Trong giai đoạn 2016 – 2020 theo ước tính của VIRAC, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm sẽ đạt 9,29% và đạt 74,5 triệu khách hàng trong năm 2020, trong đó có 42,2 triệu khách hàng nội địa và 32,3 triệu khách hàng quốc tế.
Ngành hàng không Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn bùng nổ khi nhu cầu sử dụng vận tải bằng đường hàng không liên tục gia tăng, đồng thời sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không trong nước ngày càng diễn ra sôi động. Đặc biệt, sự kiện ra mắt Bamboo Airways mới đây là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của vận tải nói riêng và ngành du lịch nói chung.
Chiến lược của Bamboo Airways là tập trung vào các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch, bao gồm các địa phương có dự án của FLC như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… nhằm tiết kiệm thời gian và công sức di chuyển của du khách, tránh cho họ phải qua nhiều điểm trung chuyển không cần thiết.
Theo thông tin của Công ty CP Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tham gia khai thác của 63 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ đến Việt Nam.
Các hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, VietJet Air và Jetstar Pacific Airlines đang khai thác khai thác 105 đường bay quốc tế. Cũng theo đơn vị này, trong năm 2017, VietJet Air với 43% thị phần, Vietnam Airlines với 42%, luôn nằm trong danh sách các hãng hàng không nắm giữ thị phần lớn nhất. Bên cạnh đó, Jestar Pacific mặc dù chiếm mức thị phần không lớn nhưng cũng ghi nhận những bước tăng trưởng tích cực nửa đầu năm.
Thị phần nội địa các hãng hàng không (Nguồn: VIRAC)
Cụ thể có thể nhận thấy, VietJet Air đã áp dụng thành công mô hình dịch vụ vé máy bay giá rẻ. Doanh thu của hãng này liên tục tăng trưởng qua các năm đều ở mức 2 con số, đạt 27.500 tỷ đồng năm 2016, và đạt 42.300 tỷ đồng vào năm 2017, mức tăng vượt trội 40% và 54% so với năm trước.
Năm 2018, hãng hàng không giá rẻ này đạt tổng doanh thu 52.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 5.830 tỷ đồng. Doanh thu vận tải hàng không đạt 33.815 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước.
Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng duy trì tốc độ tăng trưởng cao với doanh thu 9 tháng đầu năm 2018 đạt gần 73.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Tình hình kinh doanh của Jetstar Pcific cũng khá ấn tượng trong giai đoạn 2017-2018 khi doanh thu tính trong 7 tháng đầu năm đã tăng hơn 523 tỷ so với cùng kỳ, vượt kế hoạch 6 lần.
Bên cạnh các hãng hàng không “ăn nên làm ra”, hiện nay, các hãng hàng không hàng đầu Đông Nam Á như AirAsia và Lion đều đang có kế hoạch lập liên doanh ở Việt Nam. Ngoài ra, VietStar – 1 hãng nội địa khác – mới đây đã được cấp phép và có kế hoạch bắt đầu cung cấp dịch vụ từ cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Nếu liên minh Vietnam AirAsia của AirAsia và Batik Vietnam của Lion Group được đưa vào hoạt động tại Việt Nam, thị trường sẽ trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Mới đây, hãng lữ hành lớn nhất Việt Nam là Vietravel cũng úp mở về việc tham gia thành lập một hãng hàng không mới.
Việc Bamboo Airways chính thức gia nhập thị trường hàng không vừa đặt ra những thuận lợi và cả những khó khăn, đặc biệt là đối với thị trường còn nhiều tiềm năng nhưng không dễ tồn tại như hàng không. Nó đòi hỏi hãng này phải sử dụng những chiến lược kinh doanh phù hợp và đúng đắn, đồng thời cũng cần có sự hỗ trợ không nhỏ từ phía Nhà nước trong việc nâng cao hạ tầng và quy hoạch đội bay.
Trong giai đoạn 2016 – 2020 theo ước tính của VIRAC, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm sẽ đạt 9,29% và đạt 74,5 triệu khách hàng trong năm 2020, trong đó có 42,2 triệu khách hàng nội địa và 32,3 triệu khách hàng quốc tế. Tốc độ tăng trưởng khách hàng nội địa sẽ tiếp tục gia tăng với tốc độ 10,56% và khách hàng quốc tế sẽ là 7,73% trong giai đoạn 2016 – 2020. Điều này cho thấy mức độ tiềm năng lớn của thị trường này bên cạnh những sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.