Một nhà lãnh đạo “kiêng” kỳ nghỉ không những tạo căng thẳng cho bản thân mà còn là áp lực vô hình cho đồng nghiệp. Tảng lờ nhu cầu nghỉ ngơi không chỉ là một chiến lược tồi mà còn đi kèm chi phí cơ hội rất đắt.
Sau đây là chia sẻ của Tiến sĩ Ron Friedman trên Harvard Business Review giải thích tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi và du lịch.
Trong thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hiệu suất giảm nhanh chóng khi người lao động làm việc trong quãng thời gian dài mà không được nghỉ ngơi. Chúng ta biết rằng các nhân viên làm việc quá sức dễ bị thay đổi tâm trạng, bốc đồng khi ra quyết định, và kém tập trung. Họ vô cảm với đồng nghiệp, và tệ hơn, họ dễ sinh ra tiêu cực – một sự tiêu cực dễ lây lan.
Có rất nhiều lý do chỉ ra rằng cái giá của việc đánh mất sức khỏe tinh thần và thể chất sẽ nhân lên gấp bội khi nạn nhân là nhà quản lý. Không phải chỉ vì tâm trạng và quyết định của họ ảnh hưởng đến nhiều người, mà họ còn tạo ra một văn hóa doanh nghiệp “không có ngày lễ”.
Như tôi mô tả trong một cuốn sách mới Khoa học xây dựng Doanh nghiệp vĩ đại, những yếu tố văn hóa tổ chức hầu như có ít mối liên hệ với sứ mệnh hay mục tiêu doanh nghiệp. Ngược lại, nó được quyết định bởi các nhà quản lý cấp cao. Con người đã tiến hóa với bản năng tập theo những cá nhân xung quanh, đặc biệt những người giữ vai trò lãnh đạo. Những nhà quản lý tốt đều là những người có hành vi ảnh hưởng lớn tới mọi người xung quanh.
Khi một nhà lãnh đạo “kiêng” kỳ nghỉ, họ đang tự tạo căng thẳng cho bản thân, và tạo nên một áp lực vô hình tương tự cho đồng nghiệp.
Có rất nhiều những bằng chứng thuyết phục khẳng định rằng những trải nghiệm mới khi đi du lịch sẽ tăng khả năng tập trung, giúp suy nghĩ trở nên mạch lạc và tạo nguồn cho những cảm hứng mới mẻ. Một nghiên cứu thực hiện bởi NASA chỉ ra rằng, chỉ sau một kỳ nghỉ kéo dài vài ngày, thời gian phản ứng trước thông tin mới tăng lên tới 80%.
Những nghiên cứu về sáng tạo chỉ ra rằng việc đi ra ngoài trời và du lịch nước ngoài là một trong những phương pháp hiệu quả tìm kiếm được phương pháp sáng tạo. Nói một cách đơn giản, bạn sẽ có thể có nhiều ý tưởng đột phá trong khi lang thang trên bãi biern ở St.Martin hơn là đang gõ bàn phím tại phòng làm việc.
Ngoài ra kỳ nghỉ còn mang lại nhiều cảm giác thỏa mãn trong cuộc sống. Năm ngoái, hãng nghiên cứu Gallup đã chỉ ra rằng tần suất đi du lịch tỷ lệ thuận với sự giàu có tinh thần và vật chất (well-being) hơn là số tiền bạn kiếm được. Cụ thể, những người du lịch thường xuyên với thu nhập 24.000 USD cảm thấy hạnh phúc hơn so với những người với thu nhập cao hơn 5 lần nhưng ít đi du lịch.
Du lịch còn đó có tác động tới chúng ta lớn hơn thế. Nó còn ảnh hưởng tới cách mà chúng ta suy nghĩ về công việc. Theo một bản điều tra của Nielsen, hơn 70% số người thường xuyên đi du lịch cảm thấy hài lòng với công việc. Con số này là 46% đối với người ít đi du lịch.
Tại sao những kỳ nghỉ lại ảnh hưởng lớn tới chúng ta tới vậy? Đó là vì nó không chỉ giúp con người tách khỏi căng thẳng công việc, mà còn giúp chúng ta chia sẻ thời gian với người thân và bạn bè. Nó chính là phần thưởng cho công việc.
Trước những lợi ích của kỳ nghỉ, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần coi số ngày nghỉ bị bỏ qua tỷ lệ nghịch với sức khỏe văn hóa doanh nghiệp. Đây chính là thước đo trình độ quản lý của công ty.
Bằng cách nào chúng ta có thể thay đổi được xu hướng không đi nghỉ hiện nay? Làm sao chúng ta có thể giúp mọi người có một cảm giác tốt khi đi du lịch? Động viên nhà quản lý để họ làm hình mẫu là một chiến lược hay, nhưng chưa đủ. Một nền kinh tế vừa trải qua khủng hoảng đã tạo ra rất nhiều nhân viên hiếm khi đi nghỉ, dù chỉ trong vài ngày.
Có nhiều công ty áp dụng chiến thuật thưởng tiền cho nhân viên khuyến khích họ đi nghỉ. Công ty RAND, không trả lương bình thường cho nhân viên khi họ đi nghỉ mà họ thưởng thêm thời gian và một nửa lương. Hiệp hội du lịch Mỹ (UTA) tạo trò chơi xổ số trị giá 500 USD. Để có đủ tư cách chơi, người tham gia phải sử dụng hết kỳ nghỉ của họ.
Còn hãng công nghệ Mỹ, FullContact đã áp dụng một chính sách mà họ sẽ thưởng cho người lao động 7.500 USD nếu họ đi du lịch cùng người nhà. Nhưng nếu họ phát hiện nhân viên mở bất cứ một email công việc nào, nhân viên đó sẽ phải hoàn toàn bộ số tiền cho công ty.
Tại sao những chính sách này lại hào phóng đến như vậy. Đó là do có ngày càng nghiều công ty nhận thức được rằng khi đi du lịch nhân viên của mình sẽ tái tạo nguồn năng lượng và tiếp tục làm việc hiệu quả hơn. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà du lịch không còn là một thứ quá xa xỉ. Chúng thực sự đóng vai trò quan trọng cho sự sáng tạo, năng suất làm việc và sự gắn bó của mỗi người.
(Nguồn: VnExpress)
Có thể bạn quan tâm:
Những lợi ích của việc đi du lịch
6 lời khuyên “vàng” khi sắp đi du lịch
Những kinh nghiệm giúp bạn thành một khách du lịch đạt chuẩn
atadi.vn là website SĂN VÉ MÁY BAY GIÁ RẺ của các hãng bay trong nước & Đông Nam Á, giúp người dùng dễ dàng săn vé máy bay rẻ & nhanh nhất. SĂN VÉ RẺ ngay!