Thị trường hàng không Việt đang có những bước phát triển đáng ngưỡng mộ, nhất là khi có sự tham gia của hàng không tư nhân, cơ hội được đi máy bay của người dân từ thành thị đến nông thôn không còn là điều xa xỉ nữa, tuy nhiên sự phát triển quá nhanh để lại các hậu quả tiêu cực khi sự văn minh của người Việt không theo kịp thị trường.
Những bước phát triển đáng ngưỡng mộ
Hồi tháng 5 vừa qua, Vietnam Airlines chính thức hoàn thành “giấc mơ bay” và mang về chiếc Boeing 787-9 Dreamliner. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam trở thành hãng đầu tiên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương khai thác đồng thời hai loại máy bay hiện đại thế hệ mới là Boeing 787-9 Dreamliner và Airbus A350-900 XWB.
Trong đó, Boeing 787-9 Dreamliner là phiên bản mới nhất trong dòng máy bay Boeing 787 tiết kiệm nhiên liệu của hãng Boeing. Nó có thể bay xa hơn, vận chuyển nhiều hành khách và hàng hóa hơn so với các phiên bản 787 trước đó.
Việc giới thiệu những phiên bản máy bay hàng đầu thế giới không còn là xa lạ đối với Vietnam Airlines, 12 năm trước, cuối năm 2003, Vietnam Airlines tiếp nhận cho vào khai thác hai chiếc máy bay hiện đại Boeing 777 đầu tiên.
Bên cạnh đó, họ còn đặt mua thêm 6 chiếc Boeing 777 khác. Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của chương trình hiện đại hóa đội bay của hãng.
Hồi năm 2013, Việt Nam được nhận định là quốc gia phát triển vận tải trên không hàng đầu thế giới. Dù xuất phát điểm thấp, hàng không Việt Nam cố gắng để phục vụ thị trường nội địa với 90 triệu người và số lượt khách quốc tế tăng khoảng 20% mỗi năm.
Không chỉ Vietnam Airlines, một số hãng hàng không còn lại cũng mang đến nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Đặc biệt là Vietjet Air, hãng hàng không tư nhân này đã ký hợp đồng mua 92 máy bay và thuê thêm 8 chiếc Airbus 320 với tổng trị giá 9,1 tỷ USD.
Sự phát triển vượt trội của Vietjet cùng với những nỗ lực của hãng hàng không non trẻ này như thổi một luồng sinh khí mới vào thị trường hàng không. Người dân đã có thêm sự lựa chọn vì sự độc quyền bị phá bỏ. Dù chịu nhiều sức ép cạnh tranh nhưng những chuyến bay giá rẻ vẫn cứ bay ngày một nhiều.
Sau gần 5 năm gia nhập thị trường hàng không, Vietjet Air cho biết mục tiêu năm 2015 của hãng hàng không này là vận chuyển hơn 9 triệu lượt khách với hơn 55.600 chuyến bay, hệ số sử dụng ghế là 88,5%.
Trong năm 2014, Vietjet Air đạt tổng doanh thu 409,5 triệu USD, lợi nhuận hoạt động đạt 24,85 triệu USD. Kế hoạch cho năm 2015 là 666,67 triệu USD doanh thu (tăng 63%).
JetStar Pacific cũng không chịu kém cạnh. Họ trở thành hãng hàng không giá rẻ hàng đầu tốt nhất nhiều năm liền từ Sky Trax. Các hãng này khiến thị trường Việt Nam cạnh tranh lành mạnh và phát triển hơn.
Những bước tiến mạnh mẽ của hàng không Việt Nam thực sự mang lại nhiều lựa chọn cho khách du lịch. Đi máy bay giờ đã không phải là điều xa xỉ nữa. Mức giá trên dưới 1 triệu đồng cho một lần bay nội địa có thể chấp nhận được với phần lớn người dân.
Đi máy bay như đi chợ
Sự cạnh tranh và phát triển của thị trường mang lại nhiều lựa chọn cho người dân. Các điểm đến ở miền Trung hay miền Nam đã dễ dàng hơn đối với người miền Bắc và ngược lại. Thậm chí, các đường bay quốc tế cũng không phải là điều quá khó khăn nữa.
Điều này đóng góp rất nhiều cho ngành du lịch nói riêng và kể cả nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Có thể nói, doanh thu hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm của du lịch có thành tích không nhỏ nhờ hàng không.
Khái niệm “đi máy bay” hiện nay cũng là rất quen thuộc. Bên cạnh tranh mức giá, các dịch vụ khuyến mãi, hậu mãi cũng được các hãng hàng không chăm chút kỹ càng. Khách hàng vì thế cũng “kiêu” hơn, tha hồ lựa chọn phương tiện vận tải cho mình.
“Đi máy bay như đi chợ” chắc chắn không phải là điều nói quá nữa. Tuy nhiên, câu nói này đúng cả về nghĩa đen. Thị trường phát triển quá nhanh để lại các hậu quả tiêu cực khi sự văn minh của người Việt không theo kịp thị trường.
Mỗi khi lên máy bay, các hành khách được các tiếp viên hàng không hướng dẫn chi tiết về các văn hóa trên máy bay. Tuy nhiên, nhiều người thực sự không hề quan tâm đến điều này.
Nhức nhối nhất là hiện tượng các hành khách “quậy” trên máy bay. Có người thậm chí còn đùa rằng mình mang bom lên và khiến các hành khách giật mình hoảng sợ. Hành động này nhiều khi còn làm cho các hãng hàng không phải hoãn chuyến, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, việc hành khách sử dụng điện thoại, laptop trên máy bay hay không thắt dây an toàn xảy ra như cơm bữa. Mặc dù được nhắc nhở nhiều về cả hai vấn đề này nhưng các hành khách cố tình không thực hiện.
Ngoài ra còn vấn đề về việc hút thuốc lá hoặc thậm chí là nghịch mở cửa thoát hiểm. Tất cả đều cho thấy văn minh hàng không của người Việt Nam ở mức rất kém và không khác nhiều khi “đi chợ”.
Văn minh hàng không cũng phản ánh một phần về dân trí và văn hóa của các quốc gia. Và máy bay sẽ là nơi đầu tiên mà các hành khách quốc tế có thể tiếp xúc với người bản địa hay mang tới cái nhìn đánh giá đầu tiên về một quốc gia.
Chính vì thế, văn hóa “đi chợ” trên máy bay ở Việt Nam cần phải được sớm xóa bỏ. Hàng không phát triển không đồng nghĩa với việc vị thế của quốc gia được nâng tầm mà chính sự văn minh trên máy bay mới là điều quyết định vấn đề này.
(Nguồn: VTC News)
Có thể bạn quan tâm:
Đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng mở rộng nhà ga Cảng hàng không Phú Quốc
Hỗn loạn trên tàu bay VietJet Air, chậm chuyến 3,5 tiếng
Jetstar Asia bắt đầu bán vé đường bay thẳng giá rẻ Đà Nẵng – Singapore
atadi.vn là website SĂN VÉ MÁY BAY GIÁ RẺ của các hãng bay trong nước & Đông Nam Á, giúp người dùng dễ dàng săn vé máy bay rẻ & nhanh nhất. SĂN VÉ RẺ ngay!