Bị ảnh hưởng nặng và gánh vác trách nhiệm lớn vì dịch covid-19, các hãng hàng không liên tục đề nghị cơ quan quản lý miễn giảm thuế, phí. Một chiếc máy bay cất cánh đang phải gánh hơn 20 loại phí (còn gọi là giá dịch vụ).
Người tiêu dùng cũng có thể hưởng lợi nếu được giảm các loại phí này và giảm độc quyền.
Phí chục ngàn tỉ
Tuần trước, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng với lãnh đạo các tập đoàn lớn ở Việt Nam, ngoài lắng nghe đề xuất các giải pháp cho nền kinh tế, người đứng đầu Chính phủ còn chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương xem xét miễn giảm thuế, phí cho các hãng hàng không.
Thông thường, phí là những khoản đóng góp rất nhỏ so với nghĩa vụ thuế. Phải chăng các hãng đang ngửa tay xin từng “củ dưa hành”?
Không phải vậy. Chuyên gia hàng không, TS Lương Hoài Nam cho biết hàng không có nhiều loại phí, trong đó có những khoản phí rất lớn.
Theo thông tư số 53/2019 của Bộ GTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định.
Trong đó có 5 loại dịch vụ do Nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá.
Ước tính sơ bộ, tổng nộp 16 loại phí nói trên của các hãng hàng không lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Chẳng hạn, phí phục vụ tại nhà ga năm 2019 lên tới hơn 10.000 tỉ đồng, phí cất hạ cánh không dưới 2.000 tỉ đồng, phí điều hành bay trên 1.500 tỉ đồng, hay phí đỗ máy bay cũng lên tới hàng chục tỉ đồng/năm…
Các hãng hàng không phải nộp 16 loại phí này cho 3 đơn vị đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.
Ngoài 16 khoản phí trên, các hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không, như phí thuê quầy bán vé giờ chót; phí thuê quầy hành lý thất lạc; phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng; phí thuê kho; phí sử dụng thiết bị đầu cuối (cute)…
Tính chung một chiếc máy bay đang phải gánh hơn 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.
Theo đại diện một hãng bay, mỗi chiếc máy bay cũng phải cùng gánh các loại thuế: nhập khẩu nhiên liệu bay, bảo vệ môi trường, VAT, thu nhập doanh nghiệp… Trong đó, các hãng hàng không nộp tới vài ngàn tỉ thuế bảo vệ môi trường mỗi năm.
Vấn đề là thuế này không áp theo tỉ lệ trên giá xăng mà theo con số cố định ở mức cao, là 3.000 đồng/lít. Vì vậy, khi kinh tế khó khăn, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh thì thuế môi trường không giảm tương ứng như ở các nước.
Trước miễn giảm phí, sau bớt độc quyền
Trong khi hàng trăm máy bay “trùm mền” thì hiện các hãng hàng không vẫn phải trả hàng loạt khoản phí tốn kém. Chẳng hạn phí đậu máy bay. Đáng lưu ý, các cảng hàng không thu phí theo tấn mỗi giờ hoặc ngày, mà máy bay thì phổ biến trọng lượng từ 73-150 tấn/chiếc.
Cùng với đó là phí thuê quầy làm thủ tục, phí thuê mặt bằng đặt máy làm thủ tục tự động cho khách có khi lên tới 30 triệu đồng/máy/tháng…
Theo ghi nhận, hiện nay đối với những khoản phí dịch vụ hàng không Nhà nước quy định khung giá, phí thường bị áp mức kịch khung. Phí càng đè nặng lên hãng hàng không thì ACV càng lãi lớn (năm 2019 ACV đạt doanh thu 18.200 tỉ đồng, lãi trước thuế 10.000 tỉ đồng).
“Chính vì các dịch vụ và phí tạo nên siêu lợi nhuận bất hợp lý như hiện nay nên các hãng hàng không đề nghị miễn giảm phí là có cơ sở, dễ thực hiện.
Vì chỉ cần các doanh nghiệp quản lý, kinh doanh cảng hàng không giảm bớt lãi là hỗ trợ được ngay các hãng hàng không – khách hàng và cũng để nuôi dưỡng nguồn thu chính của các cảng” – ông Lương Hoài Nam nói.
Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ GTVT và Bộ Tài chính cần khẩn trương trình văn bản miễn giảm thuế, phí để “giải cứu” những doanh nghiệp là nguồn thu ngân sách, là mũi nhọn, là bệ đỡ cho nền kinh tế như hàng không, du lịch…
Từ sự bất hợp lý trong ngành hàng không, theo ông Ánh, càng phải đẩy nhanh việc xã hội hóa, thay đổi thế độc quyền cảng hàng không. Có cạnh tranh như vậy, thuế, phí mới giảm, chất lượng phục vụ ở cảng hàng không mới cải thiện, người tiêu dùng hưởng lợi.
Đặc biệt là vốn nhà nước sẽ bớt phải chi cho hạ tầng hàng không (thông qua ACV), thay vào đó sẽ huy động vốn đầu tư từ các nguồn lực xã hội hóa làm sân bay, nhà ga.
Đây cũng là cách biến cảng hàng không thành tổ hợp thương mại, dịch vụ và đa dạng hóa nguồn thu, giảm rủi ro cho hãng bay và cho nền kinh tế.
8 dịch vụ Nhà nước quy định khung giá:
1. Dịch vụ thuê sân đậu tàu bay.
2. Dịch vụ thuê quầy làm thủ tục hành khách.
3. Dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý.
4. Dịch vụ thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay.
5. Dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói).
6. Dịch vụ phân loại tự động hành lý đi.
7. Dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay.
8. Dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không. (Nguồn: Thông tư 53/2019 của Bộ GTVT)
5 dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định mức giá:
1 Dịch vụ điều hành bay đi, đến: quốc tế: từ 80-425 USD/lượt hạ cánh hoặc cất cánh; quốc nội: 586.500-9.568.000 đồng/lượt cất hoặc hạ cánh.
2 Dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý: 54-520 USD/chuyến.
3 Dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay: quốc tế: 94-1.295 USD/lần; quốc nội: 765.000-11.600.000 đồng/lần.
4 Dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không: quốc tế: 2 USD/khách; quốc nội: 18.100 đồng/khách.
5 Dịch vụ phục vụ hành khách: quốc tế: 16-25 USD/khách; quốc nội: 72.000-91.000 đồng/khách.
Nguồn: tuoitre.vn