Thủ đoạn của những kẻ trộm lộng hành trên máy bay

Kẻ cắp trong máy bay có thể là bất kỳ hành khách nào trên cabin, hoặc thậm chí là một tiếp viên hàng không gian dối.

Shannalee Sharbonneau ước cô chưa bao giờ tự thưởng cho mình một chiếc vòng đeo tay xinh xắn vào mùa hè 2017. “Tôi chẳng bao giờ mua bất cứ thứ gì trên máy bay, nhưng chúng tôi đang vui vẻ kỷ niệm ngày cưới”, cô nói.

Đó là một chiếc vòng được giới thiệu trong cuốn tạp chí bán đồ miễn thuế trên chuyến bay dài 11 tiếng của KLM, từ Amsterdam (Hà Lan) đến Johannesburg (Nam Phi). Shannalee bắt đầu hành trình khám phá Nam Phi sau khi dành cả năm lên kế hoạch cùng chồng.

Shannalee thấy khá kỳ lạ khi tiếp viên vừa bán món trang sức lại đút thẻ ngân hàng của mình vào tạp dề và biến mất hơn 20 phút mới quay lại, nhưng cô lại tự nhủ mọi thứ đều ổn.

Đến Johannesburg, vợ chồng Shannalee rong ruổi khắp nơi trong 10 ngày, ngắt kết nối điện thoại hay Wi-Fi. Đến một bữa trưa nọ, Shannalee phát hiện thẻ tín dụng của mình bị trừ hàng nghìn USD sau những giao dịch không chính chủ. Cô lập tức gọi cho ngân hàng. Đội chống tội phạm cho hay tài khoản của cô đã bị thâm nhập, một đường dây đã dùng phần mềm để phá mã hóa.

Vợ chồng Shannalee  hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm pháp lý cho khoản tiền bị mất, bởi từ khi vụ lừa đảo xảy ra họ hoàn toàn không dùng bất cứ kênh liên lạc nào - nhưng những giao dịch đó được thực hiện ngay sau khi tiếp viên lén lút giữ thẻ tín dụng của khách. Ảnh minh họa: GoTrip.

Hãy cảnh giác dù bạn đang ở phòng chờ, cửa lên máy bay hay trong cabin. Ảnh: GoTrip.

Hiện chưa có thống kê uy tín nào về những vụ trộm trên máy bay, từ móc túi cho đến đánh cắp thông tin thẻ tín dụng. Hành khách thường không nhận ra vật dụng biến mất khỏi túi mình cho đến khi về nhà. Họ không rõ vụ trộm cắp xảy ra ở đâu, hay thậm chí không thể chắc chắn mình bị trộm hay không. Những người báo cáo kịp thời thường phàn nàn với hãng hàng không, thay vì báo cảnh sát, bởi phần lớn hành khách muốn được bồi thường. Khi một vụ án xảy ra trên máy bay, đó là vấn đề của cảnh sát.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân lớn nhất của nạn trộm cắp trên tàu bay đến từ thói ăn cắp vặt. Đôi khi, chính những tiếp viên hàng không là đối tượng ăn cắp đồ của khách. Năm 2010, Lucie R., một tiếp viên của hàng không Pháp, thú nhận mình đã thực hiện 27 vụ trộm từ tiền mặt, nữ trang đến thẻ tín dụng của hành khách, phần lớn trên đường bay Tokyo – Paris.

Hành lý trong khoang chứa đồ xách tay là nơi tội phạm dễ tiếp cận nhất. Ảnh: Jupiter Images.

Hành lý trong khoang chứa đồ xách tay là nơi tội phạm dễ tiếp cận nhất. Ảnh: Jupiter Images.

Jack R. Plaxe, một chuyên gia bảo mật kỳ cựu với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành hàng không, cho biết tội phạm có tổ chức vẫn là những đối tượng tinh vi nhất. Một kịch bản điển hình là hai kẻ gian phối hợp, mua vé bay đêm vào mùa cao điểm. Môi trường quá thuận lợi cho chúng vì những chuyến bay thời điểm này thường có cabin lớn hơn, tiếp viên bận rộn và chúng dễ dàng ẩn mình hơn.

Kẻ gian thường ngồi đợi tại cổng lên máy bay và quan sát những hành khách khác, xác định ai có thể là “con mồi” tốt qua những vật dụng trong túi xách tay. Những tên trộm sẽ lên máy bay sớm và quan sát hành lý của những người khác đã được xếp gọn; sau đó chúng di chuyển chiếc túi của mình vào cùng một khoang với mục tiêu. Lợi dụng tình trạng hỗn loạn khi hành khách đang lên máy bay, hoặc khi cabin tối, một kẻ sẽ ra tay. Nếu bị phát hiện, thủ phạm sau đó chuyển chiến lợi phẩm cho đồng phạm.

Jack cho rằng, mánh lới của trộm cắp trên máy bay cũng tương tự như cách thức những kẻ móc túi lộng hành nơi công cộng. Đôi khi, chúng có thể huy động tới thành viên thứ 3 để trông chừng, hoặc tẩu thoát sớm với những món đồ giá trị.

Khi cabin chỉ bật đèn mờ, kẻ gian có thể ra tay. Ảnh: Daily Express.

Khi cabin chỉ bật đèn mờ, kẻ gian có thể ra tay. Ảnh: Daily Express.

Một tên trộm thường dễ tẩu thoát bởi không có ai để mắt đến hắn, theo ông Jeff Price, giáo sư tại Đại học bang Denver (Mỹ), đồng thời là chuyên gia quản lý sân bay. “Điều thiết thực là kiểm tra danh sách hành khách xem ai từng có tiền sự về trộm cắp, giá trị của món đồ bị lấy mất… để các lực lượng chức năng không tốn quá nhiều công sức điều tra thêm”, Jeff nói.

Về phần các hãng hàng không, họ hoàn toàn hiểu vấn đề xảy ra nhưng không thể xử lý triệt để. Bởi các hãng bay cũng phải làm báo cáo nếu trễ chuyến, sai sót về hành lý (gồm cả thú cưng) và mọi đơn khiếu nại của khách. Tỷ lệ trộm xảy ra trên máy bay cũng thấp. Một cựu nhân viên an ninh hàng không cho biết những vấn đề như vậy được báo cáo một đến hai lần mỗi năm.

Philip Baum, một chuyên gia an ninh hàng không, cho biết trong những năm gần đây, ông đã phải phát triển những mô hình đào tạo đặc biệt theo yêu cầu của các hãng hàng không, để huấn luyện về cách đối phó với nạn trộm cắp trên máy bay. Hệ thống cho nhân viên bao gồm thông tin về cách tội phạm hoạt động, phân loại hành khách và những đường bay thường bị nhắm đến. Cách tốt nhất để xử lý là liên lạc với các cơ quan chức năng trước khi nghi phạm rời máy bay.

Có vài hướng dẫn cơ bản để hành khách tự bảo vệ mình: hãy cảnh giác dù đang ở cửa lên máy bay, phòng chờ, cabin… Bạn nên tránh để lộ những vật dụng trong hành lý, và luôn giữ mọi thứ có giá trị bên người như cất trong một chiếc túi nhỏ để ngay dưới chân thay vì đặt trong cabin chứa hành lý xách tay.

Vật bất ly thân trên máy bay là hộ chiếu, ví tiền và bất kỳ loại thuốc quan trọng nào bạn cần. Nếu cần đặt vali hay túi lên khoang hành lý xách tay, hãy chọn ô đối diện với dãy ghế của mình để dễ trông chừng, thay vì đặt trong khoang ngay trên đầu. Hãy quay khóa kéo hoặc quay miệng túi về phía mình, để kẻ gian khó tiếp cận.

Nguồn: vnexpress.net

CategoriesUncategorized