Dù cả 3 hãng hàng không nội địa đều tăng tải hàng nghìn chuyến bay phục vụ đi lại dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2016 nhưng đến thời điểm này, nhiều đường bay đã gần như kín chỗ, hết vé. Trong khi đó, giá vé máy bay đi lại dịp này không hề rẻ.
Tăng tải hàng nghìn chỗ vẫn hết
Tính đến 20-1-2016, 3 hãng hàng không nội địa gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific đã tăng tải cho dịp Tết khoảng 400.000 vé máy bay cho một số ngày cao điểm trước Tết Nguyên đán 2016. Tuy nhiên, theo khảo sát, trong những ngày 26, 27 và 28 tháng Chạp, trên một số chặng bay đông như TP.HCM – Hà Nội, TP.HCM – Vinh… chỉ còn những chuyến rất muộn. Đáng nói, giá vé máy bay vào dịp này đều rất cao.
Hãng hàng không Vietjet Air từ ngày 20-1 đến 20-2 đã lên kế hoạch tăng cường hơn 800 chuyến bay, cung ứng thêm 150.000 vé máy bay cho người dân. Một số đường bay được hãng này tăng tần suất như TP.HCM – Hà Nội, TP.HCM – Đà Nẵng, TP.HCM – Hải Phòng… Trong khi đó, Jetstar Pacific cũng tăng tải 70.000 chỗ trong dịp Tết này.
Đặc biệt, Vietnam Airlines cũng đã thông báo kế hoạch tăng chuyến bay cho giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Bính Thân từ ngày 26-1 đến ngày 24-2-2016. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ phục vụ thêm khoảng 800 chuyến bay một chiều trên các đường bay có nhu cầu lớn cho hành trình nội địa và quốc tế, tương ứng 136.000 chỗ trên 22 đường bay, nâng tổng số ghế cung ứng trong dịp cao điểm Tết lên gần 2,1 triệu chỗ, tăng 7% so với thường lệ và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo ghi nhận, ngày 22-1 khi vào website của Vietnam Airlines, giá vé máy bay chiều Hà Nội – TP.HCM cho lịch bay ngày 4-2 trở đi (tức từ 26 tháng Chạp) thấp nhất là 2,680 triệu đồng/chiều (chưa bao gồm thuế, phí). Đặc biệt, chiều TP.HCM – Hà Nội cũng với lịch bay như trên, giá vé ở mức 5 triệu đồng/chiều (chưa bao gồm thuế, phí). Hành trình TP. HCM – Đà Nẵng ngày 6-2 còn sót lại duy nhất chuyến bay khởi hành lúc 23h25 với giá vé không hề mềm, 2,9 triệu đồng/chiều (chưa bao gồm thuế, phí).
Cẩn trọng lừa đảo vé máy bay Tết
Anh Nguyễn Hữu Lượng hiện đang làm công nhân ở KCN Sóng Thần (Bình Dương) quê ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa cho biết, do lịch nghỉ Tết Nguyên đán khá muộn, nên đến thời điểm này anh mới thu xếp được thời gian mua vé máy bay cho gia đình về quê ăn Tết. Tuy nhiên, trong các ngày 26, 27 và 28 tháng Chạp, các hãng như Vietjet Air, Jetstar Pacific đều đã thông báo hết vé trên chặng bay TP.HCM – Thanh Hóa. “Không mua được vé máy bay tôi đành phải mua vé ô tô, giá cũng không mềm chút nào”, anh Lượng tâm sự.
Lợi dụng vé máy bay đi lại dịp Tết Nguyên đán 2016 đang “sốt”, một số đối tượng đã chào mời bán vé máy bay giả để lừa đảo. Theo các hãng hàng không, thủ đoạn lừa bán vé máy bay muôn hình vạn trạng như có những nơi xuất vé giả (vé máy bay hiện chỉ được in đơn giản trên giấy A4) rồi đóng dấu mộc công ty, khách hàng chủ quan không kiểm tra nên khi ra sân bay mới biết bị lừa. Hay sau khi người mua trả tiền, người bán gửi thông tin về vé cho khách hàng, rồi sau đó thông báo với hãng hàng không hủy vé và “ôm” tiền của khách.
Tinh vi hơn, cá nhân, đại lý gửi mã vé cho khách hàng, để một thời gian “làm tin” sau đó mới đề nghị hãng hoàn vé, “ôm” tiền của khách. Đặc biệt, một số kẻ “đánh” vào người tiêu dùng bằng cách bán lại vé giá rẻ hoặc bán vé rẻ hơn vé thông báo trên website của các hãng. Tuy nhiên, đại diện Jetstar Pacific cho hay, giá bán vé máy bay trên website hay tại các phòng vé chỉ chênh nhau từ 20.000 – 50.000 đồng/vé. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng không nên tham vé giá rẻ mà mua lại vé mang tên, thông tin của người khác để tránh tiền mất mà không lên được máy bay để về quê dịp Tết.
Theo anninhthudo