Máy bay mắc trên dây điện

Máy bay mắc trên dây điện

Một máy bay cỡ nhỏ do phi công 65 tuổi điều khiển bị treo lủng lẳng trên dây điện ở hạt Scott, bang Minnesota hôm 23/11.

“Phi công Thomas Koskovich đang điều khiển chiếc Piper Cub bay về phía nam thì bị mắc kẹt vào dây điện ở hạt Scott khoảng 16h ngày 23/11”, văn phòng cảnh sát trưởng hạt Scott, bang Minnesota, Mỹ cho hay. Piper Cub là loại máy bay hạng nhẹ, cỡ nhỏ có hai chỗ ngồi.

Nhà chức trách hạt này cho hay họ nhận được cuộc gọi thông báo từ 911 về một chiếc máy bay treo lơ lửng ở thị trấn Louisville thuộc hạt Scott nên đã triển khai lực lượng ứng cứu.

Máy bay mắc trên dây điện

Lực lượng cứu hộ giải cứu phi công Koskovich khỏi chiếc máy bay mắc trên dây điện ở hạt Scott, bang Minnesota, Mỹ hôm 23/11. Ảnh: Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Scott.

Nguồn điện ở khu vực này sau đó bị ngắt để nhân viên cứu hộ giải cứu phi công Koskovich, 65 tuổi, khỏi chiếc máy bay đang bị mắc một bánh vào đường dây điện.

Phi công là người duy nhất có mặt trên máy bay khi xảy ra sự cố. “Sự việc có thể tồi tệ hơn rất nhiều. Chúng tôi thấy rất may khi phi công được giải cứu mà không bị thương”, Luke Hennen, cảnh sát trưởng hạt Scott, nói.

Nguồn: vnexpress.net

Ý nghĩa ký hiệu tam giác đen trên thân máy bay

Ý nghĩa ký hiệu tam giác đen trên thân máy bay

Phần lớn hành khách thích ngồi cạnh cửa sổ máy bay để nhìn ra ngoài, nhưng ít người để ý tới biểu tượng nhỏ ngay phía trên đó.

Hành khách đi máy bay thường quan tâm đến vị trí ngồi sao cho thoải mái nhất, hoặc chất lượng thức ăn được cung cấp. Một số khác lo lắng về tiếng ồn, trẻ nhỏ, chứng sợ độ cao… Những vấn đề đó khiến khách ít quan tâm đến một ký hiệu nhỏ, hình tam giác và thường có màu đen in trên hai bên tường máy bay.

Ý nghĩa ký hiệu tam giác đen trên thân máy bay

Hình tam giác đen trên thân máy bay ít được hành khách chú ý. Ảnh: Shutterstock/ leungchopan.

Ký hiệu này nằm ngay phía trên ô cửa sổ ở giữa máy bay. Theo kỹ sư hàng không – vũ trụ đã nghỉ hưu Lee Ballentine, nó rất quan trọng, có tác dụng đánh dấu vị trí “ghế của William Shatner”. Đây là chỗ ngồi có tầm nhìn rõ nhất về hai cánh của máy bay. Từ vị trí này, tiếp viên có thể quan sát một cách đầy đủ nhất về tình trạng của phần cánh, để kịp thời báo với cơ trưởng mà không khiến hành khách lo lắng.

Do đó, với những hành khách ngồi ở vị trí thẳng hình tam giác xuống, ngoài việc ngắm cảnh quan ngoài cửa sổ, bạn nên để ý về phần cánh. Nếu nhìn thấy dấu hiệu bất ổn ở bộ phận này, hãy báo với tiếp viên. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật, nhu cầu kiểm tra kiểu “thủ công” này ngày càng ít.

Dù vậy, vị trí tam giác đen này vẫn mang lại một số lợi ích khác. Nó có tác dụng báo cho hành khách biết đây là chỗ ngồi có tầm nhìn chụp cánh máy bay đẹp nhất. Với những người bị say tàu, xe, đây cũng là vị trí ít xóc nhất.

Thuật ngữ “Ghế của Shatner” được sử dụng sau khi phim Nightmare at 20.000 Feet được phát sóng vào ngày 11/10/1963. Đó là tập 123, nằm trong seri phim truyền hình Mỹ Twilight Zone, dựa trên truyện ngắn cùng tên của Richard Matheson. Nội dung kể về William Shatner, hành khách duy nhất trên chuyến bay phát hiện có một sinh vật gớm ghiếc đang ẩn nấp bên ngoài máy bay.

Nguồn: vnexpress.net

Hành khách lên nhầm khiến chuyến bay bị trễ

Hành khách lên nhầm khiến chuyến bay bị trễ

Toàn bộ khách phải chờ trên đường băng để lực lượng an ninh làm nhiệm vụ, sau khi một người đàn ông lên nhầm máy bay.

Nam hành khách lẽ ra phải bay từ thành phố Liverpool đến Belfast trên chuyến của Easy Jet lúc 7h40 ngày 18/11, song anh ta lên chuyến bay nội địa khác khởi hành đến Jersey (đi cùng giờ). Sai lầm an ninh này khiến chuyến bay có khách lên nhầm trễ 25 phút.

Nam hành khách sau đó được phép lên chuyến bay đến Belfast khởi hành vào 7h50. Trong khi đó, toàn bộ hành khách trên chuyến đi Jersey phải rời khỏi máy bay để lực lượng an ninh kiểm tra, liệu người đàn ông lên nhầm có để lại vật dụng gì không.

Hành khách lên nhầm khiến chuyến bay bị trễ

Hành khách đợi trên đường băng trong giá rét. Ảnh: @thefattrader/Twitter.

Phát ngôn viên của hãng cho biết họ đang hợp tác với tất cả sân bay để đảm bảo an toàn và an ninh cho tất cả hành khách. “Ngay khi nhận ra sự cố trên máy bay trước giờ khởi hành, chúng tôi đã sắp xếp để hành khách lên đúng chuyến bay của mình. Chúng tôi đang điều tra xem làm sao hành khách có thể lên nhầm chuyến bay”.

Đại diện sân bay cho biết họ đang làm việc với các cơ quan liên quan để tiếp tục điều tra.

Nguồn: vnexpress.net

8 bí mật trong nghề của nữ phi công Thụy Điển

8 bí mật trong nghề của nữ phi công Thụy Điển

Maria Fagerström cho biết phi công được phép ngủ trong giờ làm việc, nhưng không thể vừa ngủ vừa lái máy bay.

Đến từ Thụy Điển, Maria Fagerström là phi công chuyên điều khiển Boeing 737 thường chia sẻ những điều thú vị trong nghề. Với Maria, thách thức lớn nhất khi trở thành phi công là lịch bay thay đổi liên tục: “Minh chứng rõ ràng nhất chính là lượng cà phê tôi nạp vào người”.

Phi công sẽ thảnh thơi lái máy bay nếu thời tiết đẹp, ít nhất khi ổn định độ cao. “Điều tuyệt vời nhất của công việc này chính là cảm giác sau khi vượt qua một chặng đường khó nhằn, bạn hoàn thành công việc của mình”, Maria bày tỏ.

8 bí mật trong nghề của nữ phi công Thụy Điển

Maria có 9 năm kinh nghiệm lái Boeing và đang phấn đấu để trở thành cơ trưởng như bố mình. Ảnh: Maria Fagerström.

Phi công được phép ngủ trong giờ làm việc, nhưng không thể vừa ngủ vừa lái máy bay. “Khoảng thời gian này gọi là ‘nghỉ ngơi trong tầm kiểm soát và có nhiều quy tắc phi công phải tuân theo, ví dụ như hẹn giờ báo thức”, cô nói.

Điều khó khăn nhất trên máy bay với nữ phi công Maria là đi toilet: “Khi mọi hành khách đều trở về chỗ ngồi và thắt dây an toàn, bạn mới có thể bước ra từ buồng lái… Tất cả nhìn thấy bạn lách vào toilet. Điều này thật không lý tưởng chút nào”.

Với hãng hàng không Maria đang làm việc, tiếng “ding” sau khi máy bay cất cánh là tín hiệu của phi công thông báo với tiếp viên rằng đã đến lúc an toàn để họ đứng dậy và thực hiện nhiệm vụ. Âm thanh này chỉ vang lên vài giây sau khi máy bay ổn định trên độ cao hơn 1.500 m và dự kiến không có vùng nhiễu động phía trước. Khi máy bay lên tới 3.000 m, phi công sẽ tắt đèn tín hiệu thắt dây an toàn, thông báo với hành khách rằng họ có thể đứng dậy duỗi chân cho thoải mái hay sử dụng nhà vệ sinh.

Maria tâm sự, phi công có thể phải bỏ bữa nếu máy bay vào vùng nhiễu động. Ngay cả khi thức ăn được đưa vào buồng lái lúc này, cô cũng không thể dùng bữa mà sẽ chỉ “nhìn chằm chằm vào đồng hồ đo tốc độ như một con chim ưng” suốt thời gian còn lại của chuyến bay.

Maria luôn có mơ ước ngồi trên máy bay chiến đấu. Tại từng điểm du lịch, cô thường trải nghiệm ngắm cảnh từ trực thăng. Ảnh: Maria Fagerström.

Maria luôn có mơ ước ngồi trên máy bay chiến đấu. Tại từng điểm du lịch, cô thường trải nghiệm ngắm cảnh từ trực thăng. Ảnh: Maria Fagerström.

Để có thể chính thức ngồi trong buồng lái, những phi công tập sự sẽ trải qua quá trình huấn luyện căng thẳng và đánh giá nghiêm ngặt. “Chắc hẳn bạn sẽ phải hy sinh thời gian bên gia đình hay bạn bè trong ít nhất một đến hai năm. Nhưng tôi có thể đảm bảo điều này hoàn toàn xứng đáng với công sức bỏ ra”, Maria nói.

Khoảng thời gian bận rộn nhất của phi công là những ngày nghỉ lễ, khi mọi người đều cố gắng về nhà. Là một phi công chuyên chặng ngắn, Maria không có khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa các chuyến đủ dài để có thể ghé thăm những điểm đến mới. Tuy nhiên, mặt thuận lợi với cô là thường xuyên được về nhà ngủ. Thay vào đó, Maria sẽ đi du lịch khi nghỉ phép. Bạn trai cô cũng là một phi công, do đó họ có thể đồng hành cả trong buồng lái hay những chuyến đi chơi.

Nguồn: vnexpress.net

Cuộc đời tiếp viên sống sót khi rơi từ độ cao 10.000 m

Cuộc đời tiếp viên sống sót khi rơi từ độ cao 10.000 m

Đêm 26/1/1972, một quả bom phát nổ khi máy bay hãng JAT thuộc Nam Tư cũ đang ở trên trời. Khả năng có người còn sống gần như bằng không.

Chiếc Douglas DC-9 lao xuống một rặng núi gần ngôi làng Srbská Kamenice, Tiệp Khắc (Czech và Slovakia ngày nay). Nhưng tới hiện trường vụ tai nạn, dân làng bàng hoàng khi tìm thấy một cô gái trẻ mắc kẹt trong khoang và còn sống. Đó là Vesna Vulovic.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Extrastory.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Extrastory.

Định mệnh

Vulovic sinh ra ở Belgrade (Serbia) vào ngày 3 tháng 1 năm 1950. Cha cô là một doanh nhân và mẹ cô là một huấn luyện viên thể dục. Từ nhỏ Vesna đã hâm mộ The Beatles, đến nỗi cô chuyển từ Nam Tư tới London sống để học tiếng Anh và có cơ hội đi khắp châu Âu. Tốt nghiệp đại học, Vesna sang Thụy Điển. Nhưng cha mẹ không hài lòng với cuộc sống nay đây mai đó của con gái, Vesna phải về Nam Tư và đầu quân cho hãng hàng không quốc gia JAT vào năm 1971 khi nhìn thấy một người bạn mặc đồng phục tiếp viên hãng này.

Tháng 1/1972, Vesna có mặt trong phi hành đoàn thứ hai của chuyến bay 367 từ Stockholm (Thụy Điển) tới Belgrade, nối chuyến tại Copenhagen (Đan Mạch) và Zagreb (Croatia). Đáng lẽ cô không phải bay chuyến này, mà là một tiếp viên khác trùng tên. Nhưng vì chưa từng tới Đan Mạch bao giờ, Vesna đồng ý lên đường theo lịch bay ngoài dự định.

Cuộc đời tiếp viên sống sót khi rơi từ độ cao 10.000 m

Vesna mới làm tiếp viên 8 tháng khi lên chuyến bay JAT 367. Ảnh: EuroPics.

Khoảng một giờ sau khi máy bay cất cánh, một quả bom phát nổ. Máy bay bị xé làm đôi và rơi tự do từ độ cao khoảng hơn 10.000 m. Toàn bộ 23 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng khi bị hút ra ngoài, trừ Vesna. Một chiếc xe đẩy thức ăn chặn cô trong phần đuôi máy bay khi nó lao xuống một cánh rừng rậm phủ tuyết trắng dưới chân núi.

Vận may của Vesna chưa dừng ở đó. Bruno Honke, một thợ đốn gỗ, nghe thấy tiếng cô la hét trong bóng đêm khi những mảnh vỡ rơi xuống. Người đàn ông này từng là một bác sĩ quân y của Đức trong Thế Chiến II, nên có đủ kỹ năng giúp cô còn sống cho tới khi đội cứu hộ tới hiện trường.

Kỳ tích

Tại bệnh viện, các bác sĩ kết luận Vesna bị chấn thương sọ não, bể xương chậu và xương sườn, gãy hai chân và vỡ hai đốt sống. Cô rơi vào hôn mê sâu, và tỉnh dậy sau một tháng – những lời đầu tiên cô bật ra là xin một điếu thuốc.

Nữ tiếp viên bị tê liệt tạm thời từ thắt lưng trở xuống, nhưng cô đã gần như hồi phục hoàn toàn một năm sau đó. “Người tôi đầy thương tích, và các bác sĩ đã giúp tôi bình phục. Chẳng ai ngờ tôi lại sống lâu đến vậy”, Vesna trả lời New York Times năm 2008.

Vesna không thể khôi phục bất kỳ ký ức gì về vụ tai nạn hay khoảnh khắc cô được cứu sống. “Điều đầu tiên tôi nhớ được là thấy bố mẹ trong bệnh viện. Tôi nói chuyện và hỏi rằng tại sao họ lại ở cạnh tôi tại Slovenia. Lúc đó tôi nghĩ mình đang ở Slovenia, nơi tôi đến thăm thủ đô Ljubljana trước khi đến Đan Mạch”, Vesna trả lời phỏng vấn năm 2002.

Vesna Vulovic nằm viện nhiều tháng trời sau vụ tai nạn. Ảnh: Alamy.

Vesna Vulovic nằm viện nhiều tháng trời sau vụ tai nạn. Ảnh: Alamy.

Cú ngã giúp Vesna có tên trong sách kỷ lục Guinness thế giới năm 1985, với danh hiệu người sống sót khi rơi từ độ cao lớn nhất mà không có dù. Các bác sĩ phối hợp với thanh tra hàng không tìm hiểu những gì xảy ra với Vesna. Vụ nổ bom và áp suất không khí trên cao có thể khiến một người bình thường chết ngay lập tức vì vỡ tim. Nhưng huyết áp thấp khiến Vesna nhanh chóng ngất đi, vì vậy trái tim được bảo toàn (người huyết áp thấp không đủ điều kiện thể lực để trở thành tiếp viên, nhưng Vesna tiết lộ cô uống rất nhiều cà phê vào ngày khám sức khỏe để tim đập nhanh hơn bình thường).

Các chuyên gia tin rằng chiếc xe đẩy thức ăn vô tình biến thành một đai an toàn, ghim chặt người Vesna để cô không bị hút ra ngoài trời lạnh giá. Lực tác động khi tiếp đất cũng đủ mạnh để giết chết một người bình thường, nhưng phần đuôi máy bay đáp xuống cánh rừng rậm phủ đầy tuyết như một tấm nệm dày.

Người hùng

Vesna trở lại làm việc cho hãng JAT, nhưng ở vị trí bàn giấy, phụ trách hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Cô luôn muốn quay lại làm tiếp viên, nhưng hãng cho rằng cô không đủ khỏe mạnh cho nhiệm vụ đó. Dù vậy, Vesna vẫn thường xuyên đi máy bay và không hề sợ hãi chuyện gì xấu có thể xảy ra. “Mọi người luôn muốn ngồi cạnh tôi trên máy bay”, cô nói.

Josip Broz Tito, Cố Tổng thống Liên bang Nam Tư cũ, vinh danh Vesna là người hùng dân tộc. Cô thậm chí còn được ca ngợi trong bài hát “Vesna the Stewardess” (Tiếp viên Vesna) của ca sĩ Serbia Miroslav Ilic. Thậm chí cháu gái của Bruno Honke, ân nhân của Vesna, còn được đặt tên theo cô khi chào đời 6 tuần sau vụ tai nạn.

Vesna trở thành người nổi tiếng tại Serbia sau này, dùng tầm ảnh hưởng của mình tham gia những chiến dịch đấu tranh cho chính trị. Năm 1990, cô bị hãng JAT sa thải sau 18 năm làm việc, vì biểu tình phản đối cựu Tổng thống Slobodan Milosevic và kháng lệnh bắt giữ.

Sau này Vesna ly dị chồng và sống một mình ở Belgrade với ba con mèo. Niềm an ủi lớn lao của bà là đức tin, điều được khai phá sau vụ tai nạn. “Nó khiến tôi trở thành một người lạc quan. Nếu bạn có thể sống sót sau những gì tôi đã trải qua, bạn có thể vượt qua bất kỳ điều gì”, Vesna nói về thảm họa năm 1972.

Vesna Vulovic, người duy nhất sống sót trong số 28 người có mặt trong vụ nổ máy bay năm 1972. Ảnh: Filip Horvat/The International Herald Tribune.

Vesna Vulovic, người duy nhất sống sót trong số 28 người có mặt trong vụ nổ máy bay năm 1972. Ảnh: Filip Horvat/The International Herald Tribune.

Tháng 12/2016, Vesna Vulovic qua đời ở tuổi 66. Những gì xảy ra trên chuyến bay định mệnh 44 năm trước đó vẫn là một bí ẩn. Lực lượng điều tra nghi ngờ quả bom được đặt trong một vali và đưa lên khoang khi máy bay dừng ở Copenhagen, nhưng không có bằng chứng hay bất cứ ai bị bắt giữ.

Người ta đồn thổi rằng quả bom thuộc về những kẻ khủng bố Croatia. Năm 2009, hai nhà báo tại Prague (Czech) còn mở ra một cuộc điều tra và khẳng định chiếc DC-9 bị lực lượng không quân Tiệp Khắc bắn nhầm khi nó đang bay ở độ cao khoảng 800 m.

Không ít người vẫn hoài nghi về câu chuyện của Vesna, và cho rằng máy bay chỉ bị rơi tự do từ một khoảng cách nhỏ. Tuy nhiên, những nhà khoa học của chương trình “Mythbusters” của kênh Discovery đã chứng minh rằng Vesna hoàn toàn có khả năng sống sót khi rơi từ độ cao hơn 10 km mà không có dù.

Nguồn: vnexpress.net
(Theo New York Times)

Điều gì diễn ra tiếp theo sau khi gửi hành lý

Điều gì diễn ra tiếp theo sau khi gửi hành lý

Nếu bạn đến sân bay sớm và ký gửi hành lý trước giờ bay nhiều tiếng, chúng sẽ được chuyển tới kho lạnh.

Phần lớn hành khách chỉ biết rằng hành lý khi ký gửi ở quầy làm thủ tục sẽ được đưa lên băng chuyền. Sau đó, nó chuyển vào phòng kiểm tra, soi chiếu, đưa lên máy bay và kết thúc ở băng chuyền để hành khách lấy xuống khi tới một sân bay khác. Tuy nhiên, ít người biết được hành trình cụ thể của một chiếc vali ký gửi sẽ thế nào.

Mỗi năm, hãng Delta vận chuyển hơn 150 triệu hành lý ký gửi. Video: Jeb Brooks.

Blogger du lịch Jeb Brooks đã đi sâu vào phía “cánh gà” của sân bay quốc tế Atlanta để tìm hiểu điều gì diễn ra tiếp theo với hành lý ký gửi, nhằm giải đáp thắc mắc trên.

Anh đi xuống tầng hầm trong lòng đất – trung tâm của Delta Air Lines – để xem một trong số những chiếc túi sẽ đi đâu, trên một băng chuyền dài hơn 1,6 km. Jeb cho biết các sân bay sử dụng một hệ thống cho phép họ tìm thấy bất kỳ chiếc túi nào một cách nhanh chóng, trong trường hợp nó cần phải kiểm tra lại. Họ sử dụng máy quét RFID, thường dùng để quét mã vạch. Các mã vạch này đều được dán lên hành lý của khách khi ký gửi vali. Hãng bay có thể theo dõi chiếc túi đó, và đưa nó vào máy bay.

Hành lý ký gửi tại sân bay Atlanta có thể di chuyển hơn 1,6 km, từ đầu này đến đầu kia của một băng chuyền. Ảnh: Sun.

Hành lý ký gửi tại sân bay Atlanta có thể di chuyển hơn 1,6 km, từ đầu này đến đầu kia của một băng chuyền. Ảnh: Jeb Brooks/Sun.

Trong trường hợp bạn đến sân bay sớm và ký gửi hành lý trước giờ bay nhiều tiếng đồng hồ thì sao? Câu trả lời là chúng sẽ được chuyển tới kho lạnh, trước khi đưa lên máy bay. Ngoài ra, khắp khu vực xử lý đều được lắp camera giám sát để nhân viên biết chiếc túi nào cần được đưa lên máy bay và chắc chắn chúng không bị thất lạc.

Trên băng chuyền đều có các dấu hiệu, thường là chấm tròn nằm cách nhau đều đặn. Dấu này giúp nhân viên vận chuyển hành lý có thể xếp các vali không quá sát nhau, gây ra tình trạng tắc nghẽn.

Các chấm vàng trên băng chuyền là vị trí đặt vali, để tránh tình trạng hành lý đặt lên đây bị tắc nghẽn do được xếp quá sát nhau. Ảnh: Sun.

Các chấm vàng trên băng chuyền là vị trí đặt vali, để tránh tình trạng hành lý đặt lên đây bị tắc nghẽn do được xếp quá sát nhau. Ảnh: Jeb Brooks/Sun.

Khi túi được chuyển lên máy bay, nhân viên mặt đất được đưa một tờ giấy ghi rõ trọng lượng của hành lý để chắc chắn rằng chúng sẽ được xếp cân bằng trong khoang. Nếu chuyến bay có ít hành lý, người ta sẽ xếp thêm các bao cát vào trong khoang để đủ trọng lượng.

Muốn hành lý xuất hiện đầu tiên trên băng chuyền, bạn nên là một trong những hành khách ký gửi cuối cùng. Tuy nhiên, việc làm thủ tục muộn có thể đẩy bạn đến nhiều tình huống rủi ro như trễ chuyến, quầy in vé đóng cửa do hết giờ…

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dán nhãn có biểu tượng “đồ dễ vỡ” lên vali. Bởi chúng thường được ưu tiên xếp sau cùng, hoặc xếp trên cùng để tránh bị hỏng hóc, dễ vỡ.

Nguồn: vnexpress.net

Chuyến bay ngắn nhất thế giới

Chuyến bay ngắn nhất thế giới

Chuyến bay dài 47 giây từ đảo Westray đến Papa Westray được Guinness công nhận là hành trình ngắn kỷ lục.

Chuyến bay giữa hai đảo thuộc quần đảo Orkney có tên trong sách kỷ lục  Guinness là dịch vụ hàng không ngắn nhất thế giới có lịch trình đều đặn. Đường bay khác thường này của Scotland đi vào hoạt động từ năm 1967, và đón vị khách thứ một triệu vào năm 2016. Hành trình thông thường kéo dài 47-90 giây, tùy sức gió. Daniel Ross, blogger từ The Points Guy UK, có dịp trải nghiệm chuyến bay này.

Chuyến bay ngắn nhất thế giới

Chiếc phi cơ hạng nhẹ của của Loganair đưa khách ra đảo Papa Westray. Ảnh: Daniel Ross.

Để trải nghiệm chuyến bay ngắn nhất thế giới, Daniel phải đi một chặng đường rất dài đến Westray hoặc Papa Westray. Từ London (Anh), blogger này bay khoảng 1h35 phút tới thành phố Aberdeen (phía đông bắc Scotland), tiếp tục bay 30 phút đến Kirkwall (thị trấn lớn nhất trên quần đảo Orkney).

Anh nghỉ một đêm trong thị trấn trước khi tiếp tục bay khoảng 15 phút ra đảo Westray vào sáng hôm sau để ngồi trên chuyến bay ngắn nhất thế giới. Hành khách chỉ cần có mặt trước giờ khởi hành ít nhất 10 phút.

Trước giờ khởi hành, Daniel càng thêm háo hức khi cơ trưởng Colin mời anh ngồi vào ghế của cơ phó trong suốt 90 giây sắp tới. Chỉ sau vài giây, anh đã thấy chiếc phi cơ vút lên khỏi đường băng nhưng vẫn kịp selfie thật nhanh với cơ trưởng. Trong chớp mắt, hòn đảo Papa Westray hiện ra trước mắt.

Video: Daniel Ross.

Daniel cho rằng hành khách thậm chí không có thời gian để cảm thấy say trên chuyến bay này – tất cả những gì họ “kịp” làm là thu vào tầm mắt khung cảnh xung quanh và âm thanh từ buồng lái, tận hưởng một trong những trải nghiệm bay độc đáo nhất trên thế giới. Khi hạ cánh, hành khách phải nhặt hành lý của mình từ trong lồng máy bay trước khi đi bộ qua đường băng.

Điều gây ấn tượng tiếp theo với Daniel tại sân bay trên đảo Papa Westray chính là an ninh. An toàn hàng không vẫn là vấn đề được đặt lên hàng đầu ngay cả với một phi trường nhỏ chỉ có khoảng ba chuyến mỗi ngày. Một đơn vị cứu hỏa và cứu hộ tại chỗ luôn luôn kiểm tra đường băng trước mỗi lần cất hạ cánh.

Giấy chứng nhận hành khách đã có mặt trên đường bay ngắn nhất thế giới. Ảnh: Daniel Ross.

Giấy chứng nhận hành khách đã có mặt trên đường bay ngắn nhất thế giới. Ảnh: Daniel Ross.

Nhiều người có thể thắc mắc chuyến bay dài 90 giây này có tác dụng gì. Thực tế Westray và Papa Westray chỉ cách nhau khoảng 2,7 km. Người dân và du khách có thể dùng tàu thuyền, tuy nhiên trải nghiệm này không êm đềm.

Daniel lý giải: “Cơn ác mộng thực sự xảy đến với tôi khi chuyến bay về đất liền của tôi từ Papa Westray bị hủy vì thời tiết xấu, tôi phải đi hai chuyến tàu về đất liền. Ngồi 20 phút trên tàu vào một ngày “biển lặng” như vậy cũng đủ khiến tôi chết khiếp mà không dám đặt chân lên một con tàu nào khác”.

Di chuyển bằng đường biển, anh cảm tưởng có lúc tàu như sắp lật úp đến nơi khi những con sóng dâng lên, và hiểu vì sao người dân nơi đây lại vận hành một chuyến bay chỉ dài 90 giây với giá vé từ 7,25 bảng (khoảng 220.000 đồng).

Chuyến bay từ Westray và Papa Westray chỉ là một trong nhiều chặng bay giữa 70 hòn đảo của quần đảo Orkney, kết nối người dân với bạn bè, gia đình hay thậm chí đồng nghiệp. Daniel đã gặp những giáo viên toán, văn, thể dục… thường xuyên bay khắp quần đảo Orkney để dạy học. Nếu một chuyến bay bị hủy, trẻ em phải nghỉ học, còn giáo viên không được trả lương.

Nguồn: vnexpress.net

Điều gì xảy ra khi khách vừa xuống máy bay?

Điều gì xảy ra khi khách vừa xuống máy bay?

Khi máy bay ra khỏi đường băng hạ cánh, đồng hồ bắt đầu đếm ngược để hãng hàng không chuẩn bị cho chuyến tiếp theo.

Khoảng trống giữa các chuyến bay không phải phút giây cho phi hành đoàn nghỉ ngơi. Nhân viên mặt đất và tiếp viên càng mất nhiều thời gian để chuẩn bị cho chuyến tiếp theo, hành khách càng nóng ruột. Dưới đây là quy trình của Scandinavian Airlines (SAS).

Điều gì xảy ra khi khách vừa xuống máy bay?

Nhân viên mặt đất kiểm tra máy bay. Ảnh: Benjamin Kund/Courtesy SAS.

9h: Chuyến bay SK 1416 từ Copenhagen, Đan Mạch hạ cánh xuống sân bay quốc tế Stockholm Arlanda, Thụy Điển và đến cổng, nơi phi hành đoàn phải nhanh chóng chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo, SK 535 đến Dublin, Ireland.

Máy bay đã hạ cánh chậm vài phút, ăn vào khoảng thời gian để chuẩn bị cho chuyến tiếp theo, do đó phi hành đoàn phải đẩy nhanh tiến độ tối đa. Những nhân viên mặt đất đã họp với nhau trước đó để chuẩn bị cho tình huống hạ cánh sớm hoặc muộn, trao đổi những vấn đề về bảo trì.

9h01: Khi máy bay lăn bánh vào cổng chờ, cơ trưởng tắt một động cơ để tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải.

9h03: Máy bay dừng hẳn, ống dẫn từ bể ngầm dưới sân bay bắt đầu bơm nhiên liệu. Khi toàn bộ hành khách xuống máy bay, những nhân viên vệ sinh lên cabin để dọn dẹp. Phi hành đoàn dẹp bỏ rác và đồ ăn thức uống. Bể nước được xả hết và thay mới. Thư từ và hành lý ký gửi được phân loại cho khách nối chuyến hoặc chuyển vào băng chuyền trong sân bay.

Một đội ngũ 42 người có thể dọn vệ sinh một chiếc A380 trong 35 phút. Video: Emirates.

9h18: Chiếc Airbus A320neo của hãng là một trong những mẫu máy bay mới nhất, với thiết kế thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít nhiên liệu hơn những dòng cùng kích cỡ. Điều đó có nghĩa là chuyến bay tới Dublin cần ít thời gian để tiếp nhiên liệu hơn. Bay càng nhanh càng tốn nhiên liệu, đó là lý do đôi khi phi công chủ động điều chỉnh vận tốc chậm lại nếu dư thời gian trên những chuyến bay quốc tế.

9h20: Phi hành đoàn phải đi kiểm tra một lượt xem máy bay có vấn đề gì về an toàn và thiết bị phục vụ hay không. Để tiết kiệm thời gian, phi hành đoàn có thể bay liền hai chuyến. Một trưởng nhóm mặt đất sẽ đốc thúc từng thành viên khi đồng hồ điện tử đếm ngược còn bao nhiêu phút để chuyến tiếp theo khởi hành đúng giờ.

9:22: Bên trong nhà ga, nhân viên hãng gọi những hành khách cuối cùng lên máy bay. Trên thực tế, họ bắt đầu mời một số hành khách lên khoang cao cấp trước để tiết kiệm thời gian. Thông thường hành khách phải chờ đến khi mọi khâu kiểm tra cần thiết được hoàn tất. Không chậm trễ, cuối cùng tất cả hành khách lên máy bay.

9h31: Nhân viên mặt đất đang đợi thông tin của một hành khách nối chuyến. Nếu không kịp có mặt, hành lý của người này cần để lại vì những lý do an ninh. Do công đoạn này khá mất thời gian, nhân viên hãng phải quyết định thật nhanh chóng. Nếu chuyến bay bị hoãn, điều này sẽ ảnh hưởng tới nhiều lịch trình khác. Lúc này, xe đầu kéo máy bay được gắn vào bánh trước, sẵn sàng xuất phát.

Xe đầu kéo đưa máy bay ra đường băng. Ảnh: Aviation Eagle.

Xe đầu kéo đưa máy bay ra đường băng. Ảnh: Aviation Eagle.

9h33: Hãng bay có quy định giới hạn về thời gian để nhân viên cân nhắc nên dỡ túi của hành khách đến muộn khỏi cabin hay không. May mắn thay, anh ta đã xuất hiện, và toàn bộ cửa hành khách và hàng hóa của máy bay đóng lại.

9h35: Phi công liên lạc với trạm kiểm soát không lưu để xin phép khởi hành. Xe đầu kéo bắt đầu đưa máy bay về điểm xuất phát. Các phi công khởi động động cơ tiến về phía đường băng để cất cánh đúng giờ. Quá trình máy bay di chuyển trên đường băng tới nơi cất cánh có thể mất tới 30 phút.

Nguồn: vnexpress.net
(Theo Condé Nast Traveler)

Vì sao Campuchia không lấy lại chiếc máy bay “bị bỏ quên” ở Nội Bài 12 năm và Cục Hàng không chưa tìm ra phương án giải quyết?

Vì sao Campuchia không lấy lại chiếc máy bay “bị bỏ quên” ở Nội Bài 12 năm và Cục Hàng không chưa tìm ra phương án giải quyết?

Đã từng có những doanh nghiệp ngỏ ý đổi bánh kẹo, đổi suất dưỡng lão,… lấy chiếc máy bay này.

Chiếc máy bay vô chủ Boeing B727-200 thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), Campuchia, đã đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ năm 2007.

Năm 2014, Cục trưởng Cục Hàng không Campuchia (SSCA), ông Keo Sivorn cho biết vì Royal Khmer Airlines không còn đăng ký với SSCA nên chính phủ Campuchia không có trách nhiệm đối với chiếc máy bay này, cũng như không có ý định lấy lại. “Việt Nam tìm chủ sở hữu cho chiếc máy bay, hoặc bán phế liệu, tùy vào quyết định của Việt Nam”.

Trước đó, có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã gửi văn bản đến Cục Hàng không đề xuất các phương án trao đổi để được sở hữu chiếc máy bay vô chủ. Trong đó, có những doanh nghiệp đề xuất đổi hàng hoá là bánh kẹo lấy chiếc máy bay, chiếc máy bay này cũng được Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng bày tỏ ý định muốn đổi 3 suất dưỡng lão tại trung tâm lấy chiếc máy bay trên.

Cục Hàng không đã nhiều lần thuê tổ chức định giá nhưng không có tổ chức nào đánh giá được chiếc máy bay vô chủ Boeing B727-200. Lần đầu tiên, tổ chức chức định giá đã phải bỏ cuộc khi không thể xác định được giá tàu bay. Năm 2018, Cục Hàng không thuê một tổ chức định giá khác, nhưng số tiền mà tổ chức này đưa ra là 1,7 tỷ VND được cho là quá thấp.

Theo lãnh đạo Cục, lý do khó định giá được chiếc máy bay này là vì không còn sử dụng được nữa. Do đó, Cục thấy không đủ cơ sở thuyết phục trong quá trình phê duyệt giá khởi điểm của tài sản mà bên định giá đưa ra. Nếu chiếc máy bay vẫn đang hoạt động, đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật khai thác thì Cục có thể tham khảo ý kiến của hãng hàng không và các vụ việc tương tự trên thế giới (nếu có) khi bán đấu giá tàu bay để làm cơ sở phê duyệt, thống nhất giá khởi điểm.

“Tài sản mang đấu giá là một tàu bay bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng và không thể phục hồi, tại Việt Nam chưa có tiền lệ và thế giới cũng không có trường hợp tương tự. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam nhận thấy không đủ cơ sở và sẽ thiếu thuyết phục trong quá trình phê duyệt giá khởi điểm của tài sản mà bên định giá đưa ra”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nêu.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, hiện chiếc máy bay này là tài sản của Nhà nước, để lâu không sử dụng vào mục đích cụ thể nào sẽ làm giảm giá trị tài sản.

Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu lại các phương án, bao gồm cả việc giao tài sản cho các đơn vị có nhu cầu (bao gồm các cơ quan nhà nước của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Cục Hàng không Việt Nam) hoặc đấu giá.

Trong trường hợp giao tài sản, cần phải làm rõ nếu giao thì sử dụng vào mục đích gì, để đâu, phương án vận chuyển, chi phí như ra sao.

Cục Hàng không cũng đang có đề xuất giao lại chiếc máy bay này cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thay vì đấu giá để sử dụng làm mô hình trong công tác tổ chức diễn tập an ninh, an toàn cho các lực lượng của ngành hàng không. Hiện ACV chịu thiệt hại hơn 800.000 USD cho các loại phí trong 12 năm tàu bay nằm lại sân bay.

Nguồn: cafef.vn