‘2 năm Nhà nước chỉ sửa được phòng chờ, tư nhân xây xong sân bay’

Dẫn ra ví dụ trong ngành hàng không, CEO Vietjet Air đề nghị cần cởi bỏ cơ chế cho tư nhân phát triển, tham gia nhiều hơn, nhằm tăng tiến độ cũng như hiệu quả khai thác.

Tại một diễn đàn kinh tế chiều 26/7, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, cho rằng có nhiều việc nếu thoát khỏi cơ chế Nhà nước, giao cho tư nhân thì sẽ làm nhanh hơn, khai thác hiệu quả hơn.

Bà Thảo đưa ra ví dụ thực tế, để thay đổi một vách kính ở sân bay Tân Sơn Nhất nhằm tạo không gian thông thoáng cho hành khách thì Nhà nước làm mất 2 năm. Đồng thời sửa sang một phòng chờ theo cơ chế Nhà nước cũng mất 2 năm mới hoàn thành. Trong khi đó, trong 2 năm đó, doanh nghiệp tư nhân đã chủ động đầu tư cả một sân bay như Vân Đồn.

Tương tự, hãng bay Vietjet Air của bà làm nhà ga mới của sân bay Cam Ranh chỉ tốn 18 tháng.

'2 nam Nha nuoc chi sua duoc phong cho, tu nhan xay xong san bay' hinh anh 1
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng tư nhân làm được nhưng chưa được cởi trói về cơ chế. Ảnh: Lê Quân.

Nữ tỷ phú USD này nhấn mạnh, thông điệp của Chính phủ là sẽ giao cho tư nhân nhưng thực tế việc vẫn chưa giao tới tay.

“Thông điệp chỉ dừng lại ở chủ trương, đường lối, mong muốn của Chính phủ và còn vướng ở đâu đó chưa xuống tới các cấp để khai phá tiềm năng của doanh nghiệp tư nhân.  2018 là năm bản lề trong chu kỳ 10 năm khủng hoảng một lần, hơn ai hết doanh nghiệp tư nhân cần hành lang đủ lớn, hành động cụ thể để đứng vững và phát huy mạnh hơn nữa” – bà Thảo chia sẻ.

Việt Nam hiện có khoảng 700.000 doanh nghiệp tư nhân, đóng góp 40% GDP và tạo ra 1,2 triệu việc làm. Riêng trong lĩnh vực dịch vụ, khu vực tư nhân đóng góp tới 85% tăng trưởng.

Theo bà Thảo, để Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia kiến tạo, các doanh nghiệp tư nhân được đối xử công bằng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp thì từ chính phủ đến các cấp, ngành đều phải cùng chung nhận thức và hành động.

“Điều cần làm là lan tỏa tinh thần này cả về chiều sâu, chiều rộng xuống các bộ ngành, địa phương thì mới thực sự tạo nên hành lang về cơ chế, thể chế hợp lý cho doanh nghiệp tư nhân”, bà Thảo nói.

Nữ tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam đề nghị tốc độ tái cơ cấu, và cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp Nhà nước, và khu vực ngân hàng cần đẩy nhanh hơn, để hạn chế gây ảnh hưởng tới tài chính vĩ mô, giảm triển vọng tăng trưởng.

Để tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ cần có chính sách, biện pháp giảm các chi phí trong chuỗi cung ứng và phân phối, hình thành hệ thống logistic cạnh tranh, sự đồng bộ và phối hợp chính sách của các bộ ngành, điều hành theo tinh thần của Thủ tướng là “những gì tư nhân có thể làm thì để tư nhân làm”.

“Cuộc sống không bao giờ hết những thách thức, nền kinh tế tư nhân chưa bao giờ hết thách thức nhưng tôi tin chúng ta sẽ vượt qua năm 2018 với những chỉ số khả quan” bà Thảo nói.

'2 nam Nha nuoc chi sua duoc phong cho, tu nhan xay xong san bay' hinh anh 2

Hành trình trở thành tỷ phú đôla của 2 đại gia Việt Học và khởi nghiệp thành công tại Đông Âu, ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo về đầu tư trong nước ở các lĩnh vực khác nhau, và đều được Forbes ghi danh tỷ phú USD.

Theo Bình Nguyên, zing.vn