Từ “võ mồm” tới “động chân, động tay”
Theo Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, tại các sân bay trong cả nước đã xảy ra gần 10 vụ hành khách gây rối, hành hung nhân viên hàng không. Con số này được nhận định là gia tăng mạnh so với những năm trước đây.
“Nhân viên check in tại các quầy bị khách nói như tát nước vào mặt là chuyện thường ngày ở sân bay. Tiếp viên cũng không tránh khỏi những lúc bị hành khách khó tính mắng mỏ, cáu gắt thậm chí nặng lời xúc phạm”, đại diện một hãng hàng không giá rẻ tại sân bay Tân Sơn Nhất buồn bã chia sẻ.
Có muôn vàn lý do khiến hành khách có thể nổi nóng, mất bình tĩnh và “gây sự” với nhân viên hàng không. Một số do nguyên nhân khách quan như: chuyến bay chậm giờ, hủy chuyến song phần lớn là nguyên nhân chủ quan, bắt nguồn từ việc hành khách không nắm được (hoặc hiểu chưa đúng, lơ mơ) các quy định về hành lý, về thời gian làm thủ tục, về các quy định an ninh, an toàn bay…
“Tôi từng chứng kiến cảnh một nữ tiếp viên khóc vì bị hành khách xúc phạm. Trước đó tiếp viên này yêu cầu nữ hành khách để túi lên cabin hành lý vì nữ hành khách đang ngồi ở vị trí thoát hiểm. Nữ hành khách không tuân thủ còn chỉ mặt tiếp viên mà rằng: “túi của tao là hàng hiệu, rất nhiều tiền và đồ vật quý giá, tao phải ôm trong lòng, để lên đó để chúng mày ăn cắp à”. Tôi và nhiều hành khách choáng váng trước những lời lẽ đó, cô tiếp viên rơm rớm nước mắt nhưng vẫn kiên quyết yêu cầu hành khách chấp hành hoặc đổi ghế ngồi ở vị trí khác. Nữ hành khách này “thi gan”, tới khi nhiều người ngồi cạnh nói vào mới chịu rời sang ghế không ở vị trí thoát hiểm”, chị Anh Phương, một hành khách thường xuyên đi lại bằng máy bay chia sẻ câu chuyện mình gặp trên chuyến bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh mới đây.
Đã nhiều tháng trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại chuyện bị hành khách nữ giật tóc, xé áo, đuổi đánh, Nguyễn Thanh Nguyên, nhân viên hàng không làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn không khỏi bàng hoàng. Nữ hành khách này mang hành lý quá cước và khi bị yêu cầu kiểm tra kích thước hành lý bằng khung đo, cân đã dang tay tát thẳng vào mặt Nguyễn Thanh Nguyên.
Trước đó, tại sân bay Nội Bài, hành khách Nguyễn Thiên Trang, 34 tuổi cũng do mang hành lý cồng kềnh, vượt quá số lượng quy định, bị từ chối vận chuyển đã rượt đuổi nam nhân viên hàng không từ cửa ra tàu bay đến khu vực soi chiếu an ninh, hành hung và xé rách áo người này. Một nữ hành khách khác mang theo xe nôi trẻ em, khi được yêu cầu mua thêm cước hành lý đã nổi giận, chửi bới, đấm đá một nam nhân viên hàng không.
Không chỉ hành khách nữ quá quắt, nhiều hành khách nam, thậm chí là người có địa vị trong xã hội cũng sử dụng “nắm đấm” với nhân viên hàng không. Điển hình là vụ một nam hành khách có chức vụ ở một doanh nghiệp nọ không muốn xếp hàng làm thủ tục đã tát vào mặt một nhân viên dịch vụ mặt đất tại quầy check in sân bay Nội Bài. Một vị khách nam khác mang theo lọ cà mắm trong hành lý xách tay, khi bị cơ quan an ninh yêu cầu bỏ ra đã cãi vã, lăng mạ và ném lọ cà mắm xuống sàn.
trọng hơn, tình trạng hành khách sử dụng bạo lực ngay trên tàu bay, uy hiếp an toàn bay ngày càng gia tăng. Mới đây nhất, trên chuyến bay từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh, một số hành khách bức xúc vì tàu bay hỏng hệ thống điều hòa phải ngồi chờ đợi đổi tàu bay khác đã gây rối trên tàu bay, thậm chí xô ngã cả tiếp viên trưởng.
Trăm dâu đổ đầu hãng hàng không
Hành khách quá khích, kích động bạo lực, hành hung, xô ngã nhân viên hàng không song “tai tiếng” hãng hàng không thường phải gánh chịu. Điển hình như vụ việc nói trên, mạng xã hội đã có những phản ảnh thiếu chính xác, thậm chí “cáo buộc” phi công và tiếp viên trưởng đánh hành khách.
Cục Hàng không Việt Nam đã phải phát đi thông cáo báo chí bác bỏ thông tin cơ trưởng chuyến bay hành hung khách trong lúc lộn xộn. Cục này khẳng định với những tài liệu thu thập được, tình trạng lộn xộn, gây rối trên tàu bay từ phía hành khách, gồm cả hành vi kích động từ một số người.
Sự việc đã khép lại song như “giọt nước tràn ly”, nó báo động văn hóa đi lại bằng đường hàng không của một bộ phận hành khách đang “có vấn đề”.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia hàng không và cả “những người trong cuộc” thì căn nguyên sâu xa của các vụ gây rối tại sân bay vừa qua là do hành khách không đọc khuyến cáo, quy định vận chuyển sau khi mua vé hoặc nắm được quy định nhưng cố tình phớt lờ…Khi bị nhắc nhở, hành khách bức xúc và phản ứng, không chịu nghe giải thích của nhân viên hàng không, không tuân thủ các hướng dẫn của nhân viên hàng không.
Ví dụ như việc tiếp viên yêu cầu hành khách: tắt điện thoại, cài dây an toàn hay ngồi yên tại chỗ để chờ thông báo tiếp theo khi máy bay có sự cố.. là yêu cầu mà hành khách phải tuyệt đối chấp hành. Tất cả những hành vi phản ứng thái quá, mất kiểm soát, thậm chí kích động bạo lực, gây sức ép đòi xuống máy bay như sự việc nói trên đều là trái phép và cần được xem là vi phạm cam kết mà chính hành khách đó đã tự nguyện chấp hành”, một chuyên gia pháp lý từ đoàn luật sư Hà Nội khẳng định.
Đồng quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng quy định đã có đầy đủ nhưng dường như chế tài xử phạt hành vi vi phạm an ninh hàng không còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Với hành vi vi phạm như hành hung nhân viên hàng không, người “gây chuyện” thường chỉ bị phạt nặng nhất là hành chính (khoảng 7,5 triệu đồng) và cấm bay có thời hạn.
Ngay chính “những người trong cuộc” cũng còn có tâm lý không muốn “làm to chuyện” nên có trường hợp đủ yếu tố xử lý hình sự nhưng sau đó cũng được cho “chìm xuồng”. Có trường hợp như vụ nữ khách hàng tát nhân viên hàng không, sau khi “nhận” quyết định xử phạt, nữ hành khách này “lặn mất tăm”, không tới nộp phạt song sự việc cũng nhanh chóng “đi vào quên lãng”.
Thay lời kết
Chỉ còn ít tháng nữa cộng đồng kinh tế chung ASEAN sẽ chính thức đi vào hoạt động, các nước ASEAN sẽ hướng đến một thị trường hàng không chung.
Bầu trời mở ASEAN sẽ đẩy các hãng hàng không vào một cuộc cạnh tranh quyết liệt hơn, buộc các hãng phải nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá vé. Điều này giúp người dân trong khu vực có thể đi lại dễ dàng từ nước này sang nước kia với giá vé thấp.
Thế nhưng, muốn hội nhập trong bầu trời mở thì không chỉ các hãng hàng không hội nhập là đủ mà hành khách muốn đi ra thế giới cũng cần có sự hội nhập mà văn minh, văn hóa đi lại bằng đường hàng không chính là “tấm vé” để hội nhập. Chúng ta chỉ có thể “bay” trong “bầu trời mở” khi có cùng “phông” văn hóa và cùng “tầng bay”. Ở đó, không có chỗ cho những hành khách ứng xử thiếu văn hóa, kích động bạo lực, thậm chí gây ảnh hưởng tới an ninh, an toàn bay…
Đã không còn sớm nhưng cũng là chưa muộn, nếu như ngay bây giờ, ngay thời điểm này, việc nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa, văn minh cho hành khách đi lại bằng đường hàng không được nỗ lực triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp từ cơ quan quản lý nhà nước tới các hãng hàng không và cộng đồng người đi lại bằng đường hàng không…
(Nguồn: laodong)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
10 hãng hàng không tốt nhất thế giới năm 2015
Hỗn loạn trên tàu bay VietJet Air, chậm chuyến 3,5 tiếng
Jetstar Asia bắt đầu bán vé đường bay thẳng giá rẻ Đà Nẵng – Singapore
atadi.vn là website SĂN VÉ MÁY BAY GIÁ RẺ của các hãng bay trong nước & Đông Nam Á, giúp người dùng dễ dàng săn vé máy bay rẻ & nhanh nhất. SĂN VÉ RẺ ngay!