Những bức ảnh, tranh vẽ về Sài Gòn từ khi người Việt đến khai hoang cho tới ngày nay được trưng bày, khái quát sự phát triển của thành phố.
Từ ngày 27/6, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) diễn ra triển lãm ảnh “Sài Gòn – TP HCM hơn 320 năm văn hóa, lịch sử”. Hoạt động nhằm kỷ niệm 44 năm ngày Sài Gòn – Gia Định được đổi tên Thành phố Hồ Chí Minh (2/7/1976 – 2/7/2020).
Khoảng 100 bức ảnh triển lãm cho thấy sự phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế và đô thị của thành phố từ khi hình thành đến giai đoạn đổi mới và hiện nay. Những bức ảnh được sắp xếp theo chủ đề như: Dấu ấn Sài Gòn xưa, Hào khí Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, TP HCM đổi mới phát triển và hội nhập…
Trong chủ đề Dấu ấn Sài Gòn xưa là những bức tranh vẽ cảnh con người, làng nghề, nếp sinh hoạt… của vùng đất Sài Gòn – Gia Định thời kỳ đầu, khi người Việt mới đặt chân đến khai hoang cách đây hơn 300 năm.
Trong ảnh là tranh vẽ trang phục của những lưu dân người Việt trong thế kỷ 17 – 18 theo quan quân chúa Nguyễn vào khai khẩn, lập ấp vùng đất phương Nam.
Tranh vẽ cảnh sĩ tử lều chõng tại trường thi Gia Định trong thế kỷ 19. Trường thi này ngày nay tương ứng với khu vực của Nhà văn hóa Thanh niên trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1).
Một bữa cơm của gia đình người Sài Gòn trong thế kỷ 19.
Công trình kiến trúc nổi bật của Sài Gòn là nhà thờ Đức Bà, được người Pháp xây năm 1877, thu hút nhiều du khách tham quan mỗi ngày. Sau hơn trăm năm tồn tại, nhà thờ vẫn nguyên vẹn, giữ được nét đẹp riêng độc đáo.
Dinh Norodom xây dựng năm 1868 đã không còn nữa vì bị ném bom năm 1962. Do không thể phục hồi nên công trình được xây mới tại vị trí cũ, mang tên Dinh Độc Lập do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Tòa nhà này hiện mang tên Hội trường Thống Nhất, là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của Sài Gòn.
Những bức không ảnh chụp trung tâm Sài Gòn – TP HCM từ thời Pháp và ngày nay cho thấy sự phát triển của thành phố sau một thế kỷ. Khu vực này tương ứng với quận 1 hiện nay.
Con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đoạn chảy qua cầu Kiệu trong ảnh chụp năm 1955 và hiện nay. Kênh dài khoảng 10 km, những năm 1980 bị ô nhiễm nặng, khu ổ chuột mọc lên san sát bờ. Hiện nay kênh đã được cải tạo, làm bờ kè, công viên dọc hai bờ, không còn cảnh ô nhiễm như trước.
Khu vực Chợ Lớn trong không ảnh chụp khoảng năm 1950 và hiện nay với công trình nổi bật là chợ Bình Tây. Chợ Lớn do cộng đồng người Hoa xây dựng từng một thời là thành phố bên cạnh Sài Gòn. Từ khi hình thành, Chợ Lớn vẫn phát triển sầm uất cho đến ngày nay.
Chiếc xe tăng tiến vào cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 đánh dấu kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước. Một năm sau sự kiện lịch sử này, Quốc hội quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn thành TP HCM.
Người dân Sài Gòn tham quan đường hoa Nguyễn Huệ được tổ chức lần đầu tiên năm 1981, sau ngày đất nước thống nhất. Nhiều năm qua, mỗi dịp Tết Nguyên đán, đường hoa đều được tổ chức, tạo thành nét văn hóa riêng của thành phố.
45 năm qua, TP HCM dần phát triển, là thành phố lớn nhất cả nước. Trong ảnh là khu vực quận 2 và Bình Thạnh, cách nhau bởi con sông Sài Gòn; nổi bật với công trình Landmark 81, cao 461 m, là tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Triển lãm diễn ra đến ngày 22/7; ngoài ra còn có các hoạt động khác như văn nghệ, trưng bày áo dài, trò chơi dân gian, trưng bày tiểu cảnh làng nghề… trên phố đi bộ.
Nguồn: vnexpress.net