3 phương án vốn sửa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất

3 phương án vốn sửa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Sử dụng vốn ngân sách, vốn doanh nghiệp và nguồn thu từ khai thác khu bay là các phương án được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất.

Bộ Giao thông Vận tải tuần trước đã đề xuất Chính phủ 3 phương án bố trí vốn đầu tư, cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, gồm sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng vốn của Tổng công ty cảng hàng không (ACV) và sử dụng nguồn thu từ khai thác khu bay do ACV quản lý.

Với phương án đầu tư công, Bộ đề xuất Thủ tướng bố trí kế hoạch vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 950 tỷ đồng. Phần còn lại là vốn trung hạn 2021-2025 khoảng 3.202 tỷ đồng.

Trường hợp sử dụng nguồn vốn của ACV, Bộ trình Thủ tướng xem xét phương án giao đơn vị này quản lý, khai thác tài sản khu bay theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (ACV là doanh nghiệp do nhà nước giữ cổ phần chi phối).

Một điểm lún vỡ trên mặt đường băng sân bay Nội Bài. Ảnh: Anh Duy.

Một điểm lún vỡ trên mặt đường băng sân bay Nội Bài. Ảnh: Anh Duy.

Nếu Thủ tướng không chấp thuận điều chuyển tài sản khu bay từ Bộ Giao thông Vận tải sang ACV theo hình thức tăng vốn nhà nước, khi đó phần vốn đầu tư sửa chữa khu bay sẽ được Nhà nước hoàn trả cho ACV từ nguồn thu khai thác tài sản khu bay những năm tiếp theo hoặc theo phương án được Thủ tướng phê duyệt.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không, nếu phương án nguồn vốn được phê duyệt đầu tháng 1/2020, thì việc sửa chữa sẽ được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay. Việc sửa chữa đường băng Nội Bài mất khoảng 26 tháng và Tân Sơn Nhất là 23 tháng từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành.

Tại Tân Sơn Nhất, chủ đầu tư cần 6 tháng thiết kế, chọn nhà thầu, xin cấp phép xây dựng và 16 tháng thi công. Trong đó, đường cất/hạ cánh 25R/07L, các đường lăn tiếp giáp và xây dựng các đường lăn chờ phía bắc thi công trong 4 tháng mùa thấp điểm (tháng 8 đến 12). Đường lăn thoát nhanh giữa hai đường cất/hạ cánh và đường lăn song song phía nam thi công trong 16 tháng.

Tại Nội Bài, ngoài 6 tháng cho phần thiết kế và thủ tục tương tự Tân Sơn Nhất, thì việc thi công cần 19 tháng. Trong đó, đường cất/hạ cánh 1B và các đường lăn tiếp giáp sẽ thi công trong 4 tháng thấp điểm.

Từ năm 2017, chỉ số mặt đường băng 25R/07L tại Tân Sơn Nhất là 48 – mức độ xấu. Theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), chỉ số 40-55 là cần phải cải tạo, nâng cấp. Đường băng 1B (11R/29L) tại Nội Bài cũng thường xuyên bị bong bật, vỡ nứt…

Tuy nhiên, khu bay do Bộ Giao thông Vận tải quản lý và chịu trách nhiệm đầu tư sửa chữa song thiếu vốn ngân sách. Hai năm qua, ACV không có thẩm quyền sửa chữa lớn mà chỉ được sửa chữa nhỏ để đảm bảo an toàn theo nguyên tắc “hỏng đâu sửa đó”.

Nguồn: vnexpress.net

Hạn chế người đưa tiễn tại sân bay Nội Bài

Hạn chế người đưa tiễn tại sân bay Nội Bài

Người đưa tiễn hành khách tại sân bay Nội Bài sẽ bị hạn chế vào khu vực làm thủ tục trong giờ cao điểm.

Sáng 16/1, ông Nguyễn Huy Dương, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, để giảm tình trạng quá tải trong giờ cao điểm tại khu vực check-in nhà ga hành khách T2, an ninh sân bay sẽ ngăn chặn người đưa tiễn vào khu vực làm thủ tục.

“Chúng tôi linh động cho các trường hợp như người già, trẻ em, người tàn tật cần có người nhà đi cùng hoặc các đoàn tour cần người hướng dẫn vào khu vực làm thủ tục”, ông Dương nói.

Khung giờ cao điểm hạn chế người đưa tiễn 8h đến 11h sáng và 19h đến 23h hàng ngày.

Hạn chế người đưa tiễn tại sân bay Nội Bài

Khách và người nhà đưa tiễn đứng kín tiền sảnh nhà ga T2 Nội Bài. Ảnh: Phan Công. 

Hành khách sau khi hoàn thành thủ tục check-in được hướng dẫn di chuyển để làm thủ tục xuất nhập cảnh, an ninh soi chiếu và vào khu vực cách ly, tránh ùn tắc ở quầy thủ tục hay soi chiếu an ninh.

Nhà chức trách sân bay Nội Bài cũng khuyến cáo hành khách đến sân bay trước 3 giờ đối với các chuyến bay quốc tế, trước 2 giờ đối với các chuyến bay quốc nội để làm thủ tục hàng không. Hành khách không có hành lý ký gửi có thể tự làm thủ tục online hoặc tại kiosk của nhà ga.

Dịp cao điểm Tết, sân bay Nội Bài sẽ có 715 chuyến bay cất hạ cánh mỗi ngày (ngày thường có 550 lượt chuyến), tăng 16% so với Tết năm trước. Lượng hành khách cao nhất đạt khoảng 115.000 người mỗi ngày (ngày thường 80.000 khách).

Nguồn: vnexpress.net

Hãng bay kiểm duyệt phim như thế nào?

Hãng bay kiểm duyệt phim như thế nào?

Sức ảnh hưởng, sự mới mẻ, sự đa dạng văn hóa… là ba trong nhiều tiêu chí các hãng xét duyệt phim và chương trình giải trí trên máy bay.

Một số hãng hàng không thuê hẳn đội ngũ chuyên gia để chọn phim cho khách, nhiều hãng khác giao trọng trách này cho các nhân viên công ty. Các nhóm nhân viên có nhiệm vụ xem hết các bộ phim, tranh luận về việc chọn tác phẩm nào để đưa lên bầu trời.

Singapore Airlines có hơn 70 nhân viên chuyên về lĩnh vực phim ảnh đến từ nhiều quốc gia khác nhau, để đại diện cho các địa điểm hãng này có đường bay tới đó. Ng Yung Han, Phó chủ tịch Bộ phận Phát triển Sản phẩm, cho biết thành viên Ủy ban đánh giá phim có trụ sở tại Singapore sẽ gặp mặt trực tiếp mỗi tháng để chọn phim. Các văn phòng nước ngoài sẽ gửi email đề xuất.

Việc bình chọn và đánh giá của các thành viên trong Ủy ban sẽ giúp hãng bay hiểu hơn về những bộ phim nổi bật hoặc gây tranh cãi trên thế giới. Điều này giúp hãng bay không bị “lạc hậu” khi cung cấp nội dung giải trí cho khách.

Ông Ng cho biết ngoài mức độ nổi tiếng, những giải thưởng và tính phù hợp về văn hóa của các bộ phim là những yếu tố được ưu tiên. Việc đưa phim mới phát hành trên thị trường (khoảng ba tháng sau ngày công chiếu với phim Hollywood) là một trong các tiêu chí quan trọng. Ngoài ra, hãng cũng tham khảo thêm ý kiến hành khách.

Hãng bay kiểm duyệt phim như thế nào?

Một số hãng bay chọn hiển thị phim, chương trình truyền hình phụ thuộc vào các tuyến đường bay trong ngày. Ảnh: Reader.

Là hãng đầu tiên lắp màn hình giải trí ở mọi ghế trong cabin vào năm 1992, Emirates có một đội gồm 8 người chuyên xem phim. Nhiệm vụ của họ là xem nhiều phim nhất có thể mỗi tháng, ghi lại nhận xét làm cơ sở dữ liệu. Hệ thống giải trí ICE của Emirates cung cấp khoảng 700 phim, chương trình truyền hình… trên các chặng bay.

Còn Cathay Pacific có quan điểm rằng sự cân bằng về ngôn ngữ và thể loại phim là chìa khóa làm hài lòng khách. Nếu các phòng vé Trung Quốc chỉ ưu tiên phim từ Hollywood, Bollywood, Trung Quốc, Nhật Bản…, Cathay hướng tới sự đa dạng về quốc gia và cung cấp lượng lớn chương trình giải trí.

Với từng khu vực, đội ngũ chuyên trách mảng giải trí của hãng sẽ làm việc với các chuyên gia, nhà phê bình phim địa phương để hiểu được tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của mỗi tác phẩm. Ít nhất 20 người tham gia chọn phim. Hãng mua bản quyền từ 70 đến 200 phim, chương trình truyền hình một tháng với những thể loại ăn khách như hài kịch, tình cảm…

Nguồn: vnexpress.net