Bỏ việc tại một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, Brian không thể ngờ anh sẽ đạt được gì với niềm đam mê tích lũy dặm bay.
Brian Kelly, 34, từng làm trong bộ phận nhân sự tại một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới vào năm 2011, trước khi quyết định bỏ ngang sự nghiệp để xây dựng blog riêng về dặm bay. Hàng tháng, anh dành ít nhất hai tuần để bay khắp thế giới trên những khoang hạng nhất của các hãng hàng không, và cập nhật hành trình trên trang blog The Points Guy. Anh gần như hiếm khi phải chi tiền mua vé máy bay.
Tình yêu dành cho bầu trời nhen nhóm khi Brian chỉ còn là một cậu bé. Anh cho rằng cha chính là người truyền cảm hứng này cho anh: “Ông ấy để tôi dùng những dặm bay tích lũy mua vé cho cả nhà đi nghỉ mát trên đảo Cayman ở Caribbean (khi ấy tôi mới 13 tuổi). Kể từ đó, cả nhà như gần gũi nhau hơn mỗi khi lên kế hoạch cho chuyến nghỉ mát hàng năm”.
“Cơn hứng khởi khi bạn dùng những dặm bay tích lũy đầu tiên sẽ thôi thúc bạn suốt cả cuộc đời”, Brian nói về thú vui hái ra tiền của mình.
Tới khi trở thành sinh viên Đại học Pittsburgh, Brian đã nâng cấp thẻ tích điểm của mình với một hãng hàng không Mỹ lên mức thành viên vàng. “Tôi chỉ là một chàng sinh viên nghèo, nhưng lúc nào cũng ngồi khoang hạng nhất”.
Năm 22 tuổi, Brian chuyển tới New York và bắt đầu đi làm, một công việc cho anh nghỉ phép hai tuần một năm. “Tôi kiếm khoảng 45.000 USD một năm, chật vật để xoay sở chi tiêu. Tôi dùng hết số dặm bay tích lũy, hàng năm trời không đi du lịch, sống trong nghèo khổ ở Manhattan”, anh nhớ lại khi loay hoay chưa biết làm sao để biến đam mê thành “cần câu cơm”.
Tới năm 2007, Brian trúng tuyển vị trí tại phòng Nhân sự của một ông lớn tài chính, anh chợt nghĩ “Mình sẽ giàu to!”. Song mọi chuyện chỉ êm xuôi trước khi cơn khủng hoảng đổ ập xuống nền kinh tế Mỹ: “Tuần tôi bắt đầu đi làm cũng là khi từng sàn chứng khoán sập”.
Chàng trai trẻ giữ được việc, song cả đội 6 người làm cùng anh lần lượt rời công ty. “Công việc hút hết năng lượng của tôi, tôi phải sa thải rất nhiều người. Mỗi tối chủ nhật, ruột gan tôi lại quặn thắt khi phải vắt óc cân nhắc ai xứng đáng ở lại, ai phải ra đi. Tôi sẽ phải đưa ‘những con người khổ ải’ xuống thang máy và ra khỏi cửa. Tôi nhận ra chẳng có ai là không thể bị thay thế”.
Vào khoảng thời gian căng thẳng nhất, Brian chỉ muốn chạy trốn khỏi New York. Đúng lúc ấy, một công ty du lịch có chương trình siêu khuyến mãi: “Tôi được tặng hơn một triệu dặm bay một năm, tôi và người yêu cũ đã mua ngay vé hạng nhất tới Seychelles, châu Phi”. Trong vòng hai năm sau, Brian bắt đầu bán lời khuyên về những chuyến đi và dặm bay tích lũy qua mạng, điện thoại, và hưởng hoa hồng từ thú vui của mình.
Cuối cùng, anh lập một trang blog và đăng tải những kinh nghiệm của mình vào buổi đêm, sau giờ làm việc. Chàng trai này phải từ bỏ mối tình lâu năm của mình, vì anh quá bận rộn.
Dần dần Brian gây dựng được danh tiếng cho riêng mình trong giới blogger. Nhờ gợi ý của một người bạn, anh bắt đầu kiếm tiền từ quảng cáo trên trang blog của mình: “Vào lúc đó, tôi chỉ như một người có tầm ảnh hưởng khiêm tốn, nhưng tôi đang ngồi trên một mỏ vàng mà không hề hay biết”.
Khi bài quảng cáo đầu tay gây hiệu ứng trên mạng xã hội, Brian kiếm về 30.000 USD trong một ngày. 7 tháng sau, Brian bỏ việc tại tập đoàn tài chính sau khi khách hàng trả cho anh một tấm séc với số tiền lên tới 6 chữ số. Anh bay đến châu Á.
Tháng 5/2012, Brain bán website cho một tờ báo tài chính, nhưng vẫn duy trì vị trí giám đốc sáng tạo. “Tôi không phải đương đầu với những thứ stress khi khởi nghiệp, như việc kiểm toán hay giấy tờ hợp pháp, mà có thể làm đủ thứ hay ho hơn như thiết kế mặt sàn cho văn phòng làm việc mới chẳng hạn”. Anh tiết lộ rằng doanh thu tiếp tục tăng tới 50% hàng tháng.
Brian cho rằng sai lầm lớn nhất nhiều người hay mắc phải với quá trình tích lũy dặm bay đó là từ bỏ trước khi bắt đầu. “Ai cũng kinh ngạc với hành trình của tôi, chẳng ai dạy chúng ta những thứ như vậy, nhưng Google chính là trợ thủ đắc lực nhất của bạn. Hãy hy sinh một buổi hẹn cà phê vào sáng thứ 7, và dành thời gian tra cứu nếu bạn muốn đến Maldives. Một khi đã nắm rõ thông tin, bạn hãy đặt mục tiêu và thực hiện kế hoạch”.
Brian gợi ý về cách tận dụng ưu đãi của các ngân hàng: “Không ai muốn dùng nhiều thẻ tín dụng, nhưng điều này sẽ có ích nếu bạn thực hiện điều này đúng bối cảnh. Hãy cân nhắc nếu ‘nó sẽ giúp mình tiến gần hơn 1%, 2% hay 3% mục tiêu cho chuyến đi Hawaii’ hay ‘dùng thẻ của ngân hàng này để mua sắm trong những dịp lễ tết, mình sẽ tích lũy thêm 10% cho kỳ nghỉ sắp tới'”.
Nguồn: vnexpress.net