Ở nước Anh có một nơi nhiều máy bay được đưa đến để xử lý khi hết hạn sử dụng. Đó là một căn cứ cũ của không lực hoàng gia, nằm trong địa hạt Gloucestershire ở miền Tây Nam, lọt giữa vùng nông thôn của Anh.
Chiếc máy bay “về hưu” có những bộ phận có giá trị bất ngờ và đôi lúc ta còn có thể tìm được thứ tài sản khác thường nào đó bị thất lạc, chẳng hạn chiếc ví có chứa 600 USD của viên cơ trưởng mất cách nay gần 1 thập kỷ. “Các động cơ và các bộ phận có giá trị cao hơn khi được tháo gỡ hơn là cố bán nó như là một phần của cỗ máy biết bay” – ông Mark Gregory, nhà sáng lập Công ty Air Salvage International, chuyên tháo dỡ các máy bay hành khách không còn sử dụng nữa tại khu vực nói trên.
Đội ngũ Công ty Air Salvage International tháo gỡ từng bộ phận chiếc máy bay “nghỉ hưu”
Ảnh: BBC
Mỗi năm, khoảng 50-60 máy bay hành khách thực hiện chuyến bay cuối cùng đến đó. Khi máy bay hạ cánh, cựu kỹ sư hàng không Gregory và đội ngũ của ông bắt tay tháo gỡ mọi bộ phận. “Khoảng 80%-90% giá trị của một chiếc máy bay nằm ở trong các động cơ. Khi tháo gỡ động cơ xong, chúng tôi mới đụng đến các bộ phận có giá trị khác ở phần khung máy bay” – ông Gregory cho biết. Quá trình này mất khoảng 8 tuần đối với loại máy bay thân hẹp như Boeing 737 hoặc Airbus A320. Đối với những máy bay khổng lồ Boeing 747 hoặc 777, thời gian xử lý phải mất đến 10-15 tuần.
Tuy nhiên, việc rút hết nhiên liệu vào một bể chứa lớn là thao tác phải làm trước khi tháo gỡ bất cứ bộ phận nào. Sau đó, người ta sử dụng các cần trục để tháo rời các động cơ ra trước khi bơm vào đó một chất bảo quản lỏng. Kế tiếp, người ta bọc kỹ động cơ lại bằng nhựa dẻo trong lúc nó chờ đợi một “bến đỗ” mới.
Đây là công việc hái ra tiền. Mỗi động cơ lấy từ chiếc Boeing 777 20 tuổi có thể đem về khoảng 2,35 triệu bảng. Thị trường có nhu cầu cao về những động cơ cũ này. Chúng thường được tái sử dụng trên chiếc máy bay “trẻ” hơn hoặc được hãng hàng không mua về để thay thế động cơ bị hư hỏng. Giá một động cơ mới cho chiếc Boeing 777 có thể lên tới 24 triệu bảng.
Các bộ phận có giá trị khác của phần khung máy bay gồm: thiết bị hạ cánh, bộ phận năng lượng phụ trợ (là một tuốc-bin ở phía sau máy bay có tác dụng cung cấp năng lượng cho các hệ thống điện), một số thiết bị điện tử hàng không, hệ thống điều hòa không khí và cầu trượt thoát hiểm. “Cuối cùng, chỉ còn lại thân máy bay. Chúng tôi có thể bán nhiều bộ phận trên sàn máy bay cho các trường huấn luyện bay. Thậm chí có những người muốn mua cửa máy bay và ghế ngồi trên máy bay” – ông Gregory nói thêm với đài BBC.
Thị trường ghế máy bay đã qua sử dụng cũng phát triển mạnh – ghế hạng phổ thông giá vài trăm bảng, còn ghế khoang hạng nhất trị giá hàng ngàn bảng. Người ta mua về để hỗ trợ công tác huấn luyện tiếp viên hàng không, sử dụng trong phòng chiếu phim hoặc do đam mê kỳ lạ của người nào đó.
Khắp thế giới, khoảng 400-600 máy bay thương mại được tháo rời mỗi năm, tạo ra khoảng 30.000 tấn nhôm, 1.800 tấn hợp kim, 1.000 tấn sợi carbon và 600 tấn các bộ phận khác. Con số này có thể còn tăng khi theo Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO), có đến 18.000 máy bay nhiều khả năng “về hưu” trong vòng 13 năm tới, dẫn đến thách thức không nhỏ trong việc xử lý chúng.
Nguồn: nld.com.vn