Dọc đất nước chữ S, mỗi vùng miền hiện lên với vẻ đẹp riêng, từ mùa nước đổ ở Mường Hum, Lào Cai đến cánh đồng cây năn bộp Cà Mau.
Mùa nước đổ đẹp như tranh tại Mường Hum, Bát Xát, Lào Cai. Những cơn mưa đầu mùa mang lại nguồn nước cho đồng ruộng cũng là lúc nông dân vào vụ cấy mới. Du khách đến Bát Xát trong tháng 5 – 6 có thể thấy từng nhóm nông dân xuống đồng be bờ, dẫn trâu ải đất, còn nhóm khác cấy lúa tạo nên bầu không khí nhộn nhịp trên đồng.
Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Sắc màu miền quê Việt Nam” của tác giả Phạm Huy Trung, hiện sống và làm việc tại TP HCM. Thực hiện nhiều bộ ảnh phong cảnh miền quê, thành phố cho đến thiên nhiên là cách tác giả góp phần quảng bá du lịch Việt Nam, khuyến khích người Việt đi du lịch nội địa.
Người phụ nữ chăm sóc hoa, chụp tại làng hoa Tây Tựu, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 20 km về phía tây. Năm 2017, làng hoa Tây Tựu được công nhận và vinh danh làng nghề truyền thống tại Hà Nội. Làng hoa có diện tích hơn 200 ha, một trong những nơi cung cấp hoa chủ lực cho thành phố và các khu vực lân cận. Nơi đây trồng hoa quanh năm, nhưng nhiều nhất vào dịp Tết Nguyên đán, với các loại phổ biến như hồng, cúc, ly, thược dược hay đồng tiền.
Nhịp sống mưu sinh trên đầm Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế giữa khung cảnh rực rỡ sắc màu lúc bình minh. Đầm này thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang, cách TP Huế khoảng 30 km. Ngư dân nơi đây đa phần là dân vạn đò, xem thuyền là nhà và sống với con nước.
Cánh đồng cỏ năng xanh mướt được chụp tại vùng quê Quảng Nam.
Bức tranh quê hương yên ả với hình ảnh người chăn vịt trên cánh đồng ngập nước ở vùng ngoại ô Quảng Nam.
Rừng ngập mặn bàu Cá Cái, thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 40 km về phía đông bắc trong mùa cóc trắng trổ lá non. Đây là loài cây gỗ nhỏ, được quy hoạch trồng thành rừng phòng hộ chắn sóng và cải thiện môi trường sinh thái.
Những thửa ruộng sau mùa gặt được dẫn nước vào, để người dân chăn vịt chạy đồng. Gần đó là những cây gòn, thường thấy ở vùng nông thôn Phan Rang, Ninh Thuận.
Người phụ nữ rửa hoa súng làm sạch bùn đất, sau khi hái trên cánh đồng ngập nước Kiến Tường, Long An. Mùa lũ miền Tây vào khoảng tháng 7 – 10, mang lại sức sống cho những cây sen, bông súng.
Nhịp sống mưu sinh trên mùa nước nổi trong ánh hoàng hôn ở Mộc Hóa, Long An.
Đàn trâu băng qua đồng lũ trong buổi chiều ở Tân An, Long An.
Cất vó trên cánh đồng ngập nước Tha La, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang. Đây là một trong những tỉnh đầu tiên đón lũ, rồi sau đó tới các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Mưu sinh trên cánh đồng năn bộp (gọi là năn) ở vùng quê Cà Mau. Năn phát triển tốt vào mùa mưa và người dân ăn năn như một loại rau sống chấm mắm kho, nhúng lẩu hoặc chế biến năn xào tép. Ngày nay loại năn này trồng nhiều ở các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Du khách đến miền Tây được trải nghiệm cuộc sống cùng người dân như bắt cá đồng, hái rau muống, bông súng, bông điên điển hay hái năn, gợi nhớ hình bóng quê nhà khi xa quê.
Nguồn: Huỳnh Phương
vnexpress.net