Bị phạt 8,5 triệu đồng vì sờ đùi nữ hành khách trên máy bay

Bị phạt 8,5 triệu đồng vì sờ đùi nữ hành khách trên máy bay

Do sờ đùi nữ hành khách ngồi bên cạnh trên chuyến bay từ Hà Nội đến TP.HCM, nam hành khách Trần Nguyễn Lê V. bị phạt 8,5 triệu đồng.

Bị phạt 8,5 triệu đồng vì sờ đùi nữ hành khách trên máy bay - Ảnh 1.
Vụ việc xảy ra trên chuyến bay VJ 175 từ Hà Nội vào TP.HCM – Ảnh minh họa: TUẤN PHÙNG

Hành khách Trần Nguyễn Lê V. (34 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) ngồi số ghế 17E đã dùng tay sờ đùi của nữ hành khách Nguyễn Thị Th. Th. ngồi ghế 17D bên cạnh. Sự việc có sự chứng kiến của hành khách Nguyễn Thị Tú O. ngồi ghế 17F.

Tiếp viên trưởng chuyến bay đã lập biên bản về hành vi sàm sỡ khách đi cùng máy bay của Trần Nguyễn Lê V. và bàn giao cho Cảng vụ Hàng không miền Nam xử lý khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Cảng vụ Hàng không miền Nam xác định việc hành khách Trần Nguyễn Lê V. sờ đùi nữ hành khách đi cùng chuyến bay là hành vi “có cử chỉ trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hành khách trên máy bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Theo quy định tại nghị định 162/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, hành vi trên bị phạt tiền từ 7 đến 10 triệu đồng.

Do không có tình tiết tăng nặng nên Cảng vụ Hàng không miền Nam vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Trần Nguyễn Lê V. với số tiền 8,5 triệu đồng.

Nguồn: tuoitre.vn

Hành khách lên lái máy bay vì không muốn bị hoãn chuyến

Hành khách lên lái máy bay vì không muốn bị hoãn chuyến

Chuyến bay thiếu phi công nên phải hoãn nhiều giờ, một nam hành khách đề nghị lên lái thay vì không muốn kỳ nghỉ của mình bị ảnh hưởng.

Ngày 2/9, Michael Bradley cùng vợ và con trai 15 tháng tuổi sử dụng dịch vụ của hãng EasyJet để bay từ Manchester, Anh tới Alicante, Tây Ban Nha du lịch. Khi đến sân bay, anh nhận được thông báo chuyến bay của mình bị lùi khoảng 2 tiếng, do thiếu cơ trưởng.

Micheal, cũng là một phi công của hãng nhưng đang không phải làm nhiệm vụ, đã chủ động gọi cho công ty. Anh nói sẵn sàng lái chiếc máy bay đó để gia đình mình và các hành khách khác không phải chờ đợi. Hãng bay sau khi kiểm tra đã chấp nhận đề nghị của Michael.

Michael nói chuyện qua bộ đàm với hành khách, và nhận được những tràng vỗ tay. Video: Caters Clips

Lên máy bay, phi công Michael Bradley đã kể lại câu chuyện với hành khách qua bộ đàm. Trong video do nhiều hành khách quay được, mọi người đồng loạt vỗ tay để động viên Michael.

“Chuyện này chắc chỉ xảy ra với tôi. Tôi đến sân bay và biết chuyến của mình sẽ bị hoãn vài giờ. Sau đó, tôi vô tình nhìn vào bảng thông báo và thấy mình chuẩn bị được bay. Họ nói chuyến bay của chúng tôi thiếu phi công, và một anh chàng có mặt trên chuyến bay này sẵn sàng lái thay. Thật tuyệt làm sao, đúng là huyền thoại”, Michelle Potts, một hành khách cho biết. Anh cũng nói đây là một sự may mắn, vì hành khách đó là phi công. Nếu không, chuyến bay có thể bị hủy.

Đại diện của hãng bay cho biết Micheal Bradley phù hợp và đủ tiêu chuẩn, sức khỏe để lái máy bay. Nam phi công này vừa nghỉ 4 ngày và có bằng lái hợp pháp. “Chúng tôi rất biết ơn một phi công của hãng, người đang đi du lịch từ Manchester tới Alicante cùng gia đình, và tình nguyện lái. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của hãng bay”.

Nguồn: vnexpress.net

Sân bay Đức hủy 130 chuyến vì một hành khách

Sân bay Đức hủy 130 chuyến vì một hành khách

Một hành khách vô tình ấn nút khẩn cấp, kích hoạt hệ thống chuông báo động khiến sân bay Munich ngừng hoạt động 4 tiếng.

Sau chuyến du lịch Thái Lan, một hành khách ngoài 20 tuổi quá cảnh ở sân bay Munich, Đức ngày 27/8, để bay về Madrid, Tây Ban Nha. Anh rời phòng chờ để đi toilet, nhưng trở lại không thấy ai ở chỗ cũ. Trong khi cố gắng tìm cửa lên máy bay, người này ấn nhầm một nút khẩn cấp, mở lối đi vào khu vực hạn chế dành cho hành khách bị cảnh sát kiểm soát và kích hoạt hệ thống chuông báo động.

Sân bay Đức hủy 130 chuyến vì một hành khách

Hành khách chờ trong sân bay Munich vào 27/8. Ảnh: Matthias Schrader/AP.

Lực lượng an ninh tại sân bay buộc phải sơ tán hành khách và đóng cửa nhà ga số 1 và một phần của nhà ga số 2. Khoảng 130 chuyến bay đến và đi trong khoảng thời gian này bị hủy, gần 5.000 người bị ảnh hưởng trong sự cố kéo dài tới 4 giờ.

Nhà ga số 1 mở cửa trở lại vào 10h45 và nhà ga số 2 hoạt động vào 11h20, sau khi mọi hành khách thực hiện lại quá trình kiểm tra an ninh.

Cảnh sát đã bắt nam hành khách Tây Ban Nha và thẩm vấn. Người này cho biết anh hoảng sợ trước hành động sai lầm của mình và không sẵn sàng đối mặt với những hậu quả của nó, vì sự cố xảy ra ngoài ý muốn.

Nguồn: vnexpress.net

Siêu sân bay 20 tỷ USD nổi lên giữa biển ở Nhật Bản

Siêu sân bay 20 tỷ USD nổi lên giữa biển ở Nhật Bản

Là một trong những cảng hàng không quan trọng nhất Nhật Bản, sân bay Kansai tọa trên hòn đảo nhân tạo giữa vịnh Osaka, cách thành phố Osaka khoảng 40 km.

Sân bay Kansai đi vào hoạt động từ năm 1994 để giảm hành khách cho sân bay Osaka vốn quá tải lại không thể mở rộng, do nằm trong vùng đông dân cư của thành phố Toyonaka. Trên ảnh là hòn đảo nhân tạo đầu tiên, với nhà ga T1 của sân bay. Ảnh: Renzo Piano Building Workshop.

Sân bay Kansai đi vào hoạt động từ năm 1994 để giảm hành khách cho sân bay Osaka vốn quá tải lại không thể mở rộng, do nằm trong vùng đông dân cư. Trên ảnh là hòn đảo nhân tạo đầu tiên, với nhà ga T1 của sân bay trước năm 2007. Ảnh: Renzo Piano Building Workshop.

Ý tưởng về sân bay mới trên một hòn đảo nhân tạo dài 4.000 m và rộng hơn 1.200 m ra đời từ thập niên 80. Dự án chính thức khởi công vào năm 1987. Vị trí để xây đảo cách bờ khoảng 5 km. Song vấn đề khiến các kỹ sư đau đầu không phải những thông số trên, mà là lớp đất sét bồi tích bất ổn định dưới đáy biển và vật liệu nhẹ nhưng vẫn đủ chắc chắn để chống chọi với những trận bão hay động đất tại khu vực này.

Đội ngũ kỹ sư khởi công dự án bằng cách đào 1,2 triệu giếng cát xuống lớp bồi tích, nhằm ổn định đáy biển cho đủ vững chãi để nâng đỡ hòn đảo nhân tạo. Tiếp đó, một bức tường bê tông dài 11 km được hoàn thành trong vòng 3 năm, bao quanh khoảng đất xây sân bay như thành của bể bơi, ngăn nước biển tràn vào. 48.000 khối bê tông – mỗi khối nặng 200 tấn, được xếp xuống nền móng. 180 triệu mét khối đất lấy từ ba ngọn núi, được đổ đầy vào khoảng trống bên trong bức tường cao tới 30 m.

Không chỉ phải xây dựng một hòn đảo, đội ngũ kỹ sư còn tạo nên một sân bay ấn tượng hơn. Kiến trúc sư Italy Renzo Piano đệ trình một bản thiết kế chiều lòng cả những công nhân xây dựng lẫn hành khách tương lai. Ông thiết kế nhà ga sân bay dài 1,6 km hình cánh máy bay, với vật liệu chính là thép và kính cường lực. Để giảm thiểu tác động tới môi trường và tiết kiệm chi phí sưởi hay làm mát, một hệ thống điều hòa không khí thụ động được thiết kế riêng cho nhà ga. Hệ thống điều khí đi qua nhà ga rộng 300.000 mét vuông, duy trì nhiệt độ dễ chịu trong khoảng 20 – 26 độ C.

Nhà ga số 1 của sân bay Kansai là nhà ga dài nhất thế giới. Ảnh: VINCI. 

Nhà ga số 1 của sân bay Kansai là nhà ga dài nhất thế giới. Ảnh: VINCI. 

Thách thức tiếp theo của các kỹ sư là kết nối sân bay với đất liền. Giải pháp tối ưu chính là xây dựng một cây cầu vượt biển, không quá cao gây cản trở máy bay khởi hành hoặc hạ cánh, và không quá thấp để xây vừa đủ hai tầng. Tầng trên là con đường 6 làn cho ôtô, còn tầng dưới vừa đủ cho hai đường tàu chạy. Công trình này được đặt tên là Sky Gate Bridge R.

Cuối cùng, với một triệu công nhân lao động trong tổng cộng 10 triệu giờ, dùng 200 triệu tấn nguyên vật liệu, sân bay Kansai mở cửa sau 6 năm xây dựng.

Kể từ năm 1994, nơi đây là một trong những cảng hàng không bận rộn nhất của Nhật Bản, phục vụ hơn 300.000 lượt khách một tuần, đón 55.000 máy bay một năm. Nó trở thành một trong những kiến trúc kỳ vĩ nhất thế kỷ 20, được so sánh với những siêu công trình như đập Hoover (Mỹ) hay kênh đào Panama. Cách bờ khoảng 5 km, sân bay Kansai như một hình chữ nhật khổng lồ nổi giữa vịnh Osaka.

“Khi tới gần sân bay, ban đầu tôi nghĩ giống hạ cánh xuống một tàu sân bay hoặc thứ gì đó tương tự. Nhưng thực tế không phải vậy”, một phi công nói. Jim Skusa, cơ trưởng hãng JALways, cho biết: “Tầm nhìn vào ban đêm rất hạn chế, do không có nhiều ánh sáng xung quanh sân bay. Thế nên họ gọi nó là sân bay Hố Đen”. “Mặt biển trông gần đến mức bạn sẽ có cảm giác như đang lặn xuống đó vậy, khá đáng sợ”, một hành khách cho hay.

Cầu nối từ sân bay Kansai vào đất liền lập kỷ lục cầu hai tầng dài nhất thế giới (3.750 m). Ảnh: Jtrip.

Cầu nối từ sân bay Kansai vào đất liền lập kỷ lục cầu hai tầng dài nhất thế giới (3.750 m). Ảnh: Jtrip.

Tuy nhiên, khi danh tiếng của sân bay Kansai vang khắp thế giới, những lời đồn thổi cũng lan truyền rằng nó đang chìm dần cùng hòn đảo. Vào năm 1999, đúng dịp sinh nhật lần thứ 5 của sân bay này, ước tính hòn đảo đã chìm khoảng 8 m, khiến nhiều người hoài nghi về độ bền của nó, dù thời hạn khai thác kéo dài tới 40 năm. Sau đó, đội ngũ kỹ sư tin rằng họ đã tìm ra giải pháp, dùng kỹ thuật mới để giảm tốc độ chìm của sân bay và không ngừng cải thiện cơ sở vật chất.

Năm 2007, một đảo nhân tạo thứ hai đi vào hoạt động để giảm tác động của máy bay lên đường băng và nhà ga số 1. Đảo nhân tạo này có đường băng dài 4.000 m và nhà ga số 2. Tổng chi phí xây dựng sân bay hết khoảng 20 tỷ USD, bao gồm phí cải tạo đất, hai đường băng, hai nhà ga và cơ sở vật chất.

Màn hạ cánh xuống sân bay Kansai. Video: Planes Weekly.

Bên cạnh những thành tựu đáng ngưỡng mộ về kiến trúc và kỹ thuật, sân bay Kansai còn có những tác động tích cực đến môi trường. Nơi này là một trong những trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất tại châu Á. Bên cạnh đó, sân bay còn sử dụng các phương tiện chạy bằng khí hydro, áp dụng các công nghệ tiên tiến để xử lý nước thải.

Nó vẫn đứng vững sau nhiều thiên tai như trận động đất Kobe năm 1995 có tâm chấn cách đó 20 km hay hồi phục nhanh chóng sau khi bị ngập lụt nghiêm trọng do bão Jebi đổ bộ năm 2018. Kinh nghiệm rút ra từ quá trình xây dựng công trình này được Nhật Bản áp dụng xây thêm 3 sân bay trên đảo nhân tạo khác: sân bay New Kitakyushu, sân bay Kobe, và sân bay quốc tế Chūbu Centrair.

Hiện hành khách đến sân bay Kansai có thể thuê xe buýt cho các tour tham quan, giá 12.300 – 15.400 yên (hơn 2,6 – 3,3 triệu đồng) một xe cho một đoàn, vé từ 500 yen (gần 110.000 đồng) mỗi người.

Tùy tình hình thời tiết, khách tham quan có thể tới gần những máy bay đỗ trên đường băng, ngắm phi cơ cất cánh và hạ cánh. Ảnh: Kansai Airport.

Tùy tình hình thời tiết, khách tham quan có thể tới gần những máy bay đỗ trên đường băng, ngắm phi cơ cất cánh và hạ cánh. Ảnh: Kansai Airport.

Lịch trình kéo dài 60 phút sẽ đưa du khách vào khu vực kiểm tra an ninh nghiêm ngặt thường cấm người ngoài vào, quan sát quá trình chuẩn bị đồ ăn và nhiều khâu vận hành khác của sân bay. Bên cạnh đó là tour khám phá chi tiết quá trình chuẩn bị đồ ăn trên máy bay kéo dài 150 phút, gồm thời gian ăn trưa. Tour bắt đầu từ 11h và 11h30 các ngày thứ 4. Ngoài ra, du khách có thể chọn chương trình tham quan bảo tàng sân bay kéo dài 30 – 60 phút.

Nguồn: vnexpress.net

Khách thương gia kiện hãng bay vì chó cưng bị nhốt trong toilet

Khách thương gia kiện hãng bay vì chó cưng bị nhốt trong toilet

Nữ hành khách Mỹ tức giận vì tiếp viên còn chuyển cô từ khoang hạng thương gia xuống ngồi ở khoang phổ thông.

Avigail Diverol, một hành khách mới đây nộp đơn kiện hãng hàng không American Airlines vì sự cố cô gặp phải. Ngày 17/4, Avigail mua ba vé máy bay hạng thương gia của hãng này để di chuyển từ Miami, bang Florida tới Los Angeles, bang California (Mỹ) cùng chồng và ông nội, 87 tuổi.

Simba, con chó mà Avigail mang theo lên máy bay bị tiếp viên nhốt trong toilet. Ảnh: Sun.

Simba, con chó mà Avigail mang theo lên máy bay bị tiếp viên nhốt trong toilet. Ảnh: Sun.

Trước ngày khởi hành, Avigail gọi điện cho hãng bay để chắc chắn rằng chó cưng Simba của mình được phép lên máy bay và ngồi chung ghế với chủ ở khoang thương gia. Hãng hàng không đồng ý bởi Simba thuộc nhóm “động vật hỗ trợ cảm xúc”.

Theo Avigail, khi Simba lên máy bay, một nhân viên phi hành đoàn đã hét lên với cô. Người này nói con vật không được phép vào cabin máy bay nên đã nhốt nó trong nhà vệ sinh suốt hành trình. Một tiếp viên đã chuyển cô xuống khoang phổ thông, dù đã mua vé hạng thương gia. Khi Avigail giải thích rằng cô bị chứng rối loạn lo âu, lo lắng khi bay và cần Simba, phi hành đoàn cho biết họ “không quan tâm”.

Sau khi hạ cánh, nữ hành khách đã báo cảnh sát. Trong đơn kiện, nữ hành khách yêu cầu bồi thường 75.000 USD cho những tổn thất về tinh thần mà gia đình cô phải chịu đựng.

Đại diện hãng bay cho biết các phi hành đoàn được đào tạo chuyên nghiệp để có thể mang lại sự an toàn và thoải mái tối đa cho hành khách. Về việc nhốt Simba, hãng cho biết trong trường hợp này, con vật đi du lịch cùng chủ giống thú cưng hơn là một động vật hỗ trợ cảm xúc. “Theo quy định của Cục hàng không Liên bang Mỹ, thú cưng sẽ phải nằm trong cũi nhỏ đặt vừa khoảng trống phía trước ghế ngồi của hành khách. Tuy nhiên, chiếc cũi đặt Simba lại quá khổ. Do đó, phi hành đoàn đã cố gắng xử lý tình huống theo quy định của Cục”, phát ngôn viên hãng nói.

Ngoài ra, chuyến bay của Avigail hôm đó sử dụng máy bay Boeing 777. Đây là chiếc máy bay không cho phép thú cưng được ngồi trong khoang thương gia. “Đội ngũ của chúng tôi tại sân bay Miami đã đề nghị hành khách bay chuyến sau nhưng họ từ chối và đòi được mang thú cưng lên cabin”.

Nguồn: vnexpress.net

Việt Nam: Cấm mang máy tính Macbook Pro 15 inch lên máy bay

Việt Nam: Cấm mang máy tính Macbook Pro 15 inch lên máy bay

Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành chỉ thị cấm mang laptop loại Macbook Pro 15 inch sản xuất và tiêu thụ từ tháng 9 -2015 đến tháng 2-2017 có pin bị triệu hồi khi đi máy bay dưới mọi hình thức.

Việt Nam: Cấm mang máy tính Macbook Pro 15 inch lên máy bay - Ảnh 1.

Nhiều hãng hàng không của Mỹ đã cấm hành khách mang laptop Macbook Pro 15 inch trong diện thu hồi lên các chuyến bay. – Ảnh: APPLE

Ngày 21-8, Cục Hàng không VN cho biết căn cứ văn bản triệu hồi số 19-152 của Ủy ban an toàn hàng tiêu dùng Mỹ đối với sản phẩm máy tính xách tay 15-inch Macbook Pro sản xuất và tiêu thụ từ tháng 9-2015 đến tháng 2-2017.

Đồng thời, căn cứ quyết định cấm vận chuyển máy tính xách tay 15-inch Macbook Pro sản xuất và tiêu thụ từ thời gian từ tháng 9-2015 đến tháng 2-2017 của Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) nên Cục Hàng không VN đã ra chỉ thị cấm mang máy tính xách tay 15 -inch Macbook Pro lên máy bay.

Theo chỉ thị này, Cục Hàng không VN cấm hành khách, thành viên tổ bay mang máy tính xách tay 15 -inch Macbook Pro sản xuất và tiêu thụ như trên, có pin bị triệu hồi khi đi máy bay dưới  mọi hình thức.

Cấm việc vận chuyển bằng đường hàng hóa đối với loại máy tính xách tay này. Hành khách cố ý làm trái quy định có thể bị từ chối vận chuyển và xử phạt theo quy định.

Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không thông tin tới tất cả các đại lý, phòng vé của mình, xây dựng quy trình kiểm soát, các câu hỏi an ninh đối với hành khách khi làm thủ tục lên máy bay (check-in) để thực hiện đúng nội dung này; xây dựng quy trình phối hợp với hành khách và các bên liên quan trong việc xử lý đối với những máy tính được phát hiện và bị cấm vận chuyển, tránh làm mất mát tài sản của hành khách khi đi tàu bay, đồng thời xây dựng quy trình ứng phó, xử lý đối với tình huống máy tính được phát hiện cùng hành khách ở trên chuyến bay.

Bên cạnh đó, các cảng hàng không triển khai nội dung này tới các đơn vị liên quan xây dựng quy trình kiểm soát, các câu hỏi an ninh đối với hành khách khi làm thủ tục check-in để đảm bảo thực hiện đúng nội dung này…

Theo Cục Hàng không VN, trên chuyến bay, nếu tổ bay nhận thấy hành khách có mang theo và sử dụng máy tính xách tay 15 -inch Mackook Pro có pin bị triệu hồi, tổ bay cần ngay lập tức hướng dẫn để hành khách thực hiện các yêu cầu như: tắt nguồn máy tính, không sạc pin và tuân thủ theo đúng quy trình ứng phó được hãng xây dựng.

Trước đó, Hãng Apple cũng đã thông báo chương trình thay thế pin miễn phí cho một số mẫu máy tính Macbook Pro 15 inch do sự cố pin quá nóng và có nguy cơ gây cháy.

Nguồn: tuoitre.vn

Vé bình dân, một mình một máy bay, được phục vụ như khách VIP

Vé bình dân, một mình một máy bay, được phục vụ như khách VIP

Dù chỉ mua vé thường nhưng một nhà văn Mỹ lại được đối đãi như khách VIP và trở thành hành khách duy nhất trên một chuyến bay thương mại của hãng Delta Airlines.


Đoạn video Vincent quay lại trên chuyến bay đặc biệt của mình.

Hành khách may mắn này là Vincent Peone, một nhà văn kiêm đạo diễn phim người Mỹ.

Vincent mua vé máy bay của hãng Delta Airlines để đi từ thành phố Aspen, bang Colorado đến thành phố Salt Lake ở bang Utah (Mỹ). Nhưng khi máy bay cất cánh, nhà văn này phát hiện mình là hành khách duy nhất trên chuyến bay DL3652.

Và Vincent đã quay video chia sẻ khoảnh khắc đáng nhớ của mình trên chuyến bay đặc biệt này và đăng lên mạng xã hội Twitter vào sáng 13/8.

Đoạn video bắt đầu với cảnh Vincent đi qua cổng soát vé và được thông báo rằng mình là hành khách duy nhất trên chuyến bay.

“Hành khách duy nhất của chuyến bay vui lòng lên máy bay lúc này”, nhân viên ở cổng đón khách của hãng Delta thông báo.

Vincent được các thành viên phi hành đoàn tận tình đưa lên tận máy bay. Khi Vincent đi bộ từ nhà ga đến máy bay, anh hỏi một nữ tiếp viên hàng không rằng đã từng thấy một chuyến bay chỉ với một hành khách chưa. “Có, tôi từng thấy”, nữ tiếp viên này trả lời.

Vé bình dân, một mình một máy bay, được phục vụ như khách VIP

Vincent Peone (Ảnh: Twitter)

Khi bước lên bậc thang dẫn tới cửa máy bay, Vincent thấy các nhân viên dường như đang chuyển những bao cát lên hầm chứa hàng của máy bay. “Chúng tôi tăng thêm trọng lượng cho máy bay vì không có người”, các nhân viên giải thích cho Vincent về việc này.

Vì Vincent đi trên chuyến bay thương mại mà tất cả các chuyến bay thương mại đều phải tuân theo một số quy trình nhất định. Do vậy, dù chỉ có một hành khách nhưng các tiếp viên hàng không vẫn phải thực hiện các bài thuyết trình chào mừng và an toàn thông thường

Tuy nhiên, thông báo chào đón hành khách đã được sửa đổi trong chuyến bay đặc biệt này.

“Chào buổi tối, Vincent. Chào mừng quý khách đến với chuyến bay”, nữ tiếp viên hàng không nói. (dường như nữ tiếp viên này có chút nhầm lẫn vì thực tế chuyến bay này khởi hành vào buổi sáng).

“Chúng tôi hân hạnh khi được phục vụ quý khách ngày hôm nay. Để đảm bảo chuyến bay khởi hành đúng giờ, xin vui lòng ở lại chỗ ngồi được chỉ định của quý khách”, nữ tiếp viên nói thêm.

Lúc này, Vincent đã hướng ống kính máy quay về phía chỗ ngồi của mình, dường như đó là chiếc ghế hạng nhất.

Vincent đã kết thúc video bằng cách ghé thăm buồng lái, gặp gỡ các phi công, bắt tay và cảm ơn họ.

Có thể thấy, trong suốt đoạn video, nhà văn này tỏ ra rất vui sướng vì đã có những giây phút trải nghiệm tuyệt vời trên chuyến bay như chuyên cơ riêng.

Nhiều người cho rằng hãng hàng không sẽ tự động hủy chuyến nếu chỉ có một hành khách. Nhưng thực tế, những chuyến bay như vậy đã được sắp sẵn theo lịch trình để hãng hàng không có thể đưa máy bay và phi hành đoàn tới điểm đến, nhằm khai thác cho những chuyến bay sau. Vì vậy, các chuyến bay kiểu này vẫn sẽ được tiến hành theo lịch trình.

Hơn nữa, việc hủy bỏ một chuyến bay sẽ gây ra một loạt các thách thức hậu cần phức tạp vì hãng hàng không sẽ phải tìm cách xử lý các chuyến bay sau mà không có thiết bị hoặc nhân viên theo đúng kế hoạch.

Nguồn: vietnamnet.vn

Nam tiếp viên hàng không được khen ngợi vì dỗ trẻ giúp khách

Nam tiếp viên hàng không được khen ngợi vì dỗ trẻ giúp khách

Khi chứng kiến tiếp viên giúp một người mẹ trông bé gào khóc, hành khách có mặt trên chuyến bay nội địa Mỹ gọi đó là khoảnh khắc “đắt giá”.

“Tiếp viên trên chuyến bay của Frontier Airlines từ thành phố Tyler đến Denver đã giúp một bà mẹ dỗ dành em bé đang gào khóc, quả là khoảnh khắc đắt giá! Đây là một câu chuyện tử tế chúng ta cần có hôm nay”, Jamie Applegate Hunter, một hành khách trên chuyến bay, chia sẻ.

Bài đăng của Jamie thu hút gần 5.000 lượt thích, 1.300 lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận. Người dùng mạng xã hội cho rằng thế giới cần nhiều tiếp viên hàng không như chàng trai trên. Thậm chí, không ít người tò mò tiếp viên điển trai này còn độc thân hay không.

Thấy hình ảnh của mình đăng trên mạng, Joel O Paris Castro, tiếp viên hàng không của Frontier Airlines, đã chia sẻ lại kèm lời mô tả: Đó là một trong những kỷ niệm đáng yêu trên chuyến bay từ đầu tháng 8.

Ảnh: Jamie Applegate Hunter.

“Những ngày như vậy khiến tiếp viên hàng không trở thành một công việc đáng quý nhất trên đời. Cô bé rất kháu khỉnh, cháu chỉ muốn khám phá máy bay thôi mà!”, Joel cho hay. Ảnh: Jamie Applegate Hunter.

Anh tiết lộ mình luôn cố gắng để mọi hành khách đều cảm thấy an toàn và vui vẻ. “Em bé có vẻ hào hứng khám phá xung quanh trong khi mẹ của bé khá mệt mỏi và cần nghỉ ngơi một chút. Vì vậy tôi đón cháu từ tay mẹ và dỗ dành. Tôi nghĩ luôn cần nhiều người chung tay để nuôi nấng bọn trẻ. Tôi cá là mẹ mình đã có thể nghỉ ngơi đôi chút khi tôi trưởng thành”, Joel nói. Anh bật mí mình còn độc thân.

Đại diện hãng hàng không Mỹ khen ngợi Joel vì hành động quan tâm của anh dành cho hành khách, và khẳng định đội ngũ nhân viên luôn nỗ lực để ai cũng có trải nghiệm bay đáng nhớ.

Nguồn: vnexpress.net

Hành khách bị bắt vì nghi đặt máy quay lén trong toilet máy bay

Hành khách bị bắt vì nghi đặt máy quay lén trong toilet máy bay

Nếu bị kết án, người đàn ông đến từ Houston, Mỹ sẽ phải đối mặt với mức phạt một năm tù.

Sự việc xảy ra vào ngày 5/5, trên chuyến bay mang số hiệu 646 từ San Diego tới Houston, Mỹ của hãng United Airlines. Sau khi máy bay cất cánh, một phụ nữ ngồi khoang hạng nhất đi vào phòng vệ sinh. Tại đây, cô nhận thấy một vật lạ có đèn nhấp nháy màu xanh nằm gần khu vực tủ và tường. Nữ hành khách liền dùng khăn giấy tháo món đồ đó ra và đưa cho phi hành đoàn.

Hành khách bị bắt vì nghi đặt máy quay lén trong toilet máy bay

Khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế George Bush ở Houston, phi hành đoàn đã chuyển ngay vật khả nghi màu xanh cho hãng để giám định. Ảnh: ABC News.

Bộ phận an ninh của hãng bay xác nhận vật lạ là một camera. Lúc này, hãng hàng không cùng cảnh sát tìm kẻ đã gắn camera quay lén. Trong đoạn ghi hình trên camera, một người đàn ông đeo đồng hồ tay trái, tay phải đeo một vòng nhỏ, mặc áo sơ mi ngắn tay màu xanh, quần jean xanh gắn thiết bị lên vách tường máy bay. Tuy nhiên, họ không thể nhìn rõ khuôn mặt của người này.

FBI ở San Diego và sở cảnh sát Houston đã xem lại camera giám sát từ các sân bay. Họ xác định được một người đàn ông có nhận dạng giống hình ảnh bên hàng không cung cấp. Nghi phạm là Choon Ping Lee, người Malaysia, cũng ngồi khoang hạng nhất trong chuyến bay 646 của United Airlines hôm đó. Người này bị bắt vào ngày 10/8.

Choon Ping Lee bị buộc tội đặt máy quay lén trên chuyến bay và đơn kiện người này của hãng bay đã được nộp lên tòa án Mỹ. Nếu bị kết luận có tội, Lee sẽ phải đối mặt với án một năm tù.

Nguồn: vnexpress.net

Nơi phi công đợi tàu hỏa chạy qua mới được cất cánh

Nơi phi công đợi tàu hỏa chạy qua mới được cất cánh

Dù không có đường băng xuống dốc hay dựng đứng lên cao, sân bay Gisborne tại New Zealand vẫn là một trong những phi trường nguy hiểm nhất thế giới.

Sân bay Gisborne nhỏ, nằm ở vùng ngoại ô phía tây của thành phố cùng tên, thuộc bờ đông của Đảo Bắc, New Zealand. Với diện tích 160 hecta, sân bay có một đường băng chính cắt tuyến đường sắt Bắc Palmerston – Gisborne. Tuyến đường sắt và sân bay có giờ hoạt động linh hoạt từ 6h30 sáng đến 20h30. Sau đó, đường băng đóng cửa đến sáng hôm sau.

May mắn, cho tới nay chưa từng có sự cố đáng tiếc nào xảy ra tại sân bay Girborne. Ảnh: Hello Travel.

Tới nay chưa từng có sự cố đáng tiếc nào xảy ra tại sân bay Girborne. Ảnh: Hello Travel.

Tại đây, tàu hoặc máy bay thường xuyên phải dừng, đợi phương tiện còn lại đi qua nếu lịch trình trùng nhau. Điều này đồng nghĩa, có những khoảnh khắc đoàn tàu chỉ cách một máy bay đang hạ cánh vài mét. Đó là thử thách với ban quản lý sân bay khi phải điều tiết máy bay theo giờ hoạt động của đoàn tàu.

Sây bay Gisborne là điểm kết nối quan trọng giữa thành phố này với các điểm đến khắp đảo quốc kiwi, với hơn 60 chuyến bay nội địa, đón hơn 150.000 hành khách một năm.

Nơi phi công đợi tàu hỏa chạy qua mới được cất cánh

Đoạn đường tàu như ranh giới chia đường băng thành hai nửa. Ảnh: Daniel Garland.

Năm 2018, chính phủ New Zealand quyết định đầu tư 3,6 triệu USD để tái phát triển sân bay Gisborne. Bước đi này được kỳ vọng mang đến cơ hội mở rộng và phát triển cho các doanh nghiệp địa phương, thu hút thêm du khách đến với thành phố này.

“Tairāwhiti (tên Gisborne trong tiếng Maori) là thành phố cực đông của thế giới, tách biệt với những khu dân cư khác. Do đó sự phát triển của ngành hàng không có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế địa phương”, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Khu vực New Zealand Shane Jones, nhận định.

Sân bay còn có 3 đường băng trồng cỏ dành cho phi cơ hạng nhẹ. Ảnh: Eastland.

Sân bay còn có 3 đường băng trồng cỏ dành cho phi cơ hạng nhẹ. Ảnh: Eastland.

Gisborne là một trong số ít sân bay có đường ray tàu hỏa giao với đường băng. Sân bay Wynyard, trên bờ biển phía tây bắc của bang Tasmania (Australia), cũng có một tuyến đường sắt chạy qua đường băng. Nhưng chính phủ buộc phải đóng cửa tuyến đường sắt này vào đầu năm 2005 vì tàu hỏa không còn là phương tiện phổ biến. Do đó tuyến đường sắt cắt sân bay Wynyard không còn hoạt động.

Nguồn: vnexpress.net

Sân bay không nhiều phi công đủ trình độ hạ cánh ở Bhutan

Sân bay không nhiều phi công đủ trình độ hạ cánh ở Bhutan

Bao quanh bởi những ngọn núi cao, gió mạnh, đường băng ngắn, sân bay Paro thuộc top nguy hiểm nhất thế giới.

Cách thủ đô Thimphu khoảng 54 km, sân bay Paro tọa lạc dưới một thung lũng sâu bên bờ sông Paro Chhu, phía tây Bhutan. Những rặng núi của dãy Himalaya cao tới hơn 5.500 mét bao quanh sân bay, khiến nó trở thành một trong những nơi máy bay khó hạ cánh nhất thế giới.

Sân bay Paro quốc tế duy nhất trong bốn phi trường tại Bhutan. Trước đó, đây cũng là sân bay đầu tiên và duy nhất của vương quốc hạnh phúc tính đến năm 2011. Ảnh: Stocks.

Sân bay Paro quốc tế duy nhất trong bốn phi trường tại Bhutan. Nơi đây có hai tòa nhà, một là tháp kiểm soát không lưu, một là nơi hành khách làm thủ tục và phòng chờ khởi hành. Ảnh: Stocks.

Gió mạnh dưới thung lũng thường xuyên khiến máy bay chao đảo khi tới gần phi trường này. Đường băng ngắn đòi hỏi phi công dày dặn kinh nghiệm và linh hoạt khi điều khiển máy bay. Theo Forbes, đến tháng 11/2018, có 17 phi công được huấn luyện đủ trình độ để thực hiện những màn hạ cánh nghẹt thở tại sân bay Paro. Trước đó, con số này là 8 phi công vào năm 2011.

Máy bay chỉ có thể đến hoặc rời sân bay này vào ban ngày. Do đường băng hoàn toàn khuất tầm mắt của phi công trước khi họ bay chếch một góc 45 độ qua những rặng núi, hạ độ cao nhanh chóng để đáp xuống. Vào thời điểm nhất định, gầm của máy bay gần như sát với những ngôi nhà trên đỉnh núi. Một ngôi nhà mái đỏ trên vách núi là điểm đánh dấu quan trọng để cơ trưởng xác định đường hạ cánh.

Đường băng của sân bay Paro ngắn khác thường. Ảnh: Desmond Boylan/Reuters.

Đường băng của sân bay Paro ngắn hơn các đường băng thông thường (khoảng 3.000 m). Ảnh: Desmond Boylan/Reuters.

Trước đây, đường băng ban đầu dài 1.200 m. Do đó, chính phủ Bhutan đặt ra những tiêu chuẩn đặc biệt về loại máy bay có thể vận hành tại sân bay Paro. Đó phải là máy bay nhỏ 18-20 ghế, với tính cơ động cao, khả năng tăng tốc và nâng độ cao nhanh chóng.

Đến năm 1990, đường băng được kéo dài tới 1.964 m, và gia cố cho phù hợp với tàu bay nặng hơn. Ngày 19/10/2004, chiếc Airbus A319-100 đầu tiên hạ cánh tại sân bay này.

Buddha Air trở thành hãng hàng không quốc tế đầu tiên khai thác đường bay ở sân bay Paro vào tháng 8/2010. Tashi Air, hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Bhutan, ra đời vào tháng 12/2011. Tới năm 2018, sân bay này đón gần 400.000 lượt khách và hơn 6.700 chuyến bay. Một đường băng mới được xây dựng song song với đường cũ, cho phép sân bay xử lý tới 50 chuyến bay mỗi ngày.

Màn hạ cánh của máy bay đến Paro nhìn từ trong buồng lái và từ dưới mặt đất. Video: Tufan Sevincel.

Nguồn: vnexpress.net