Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng cho phép ACV sửa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) với chi phí 4.152 tỉ đồng.
Theo đó, nguồn vốn được đề xuất lấy từ nguồn tiền khai thác tài sản khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ) kết hợp với nguồn tiền ACV tạm ứng.
Theo ACV, từ năm 2017, một số đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã xuất hiện hư hỏng đến mức cần phải cải tạo, nâng cấp hoặc thay thế kết cấu hoàn toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Hiện nay, cả sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài phải thường xuyên duy tu, sửa chữa nhỏ đường băng, đường lăn để đảm bảo duy trì hoạt động khai thác an toàn.
Từ năm 2017 – 2019, việc khai thác liên tục, với số lần cất hạ cánh ngày càng tăng, ngày càng nhiều các loại máy bay tải trọng lớn hoạt động khiến các đường băng, đường lăn tiếp tục xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng. Nếu không có giải pháp đồng bộ có thể sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất phải đóng cửa khai thác một đường băng vào bất kỳ thời điểm nào.
Do khu bay thuộc tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý nên theo quy định của pháp luật, hạng mục này thực hiện đầu tư, sửa chữa bằng vốn ngân sách. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Nhà nước chưa có ngân sách để đầu tư nâng cấp đường băng. Trong khi đó, ACV sẵn sàng bỏ tiền của mình để cải tạo đường băng nhưng lại không được chấp nhận do doanh nghiệp này đã cổ phần hóa.
Trước thực trạng xuống cấp của đường băng, đường lăn tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và vướng mắc của cơ chế như trên, ACV đề xuất Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phương án bố trí nguồn vốn để thực hiện hai dự án cấp bách nâng cấp đường băng, sân đỗ như sau: để lại nguồn chênh lệch thu – chi từ khai thác tài sản khu bay (do ACV đang tạm quản lý, khai thác) từ năm 2019 cho đến khi đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được phê duyệt để đầu tư hai dự án trên (từ tháng 7-2014 đến hết năm 2018, ACV đã nộp vào ngân sách hơn 2.031 tỉ đồng tiền thu từ khai thác khu bay).
Với số kinh phí còn thiếu, ACV sẽ tạm ứng bằng nguồn tiền tích lũy từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, có tính yếu tố sử dụng vốn với chi phí sử dụng vốn theo lãi suất tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn cho đến khi được hoàn trả.
Theo tính toán của ACV, nếu được Thủ tướng chấp thuận phương án trên, tổng thời gian thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn từ bước chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng là 23,5 tháng đối với sân bay Tân Sơn Nhất và 26,5 tháng đối với sân bay Nội Bài.
4.152 tỉ đồng để làm gì?
Theo tính toán của ACV, để cải tạo, nâng cấp đường băng 25R/07L và xây mới, cải tạo 10 đường lăn liên quan nhằm đáp ứng khai thác sân bay Tân Sân Nhất, đến 50 triệu khách/năm, 50-52 chuyến cất, hạ cánh mỗi giờ cao điểm… tổng mức đầu tư dự kiến 1.876 tỉ đồng.
Tương tự, với sân bay Nội Bài nếu muốn khai thác đến 50 triệu khách/năm, 50-52 chuyến cất, hạ cánh mỗi giờ cao điểm cho tới năm 2025 cần khoảng 2.276 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp đường băng 11R/29L (1B) và cả đường băng 11L/29R (1A), đồng thời xây mới, cải tạo khoảng 20 đường lăn.
Nguồn: tuoitre.vn