‘Luật ngầm’ về chỗ ngồi trên máy bay

‘Luật ngầm’ về chỗ ngồi trên máy bay

Nếu không muốn bị người khác nhìn với ánh mắt hình “viên đạn”, bạn hãy cố gắng đi vệ sinh cùng thời điểm với những hành khách cùng hàng.

Có hai vị trí được phần lớn hành khách yêu thích và lựa chọn khi ngồi trên máy bay: ghế cạnh cửa sổ và ghế cạnh lối đi. Dưới đây là những luật “bất thành văn”, nhưng bạn nên làm theo khi đi máy bay.

Với những ghế cạnh cửa sổ, đây là vị trí thuận lợi để ngắm cảnh và ngủ một giấc ngon lành mà không bị ai làm phiền trong các chặng bay dài. Điểm trừ của vị trí này là ánh nắng có thể khiến bạn bị chói mắt, khó ngủ hoặc không thể xem phim chiếu trên màn hình phía trước. Do vậy, nếu bạn muốn đóng cửa lại, hãy chắc chắn hai người ngồi cạnh cũng đồng ý. Điều này sẽ giúp bạn phần nào tránh được những cái nhìn thiếu thiện cảm, khi bạn đánh thức họ dậy để đi toilet.

Không nên trò chuyện, cười đùa với người ngồi cạnh hoặc ngồi sau mình vài hàng ghế quá to. Ảnh: iStock.

Không nên trò chuyện, cười đùa với người ngồi cạnh hoặc ngồi sau mình vài hàng ghế quá to. Ảnh: iStock.

Ngồi ở vị trí trong cùng đồng nghĩa với việc bạn có trách nhiệm mở cửa sổ khi máy bay cất, hạ cánh, nhất là khi tiếp viên đi dọc cabin và nhắc nhở. Đây cũng là vị trí đi lại bất tiện nhất, do đó bạn không nên cất mọi thứ cần thiết vào hành lý và để chúng phía trên. Như thế mỗi lần cần lấy một thứ gì đó, bạn sẽ liên tục làm phiền hai người ngồi cạnh để đi ra đi vào. Việc bạn để sẵn những món đồ cần dùng như sạc điện thoại, tai nghe, khăn đắp người, sách… vào chiếc túi phía trước ghế máy bay là một gợi ý tốt.

Bạn nên lên máy bay sớm khi chọn chỗ ngồi này để những người khác không phải đứng đợi bạn quá lâu. Và hãy rời khỏi ghế xuống máy bay sau khi hai người ngồi ngoài đã rời đi. Đừng cố vượt qua trước mặt họ để ra trước.

Nếu có thể, bạn hãy tranh thủ dùng nhà vệ sinh cùng thời gian với hai người ngồi cạnh. Điều đó có nghĩa là khi họ đứng lên để sử dụng nhà vệ sinh, bạn cũng sẽ đi cùng để tránh làm phiền.

‘Luật ngầm’ về chỗ ngồi trên máy bay

Nếu bạn hay phải đi vệ sinh, không nên chọn vị trí cạnh cửa sổ. Ảnh: ABC.

Nếu bạn phải đi vệ sinh liên tục, tốt nhất nên chọn ghế dọc lối đi. Điều này giúp bạn có thể thoải mái đứng lên ngồi xuống mà không ảnh hưởng đến ai. Trong trường hợp không thể chọn được ghế này, hãy cố gắng uống ít nước nhất có thể.

Hãy nhường tay vịn cho người ngồi giữa. Đó là chiếc ghế không ai muốn ngồi. Do vậy, có một luật bất thành văn là người ngồi giữa sẽ được sử dụng cả hai tay vịn.

Trong trường hợp được phục vụ bữa ăn, hãy đảm bảo rằng khi bạn chuyển cho người ngồi cạnh, đồ ăn, nước uống không bị rơi, sánh. Hãy tưởng tượng ai đó đổ trà lên quần áo bạn và phải chịu ướt suốt chuyến bay sẽ khó chịu như thế nào.

Khi bạn ngồi ở bất kỳ vị trí nào, hãy nhớ rằng không nên ngả ghế để ngủ trong thời gian phục vụ bữa ăn, cất và hạ cánh. Hãy nghĩ đến không gian của người ngồi sau mà bạn đang lấn chiếm. Hãy luôn thắt dây an toàn, ngồi im trên ghế trong khoảng thời gian máy bay hạ cánh.

Nếu đi theo nhóm và không thể ngồi cạnh nhau, hãy hạn chế việc nói to qua vài hàng ghế để trò chuyện với người ngồi trước hoặc sau mình. Hãy để sự vui vẻ, nhiệt tình đó trong các bữa tiệc, hay các kỳ nghỉ của bạn chứ không phải trên máy bay.

Nguồn: vnexpress.net

Trình Thủ tướng phê duyệt dự án lập Hãng hàng không Cánh Diều

Trình Thủ tướng phê duyệt dự án lập Hãng hàng không Cánh Diều

Sau quá trình thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh.

Trình Thủ tướng phê duyệt dự án lập Hãng hàng không Cánh Diều

Cánh Diều mong muốn cất cánh vào giữa năm 2020 với 6 máy bay ATR 72 – Ảnh minh họa: TUẤN PHÙNG

Dự án lập Hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) có mục tiêu xây dựng một hãng hàng không mới chi phí thấp để kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa được đầu tư phát triển.

Hãng hàng không Cánh Diều dự kiến cất cánh trong quý 2-2020 với 6 máy bay cánh quạt tầm ngắn ATR72 hoặc tương đương.

Số máy bay sẽ tăng dần qua các năm và đến năm thứ 6 sẽ có 25 máy bay, trong đó có 15 chiếc Airbus A320, A321 hoặc tương đương.

Tổng vốn của dự án hãng Cánh Diều là 5.500 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.000 tỉ đồng (chiếm 18% tổng vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỉ đồng (chiếm 82% tổng mức đầu tư).

Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Nam – nơi đặt trụ sở kinh doanh của Hãng hàng không Cánh Diều – chỉ đạo Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án theo ý kiến của cơ quan thẩm định và các bộ ngành liên quan, giám sát chặt việc huy động vốn của nhà đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án.

Theo dự án của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh, trong năm đầu tiên khai thác hãng Cánh Diều chỉ khai thác các đường bay nội địa từ Nội Bài, Chu Lai, Đà Nẵng đến các sân bay địa phương như Điện Biên, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Cà Mau, Côn Đảo, Rạch Giá và chỉ khai thác đường bay từ Tân Sơn Nhất đi Côn Đảo, trong đó số chuyến bay khai thác tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 21 chuyến mỗi tuần…

Hãng Cánh Diều có kế hoạch khai thác đường bay quốc tế từ năm thứ 2 thành lập và mở rộng phạm vi khai thác từ năm thứ 3.

Như vậy, đến thời điểm này Bộ Kế hoạch và đầu tư đã thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu với 3 dự án lập hãng hàng không Vietravel Air, Vinpearl Air và Cánh Diều – Kite Air.

Nguồn: tuoitre.vn

Vietnam Airlines được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp phép mở rộng hợp tác liên danh với Delta Air Lines

Vietnam Airlines được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp phép mở rộng hợp tác liên danh với Delta Air Lines
Vietnam Airlines vừa chính thức được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp phép mở rộng hợp tác liên danh linh hoạt hai chiều với hãng hàng không Delta Air Lines sau khi hai hãng ký kết thỏa thuận vào tháng 8 vừa qua.

Sự kiện mở rộng hợp tác liên danh linh hoạt hai chiều với hãng hàng không Delta Air Lines một lần nữa khẳng định năng lực đảm bảo an toàn khai thác, kỹ thuật và chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines để hiện thực hóa đường bay đến Mỹ trong tương lai.

Hợp tác liên danh linh hoạt hai chiều giữa Vietnam Airlines và Delta Air Lines dự kiến chính thức đi vào triển khai từ tháng 1/2020. Theo đó, hành khách chỉ cần đặt chỗ và làm thủ tục chuyến bay một lần duy nhất với Vietnam Airlines hoặc Delta Air Lines để thực hiện toàn bộ hành trình, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách dễ dàng ghé thăm những điểm đến nổi tiếng tại Việt Nam và Mỹ.

Sự kiện một lần nữa khẳng định năng lực đảm bảo an toàn khai thác, kỹ thuật và chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines. (Ảnh: VNA).

Các chuyến bay của Vietnam Airlines có hợp tác liên danh với Delta Air Lines sẽ được phép hiển thị số hiệu của Delta Air Lines (bắt đầu bằng mã DL*) bên cạnh số hiệu của Vietnam Airlines. Phạm vi các chuyến bay này bao gồm các hành trình quốc tế giữa một hoặc các điểm tại Mỹ và một hoặc các điểm tại Việt Nam (các hành trình bay thẳng hoặc có điểm dừng tại Nhật hay các nước khác theo Hiệp ước Bầu trời mở); giữa các điểm nội địa Mỹ; giữa các điểm nội địa Việt Nam; giữa các điểm ngoài Việt Nam hoặc Mỹ tới một hoặc các điểm khác. Delta Air Lines sẽ triển khai bán vé các chuyến bay do Vietnam Airlines khai thác giữa Hà Nội và Tokyo để phục vụ hành khách có nhu cầu nối chuyến bay đến Mỹ.

Trong khi đó, Delta Air Lines được phép vận chuyển hành khách, hàng hóa, thư tín dưới hình thức hợp tác liên danh giữa Mỹ và Việt Nam trên cơ sở phạm vi đã được quy định tại Hiệp định hàng không Việt – Mỹ năm 2003. Số hiệu chuyến bay bắt đầu bằng mã VN* (số hiệu của Vietnam Airlines) không những được hiển thị trên các chuyến bay của Delta Air Lines mà còn của các hãng hàng không liên kết gồm Compass Airlines, Endeavor Air, GoJet Airlines, Republic Airlines và SkyWest Airlines trên các hành trình đến 25 điểm tại Mỹ theo Hiệp định hàng không Việt – Mỹ.

Với quyết định cấp phép này, Vietnam Airlines đã hoàn thiện quyền khai thác các hành trình đến, đi từ Mỹ trên tất cả các hình thức gồm khai thác thường lệ, thuê chuyến và liên danh hai chiều. Đây là những bước tiến quan trọng để Hãng thăm dò thị trường Việt – Mỹ, đồng thời tạo thói quen cho hành khách bay đến Mỹ trên các chuyến bay mang số hiệu của Vietnam Airlines.

Thông tin bổ sung:

Từ năm 2010, Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận hợp tác liên danh linh hoạt một chiều với Delta Air Lines trên 10 đường bay đến/đi từ Mỹ và 10 đường bay nội địa Mỹ. Nhờ thỏa thuận hợp tác này, hành khách của Vietnam Airlines có thể đến 8 tiểu bang tại Mỹ thông qua nối chuyến với Delta Air Lines tại Tokyo (Nhật Bản) hoặc Frankfurt (Đức).

Cụ thể, hành khách có thể mua vé trên hệ thống của Vietnam Airlines để đi trên các chuyến bay do Delta Air Lines khai thác giữa thành phố Tokyo và Detroit (Michigan), Portland (Oregon), Honolulu (Hawaii), Atlanta (Georgia), Seattle (Washington); Los Angeles (California), Minneapolis (Minnesota); giữa Frankfurt và Detroit (Michigan), Atlanta (Georgia), New York.

Ngoài ra, hành khách còn có thể mua vé trên hệ thống của Vietnam Airlines để bay các chuyến nội địa Mỹ do Delta Air Lines khai thác giữa Minneapolis (Minnesota) và Boston (Massachusetts), Chicago (Illinois), Denver (Colorado), Philadelphia (Pennsylvania), St. Louis (Missouri); giữa Atlanta (Georgia) và Austin, Dallas, Houston (Texas), Miami (Florida), Washington D.C (Columbia).

Nguồn: Vietnam Airlines

12 điểm du lịch gợi ý theo tháng

12 điểm du lịch gợi ý theo tháng

Du khách có thể chọn khám phá mùa rêu Mỹ Hiệp hay mùa hoa tam giác mạch Hà Giang qua các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Trần Minh Dũng.

12 điểm du lịch gợi ý theo tháng

Tác phẩm “Tháng giêng xuống biển đón gió” gợi ý du khách tham quan mùa rêu tại Hòn Đỏ, thôn Mỹ Hiệp, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận. Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Vẻ đẹp phong cảnh Việt Nam” của nhiếp ảnh gia Trần Minh Dũng, hiện sống và làm việc tại TP HCM.

Anh Dũng cho biết cuối năm cũ – đầu năm mới là thời gian biển và sóng đẹp, rêu xanh mọc trên các mỏm đá. Tại Mỹ Hiệp, rêu phủ xanh bãi biển và các rạn đá kéo dài đến tháng 3. Rêu mới lên có xanh mơn mởn, sau thời gian ngắn rêu sẽ dần ngả sang màu vàng, là nơi lý tưởng cho các nhiếp ảnh gia đến sáng tác.

12 điểm du lịch gợi ý theo tháng

Tác phẩm “Tháng 2 thức đêm ngắm sao” chụp tại hải đăng Gành Đèn thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, Phú Yên trong sương đêm và dải ngân hà.

Cách Ghềnh Đá Đĩa khoảng 15 phút đi bộ (xe máy vào được), khu vực Gành Đèn dài gần một km là một bãi đá hồng đỏ nơi có ngọn hải đăng sát biển. Nhiều người thích đến đây cắm trại, câu cá và chụp ảnh đẹp. Ngọn hải đăng có hai màu đỏ – trắng nhô cao làm nhiệm vụ báo hiệu cho tàu thuyền ngoài khơi biết đường ra vào cửa vịnh Xuân Đài.

12 điểm du lịch gợi ý theo tháng

Tác phẩm “Tháng 3 lên đồi săn mây” chụp quang cảnh phố núi Đà Lạt chìm trong màn sương mây pha lẫn ánh đèn đêm.

Đà Lạt thường được gọi là thành phố ngàn hoa. Nơi đây không chỉ là địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn thu hút các nhiếp ảnh gia phong cảnh đến săn bình binh, hoàng hôn và sương mây.

12 điểm du lịch gợi ý theo tháng

Tác phẩm “Tháng 4 săn sương trên đèo K’Long Lanh”. Cung đường đèo này nối Đà Lạt – Nha Trang tại địa phận thôn K’Long Lanh, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Nếu có dịp, bạn hãy xuất phát từ Đà Lạt vào 4h30 để kịp chớp khoảnh khắc nắng xuyên qua rừng thông trên đèo.

Ngoài đèo K’Long Lanh, các địa điểm khác tại Lâm Đồng như Đại Lào (Bảo Lộc) hay hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) là địa điểm lý tưởng để du khách săn sương, mây.

12 điểm du lịch gợi ý theo tháng

Tác phẩm “Tháng 5 ngắm dải lụa thác hang Én”. Đây là ngọn thác hoang sơ, nằm nơi đầu nguồn sông Côn, giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, thuộc địa phận huyện K’bang , Gia Lai. Thác nằm trong khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Tại đây có trên 10 con thác, nhưng đẹp và hùng vĩ nhất là thác Hang Én, hay thường gọi là thác 50.

Nhìn từ xa, thác Hang Én có độ cao khoảng 50 m, dòng chảy mạnh theo chiều thẳng đứng tạo sương mù và cầu vồng. Dưới chân thác, những khối đá xếp chồng lên nhau tạo thành bậc thang giữa dòng nước mờ ảo trong làn bụi nước. Du khách khi trải nghiệm nhớ làm thủ tục đăng ký với ban quản lý khu bảo tồn để các kiểm lâm hướng dẫn đường đi đến thác.

12 điểm du lịch gợi ý theo tháng

Tác phẩm “Tháng 6 khám phá san hô”. Đây là rạn san hô cạn tại Hòn Yến, khi thủy triều rút có thể lộ các cấu trúc san hô lên mặt nước.

Hòn Yến thuộc thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa, Phú Yên khoảng 20 km về hướng đông bắc. Du khách và các nhiếp ảnh gia khi khám phá san hô cần lưu ý tránh giẫm đạp lên các rạn san hô để bảo vệ san hô.

12 điểm du lịch gợi ý theo tháng

Tác phẩm “Tháng 7 rực rỡ bình minh bãi trứng” chụp tại bãi tắm Hoàng Hậu, Quy Nhơn, Bình Định. Quy Nhơn có nhiều bãi tắm đẹp, như bãi “vầng trăng khuyết” trải dài gần 5 km từ mũi Tấn đến Ghềnh Ráng và bãi đá trứng, nơi thu hút nhiều tay máy đến sáng tác. Trước đây, khi tới thành phố Quy Nhơn, Nam Phương Hoàng hậu đã lựa chọn Ghềnh Ráng để nghỉ dưỡng.

12 điểm du lịch gợi ý theo tháng

Tác phẩm “Tháng 8 ngắm Hội An về đêm”. Hội An được tạp chí Travel and Leisure bình chọn đứng đầu 15 thành phố du lịch tốt nhất thế giới năm 2019. Bức ảnh trên của tác giả vào top 39 trên 50 ảnh đẹp thể loại Kiến trúc và Môi trường xây dựng, hạng mục Mở rộng tại cuộc thi ảnh quốc tế EPSON 2019.

Anh Dũng cho biết nhờ công nghệ flycam phát triển nên hiện nay các nhiếp ảnh gia sáng tác được những bức ảnh toàn cảnh độc đáo, góp phần quảng bá du lịch tại các điểm du lịch nổi tiếng.

12 điểm du lịch gợi ý theo tháng

Tác phẩm “Tháng 9 dịu dàng mùa lúa chín” chụp vào ban đêm với ánh trăng soi sáng trên ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Tháng 9 là lúc các thửa ruộng bậc thang nổi tiếng như đồi mâm xôi (ảnh), Tú Lệ, Sáng Nhù vào mùa vàng, chìm trong làn mây mờ ảo thu hút nhiều du khách và nhiếp ảnh gia.

Ruộng bậc thang cạnh đồi mâm xôi thuộc xã La Pán Tẩn, nằm ở độ cao hơn 1.000 m, cách trung tâm huyện Mù Cang Chải khoảng 10 km. Người dân tộc Mông cải tạo sườn núi thành ruộng bậc thang từ hàng trăm năm trước và đến nay vẫn dùng để trồng trọt.

12 điểm du lịch gợi ý theo tháng

Tác phẩm “Tháng 10 mùa lúa chín nơi biên cương” chụp những thửa ruộng chuyển sắc vàng bên dòng Quây Sơn tại địa phận xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Tại vùng biên cương Cao Bằng vào tháng 9-10, du khách có thể ngắm mùa lúa chín tại Ngọc Côn, thung lũng Phong Nậm và tại khu vực thác Bản Giốc.

12 điểm du lịch gợi ý theo tháng

Tác phẩm “Tháng 11 mùa tam giác mạch vùng biên”, chụp tại Lũng Cú, Hà Giang. Tháng 11 là thời gian tam giác mạch nở rộ với những thảm hoa rực rỡ sắc tím hồng, trải dài khắp các cung đường.

12 điểm du lịch gợi ý theo tháng

Tác phẩm “Tháng 12 ngao du Tràng An – Ninh Bình”. Nằm trong quần thể di sản thế giới thuộc tỉnh Ninh Bình, khu du lịch sinh thái Tràng An nổi bật với vẻ đẹp hòa quyện của non xanh nước biếc và hệ động thực vật phong phú.

Trung tâm bến thuyền Tràng An nằm cách cố đô Hoa Lư 3 km, cách thành phố Ninh Bình 7 km và cách Hà Nội 96 km. Từ lâu nơi đây đã trở thành điểm đến thú vị cho các gia đình, bạn bè và cặp đôi muốn tìm chốn yên bình để nghỉ dưỡng.

Nguồn: Huỳnh Phương, vnexpress.net
Ảnh: Trần Minh Dũng

Làng hoa trăm tuổi vào mùa Tết

Làng hoa trăm tuổi vào mùa Tết

Đến làng hoa Sa Đéc vào tháng Chạp hàng năm, du khách sẽ cảm nhận được không khi xuân khi người dân nhộn nhịp tưới nước, bón phân, tỉa hoa…

Làng hoa trăm tuổi vào mùa Tết

Làng hoa Sa Đéc được xem là thủ phủ hoa kiểng khu vực đồng bằng sông Cửu Long với diện tích gần 600 hecta, tập trung hơn 2.000 hộ sản xuất hoa kiểng.

“Vẻ đẹp làng hoa Sa Đéc” là bộ ảnh do nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Luận (sư Trí Thành, tu sĩ chùa Tân Long, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) thực hiện trong các mùa hoa tết gần đây. Thầy Luận cho biết thầy yêu thích nhiếp ảnh, thường ghi lại vẻ đẹp phong cảnh, nhịp sống đời thường và kết hợp với công tác từ thiện trên hành trình tác nghiệp.

Làng hoa trăm tuổi vào mùa Tết

Trong vụ hoa Tết Canh Tý, lượng hoa cung ứng thị trường ước tính hơn 3 triệu giỏ với khoảng 2.000 chủng loại hoa khác nhau. Bên cạnh các giống hoa truyền thống như cúc mâm xôi, cúc đồng tiền, đồng tiền mini, hoa chuông hay dạ yến thảo; vụ hoa Tết 2020 bà con trình làng hàng trăm giống hoa mới như cúc kim cương, violet, hồng ri hay hoa hồng xanh.

Làng hoa trăm tuổi vào mùa Tết

Người dân tỉa hoa trên cánh đồng cúc vạn thọ.

Làng hoa Sa Đéc là tên gọi hiện tại của làng hoa Tân Quy Đông có nghề trồng hoa truyền thống từ hơn trăm năm. Những năm đầu thế kỷ 20, làng chỉ có vài hộ làm nghề với mục đích phục vụ hoa trang trí dịp Tết cổ truyền.

Làng hoa trăm tuổi vào mùa Tết

Các chậu hoa ở đây, gồm cúc mâm xôi được xếp hoặc treo trên các giàn làm bằng tre, nứa cao hơn mặt đất, phía dưới có rạch nước nông chảy theo luống.

Làng hoa trăm tuổi vào mùa Tết

Người nông dân dùng xuồng bơi len lỏi giữa các luống để chăm sóc hoa.

Làng hoa trăm tuổi vào mùa Tết

Hiện nay, làng hoa Sa Đéc còn được nhiều nhiếp ảnh gia lựa chọn để sáng tác ảnh với các góc khác nhau.

Làng hoa trăm tuổi vào mùa Tết

Tại cánh đồng hoa trong làng hoa Sa Đéc mỗi ngày có 20-30 nhân công trồng và chăm sóc hoa, được chia thành nhiều công đoạn như vận chuyển nguyên liệu, trồng, tưới nước hay tỉa cành hoa.

Công đoạn cuối là cắt tỉa để chậu hoa gọn gàng. Một chủ vườn hoa cho biết trồng hoa phải có đam mê mới làm được, mỗi người trồng hoa có thể xem là một nghệ sĩ.

Làng hoa trăm tuổi vào mùa Tết

Hiện có khoảng 1.000 – 2.000 chậu hoa các loại được tập kết tại các tuyến phố để các buôn lái đến vận chuyển.

Làng hoa trăm tuổi vào mùa Tết

Nghề trồng hoa Sa Đéc không chỉ tăng thêm nguồn thu nhập, làm giàu, mang lại niềm vui cho người dân, mà còn được tận dụng để làm du lịch, giúp khách trải nghiệm mùa hoa Tết.

Làng hoa trăm tuổi vào mùa Tết

Thầy Luận cho biết lượng du khách đổ về làng hoa ngày càng đông, khoảng vài chục nghìn người mỗi ngày, đặc biệt là từ khi dừng thu vé tham quan làng hoa vào Tết Dương lịch vừa qua.

Nguồn: Huỳnh Phương, vnexpress.net
Ảnh:
 Nguyễn Văn Luận

Sửa đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất: ACV đề xuất phương án ‘gỡ’ cơ chế

Sửa đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất: ACV đề xuất phương án ‘gỡ’ cơ chế

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng cho phép ACV sửa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) với chi phí 4.152 tỉ đồng.

Sửa đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất: ACV đề xuất phương án ‘gỡ’ cơ chế

Máy bay của các hãng hàng không cất và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đó, nguồn vốn được đề xuất lấy từ nguồn tiền khai thác tài sản khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ) kết hợp với nguồn tiền ACV tạm ứng.

Theo ACV, từ năm 2017, một số đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã xuất hiện hư hỏng đến mức cần phải cải tạo, nâng cấp hoặc thay thế kết cấu hoàn toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Hiện nay, cả sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài phải thường xuyên duy tu, sửa chữa nhỏ đường băng, đường lăn để đảm bảo duy trì hoạt động khai thác an toàn.

Từ năm 2017 – 2019, việc khai thác liên tục, với số lần cất hạ cánh ngày càng tăng, ngày càng nhiều các loại máy bay tải trọng lớn hoạt động khiến các đường băng, đường lăn tiếp tục xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng. Nếu không có giải pháp đồng bộ có thể sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất phải đóng cửa khai thác một đường băng vào bất kỳ thời điểm nào.

Do khu bay thuộc tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý nên theo quy định của pháp luật, hạng mục này thực hiện đầu tư, sửa chữa bằng vốn ngân sách. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Nhà nước chưa có ngân sách để đầu tư nâng cấp đường băng. Trong khi đó, ACV sẵn sàng bỏ tiền của mình để cải tạo đường băng nhưng lại không được chấp nhận do doanh nghiệp này đã cổ phần hóa.

Trước thực trạng xuống cấp của đường băng, đường lăn tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và vướng mắc của cơ chế như trên, ACV đề xuất Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phương án bố trí nguồn vốn để thực hiện hai dự án cấp bách nâng cấp đường băng, sân đỗ như sau: để lại nguồn chênh lệch thu – chi từ khai thác tài sản khu bay (do ACV đang tạm quản lý, khai thác) từ năm 2019 cho đến khi đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được phê duyệt để đầu tư hai dự án trên (từ tháng 7-2014 đến hết năm 2018, ACV đã nộp vào ngân sách hơn 2.031 tỉ đồng tiền thu từ khai thác khu bay).

Với số kinh phí còn thiếu, ACV sẽ tạm ứng bằng nguồn tiền tích lũy từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, có tính yếu tố sử dụng vốn với chi phí sử dụng vốn theo lãi suất tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn cho đến khi được hoàn trả.

Theo tính toán của ACV, nếu được Thủ tướng chấp thuận phương án trên, tổng thời gian thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn từ bước chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng là 23,5 tháng đối với sân bay Tân Sơn Nhất và 26,5 tháng đối với sân bay Nội Bài.

4.152 tỉ đồng để làm gì?

Theo tính toán của ACV, để cải tạo, nâng cấp đường băng 25R/07L và xây mới, cải tạo 10 đường lăn liên quan nhằm đáp ứng khai thác sân bay Tân Sân Nhất, đến 50 triệu khách/năm, 50-52 chuyến cất, hạ cánh mỗi giờ cao điểm… tổng mức đầu tư dự kiến 1.876 tỉ đồng.

Tương tự, với sân bay Nội Bài nếu muốn khai thác đến 50 triệu khách/năm, 50-52 chuyến cất, hạ cánh mỗi giờ cao điểm cho tới năm 2025 cần khoảng 2.276 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp đường băng 11R/29L (1B) và cả đường băng 11L/29R (1A), đồng thời xây mới, cải tạo khoảng 20 đường lăn.

Nguồn: tuoitre.vn

Vietnam Airlines mở quầy thủ tục, cửa lên máy bay riêng cho khách bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

VNA mở quầy thủ tục, cửa lên máy bay riêng cho khách bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Việc ra mắt quầy thủ tục, cửa lên máy bay riêng cho khách bay giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Vietnam Airlines lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, tạo ra dịch vụ khác biệt, vượt trội, thuận tiện cho hành khách.

Từ ngày 1/1/2020, Vietnam Airlines sẽ bố trí quầy làm thủ tục hàng không và cửa lên máy bay riêng để phục vụ hành khách bay giữa Hà Nội và TP HCM. Đồng thời, khách hàng có cơ hội được mời lên chuyến bay có giờ khởi hành sớm hơn trong vòng 90 phút so với giờ cất cánh ghi trên vé nếu còn chỗ. Chính sách mới này sẽ giúp hành khách đi lại thuận lợi, linh hoạt, tiết kiệm thời gian chờ đợi, làm thủ tục trên chặng bay nội địa nhộn nhịp nhất cả nước.

Theo đó, tại sân bay Nội Bài, khách bay Hà Nội – TP HCM được phục vụ riêng tại quầy B1, B2, B3. Tương tự, tại sân bay Tân Sơn Nhất, khách bay TP HCM – Hà Nội được phục vụ riêng tại quầy B5, B6, B7. Để rút ngắn thời gian di chuyển cho hành khách, các quầy thủ tục đều được đặt gần lối vào cửa an ninh. Hành khách cũng có thể tự làm thủ tục check-in qua ứng dụng di động, website hoặc kiosk tại sân bay để tiết kiệm thời gian hơn nữa.

Ngoài ra, cửa lên máy bay đi các chuyến giữa Hà Nội và TP HCM được quy tụ riêng trong 1 khu vực để thuận tiện cho hành khách. Các thay đổi này của Vietnam Airlines lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, tạo ra dịch vụ khác biệt, vượt trội, thuận tiện cho hành khách, đặc biệt là các khách công vụ, kinh doanh, hành khách thường xuyên đi lại giữa Hà Nội – TP HCM.

Việc ra mắt quầy thủ tục, cửa lên máy bay riêng cho khách bay giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Vietnam Airlines lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, tạo ra dịch vụ khác biệt, vượt trội, thuận tiện cho hành khách. (Ảnh: VNA).

Hiện nay, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific (đều thuộc Vietnam Airlines Group) cung ứng tổng số chuyến bay lớn nhất giữa Hà Nội và TP HCM với gần 40 chuyến bay/ngày, trải đều từ 5h00 sáng đến 22h30 đêm. Các chuyến bay đều được bố trí vào khung giờ tròn, dễ nhớ, cách nhau từ 30 phút đến 1 tiếng, cung cấp cho hành khách rất nhiều lựa chọn linh hoạt. Đặc biệt, các máy bay thân rộng thế hệ mới như Boeing 787-9, Boeing 787-10 và Airbus A350 khai thác trên đường bay này sẽ mang tới cho hành khách trải nghiệm thoải mái, dịch vụ nổi trội, cùng chương trình giải trí hấp dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế 4 sao.

Nguồn: Vietnam Airlines