Bamboo Airways có thể tạo ra nguy cơ cạnh tranh với Vietnam Airlines hay Vietjet Air, tuy nhiên, viễn cảnh này sớm nhất cũng sẽ chỉ bắt đầu từ năm 2019.
Mới đây, Bamboo Airways đã ký biên bản ghi nhớ ̣(MOU) với Tập đoàn Airbus về việc mua 24 máy bay A321neo. Dự kiến, số máy bay này sẽ được giao từ năm 2019 đến 2025. Đây là thông tin bất ngờ bởi Bamboo Airways hiện vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động.
“Việc Bamboo Airways ký hợp đồng thỏa thuận với Airbus cho thấy hãng hàng không này tự tin sẽ nhận được giấy phép trước thời điểm cuối năm sau”, báo cáo của Công ty chứng khoán TPHCM (HSC) nhận định.
Hãng hàng không Bamboo Airways thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt. Công ty được thành lập năm 2017 với vốn điều lệ 700 tỷ đồng do Tập đoàn FLC nắm 100% vốn.
Bamboo Airways đã xin Chính phủ cấp giấy phép kinh doanh từ tháng 6/2017 nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.
Thành lập một hãng hàng không, từ lâu đã nằm trong kế hoạch phát triển của ông chủ FLC Trịnh Văn Quyết. Hiện tại, với hệ thống các resorts, quần thể du lịch ở nhiều tỉnh thành ven biển, FLC cần có một hãng hàng không riêng để có thể đảm bảo các đường bay đến những khu nghỉ dưỡng của mình. Chiến lược ban đầu của Bamboo Airways, vì thế sẽ tập trung mở các tuyến bay cả quốc tế và nội địa đến các tỉnh Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nha Trang.
Tuy việc hình thành Bamboo Airways mang tính chất hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh khu nghỉ dưỡng nhiều hơn, nhưng với hợp đồng thỏa thuận mua tới 24 máy bay từ Airbus, có thể thấy tham vọng của FLC không chỉ dừng lại tại đây.
Hiện tại, ngành hàng không trong nước đang có tốc độ tăng trưởng bình quân 17% mỗi năm, cao nhất khu vực nhưng lại khá cô đặc khi chỉ có 3 hãng hàng không hoạt động trong nước.
Các đường bay của Bamboo Airways trước hết sẽ tập trung vào những địa điểm đặt khu nghỉ dưỡng của tập đoàn FLC
Ba hãng hàng không bao gồm Vietnam Airlines,Vietjet Air và Jetstar Pacific. Trong đó, Vietnam Airlines dẫn đầu với 43% thị phần nội địa và Vietjet Air có 42% thị phần.
Vietjet Air, với chiến lược giá rẻ của mình, đã phá vỡ thế độc quyền của Vietnam Airlines và trở thành một thế lực chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm. Thành công của Vietjet cùng với dư địa thị trường còn rất lớn là hai yếu tố củng cố tham vọng của Bamboo Airways. Nếu có chiến lược đúng đắn, hãng hàng không của ông Trịnh Văn Quyết hoàn toàn có thể chiếm thị phần đáng kể.
“Về lâu dài nhiều khả năng động thái này sẽ tạo ra nguy cơ cạnh tranh đối với các hãng hàng không hiện tại chẳng hạn như Vietnam Airlines và Vietjet Air. Tuy nhiên nguy cơ này trong trung hạn là không lớn”, HSC đánh giá tới năm 2025, Bamboo Airways có thể chiếm lĩnh được 4,2% thị phần hàng không nội địa và 1,6% thị trường hàng không quốc tế.
Bamboo Airways dự kiến sẽ trở thành hãng hàng không “hybrid”, lai ghép giữa mô hình hàng không giá rẻ và hàng không truyền thống. A321neo, loại máy bay mà Bamboo Airways đã đặt mua 24 chiếc từ Airbus, là loại máy bay lớn nhất trong dòng gia đình hàng không giá rẻ A320 của Airbus. Đây cũng là loại tàu bay lý tưởng cho chiến lược “hybrid” của Bamboo Airways.
Mặc dù tỏ ra khá tự tin khi đặt bút ký vào hợp đồng thỏa thuận với Airbus, nhưng tương lai của Bamboo Airways còn ẩn chứa khá nhiều rủi ro.
Kể cả trong trường hợp xin được giấy phép và mọi kế hoạch đúng lộ trình, với tình trạng quá tải tại các sân bay như Tân Sơn Nhất, vẫn chưa rõ Bamboo sẽ tìm kiếm chỗ đậu máy bay như thế nào. Đấy là chưa kể, với một hãng hàng không mới, việc cạnh tranh được những khung giờ lý tưởng để cất cánh và hạ cánh tại Nội Bài hay Tân Sơn Nhất cũng là những vấn đề nan giải.
Nguồn: theleader.vn