Nếu đang chuẩn bị cho chuyến thăm núi rừng, tận hưởng mùa đông và ngắm những loài hoa cuối năm, du khách không nên bỏ qua ba cung đường sau:
1. Mai Châu – Hòa Bình
Đến đây, bạn có thể ghé chân tại “ngọn đồi tuyết trắng” – đèo Thung Khe để chụp hình hay khám phá Bản Lác, hang Mỏ Luông…
Phương tiện di chuyển
Mai Châu cách Hà Nội khoảng 140 km và thành phố Hòa Bình 60 km về hướng Tây Bắc. Khách có thể đi đến đây bằng xe máy, xe khách hoặc taxi.
Nếu đi bằng xe máy, bạn có thể chọn tuyến Hà Nội – Xuân Mai – Lương Sơn – Hòa Bình – Mường Khén – Mai Châu, dọc theo quốc lộ 6 là cung đường ngắn và nhanh nhất. Nếu đi bằng xe khách, bạn có thể đến bến xe Mỹ Đình hoặc Giáp Bát để bắt xe. Bạn nhớ nói bác tài cho xuống tại ngã ba Tòng Đậu rồi bắt xe ôm khoảng 5 km là đến trung tâm thung lũng Mai Châu. Giá vé dao động khoảng 90.000 – 110.000 đồng/ người, tùy vào hãng xe.
Ở đâu?
Dịch vụ nhà nghỉ và homestay ở Mai Châu đang phát triển. Các phòng nghỉ đều đầy đủ tiện nghi. Giá trung bình khoảng 50.000 đồng/người/đêm.
Ăn gì?
Bạn không nên bỏ qua các đặc sản của xứ núi này: thịt gà đồi, thịt lợn Mường, nhộng ong rừng xào măng chua, cá suối hấp lá dong, cơm lam…
Quà lưu niệm: sản phẩm từ thổ cẩm như khăn, áo, thú nhồi, vòng tay; rượu Mai Hạ, rượu cần, cơm lam…
2. Đồng Văn – Hà Giang
Dọc đường 4C lên Đồng Văn, bạn nên ghé qua xã Phố Cáo, Sủng Là, Sà Phìn hay Thài Phìn Tủng mới cảm nhận vẻ đẹp của vùng đất này. Dịp cuối năm cũng là lúc hoa đào, hoa mận bắt đầu đua nở. Nếu như ở Bắc Hà, Mộc Châu, mận và đào mọc thành những thung lũng hoặc tập trung theo từng bản, tại cao nguyên đá, mật độ của hoa phân bố đồng đều hơn.
Một trong những điểm đến ưa thích của nhiều du khách là Làng Văn hóa du lịch Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Là, nơi xuất hiện trong phim “Chuyện nhà Pao” với những mái ngói âm dương, tường rào đá, hoa bên hàng rào. Đây cũng là khung cảnh đặc trưng nhất của Hà Giang. Huyện miền núi này còn có phiên chợ lùi nổi tiếng. Gọi là chợ lùi vì tuần này họp chợ vào thứ 5 thì tuần kế tiếp sẽ họp vào thứ 4 và giật lùi như vậy.
Phương tiện di chuyển
Hà Giang cách Hà Nội khoảng 300 km. Bạn có thể đi xe máy nếu thích ngắm cảnh và chụp ảnh dọc đường. Nếu ngại, bạn nên chọn đi ôtô đến Hà Giang rồi đi xe máy đến Đồng Văn. Tại bến xe Mỹ Đình có nhiều chuyến xe chạy về Hà Giang, có đầy đủ loại ghế ngồi, giường nằm. Giá trung bình từ 200.000 đồng/người/lượt.
Ở đâu?
Có nhiều gia đình làm homestay với giá trung bình từ 70.000 đồng/đêm/người. Ngoài ra, bạn cũng có thể ở tại khách sạn Công Đoàn, phòng cho dân phượt có giá 50.000 đồng/đêm/người.
Ăn gì?
Các món ăn đặc trưng ở Hà Giang: cháo ấu tẩu, phở Tráng Kim, bánh cuốn trứng, tiết canh lợn mán, thắng dền, cơm lam Bắc Mê, lạp xưởng gác mái, mèn mén và tổ chua, bánh tam giác mạch chiên, xôi ngũ sắc…
Quà lưu niệm: cam Bắc Quang, lạp xưởng gác bếp…
3. Sapa – Lào Cai
Đến Sapa trong khoảng thời gian này, du khách sẽ cảm nhận được không khí lạnh hơn với sương giăng vào sáng sớm và chiều tối. Thậm chí còn có băng giá, nếu may mắn bạn sẽ bắt gặp những cơn mưa tuyết.
Du khách đến phố núi nên tham quan các điểm du lịch như núi Hàm Rồng, đèo Ô Quy Hồ, Lao Chải – Tả Van, thác Bạc, bản Cát Cát, bản Tả Phìn, bản người Dao Đỏ…
Phương tiện di chuyển
Thị trấn Sapa cách Hà Nội 376 km và thành phố Lào Cai 38 km. Du khách có thể chọn đi tàu hỏa hoặc xe ôtô.
Tàu xuất phát hàng ngày tại ga Trần Quý Cáp. Giá vé dao động khoảng 200.000 – 600.000 đồng/lượt. Nếu chọn đi xe ôtô, bạn sẽ mất chi phí từ 220.000 đồng/người/lượt, tùy vào nhà xe. Một số nhà xe bạn có thể tham khảo: Sao Việt, Hưng Thành, Vietbus, Hà Sơn.
Ở đâu?
Từ nhà nghỉ giá bình dân cho đến khách sạn sang trọng hay các homestay xinh xắn đều có mặt ở thị trấn này. Khu tập trung đông nhà nghỉ khách sạn giá rẻ ở Sa Pa là đường Xuân Viên và Fansipan, giá mùa cuối năm dao động trong khoảng 400.000 – 700.000 đồng/đêm/phòng. Ngoài ra, bạn cũng có thể trải nghiệm ở các điểm lưu trú mới như: Phơri’s House, Eco Palms House, VietTrekking hay Nam Cang Riverside Lodge.
Ăn gì?
Một số món ăn sẽ giúp bạn xoa dịu cơn thèm khi trời lạnh: lẩu cá hồi, thắng cố, lợn cắp nách, hạt dẻ rừng, trứng thuốc bắc, đồ nướng, xôi ngũ sắc…
Quà lưu niệm: thổ cẩm, đồ trang sức, khăn quàng cổ, túi đeo vai, hạt dẻ, ruốc cá hồi, thịt trâu sấy, lan rừng, thuốc tắm của người Dao Đỏ…
Nguồn: ivivu.com