Áp lực khi ở trên cao, ghế ngồi chật hẹp là một trong những lý do tác động lên tâm lý, khiến bạn dễ khóc khi đang bay.
Hãng hàng không Virgin Atlantic từng làm một cuộc khảo sát và chỉ ra rằng, 55% người được hỏi thừa nhận cảm xúc của họ dễ dâng trào hơn khi ngồi trên máy bay, thậm chí có người cho biết họ đã khóc.
Nhiều người dễ khóc khi bay. Ảnh: CNN. |
Theo CNN, dựa theo tâm lý học, lý do rất đơn giản. Một số người mắc hội chứng sợ phòng kín, nhiều người lại sợ độ cao hoặc các hội chứng liên quan đến vấn đề lo lắng.
Những căng thẳng khi di chuyển đủ sức kích thích sức khỏe tâm thần của bất kỳ ai, theo nhà tâm lý học sống ở Colorado, Mỹ, Jodi De Luca. Theo đó, rất ít người khi bay không bị ảnh hưởng tâm lý dẫn đến căng thẳng về các vấn đề như: đến sân bay đúng giờ, làm sao không gặp rắc rối khi qua cổng kiểm soát an ninh, tiếp đó là khi lên máy bay càng nhanh càng tốt.
Nếu bạn đang đi du lịch một mình, bạn bị nhốt trong một không gian nhỏ với những người mình không quen biết. Sau đó, ngoại cảnh khác cũng tác động lên bạn như: Vừa tạm biệt người thân, chuẩn bị đến nơi mình chưa từng đến. Những yếu tố đó khiến ngay cả những người có tâm lý ổn định nhất cũng có đôi chút bồn chồn, căng thẳng. Do vậy, việc ai đó có thể rơi nước mắt khi lên máy bay là một điều dễ hiểu.
Nhiều người mắc hội chứng sợ độ cao, nên ngồi máy bay với họ là một cực hình. Ảnh: CNN. |
Nếu giải thích theo vật lý học, máy bay là một môi trường đặc biệt khó chịu. Nhiều người phải ngồi trong những chiếc ghế chật chội, chỗ để chân hạn hẹp dẫn đến hông và đầu gối đau đớn. Cũng theo tiến sĩ Luca, việc chỗ ngồi nhỏ cũng làm tăng sự lo lắng vì tạo cảm giác ranh không gian riêng của bạn bị xâm chiếm.
Ngoài ra, bạn cũng bị tác động từ việc chăn, gối, đồ ăn không được cung cấp hay giới hạn mang các món đồ lên máy bay – những thứ có thể khiến tâm lý bạn được xoa dịu.
Sau đó là áp lực ở cabin, khi bạn đang ở độ cao hàng chục nghìn mét. Ở điều kiện này, nhiều khi bạn bị rơi vào trạng thái thiếu oxy tương đối. Tình trạng thiếu oxy cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của con người theo những cách khác nhau. Có người cảm thấy buồn ngủ, nhưng có người lại cảm thấy mình đang khóc.
Stephen Groening, giáo sư tại Đại học Washington, Mỹ từng nghiên cứu và cho rằng sự kết hợp giữa những lo lắng và tiếp xúc quá gần với một phương tiện truyền thông, khiến chúng ta có thể rơi nước mắt.
Ví dụ khi bạn đang ngồi trên máy bay, nhâm nhi ly rượu vang và xem một bộ phim. Rượu có thể làm giảm sự lo lắng khi bay của một số người, nhưng nó cũng có thể đem lại các tác động tiêu cực khác. Hoàn cảnh đó kết hợp với áp suất của cabin có thể khiến tâm lý của bạn yếu mềm hơn và dễ xúc động hơn. Do vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng việc uống rượu khi bay không phải là một ý kiến hay.
Một số người hoài nghi rằng càng lên cao con người càng khóc nhiều hơn. Trên thực tế, tiến sĩ Paul Wicks khẳng định đây là một hiện tượng giả. Chúng ta khóc trên máy bay hay khóc ở nhà cũng không khác gì nhau. Chỉ là bộ nhớ lưu giữ những lần chúng ta khóc trên máy bay nhiều hơn những lần khóc dưới mặt đất.
Khi cảm thấy mình xúc động khi bay, lựa chọn thứ nhất là hãy kệ nó và sống đúng tâm trạng của mình: khóc thoải mái. Mỗi người đều có một cách khóc khác nhau, có người khóc lặng lẽ, có người lại khóc ồn ào. Tuy nhiên ở nơi công cộng, bạn hãy hành động sao cho không làm ảnh hưởng đến người khác.
Nếu bạn đi du lịch cùng nhóm bạn, hãy chia sẻ với họ cảm xúc của mình. Nếu bạn đi du lịch một mình, hãy làm việc gì đó như chơi game để phân tán sự tập trung của mình. Ngoài ra, bạn cũng nên điều chỉnh lại những thứ đang nghe. Ví dụ như không nên nghe một bản nhạc buồn trong lúc tâm trạng đang xúc động.