Hành khách bức xúc khi tỷ lệ chậm, huỷ chuyến cao nhưng các hãng hàng không ứng xử không chuyên nghiệp.
Chiều 28/3, ông Đinh Việt Thắng (Cục trưởng Hàng không) cho biết tỷ lệ chậm hủy chuyến trung bình của các hãng hàng không ở mức 15%. So các nước trong khu vực mức độ này không cao, song có những chuyến chậm trễ kéo dài và một số hãng ứng xử không chuyên nghiệp khiến hành khách bức xúc.
Theo ông Thắng, nguyên nhân chậm hủy chuyến chủ yếu do khai thác của các hãng hàng không chứ không phải vì sân bay, quản lý bay.
Để khắc phục tình trạng này, Cục Hàng không sẽ bổ sung các chế tài liên quan cấp phép bay. Các slot (giờ điều phối cất hạ cánh) của các chuyến bay sẽ bị Cục Hàng không thu hồi khi có tỷ lệ chậm hủy chuyến cao. Đây là chế tài nặng với các hãng.
Cục Hàng không sẽ bổ sung đầu máy bay và giờ bay dự bị để các hãng linh hoạt trong khi thay đổi lịch bay, ứng phó kịp thời.
Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Anh Duy. |
Trong tháng 4, hai sân bay lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng sẽ được thành lập hai trung tâm điều hành với sự tham gia các hãng, nhà cung ứng dịch vụ tại sân bay. Các đơn vị này sẽ phối hợp để cùng ra quyết định điều phối dịch vụ hàng không.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, việc lập trung tâm điều hành cũng là yêu cầu của Tổ chức hàng không quốc tế (ICAO) đối với các sân bay có lưu lượng trên 20 triệu hành khách. Cùng với đó, các sân bay được đầu tư phần mềm chuyên dụng để tính toán giờ cất hạ cánh.
Trước đó, tại một cuộc họp về chậm hủy chuyến của Bộ Giao thông Vận tải giữa năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan nghiên cứu các biện pháp để kéo giảm số chuyến bay chậm, hủy, như chế tài thu hồi slot; giảm slot trong những giờ thời tiết xấu mà có thể dự đoán được; chuẩn hoá quy định về hệ số dự phòng tàu bay, tổ bay, phục vụ; đầu tư ứng dụng công nghệ, hoàn chỉnh quy trình điều phối tại sân bay; đầu tư hạ tầng đảm bảo bay đêm…