Không chỉ riêng Việt Nam, Tết Trung thu còn có ở nhiều nước châu Á khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… Tết Trung thu đã trở thành lễ hội truyền thống lớn, được tổ chức rầm rộ mỗi năm với những bản sắc và phong tục riêng.
1. Tết Trung thu ở Việt Nam
Tết Trung thu thường diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm, khi mặt trăng tròn và sáng nhất.
Tết Trung thu ở Việt Nam là một trong những lễ hội cổ truyền được người dân tổ chức rầm rộ nhất. Ngày lễ này thường được coi là “tết của thiếu nhi”, vì vậy người lớn thường mua nhiều đồ chơi tặng cho con, cháu mình như: mặt nạn, đèn ông sao, đèn lồng, trống, đầu sư tử, ông tiến sĩ giấy… để chơi trong đêm trăng rằm.
Bên cạnh đó, người ta còn tổ chức múa lân (múa sư tử) trong tiếng trống huyên náo tạo nên không khí Trung thu tưng bừng. Đoàn múa lân gồm nhiều em nhỏ đi đến trước cửa từng nhà trong thôn, xóm để trình diễn những điệu múa đẹp mắt. Sau đó, chủ nhà thưởng cho đoàn múa lân một chút tiền lẻ để lấy may mắn.
Trong ngày Tết Trung thu, trẻ em sẽ được phá cỗ đêm trăng ở gia đình hoặc khu xóm và tham gia chương trình văn nghệ sôi động, vui nhộn. Vào dịp này, người nông dân sẽ gác lại các công việc đồng áng của mình để cùng nhau đón trăng, người lớn chúc nhau những lời hay ý tốt, cùng chuẩn bị mâm cỗ đón trăng.
Mâm cỗ cúng trăng truyền thống trong ngày Tết Trung thu ở Việt Nam gồm 5 loại hoa quả tượng trưng cho ngũ hành trong trái đất, bánh nướng, bánh dẻo với nhiều hương vị khác nhau. Bánh nướng, bánh dẻo là 2 loại bánh đặc trưng của Tết Trung thu ở Việt Nam, có hình tròn hoặc hình vuông tượng trưng cho đất trời hay sự viên mãn sung túc. Bánh nướng có vỏ ngoài vàng óng, còn bánh dẻo lại trắng ngà với mùi thơm đặc trưng của từng hương vị. Những miếng bánh ngọt được thưởng thức với trà xanh, thường là trà đặc – một trong những thức uống yêu thích của người Á đông.
Trước đây, trong mâm cỗ trung thu của trẻ em nông thôn Việt Nam không thể thiếu quả bưởi. Bưởi được bóc múi tạo hình thù ngộ nghĩnh bày trên mâm cỗ cúng trăng. Còn vỏ bưởi được trẻ em đặt trên đầu vì tin rằng sẽ giúp xua đi những điều không may, không tốt lành trong nửa năm vừa qua.
2. Tết Trung thu ở Hàn Quốc
Tết Trung thu ở Hàn Quốc được gọi là Chusok, theo nghĩa đen là đêm mùa thu, là đêm trăng rằm đẹp nhất trong năm. Trước kia Chuseok diễn ra vào mùa thu – mùa của sự thu hoạch. Do đó, ngày lễ này còn mang ý nghĩa hội mùa. Vào ngày này, người Hàn sử dụng các sản phẩm mới gặt hái được như thịt, cá, rau, hoa quả, bánh gạo… để chế biến các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên.
Sau này, Chuseok càng mang nhiều ý nghĩa hơn. Nó không chỉ là lễ hội thu hoạch mà còn là ngày lễ tưởng nhớ những người đã khuất, là ngày sum họp đoàn tụ gia đình. Ngày nay, Chuseok được coi là dịp lễ tạ ơn ở Hàn – là ngày mà mọi người bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên.
Ngày hội Chuseok (Tết Trung thu ở Hàn Quốc) kéo dài trong 3 ngày, là khoảng thời gian mọi người nghỉ ngơi và quanh quần bên gia đình, dù con cái ở xa cũng phải quay về đoàn tụ cùng cha mẹ. Trong ngày lễ Chuseok, trẻ em cũng mặc trang phục truyền thống như người lớn, được vui chơi và ăn bánh trung thu.
Bánh trung thu ở Hàn Quốc có kiểu dáng và cách làm hoàn toàn trái ngược với bánh trung thu ở Việt Nam. Bánh trung thu Hàn Quốc gọi là Songpyeon, có hình trăng khuyết hoặc hình bán nguyệt chứ không phải hình tròn hoặc vuông như bánh trung thu ở nhiều nước châu Á.
Vì người Hàn Quốc cho rằng, trăng phải có lúc tròn lúc khuyết giống như cuộc đời của con người luôn luôn biến đổi để đạt tới sự hoàn mỹ. Nguyên liệu để làm bánh Songpyeon khá đơn giản gồm bột gạo, đậu xanh, đường và quan trọng nhất là lá thông. Ngoài màu trắng truyền thống, bánh còn được biến tấu với màu hồng, xanh đậm, vàng,…
3. Tết Trung thu ở Trung Quốc
Tết Trung thu ở Trung Quốc đã có từ thời Đường Huyền Tông, vào đầu thế kỷ thứ 8. Trong ngày tết này, lúc đầu người Trung Quốc chỉ uống rượu thưởng trăng nên còn gọi là Tết ngắm trăng.
Sau này, Trung thu là tết đoàn viên vì người Trung Quốc rất xem trọng sự sum họp của gia đình trong dịp này. Vào Trung thu, những người thân trong gia đình đều trở về quây quần bên mâm cơm, cùng trò chuyện và tận hưởng không khí sum họp vui vầy.
Bánh mooncake là loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu ở Trung Quốc. Bánh thường mang hình tròn tượng trung cho sự đoàn viên, viên mãn. Bánh Trung thu ở Trung Quốc gần giống với bánh trung thu ở Việt Nam. Lớp bánh làm mỏng, trong nhân sen, đậu xanh hoặc trứng muối, được nướng và thưởng thức khi bánh chín vàng đều.
Trong ngày này, trẻ em Trung Quốc cũng được tham gia các đoàn múa lân, rước đèn vui nhộn như ở Việt Nam.
4. Tết Trung thu ở Nhật Bản
Otsukimi, nghĩa là “ngắm trăng”. Lễ hội truyền thống này được du nhập vào Nhật từ 1.000 năm trước. Đối với người dân đất nước mặt trời mọc, đây là lễ hội nhằm tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm trăng tròn nhất.
Nhật Bản không còn sử dụng lịch âm, nhưng Tết Trung thu hàng năm vẫn được tổ chức rầm rộ. Trong dịp lễ, người Nhật vừa ngắm trăng tròn, vừa thưởng thức những món ăn truyền thống, đặc biệt là bánh Tsukimi dango – bánh nếp nhỏ xinh và tròn trịa tượng trưng cho vầng trăng trên trời.
Tsukimi dango giống như bánh trôi nước, nhưng được nướng sơ qua cho nóng giòn. Khi ăn bánh, người ta thường thêm chút mật đường ngọt lịm lên trên. Bánh luôn được đặt trang trọng trên một chiếc kệ nhỏ ngay hiên nhà, thích hợp cho việc vừa ngắm trăng vừa nhâm nhi. Bên cạnh nhân vật chính là Tsukimi dango, lễ Trung Thu ở Nhật còn có sự góp mặt của khoai lang, hạt dẻ, các loại mì như soba, ramen…
Trong ngày Tết Trung thu ở Nhật Bản, trẻ em cũng được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn lồng cá chép để tham gia vào hội rước đèn. Đèn lồng cá chép ở Nhật tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai.
5. Tết Trung thu ở Singapore
Tết Trung thu ở Singapore là thời điểm lý tưởng để mọi người gửi những lời chúc, món quà may mắn tới người thân, bạn bè và đối tác kinh doanh. Một trong những món quà được sử dụng nhiều nhất là bánh Trung thu.
Bánh trung thu ở Singapore có hình dáng khá giống với bánh trung thu ở Việt Nam nhưng hương vị thì hoàn toàn khác. Singapore có nhiều loại bánh trung thu khá lạ như bánh dẻo nhân trà xanh hay bánh nướng nhân bí đỏ, nhân sầu riêng. Bánh dẻo không còn giữ màu trắng truyền thống nữa mà được biến tấu với đủ loại màu sắc.
Tết Trung thu ở Singapore mang đậm màu sắc Tết Trung thu Trung Quốc. Khu phố người Hoa ở Singapore năm nào cũng là nơi tổ chức Tết Trung thu khá vui nhộn. Tại đây, người ta bán đèn lồng và các vật dụng liên quan đến ngày Trung thu. Thông thường, hoạt động này được tổ chức trước đó hàng tháng trời.
6. Tết Trung thu ở Malaysia
Người Malaysia cũng thường làm bánh Trung thu trong ngày rằm tháng 8 và thắp đèn lồng để đón mừng Tết Trung thu. Trong suốt mùa Trung thu ở Malaysia, bánh Trung thu được bày bán ở khắp nơi. Cùng với đó là các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa sôi động như múa lân, múa sư tử tạo nên không khí tưng bừng ở trên các đường phố.
7. Tết Trung thu ở Thái Lan
Tết Trung thu ở Thái Lan được gọi là “lễ cầu trăng”, tổ chức vào đúng ngày 15/8 âm lịch. Trong đêm Trung thu ở Thái, tất cả già trẻ gái trai đều phải tham gia lễ cúng trăng, mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất.
Phía trên bàn thờ sẽ bày quả đào và bánh Trung thu. Người Thái tin làm vậy Bát Tiên sẽ giúp mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người.
Bởi vậy, bánh Trung Thu ở Thái Lan có hình dạng giống quả đào. Trong ngày này, người Thái cũng thường ăn bưởi – loại quả tượng trưng cho sự viên mãn, xum vầy và ngọt ngào.
8. Tết Trung thu ở Campuchia
Tết Trung thu ở Campuchia diễn ra muộn hơn hẳn so với các nước châu Á khác. Người Campuchia thường tổ chức “lễ hội trăng rằm” vào ngày 15/10 âm lịch. Lễ hội này thường được gọi là lễ hội Ok Om Pok, thường được tổ chức vào ban đêm với các lễ vật như cốm dẹp, chuối, khoai, mía, súp sắn…
Sáng sớm, người Campuchia sẽ tổ chức “bái nguyệt tiết” (lễ hội vái lạy trăng) truyền thống với lễ vật cúng nguyệt, gồm hoa tươi, súp sắn, gạo dẹt, nước mía.
Buổi tối, mọi người đặt đồ cúng vào khay, đem để trên một chiếc chiếu lớn trước, thảnh thơi ngồi chờ trăng lên. Khi mặt trăng nhô lên đầu cành cây, mọi người thành tâm bái nguyệt, cầu xin ban phước. Bái nguyệt xong xuôi, người già lấy gạo dẹt nhét vào miệng của trẻ con, nhét cho đến lúc không thể nào nhết vào được nữa mới thôi. Đây là hoạt động để cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình.
Trong lễ hội, người Campuchia cũng thường tổ chức cuộc thi thả đèn gió. Đèn gió bay lên cao tượng trưng cho những ước vọng, niềm tin của người thả gửi tới thần mặt trăng, để cầu mong viên mãn.
9. Tết Trung thu ở Lào
Tết Trung thu ở Lào được gọi là “nguyệt phúc tiết” (lễ hội trăng phước lành). Vào ngày này mọi người dân Lào, bất kể già trẻ, gái trai đều ngắm trăng, thưởng nguyệt. Lúc hoàng hôn buông xuống, các chàng trai cô gái nhảy múa hát ca thâu đêm.
10. Tết Trung thu ở Myanmar
Tết Trung thu ở Myanmar còn gọi là “Lễ trăng tròn” hay “Tiết quang minh”. Đêm rằm, nhà nhà đều thắp đèn lồng để thành phố sáng rực, ánh sáng chiếu rọi khắp mọi nơi. Mọi người cũng thường xem biểu diễn kịch, nhảy múa, xem phim và nhiều hoạt động vui chơi náo nhiệt khác trong đêm lễ hội này.
11. Tết Trung thu ở Philippines
Cũng giống Singapore, Tết Trung thu ở Philippines thường được tổ chức và lưu truyền bởi những người gốc Hoa sinh sống và làm việc tại nước bản địa. Trong ngày Tết Trung thu, người gốc Hoa sống ở Philippines thường làm bánh trung thu rồi chia sẻ cho tất cả người thân, bạn bè và hàng xóm của mình.
Bánh trung thu ở Philippines thường được gọi là Hopia (bánh nướng ngon), gồm nhiều “phiên bản” như hopiang mungo (bán nướng đậu xanh), hopiang baboy (bánh nướng thịt heo), hopiang Hapon (Bánh nướng Nhật Bản), hopiang ube (bánh nướng khoai lang tím)…
Ngoài ra, trong ngày tết ngắm trăng, người Philippines tham gia vào một trò chơi có tên là Xúc xắc trung thu.
12. Tết Trung thu ở Triều Tiên
Tết Trung thu ở Triều Tiên còn gọi là “Thu tịch tiết” (lễ hội đêm Thu). Món bánh truyền thống của người Triều Tiên trong dịp này này bánh nướng xốp (muffin). Mọi nhà đều hấp bánh này và biếu tặng cho nhau.
Bánh muffin nướng xốp giống như bán nguyệt- nửa vầng trăng, làm từ bột gạo, bên trong là nhân đậu, mứt, táo,…Vì lúc hấp, đệm lót có sự giãn nở nên có tên gọi như vậy.
Lúc trời bắt đầu tối cũng là lúc người Triều Tiên cùng nhau ngắm trăng. Dưới ánh trăng rằm, họ chơi kéo co, vật hoặc biểu diễn ca múa. Còn các cô gái trẻ sẽ diện bộ trang phục đẹp nhất để tham gia ngày hội.
(Nguồn: timeoutvietnam)
Có thể bạn quan tâm:
Những điểm du lịch Việt Nam hấp dẫn mùa cuối thu
Ngước nhìn vẻ đẹp của thành phố mộng mơ
atadi.vn là website SĂN VÉ MÁY BAY GIÁ RẺ của các hãng bay trong nước & Đông Nam Á, giúp người dùng dễ dàng săn vé máy bay rẻ & nhanh nhất. SĂN VÉ RẺ ngay!