Cảnh tất bật tại Đài kiểm soát không lưu Nội Bài ngày Tết
Tết Kỷ Hợi, Cảng hàng không Nội Bài đón hàng trăm lượt máy bay mỗi ngày. Cùng với đó là nhịp làm việc không ngừng nghỉ của các nhân viên Đài kiểm soát không lưu.
Năm 1996, mỗi ngày có 30 chuyến máy bay cất/hạ cánh tại sân bay Nội Bài. 23 năm sau, vào dịp Tết Kỷ Hợi 2019, con số đó đã lên tới gần 600 chuyến cất/hạ cánh (gấp 20 lần).
Với đặc thù công việc không có ngày nghỉ, các kiểm soát viên của Đài kiểm soát không lưu Nội Bài đã quen với cảnh đón giao thừa trên đỉnh tháp cao gần 100 m. Nhờ có sự liên lạc thông suốt của kiểm soát viên, các phi công không đơn độc trên hành trình của mình. Công việc thầm lặng, ít khi được nhắc tới, đồng nghiệp trong ngành hàng không trìu mến gọi họ là những “cảnh sát bầu trời”.
Nằm trên đỉnh Đài kiểm soát không lưu Nội Bài cao hơn 80 m, cơ sở kiểm soát tại sân kiểm soát toàn bộ hoạt động của máy bay trong bán kính hơn 10 km. Mỗi chiếc máy bay trước khi cất, hạ cánh đều phải liên lạc với bộ phận này.
Thời gian trực tại đài không lưu là 24/24 giờ. Một ngày chia làm 2 ca, có 4 kíp thay nhau ở từng vị trí. Mỗi phiên, kiểm soát viên không trực quá 2 giờ, cứ sau 2 giờ bắt buộc phải nghỉ.
Trần Hoàng Linh (sinh năm 1990) là một trong những kiểm soát viên trẻ nhất tại đài. Linh tốt nghiệp Học viện Hàng không tại TP.HCM và sau 1 năm ở nhà tìm việc thì được tuyển vào Đài kiểm soát không lưu Nội Bài. Cô làm việc tại đây từ 2014 và kết hôn với người đồng nghiệp cùng kíp trực.
Các kiểm soát viên không lưu tâm sự rằng thời điểm căng thẳng nhất trong công việc là những lúc tắc nghẽn không lưu do thời tiết xấu. Đơn cử như cơn bão số 9 năm 2018 làm hàng chục chuyến bay phải bay vòng chờ trên bầu trời TP.HCM. Đó là khi các kiểm soát viên phải tập trung cao độ để điều phối cùng lúc hàng chục lượt máy bay, chuyến nào cho hạ, chuyến nào buộc phải chuyển hướng,…
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Ngọc Quang, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Nội Bài, cho biết không dễ dàng để ngồi ở vị trí kiểm soát viên không lưu. Sau khi tốt nghiệp Học viện Hàng không, học viên tiếp tục được huấn luyện tại Trung tâm đào tạo nghiệp vụ quản lý bay, đến khi được nhận vào làm việc, cũng phải có người kèm. Sau tối thiểu 5 năm, một kiểm soát viên mới vào nghề có thể làm việc độc lập.
Chị Lan Anh có gần 20 năm kinh nghiệm. Hiện chị là nữ kiểm soát viên có số lần trực đêm giao thừa nhiều nhất. “Trực Tết hơi buồn nhưng lại được ngắm pháo hoa rực rỡ xung quanh, nhất là từ trung tâm Hà Nội”, chị Lan Anh chia sẻ.
Năm 2016, Đài kiểm soát không lưu Nội Bài phải xử lý vụ việc phi công bay từ phía nam ra đã ấn nút báo có không tặc. Chỉ trong ít phút, đơn vị đã kích hoạt hệ thống ứng phó khẩn nguy cấp quốc gia. Sau vài phút thông tin đến Thủ tướng, Thủ tướng báo cáo Bộ Chính trị, trao quyền cho các bên liên quan lên phương án đánh chặn.
Máy bay sau đó hạ cánh an toàn, phi công báo đã ấn nhầm nút không tặc thay vì ấn nút khẩn nguy. Vụ việc không gây nhiều thiệt hại nhưng cũng là phép thử cho thấy phản ứng nhanh chóng, chuyên nghiệp của lực lượng kiểm soát không lưu.
Đài kiểm soát không lưu Nội Bài là một trong số những cơ sở có trang thiết bị tối tân nhất cả nước. Rất nhiều công đoạn đã được máy móc làm thay con người. Tuy nhiên, với kiểm soát không lưu, máy móc là phụ trợ, con người vẫn giữ vai trò quan trọng trong mọi tình huống.