Nguyên tắc của Jules, kiểm soát viên không lưu, là ai đến trước, phục vụ trước, máy bay đôi khi phải bay lượn vòng để đợi hạ cánh.
Jules Tarr, 52 tuổi, là một kiểm soát viên không lưu tại sân bay Heathrow của London, Anh. Cô đã có 27 năm gắn bó với nghề. Nơi làm việc của Jules là trong tháp điều khiển Heathrow, một nơi yên tĩnh nhưng lúc nào cũng bận rộn và đầy áp lực.
Jules cho biết, đó cũng là lý do nhiều người khi đến thăm nơi làm việc của cô cảm thấy thất vọng. “Họ nghĩ rằng, trung tâm kiểm soát không lưu sẽ là một nơi ồn ào và chúng tôi làm việc với những mẩu thuốc lá gắn trên môi”.
Mỗi ca của Jules Tarr thường kéo dài 1-1,5 tiếng và nghỉ bắt buộc 30 phút để có đủ minh mẫn hướng dẫn phi công bay an toàn. Hiện Jules sống với chồng ở Cotswolds. Ảnh: Heathrow. |
Heathrow là một trong những cảng hàng không đông đúc nhất thế giới. Mỗi ngày, nơi đây tiếp đón khoảng 1.300 chuyến bay cất và hạ cánh. Do đó, công việc của các kiểm soát viên không lưu ở đây luôn bận rộn.
Tuy vậy, hiếm ai ngồi trong căn phòng chỉ huy này cảm thấy lo lắng về công việc đầy áp lực và đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối này. Jules cho biết, cô không còn nhớ cái ngày mà cô cảm thấy lo lắng khi hướng dẫn phi công.
Lý giải điều này, Jules cho biết mọi người đều đã được huấn luyện rất tốt. Mỗi giờ, cô tiếp nhận rất nhiều yêu cầu chỉ đường của các phi công đang làm nhiệm vụ và phải nhanh chóng hướng dẫn họ di chuyển một cách nhanh chóng và an toàn nhất. “Bạn không thể có suy nghĩ một phút nào đó mình đưa ra chỉ dẫn sai. Đó không phải là tâm lý của một người làm nghề kiểm soát không lưu”, Jules cho biết.
Tháp Heathrow – nơi làm việc của 3 đội kiểm soát không lưu. Một đội chuyên hướng dẫn phi công cất cánh, một đội chuyên hướng dẫn hạ cánh và đội còn lại làm nhiệm vụ xử lý các hoạt động dưới mặt đất. Ảnh: Heathrow. |
Dù mỗi ngày phải chỉ dẫn cho một lượng lớn máy bay, Jules vẫn không bị rối. Nguyên tắc của cô là ai đến trước, phục vụ trước. Các máy bay khi tới sân bay sẽ đứng chờ ở trên không và được Jules hướng dẫn bay lượn vòng đợi hạ cánh.
Thông thường, các phi công sẽ liên lạc với Jules khi máy bay của họ còn cách Heathrow khoảng 16-24 km. Họ sẽ chào hỏi nhau một cách lịch sự và ngắn gọn. Sau đó, phi công thông báo về việc họ đang ở trên đường băng số bao nhiêu. Việc của Jules là tiếp tục chỉ dẫn phi công tiến tới gần mục tiêu và hạ cánh, hoặc là bay vòng trên không để chờ đợi đến lượt. Sau khi phi công hạ cánh an toàn xuống mặt đất, Jules sẽ chuyển tiếp họ sang bộ phận kiểm soát dưới mặt đất để được hỗ trợ tiếp.
Sân bay Heathrow luôn nằm trong danh sách top các sân bay bận rộn nhất thế giới. Ảnh:Heathrow. |
Đôi khi, giữa Jules và các phi công quen cũng trò chuyện ngắn với nhau trước khi hạ cánh. Trước đây, cô từng làm trong Không lực Hoàng gia. Một số phi công hiện lái máy bay thương mại, trước đây cũng làm chung với Jules và họ biết nhau. Do đó, với những người quen này, các phi công sẽ chào cô một cách thân thiện như “Chào Jules” (Hi, Jules) thay vì “Good morning” (chào buổi sáng).
Tuy nhiên, dù quen biết, kiểm soát viên không lưu và phi công cũng không thể “buôn” chuyện trong khi làm nhiệm vụ. Vì vậy, Jules chỉ đáp lại ngắn gọn bằng hai từ “xin chào”. “Chúng tôi phải tuân theo các cụm từ chuẩn của mình”, nữ kiểm soát không lưu cho biết.
Dứt khoát trong công việc nhưng ngoài đời, Jules không phải người khô khan. Khi là một hành khách, cô cũng thường trò chuyện với phi hành đoàn để hiểu hơn về lý do máy bay thường hạ cánh trễ.
Jules thừa nhận rằng, lý do khiến nhiều chuyến bay bị trễ so với giờ quy định là do kiểm soát viên không lưu bắt phi công đợi. “Thỉnh thoảng, có phi công cũng gọi cho chúng tôi và nói họ vừa bị trễ 10 phút do kiểm soát không lưu chưa kịp hướng dẫn. Tuy nhiên, việc này không xảy ra thường xuyên”.
Theo Jules, với những ai mong muốn được làm nghề này, cánh cửa của tòa tháp tại sân bay Heathrow luôn rộng mở. Nếu bạn chịu được áp lực và làm việc nghiêm túc, bạn hoàn toàn có cơ hội kiếm được khoảng 135.000 USD mỗi năm từ nghề này.
Nguồn: vnexpress.net