Các nước xử lý khách “quậy” trên máy bay thế nào?

Thực trạng hành khách đi máy bay cư xử thô lỗ, gây rối ngày càng gia tăng trên quy mô toàn cầu, buộc giới chức hàng không thế giới kêu gọi các nước nâng cao chế tài xử phạt.

11

 Số lượng khách cư xử thô lỗ khi máy bay đang thực hiện hành trình tăng gấp 2 lần, cao hơn mức độ tăng trưởng hành khách

Lượng khách hành xử thô lỗ tăng cao

Theo số liệu trong báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), lượng hành khách hàng không cư xử thô lỗ khi máy bay đang thực hiện hành trình đã tăng gấp 2 lần, cao hơn mức độ tăng trưởng hành khách.

Các hãng hàng không báo cáo có đến 10.854 trường hợp hành khách thô lỗ trong năm 2015, đồng nghĩa cứ 1.205 chuyến thì xảy ra 1 vụ, tăng 16% so với năm 2014.

Hầu hết các vụ việc đều liên quan tới những hành vi lạm dụng lời nói, không tuân thủ chỉ dẫn của phi hành đoàn và một số hành vi khác mà IATA gọi là hành vi “chống xã hội”.

Trong 11% trên tổng số vụ, khách đã tấn công thân thể của các hành khách khác hoặc phi hành đoàn, phá hoại máy bay – báo cáo của IATA cho biết.

Mới đây, tại Trung Quốc xảy ra vụ một hành khách đội mũ “Make American Great Again” (khẩu hiệu của Tổng thống Mỹ Donald Trump) gây rối trên chuyến bay của Hãng hàng không United Airlines từ Thượng Hải (Trung Quốc), để lại hệ lụy là máy bay bị hoãn suốt nhiều giờ.

Theo NBC Bay Area, hành khách không được tiết lộ danh tính đã cố tình giành chỗ của một hành khách khác khi máy bay đang rời sân bay quốc tế Pudong Thượng Hải và nhất quyết không di chuyển.

Càng lúc, vị “thượng đế đi máy bay” này càng tỏ ra gay gắt, phải nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát và toàn bộ hành khách phải xuống khỏi tàu bay, gây chậm trễ lịch trình hàng tiếng đồng hồ. Cuối cùng, người đàn ông này bị buộc ra khỏi chiếc phi cơ thương mại và nhiều hành khách khác bức xúc hét lên: “Nhốt hắn ta vào”.

Do bị hoãn nên chuyến bay dài từ Thượng Hải đến Newark Liberty buộc phải dừng tại San Francisco để đón đoàn tiếp viên mới trước khi đến New Jersey vào 2h22 sáng, muộn hơn lịch trình 8 tiếng.

Trang tin Quazt cho biết, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khách gây rối, làm loạn máy bay là bia rượu (chiếm khoảng 23% trong tổng số vụ). Trong đó, phần lớn trường hợp do khách đã uống rượu, sử dụng chất kích thích trước khi lên tàu bay hoặc khách tự mang bia/rượu lên máy bay.

Cấm bay đến trọn đời nếu cư xử thô lỗ

IATA nhận thấy, một thách thức ảnh hưởng tới việc chấm dứt tình trạng gây rối trên máy bay đó là chưa có chế tài để cáo buộc khách thô lỗ. Quy định chung của ngành vận tải hàng không quốc tế cũng như luật của một số nước còn thiếu chế tài xử phạt để bắt giữ và xét xử hành khách, IATA nhận định.

Song, thời gian gần đây, đã có một số nước tăng cường quy định để răn đe những người hành xử không đúng đắn. Chẳng hạn, tháng 9 vừa rồi, Bộ Hàng không dân dụng Ấn Độ công bố hướng dẫn chưa từng có trên thế giới về việc thực hiện danh sách cấm bay, trong đó, hành khách có thể bị cấm bay từ 3 tháng đến trọn đời nếu cư xử không đúng đắn.

Mức độ xử phạt tương đương mức độ nghiêm trọng của hành vi và được chia thành 3 loại. Thứ nhất, là hành vi xúc phạm bằng lời nói, bao gồm “những hành vi thô lỗ, xúc phạm bằng ngôn ngữ và say rượu làm càn” có thể bị cấm bay tới 3 tháng. Loại thứ hai, là tấn công thân thể với những hành vi lạm dụng thể xác (như đẩy, đá, đấm, sàm sỡ, quấy rối tình dục…) và có thể bị cấm bay tới hàng tháng.

Loại thứ ba, bao hàm những hành vi nguy hiểm nhất như cản trở, tấn công gây chết người, gây tổn hại tới hệ thống máy bay, cố tình hoặc đã vi phạm khu vực dành cho tiếp viên hàng không có thể bị cấm bay từ 1 – 2 năm hoặc trọn đời. Trong trường hợp khách liên tiếp vi phạm, mức độ phạt sẽ bị tăng gấp đôi so với mức phạt trước đó.

Hay tại Trung Quốc, từ năm 2016, 5 hãng hàng không hàng đầu nước này có chính sách đưa hành khách cư xử không phù hợp vào danh sách đen. Các hãng bao gồm: Air China, China Eastern, China Southern, Hainan Airlines và Spring Air sẽ chia sẻ các chi tiết thông tin về khách bị cấm bay.

Tháng 3/2016, Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch lớn, trong đó có danh sách những hành vi bị cấm bao gồm xâm phạm quầy làm thủ tục, tấn công nhân viên hàng không…

Tại Hàn Quốc, quy định hướng dẫn mới được công bố gần đây yêu cầu phải tăng cường đào tạo cho tiếp viên hàng không về cách ứng xử, phản ứng hoặc sử dụng thiết bị để trấn áp hành khách bạo lực và cấm hành khách dựa trên “tiền sử” hành vi thô lỗ.

Nguồn:  baogiaothong.vn