hoa gạo đầu mùa rụng xuống trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế ở đường Hùng Vương.

Huế mùa hoa gạo

Tán hoa gạo nở từng chùm đỏ tươi trên nền trời xanh. Những cành hoa gạo mùa này còn thu hút các loài chim đến hút mật.

Nguồn: Huỳnh Phương, vnexpress.net
Ảnh: Kelvin Long

5 đặc sản bánh mì từ Bắc vào Nam

5 đặc sản bánh mì từ Bắc vào Nam

Bánh mì xíu của Huế, bánh mì que Hải Phòng hay bánh mì Sài Gòn là những đặc sản ngon nhất khi ăn tại chính địa phương.

5 đặc sản bánh mì từ Bắc vào Nam

Bánh mì que

Bánh mì que còn gọi là bánh mì cay, đặc sản trứ danh Hải Phòng, khác hẳn các loại bánh mì ở Việt Nam. Bánh chỉ bằng hai ngón tay, dài khoảng một gang tay. Thành phần nhân chỉ gồm patê béo ngậy, rưới hoặc chấm chí chương, loại tương ớt của người gốc Hoa ở Hải Phòng có vị cay nồng, và màu đỏ bắt mắt. Bánh ngon nhất khi được hơ qua lửa cho nóng giòn. Bạn có thể tìm thấy đặc sản này trên nhiều đường phố Hải Phòng như Lê Lợi, Hàng Kênh, Đinh Tiên Hoàng… Mỗi chiếc giá 2.000 – 5.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.

5 đặc sản bánh mì từ Bắc vào Nam

Bánh mì xíu

Bên cạnh những loại bánh truyền thống, bánh mì xíu cũng góp tên vào danh sách những món ngon nên thử khi đến Huế. Nhân bánh là những miếng thịt ba chỉ kho xíu kiểu Huế, óng màu nâu cánh gián, đẫm gia vị cay, mặn, ngọt hòa quyện. Một ổ bánh khoảng 10.000 đồng gồm thịt xíu rưới cả nước thấm bánh, ăn cùng rau răm, dưa leo, đồ chua.

Quầy hàng rong dưới chân cầu Tràng Tiền là địa chỉ bán bánh mì xíu được nhiều thực khách tìm đến. Nơi này bán đến 2 giờ sáng, có cả bánh mì bột lọc nổi tiếng ở địa phương. Ảnh: Hiệp Lê.

5 đặc sản bánh mì từ Bắc vào Nam

Bánh mì chả cá

Bánh mì kẹp chả cá phổ biến ở một số tỉnh miền biển, tuy nhiên có sự khác nhau ở từng địa phương. Tại Nha Trang, Phan Thiết, chả cá nguội được cắt thành miếng to khá dày, thường rưới kèm nước tương cay ngọt. Chả cá ở Vũng Tàu thì được nặn thành miếng thuôn dài sau đó chiên nóng rồi kẹp vào bánh mì, ăn cùng tương ớt. Giá mỗi ổ bánh khoảng 10.000 – 20.000 đồng. Ảnh: Indochina studio.

5 đặc sản bánh mì từ Bắc vào Nam

Bánh mì xíu mại

Nhắc đến Đà Lạt, bánh mì xíu mại nằm trong danh sách đặc sản của thành phố sương mù. Chén xíu mại nóng hổi phục vụ cùng ổ bánh mì ấm giòn. Xíu mại ở Đà Lạt không quá đậm vị, giữ nguyên màu thịt, chan ngập nước dùng trong veo, nổi ít váng mỡ béo, chứ không có sốt cà chua hay rim mặn như nhiều địa phương khác. Giá một suất ăn từ 10.000 – 30.000 đồng tùy số lượng viên xíu mại và ổ bánh mì. Ảnh: DMHai.

5 đặc sản bánh mì từ Bắc vào Nam

Bánh mì Sài Gòn

Thiên đường ẩm thực Sài Gòn sản sinh ra nhiều loại bánh mì lạ thu hút thực khách bốn phương như bánh mì ăn kèm thịt nướng, phá lấu, bì… Dù vậy, “bánh mì thịt Sài Gòn” mới là món bánh mì quen thuộc với người địa phương và thực khách có thể dễ dàng tìm thấy trên nhiều đường phố. Bánh thập cẩm kẹp nhân chả lụa, thịt nguội, pate, chà bông (ruốc) kèm dưa leo, đồ chua với ớt tươi xắt sợi, giá từ 15.000 – 50.000 đồng tùy lượng nhân. Ảnh: xuanhuongho.

Nguồn: vnexpress.net

Hành khách khoang nào khó chịu nhất?

Hành khách khoang nào khó chịu nhất?

“Chẳng ai đưa tôi vào chỗ ngồi. Không ai treo áo khoác lên ngay cho tôi và phải rất lâu tiếp viên mới mang nước ra”, một khách phàn nàn.

Trong cuốn sách mới xuất bản về ngành hàng không, Journey Of A Relutant Air Steward, tác giả Simon J Marton tiết lộ nhiều chi tiết thú vị về công việc khi anh là một tiếp viên của British Airways. Một trong những điều thú vị là lý do Simon coi người ngồi khoang hạng nhất, thương gia là những vị khách khó chiều và đôi khi khó chịu nhất. “Đặc biệt là những người có thẻ vàng”, Simon chia sẻ.

Thỉnh thoảng, cựu tiếp viên này gặp phải những người luôn quan trọng hóa vấn đề hoặc phải đối mặt với vô số cơn giận dữ từ tầng lớp khách thượng lưu này. Trong một chuyến bay từ London tới Las Vegas, một khách ngồi khoang cao cấp đã phàn nàn với anh: “Chẳng ai đưa tôi vào chỗ ngồi. Không ai treo áo khoác lên ngay cho tôi và phải rất lâu tiếp viên mới mang nước ra”. Với bề dày kinh nghiệm xử lý những sự cố như trên, Simon đã bình tĩnh đáp lại: “Tôi rất tiếc về những điều đó. Tôi có thể làm gì để khắc phục điều này không?”. Người này đáp lại: “Không, tôi chỉ muốn phàn nàn thế thôi”.

Hành khách khoang nào khó chịu nhất?

Hành khách ngồi khoang cao cấp thường kỹ tính và có nhiều yêu cầu hơn với tiếp viên. Ảnh: Hollywood Reporter.

Đối với những vị khách buông lời khó nghe, cựu tiếp viên 49 tuổi luôn cố gắng kiềm chế để không nói ra những lời có thể khiến anh phải hối hận sau này. Thay vào đó, anh thường tìm cách rời đi một cách lịch sự nhất có thể. Tuy nhiên, Simon vẫn khẳng định trong suốt những năm làm tiếp viên, phần lớn hành khách anh gặp đều rất đáng yêu và tốt bụng.

Simon bắt đầu làm tiếp viên từ năm 1996, và là tiếp viên trưởng trên các tàu bay Boeing 747 và 777 khởi hành từ sân bay Heathrow (London, Anh) đến khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Simon J Marton.

Simon bắt đầu làm tiếp viên từ năm 1996, và là tiếp viên trưởng trên các tàu bay Boeing 747 và 777 khởi hành từ sân bay Heathrow (London, Anh) đến khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Simon J Marton.

Bên cạnh nhiệm vụ chính là giữ an toàn, thoải mái cho toàn bộ hành khách, Simon cũng có nhiệm vụ phân tích, đánh giá ngay khi họ đặt chân lên máy bay. Trong quá trình chào hỏi, Simon kịp để ý đến vóc dáng của hành khách. Những người to khỏe sẽ được anh lưu ý nhớ lại, vì đây sẽ là những người có thể hỗ trợ tiếp viên trong các trường hợp khẩn cấp, ví dụ như những pha ẩu đả, mất trật tự…

Những vị khách có thái độ kiêu ngạo và hành vi không tốt cũng được các tiếp viên âm thầm ghi nhớ và quan tâm đặc biệt. Những người này được coi là “quả bom nổ chậm”, vì họ có thể gây rắc rối, ảnh hưởng đến an toàn bay. Ngoài ra, tiếp viên cũng phải báo cáo mọi thứ từ những chi tiết nhỏ nhất với cơ trưởng, để đảm bảo chuyến bay an toàn và suôn sẻ.

Simon cho biết nét mặt của tiếp viên rất quan trọng đối với hành khách. Trong những lúc máy bay vào vùng nhiễu động, nhiều người tỏ vẻ sợ hãi. Cách tốt nhất để tiếp viên xoa dịu họ trong lúc hỗn loạn đơn giản là mỉm cười. “Nếu họ thấy phi hành đoàn vui vẻ, họ sẽ nhận ra mọi thứ đều ổn”, Simon bày tỏ.

Không chỉ hành khách, tiếp viên hàng không cũng có những nỗi sợ khi lên máy bay. Với Simon, đó là phải làm việc trên các chuyến bay bị trễ giờ khi tâm trạng hành khách không tốt. “Việc trễ chuyến mang đến cho chúng tôi những hành khách tệ nhất”, anh viết. Và điều tiếp viên cần làm lúc này là thể hiện sự vui vẻ, thân thiện.

Nguồn: vnexpress.net