Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, không ít khách đi máy bay đã phải “than trời” vì mua nhầm vé giả.
Các hãng hàng không khuyến cáo khách hàng mua vé qua mạng nên tự đặt vé cho mình và không nên tham vé quá rẻ – Ảnh: Ngô Vinh
Ngoài nguyên nhân những kẻ chủ mưu lừa đảo quá tinh vi, cũng do một số người quá cả tin, tham vé rẻ nên dễ dàng lọt bẫy.
Mua nhầm vé giả
Hàng chục công nhân đã không thể về quê đón Tết chỉ vì mua nhầm vé máy bay giả. Chị Đặng Thị Đông (SN 1988) – một nạn nhân bị lừa đảo vé máy bay than thở, qua giới thiệu, chị đã liên hệ với người tên Hoàng Quốc Việt (SN 1989, quê huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên; tạm trú quận 12) để mua 5 vé máy bay với giá hơn 23 triệu đồng. Việt đã đưa cho chị một giấy CMND có công chứng và giao phiếu đặt chỗ với lời hẹn “trước giờ bay 2 ngày sẽ nhắn thêm một mã code mới, đó là vé chính xác”.
“Đến gần ngày về, tôi nhờ em gái lên trang chủ của hãng máy bay để kiểm tra mới tá hỏa vì phát hiện không tồn tại chuyến bay hoặc mã số là tên của người khác”, chị Đông nói.
Trước đó không lâu, hàng trăm du học sinh tại Úc cũng rúng động sau khi phát hiện vụ lừa đảo vé máy bay về nước dịp Tết Bính Thân. Cụ thể, nhiều du học sinh tại Sydney và Melbourne sau khi chuyển tiền mua vé từ một người có tài khoản Facebook là Vi Tran đã tá hỏa vì những tấm vé đó không có giá trị và người bán có tài khoản Facebook mang tên Vi Tran cũng mất tích.Chị Đông không phải là người duy nhất bị Việt lừa. Khá nhiều công nhân khác đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để “mua sự uất ức về mình”. Một nạn nhân khác của Việt là chị Nguyễn Thị Hồng quê Thanh Hóa cho biết, cũng đã hơi nghi ngờ vì “các đại lý khác có giá gấp đôi nhưng đều báo hết vé, riêng Việt giá vừa rẻ mà muốn mua ngày nào, đi giờ nào cũng có”.
Một nạn nhân chia sẻ: “Do được một số người bạn giới thiệu Facebook Vi Tran bán vé rẻ và cũng rất uy tín nên đã nhắn tin hỏi giá. Khi được thông tin là Hãng hàng không Vietnam Airlines đang sale (giảm giá) còn 1.000 USD vé khứ hồi, tôi gấp rút chuyển khoản mua luôn. Sau đó 2 ngày, Vi Tran gửi vé cho tôi, do ít đi máy bay nên tôi cũng không nghĩ đến việc check mã code, từ lúc nhận được vé tôi không liên lạc với cô ấy nữa. Cho đến khi biết thông tin Facebook Vi Tran lừa đảo, tôi mới gọi để kiểm tra vé và chỉ khi đó mới biết mình đã bị lừa, vé có tên nhưng chưa được xuất”.
Đại diện Vietnam Airlines sau đó đã khẳng định, Vi Tran không phải là đại lý chính thức có hợp đồng thương mại với hãng này. Phía cảnh sát Úc cũng cho rằng, việc mua bán giữa khách hàng với Vi Tran là các giao dịch dân sự giữa các cá nhân, không liên quan đến Vietnam Airlines. Cảnh sát khuyến cáo các nạn nhân đưa vụ việc ra cơ quan bảo vệ người tiêu dùng (Fair Trading) để đòi lại quyền lợi.
Tránh mua vé máy bay giả, cách nào?
Trao đổi với Báo Giao thông về tình trạng một số hành khách bị lừa mua vé máy bay giả xuất hiện thời gian qua, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, ông có nghe thông tin về việc vé máy bay giá rẻ, tuy nhiên chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ các hành khách.
Về cách thức lừa đảo để bán vé máy bay giả, ông Thanh cho rằng, những kẻ xấu có thể lợi dụng các chính sách bán vé của từng hãng khác nhau để lừa đảo. Cụ thể, lợi dụng chính sách hoàn vé của Vietnam Airlines (khách hàng không đi có thể hoàn vé với chi phí 600.000 đồng), kẻ xấu đã rao bán vé máy bay với giá rẻ (rẻ hơn giá mà hãng đưa ra) để đánh vào tâm lý của khách hàng là mua được vé giá hời. Thực tế, đối tượng lừa đảo vẫn đặt vé cho khách hàng theo đúng hành trình mà khách hàng đưa ra và thanh toán như bình thường. Khi khách hàng nhận vé, gọi điện lên hãng để kiểm tra thì được báo đã xuất vé đúng hành trình. Nhưng sau đó ít ngày, chúng sẽ gửi yêu cầu tới Vietnam Airlines để xin hoàn vé. Việc hoàn vé sẽ được chấp thuận ngay nếu như người yêu cầu hoàn vé chính là người đặt vé. Khách hàng không nhận được thông tin nào là vé máy bay của mình đã được hoàn vé. Chỉ đến khi đến sân bay làm thủ tục check-in mới biết được vé máy bay không còn hiệu lực.
Với các hãng hàng không Vietjet Air và Jetstar Pacific, các đối tượng lừa có thể lợi dụng chính sách đổi tên. Trong trường hợp này, vé vẫn là vé thật. Tuy nhiên, sau khi bán cho khách, đối tượng lừa đảo tiếp tục rao bán. Khi có khách mua, chúng sẽ gửi yêu cầu lên hãng tiến hành đổi tên. Cứ thế, với 1 chiếc vé, đối tượng có thể bán cho cả chục người. Được biết, mức phí mỗi lần đổi tên là 275.000 đồng cho chặng bay nội địa, điều kiện là thực hiện trước 3 giờ so với giờ khởi hành.
Để phòng tránh mua vé máy bay giả, đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar khi trao đổi với Báo Giao thông đều thống nhất quan điểm khách hàng nên mua vé của các đại lý chính thức, có danh sách trên website của mỗi hãng. Nếu mua vé ở các điểm bán không phải đại lý chính thức, nên xem thông tin kỹ trên vé như kiểm tra code vé bằng cách gọi trực tiếp lên hãng hàng không. Cùng đó, khách hàng cần lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé. Phiếu thu này được xem như một chứng từ, nên nếu xảy ra trục trặc, khách hàng có thể dùng giấy tờ này để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Đặc biệt, khách hàng cần cảnh giác với các lời chào mời mua vé lẻ trên mạng; Tự đặt vé cho chính mình và không nên tham vé máy bay quá rẻ. Nếu bạn nhận được những lời chào hàng về vé máy bay quá rẻ so với thông tin của hãng thì đừng vội đặt vé và kiểm tra lại vì có thể đó là một trò lừa đảo.
Cũng liên quan đến vấn đề vé giả, đại diện Vietnam Airlines khẳng định, chưa hề nhận được phản hồi hay khiếu nại trực tiếp nào từ phía khách hàng về việc mua phải vé giả. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua Vietnam Airlines đã tích cực phối hợp với cơ quan Công an để điều tra một số trường hợp các đại lý không thuộc hệ thống đại lý chính thức của Vietnam Airlines có hành vi bán vé giả. |
Theo: Thanh Bình, baogiaothong.vn