Đặt vé thế nào, ở đâu, mang bao nhiêu tiền, thăm quan những điểm nào hay mua quà gì về nhà là những thắc mắc hầu như phượt thủ nào cũng gặp phải.
Khi đi du lịch tự túc, bạn luôn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn và phát sinh bất chợt dọc đường đi. Dù vậy, sức hút của việc được “tự tung tự tác”, đi tới bất cứ đâu mình muốn, vẫn khiến ngày càng nhiều người đi du lịch theo kiểu này. Dưới đây là một số vấn đề mà các phượt thủ hay gặp phải nhất khi bắt đầu chuyến đi:
1. Đặt vé thế nào?
Bạn có thể theo dõi các fanpage của các hãng hàng không, đăng ký làm thành viên của các hãng này để “rình rập” vé rẻ mỗi dịp khuyến mại. Giá vé có thể rẻ hơn 50% giá ngày thường.
Các thủ tục đặt vé online cũng rất đơn giản, có hướng dẫn từng bước, chỉ cần bạn có tài khoản ngân hàng và thật cẩn trọng khi đọc các điều khoản trước khi mua vé thì không có gì đáng trở ngại nữa. Thông thường, việc đặt vé qua mạng chỉ gây khó khăn trong lần đầu tiên. Nếu có sai sót khi đặt thì bạn không nên quá lo lắng mà nên gọi điện trực tiếp lên hãng để đề nghị giúp đỡ và giải quyết.
2. Ở đâu?
Khó khăn này đồng thời cũng là thuận lợi cho những ai đi du lịch tự túc. Nếu đi theo tour, bạn không được chọn khu vực mình muốn ở, cũng không thể chọn được vị chủ nhà mình thích mà hoàn toàn phải theo sự sắp đặt, với giá niêm yết không mấy dễ chịu.
Bạn có thể đặt phòng qua các website nổi tiếng như Agoda, Booking hay Airbnb… với các hướng dẫn rất tận tình cùng nhiều kinh nghiệm chia sẻ của những người đi trước trên mạng. Giá rẻ hơn rất nhiều, hơn nữa có thể chọn xem bạn thích ở khu vực nào: nhiều khu mua sắm hay gần di tích nổi tiếng… hay có thể lựa chọn chủ nhà với tính cách và độ tuổi phù hợp…
3. Xin visa thế nào?
Với các quốc gia yêu cầu thị thực, bạn cần lên lịch chuẩn bị giấy tờ từ sớm. Danh sách giấy tờ cần chuẩn bị thường có trên website của Đại sứ quán nước đó. Tùy theo chính sách mỗi nước nhưng nhìn chung nếu có hộ chiếu không có dấu hiệu khả nghi, đầy đủ giấy tờ và đủ số tiền cần chứng minh tài chính thì khả năng “đỗ” của bạn cũng không quá khó khăn.
4. Tham quan những điểm nào?
Một trong những câu hỏi quan trọng nhất cho mỗi chuyến đi, chính là nên thăm những điểm nào. Bạn nên tham khảo danh sách điểm đến trong các tour của công ty du lịch. Hay bạn cũng có thể tự tìm hiểu qua mạng với các từ khóa “top các điểm đến ở…” (tốt nhất là bằng tiếng Anh), tìm kiếm hình ảnh, đo khoảng cách bằng Google Maps cũng như đọc các nhận xét để xem nó có thực sự phù hợp với bạn hay không.
5. Mang bao nhiêu tiền?
Đây là vấn đề sống còn của mỗi chuyến đi. Nếu một lần mang thiếu tiền thì bạn sẽ hiểu tầm quan trọng đôi khi chỉ của vài trăm nghìn đồng trong lúc thiếu thốn.
Thực ra rất khó để có đáp số chung cho tất cả các chuyến đi. Bạn nên hỏi ý kiến của những người đi trước nhưng nhìn chung nên chuẩn bị ít nhất 50-70 USD mỗi ngày (cho việc ăn uống và đi lại), đi kèm là thẻ tín dụng có thể thanh toán ở nước ngoài. Và ít nhất 2/3 số này phải được đổi bằng tiền nội tệ quốc gia đó, phòng trường hợp không thể tiêu hoặc đổi từ USD.
6. Di chuyển thế nào?
Câu này quá dễ đối với những dân du lịch chuyên nghiệp nhưng có thể làm khó với những ai đi bụi lần đầu. Câu trả lời chung đó là các phương tiện công cộng như bus, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao… bởi giá rẻ và có chỉ dẫn tiếng Anh. Các bến thường tập trung đông người nên khi bị lạc, bạn có thể dễ dàng hỏi những người xung quanh.
7. Mua sim điện thoại kiểu gì?
Việc đầu tiên khi xuống sân bay bạn nên làm chính là tìm mua sim, để liên lạc về cho gia đình cũng như liên lạc với những người trong đoàn một cách chủ động nhất. Hơn nữa, mua sim ở sân bay bạn sẽ được nhận nhiều ưu đãi đối với khách du lịch.
Ngoài ra, khi vào trung tâm thành phố, khi cần bạn có thể tìm tới các quầy tạp hóa, chuỗi cửa hàng tiện ích như 711 hay siêu thị để tìm mua.
8. Mua quà gì về?
Ngoài việc mua sắm cá nhân thì mua quà cho người thân cũng được nhiều người quan tâm, đặc biệt là với khách du lịch là nữ. Mỗi quốc gia lại có đặc sản riêng nhưng nhìn chung những món quà lưu niệm nhỏ nhắn, mang dấu ấn đất nước đó là phù hợp nhất bởi giá rẻ, không cồng kềnh, có thể mua được cho nhiều người mà lại rất ý nghĩa.
Ngoài ra, bạn cũng có thể mua theo gợi ý sau: đi Hàn Quốc thì mua mỹ phẩm, đi Thái Lan thì mua đồ handmade, đi Malaysia thì nên mua hàng hiệu (thuế suất thấp), đi Trung Quốc thì nên mua thuốc Đông y, đi Nhật Bản thì nên mua trà xanh hay bánh gạo… bởi những mặt hàng này dễ mua và khá nổi tiếng.
9. Giao tiếp thế nào?
Ở hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng hay nhà hàng, khách sạn đều có nhân viên nói được tiếng Anh. Để an tâm, bạn nên học một vài câu tiếng bản địa, hay mua sẳn cuốn cẩm nang ngôn ngữ bỏ túi dành cho khách du lịch hoặc tải sẵn các phần mềm dịch tiếng trước khi đi.
10. Khi gặp rắc rối thì tìm ai?
Tốt nhất vẫn là bạn có người quen ở nước sở tại, lấy địa chỉ và số điện thoại để gọi cho họ khi cần. Nếu không, khi gặp tình huống khó xử, bạn nên bình tĩnh, từ từ giải thích, tránh nôn nóng, dễ làm mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm.
Khi mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát, bạn nên yêu cầu gặp những người có thẩm quyền như bảo vệ, cảnh sát hay thậm chí là Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia đó để cầu cứu sự giúp đỡ.
Với những mẹo nhỏ trên, ATADI mong rằng bạn sẽ không ngại ngần nếu đi du lịch tự túc lần đâu nhé! Hãy mạnh dạn và đi thôi!
(Nguồn: ngoisao.net)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Các lưu ý đặt phòng khi du lịch tự túc Đông Nam Á
Những lý do khiến bạn nên du lịch vào tháng 8
Những bức ảnh chụp ở biển khiến bạn muốn “trốn” khỏi nắng nóng ngay lập tức
atadi.vn là website SĂN VÉ MÁY BAY GIÁ RẺ của các hãng bay trong nước & Đông Nam Á, giúp người dùng dễ dàng săn vé máy bay rẻ & nhanh nhất. SĂN VÉ RẺ ngay!